Nằm bên dòng sông Cầu thơ mộng, làng gốm Phù Lãng một thời nhộn nhịp trên bến dưới thuyền. Ngày nay về đây, du khách vẫn vô cùng háo hức vì được thấy lại một nét Kinh Bắc xưa qua hoạt động của làng nghề.

Trẻ em đang tìm hiểu cách làm gốm ở Phù Lãng. Huy Xuân

Nguyên sơ đất và lửa

Làng gốm Phù Lãng thuộc xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 60km. Phù Lãng nằm bên bờ sông Cầu và có nhiều bến đò ngang suốt ngày chở khách qua lại. Theo sử sách còn ghi lại, nghề gốm Phù Lãng được hình thành và phát triển ở đây vào khoảng thời Trần, thế kỷ XIV. Hiện nay, tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, một số nhà sưu tập còn lưu giữ và trưng bày một số sản phẩm gốm Phù Lãng có niên đại khoảng thế kỷ 17 – 19. Đó là sản phẩm gốm men nâu và những sắc độ của nó như men da lươn, vàng nhạt, vàng thẫm, vàng nâu…

Bước chân vào làng Phù Lãng, điểm du khách dễ nhận ra nhất là những nét riêng biệt điển hình của một làng gốm. Những ngôi nhà gạch trần, mái ngói nhấp nhô dọc hai bên con đường làng đổ bê tông quanh co, lắt léo. Sản phẩm của nghề gốm được xếp đầy sân nhà, bờ ruộng, dọc các lối đi. Những bức tường rào được xếp từ những chiếc vại, chiếc bình bị nung hỏng, rêu xanh phủ đầy, chen với cỏ mọc tạo thành một vẻ đẹp mộc mạc và độc đáo không phải nơi nào cũng có được.

Trò chuyện với du khách, Nghệ nhân Phạm Văn Thành ở xóm Chùa, thôn Phấn Trung, xã Phù Lãng, cho biết: “Nét đặc trưng nổi bật của gốm Phù Lãng là sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm bong, còn gọi là chạm kép, màu men tự nhiên, bền và lạ; dáng của gốm mộc mạc, thô phác nhưng khỏe khoắn, chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ của đất với lửa, và rất đậm nét của điêu khắc tạo hình”.

Ở Phù Lãng hiện nay có khoảng 30 lò gốm vẫn còn duy trì nghề truyền thống theo kiểu nung thủ công bằng củi. Một lò thường nung được 1.000 sản phẩm và phải đốt lửa liền trong 3 ngày 3 đêm. Vì vậy những sản phẩm đạt tiêu chuẩn phải có màu da lươn vàng óng hay màu cánh gián, khi gõ vào sản phẩm có tiếng vang.

Hành trình khám phá

Gặp chúng tôi trên đường làng là một nhóm học sinh đến từ Trường Tiểu học Đại Kim (Hà Nội), các em được nhà trường tổ chức cho đi tham quan làng gốm Phù Lãng để có thêm nhiều kiến thức về nghề làm gốm thủ công. Cô giáo Nguyễn Thùy Mai cho biết: “Các em rất thích thú khi đến đây vì được tự mình tay mình làm ra một tác phẩm, dù chưa đẹp nhưng chắc chắn sẽ bổ ích hơn rất nhiều nếu chỉ học trên sách vở”.

Sản phẩm gốm mỹ thuật của Phù Lãng hiện nay cũng đã được nhiều doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Italia… đặt hàng với số lượng không hề nhỏ. Đặc biệt mặt hàng gốm trang trí của Phù Lãng rất được khách hàng quốc tế yêu thích bởi nét đặc trưng là sử dụng phương pháp đắp nổi theo hình thức chạm bong, mà người Phù Lãng gọi là chạm kép các đề tài truyền thống- tứ linh, cảnh sinh hoạt và phong cảnh làng quê…

Hiện nay có khá nhiều tour du lịch đưa khách nước ngoài đến với làng gốm Phù Lãng. Anh Peter Anderson – một du khách đến từ Phần Lan cho biết: “Tôi rất thích thú với cách làm gốm thủ công ở Phủ Lãng, hiện nay nhiều sản phẩm gốm được làm công nghiệp, nhưng cách làm như ở đây vẫn giữ được những kỹ thuật nguyên gốc từ vài trăm năm trước”.

Sau khi thăm Phù Lãng, các hướng dẫn viên sẽ dẫn khách đến một ngôi chùa vô cùng nổi tiếng là chùa Bút Tháp ở huyện Thuận Thành gần đó, chiêm ngưỡng ngôi chùa và thưởng thức cơm trưa. Nhiều du khách thích thú thưởng thức các đặc sản địa phương như bánh đúc ăn với tương Đình Tổ, bánh gio, cháo thái…

Tương truyền ông tổ nghề gốm Phù Lãng là Lưu Phong Tú. Vào cuối thời Lý, được triều đình cử đi sứ sang Trung Quốc, ông học nghề làm gốm và truyền dạy cho người trong nước.