Để thay đổi hoàn cảnh, thay đổi vận mệnh, người xưa có rất nhiều phương pháp như hành thiện tích đức, tu tâm sửa tính, bỏ ác theo thiện… Ngoài ra, thông qua sức mạnh của âm nhạc, người xưa cũng có thể cải biến hoàn cảnh, thay đổi cuộc đời. 

Nghe loại nhạc

Trong cuốn tiểu thuyết lịch sử “Đông Chu liệt quốc chí” có nhiều chi tiết thú vị về âm nhạc. Mặc dù đây chỉ là tiểu thuyết, nhưng nó là một minh họa đầy sức sống cho sức mạnh vô biên của âm nhạc cổ đại.

Chuyện kể rằng Quản Trọng và Tề Công Tử Củ bị Lỗ Trang Công bắt. Công Tử Củ bị giết chết, tính mạng của Quản Trọng cũng rơi vào nguy hiểm. Trước tình cảnh ấy, người bạn thân thiết của Quản Trọng là Bào Thúc Nha đã nghĩ cách cứu ông về nước Tề.

Bào Thúc Nha đã tìm cách để Lỗ Trang Công cho xe chở tù nhân áp giải Quản Trọng về nước Tề. Quản Trọng ngồi trong xe hiểu được kế sách của Bào Thúc Nha. Để tránh việc Lỗ Trang Công nuốt lời mà phái quân binh đuổi giết mình, Quản Trọng đã sáng tác ca khúc nhằm kích thích tinh thần của người lái xe, để đánh xe đi nhanh hơn, không mệt mỏi.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi, Quản Trọng đã vận dụng tài năng âm nhạc của mình sáng tác ca khúc “Hoàng hộc ca” rồi hát cho người đánh xe nghe.

Quản Trọng hát: “Thiên ngận cao vi hà loan khúc trứ yêu? Địa ngận hậu vi hà bất cảm mại bộ? Hoàng hộc hoàng hộc, thiên sinh nhữ dực hề năng phi, thiên sinh nhữ túc hề năng trục, tao thử võng la hề thùy dữ thục?…” (Tạm dịch: Trời rất cao vì sao phải uốn lưng, đất rất dày vì sao không dám cất bước? Hoàng hộc, Hoàng hộc, Trời sinh đôi cánh có thể bay, trời sinh đôi chân có thể chạy, gặp phải lưới này ai vì ta chuộc tội…)

Hoàng hộc là một loài chim bay cao, chỉ người có chí khí rộng lớn. Lời ca trong bài hát đẹp đẽ, làn điệu êm tai mà lại ngân vang trong trẻo, khơi gợi tinh thần hứng khởi của người nghe. Người đánh xe và những người đi theo nghe bài hát ấy đều cảm thấy phấn chấn, nên vừa đi vừa học theo. Họ càng hát thì lại càng thấy cao hứng, kết quả là quên hết mệt nhọc, đánh xe chạy như bay.

Lỗ Trang Công về sau quả nhiên đã phái quân binh đuổi giết. Nhưng lúc ấy Quản Trọng và mọi người đã ra khỏi nước Lỗ, an toàn về đến nước Tề. Có thể thấy, chính âm nhạc đã góp phần cứu mạng của Quản Trọng, biến tình thế nguy cấp thành bình an.

Quản Trọng không chỉ vận dụng âm nhạc để cứu mình mà còn dùng âm nhạc để khích lệ sĩ khí. Trong “Đông Chu liệt quốc chí” kể rằng sau khi Quản Trọng làm tướng nước Tề, năm 662 TCN, từ thỉnh cầu của nước Yến, ông đã theo Tề Hoàn Công chinh phạt nước Sơn Nhung. Bởi bấy giờ, nước Sơn Nhung thường xuyên quấy phá các nước chư hầu xung quanh.

Khi đội quân tiến vào lãnh thổ nước Cô Trúc, nước láng giềng với nước Sơn Nhung, thì gặp địa hình vô cùng hiểm trở, phần lớn đều là vách đá cao dựng đứng, cỏ cây mọc um tùm chằng chịt khiến đội quân khó có thể vượt qua được, quân lính cũng sợ hãi.

Quản Trọng đã hạ lệnh cho quân lính đào núi mở đường. Mệnh lệnh này của Quản Trọng khiến cho tướng sỹ than phiền oán trách, tinh thần sa sút. Để khích lễ sĩ khí, Quản Trọng đã sáng tác hai ca khúc.

Một ca khúc có tên “Thượng sơn ca” và một ca khúc có tên “Hạ sơn ca” rồi dạy các tướng sỹ cùng hát. Các tướng sỹ vừa làm vừa cùng nhau hát vang hai ca khúc tới thuộc lòng, khiến tinh thần hứng khởi lên. Điều này làm cho tiến độ mở đường được nhanh hơn. Nhờ đó đội quân nhanh chóng vượt qua hiểm cảnh.

Chứng kiến sự tình này, Tề Hoàn Công như được mở rộng tầm mắt. Ông nói: “Quả nhân hôm nay mới biết được ca hát có thể làm cho khí lực trở nên lớn mạnh như vậy. Vì sao ca hát có sức mạnh lớn như vậy?”

Quản Trọng cho rằng: “Thể lực của con người tiêu hao thì sẽ khiến tinh thần uể oải mệt nhọc, mà tinh thần phấn chấn vui sướng thì sẽ khiến con người quên đi mệt nhọc”.

Một tinh thần vui vẻ, sung sướng sẽ có thể khiến con người phát ra sức mạnh vượt qua được khó khăn hoạn nạn. Đây chính là ảnh hưởng của âm nhạc đối với tinh thần con người. Điều này đã được rất nhiều nhạc gia cũng như các bậc đế vương thời xưa vận dụng vào cuộc sống để khích lệ con người trong công việc, binh chinh thiên hạ, hay để giáo hóa đạo đức thế nhân.