Tâm thái tốt, chính là mở rộng tấm lòng ra, khoan dung hơn, độ lượng hơn. Gặp bất kể chuyện gì cũng không so đo tính toán, cũng không so sánh vô nghĩa, càng không chỉ nhìn vào khuyết điểm của người khác mãi không buông.

Thái độ đối đãi hoàn cảnh sống

Có lần khi đang đứng đợi xe, tôi vô tình nghe được cuộc trò chuyện của hai bác gái trung tuổi.

Một bác nói: “Quan hệ giữa tôi và con dâu khá hoà hợp. Bữa cơm nào hợp khẩu vị thì nó sẽ ăn nhiều, còn nếu không nó sẽ ăn ít đi, tuy nhiên rất ít khi kêu ca trước mặt tôi”.

Bác còn lại thì nói: “Con dâu tôi thì không được khéo léo như vậy. Hàng ngày tôi vừa chăm cháu, vừa dọn dẹp nhà cửa, ấy thế mà nó cũng chẳng mấy tôn trọng tôi, coi tôi như bảo mẫu không lương. Nhưng thôi, bậc làm cha mẹ, tôi cũng chẳng chấp nó làm gì. Xét cho cùng nhà cửa hoà thuận đã là phúc đức lắm rồi. Tuổi trẻ khó giữ được bình tĩnh, nếu tâm tình nó không thoải mái, thì nói vài câu cũng chẳng chết ai. Đợi tới khi nó ở độ tuổi của chúng ta, có lẽ mới đủ hiểu nỗi khổ tâm của người làm mẹ”.

Khoảnh khắc ấy, trong lòng tôi bỗng trào lên nỗi xúc động khó tả. Tôi cảm thấy cả hai bác gái này đều rất đáng khâm phục. Thực ra, trong cuộc sống, ai chẳng có lúc gặp chuyện phiền não, dù lớn dù nhỏ; có cái dễ dàng vượt qua, có cái bế tắc không thể giải quyết thông suốt. Khác biệt ở cách đối đãi của chúng ta. Có người chọn né tránh, có người chọn so đo tính toán, tranh chấp hơn thua, có người như đứng giữa ngã ba đường phân vân mãi chẳng biết rẽ lối nào, hoặc nghe lời người khác mà không có chính kiến,… Tôi chợt nghĩ, nếu ai cũng có thể như hai bác gái kia, luôn giữ tâm thái bao dung và bình thản, bỏ qua những mâu thuẫn, vui vẻ trước những bất công, thì các mâu thuẫn sẽ từ to hoá nhỏ, từ nhỏ hoá không, đâu còn là vấn đề nữa.

Không ai có quyền lựa chọn hoàn cảnh và số phận đời người, nhưng ta lại có quyền lựa chọn thái độ sống. Một thái độ tích cực sẽ xây dựng một cuộc đời tích cực và tươi sáng. Còn nếu việc gì cũng thích hơn thua, tranh đấu, thì cả một đời ngược xuôi, mãi vẫn không tìm được bến đỗ bình yên cho chính mình, thế thì “cái được chẳng bõ cho cái mất”.

Hoá ra không phải chỉ những người đơn thuần, vô lo vô nghĩ mới có tâm thái thoải mái; chính những người sâu sắc, am hiểu nhân sinh, biết hướng tới những điều tốt đẹp với tâm thái kiên định… mới là người có cuộc sống tích cực vững vàng nhất.

So sánh có thể khiến bạn tốt hơn, nếu…

Cuối năm ngoái, cô bạn tôi được lương thưởng rất cao, khi biết tin, tôi rất vui vẻ chúc mừng cô ấy, nhưng lại thấy cô không những không vui, mà còn có vẻ sầu não.

Tôi hỏi thăm nguyên nhân, thì cô ấy tâm sự rằng: có vài đồng nghiệp trong bộ phận của cô là con ông cháu cha, công việc chẳng mấy đụng tay vào, hầu hết đều dồn lại cho cô xử lý, nhưng đãi ngộ thì cuối năm đều giống nhau, điều này khiến cô thấy chán nản và bất bình.

Tôi an ủi cô và thử phân tích, nếu khối lượng công việc ấy mức lương thưởng của cô không đổi, nhưng các đồng nghiệp khác đều không nhận được sự đối xử đặc biệt, thì cô sẽ thấy khá hơn chứ?

Cô ấy nghĩ và gật đầu. Thậm chí với mức lương thưởng đó, so với năm trước nữa là đã tăng gấp đôi, vị trí bộ phận của cô cũng đang được cất nhắc. Nếu không có vấn đề đồng nghiệp kia, cô sẽ rất thoả mãn và hài lòng với chính mình.

Tôi lại nói, vậy sự khác biệt duy nhất nằm ở những nhân tố mà cô không quyết định được, thực ra cũng không trực tiếp liên quan đến cô. Vậy sao cô phải không ngừng so sánh bản thân với người khác, để rồi tự chuốc lấy phiền não. Mọi sự so sánh đều là khập khiễng.

Có đôi khi, không phải cuộc sống của bạn tồi tệ, mà vì bạn so sánh mình với một người khác sống tốt hơn, khiến bạn cảm thấy mình chưa đủ tốt.

Có đôi khi, không phải bạn phải chịu quá nhiều áp lực, mà vì người ta sống thoải mái hơn bạn, khiến bạn tự làm mình thấy bí bách.

Bạn bỏ qua cái hiện thực, quên mất hưởng thụ cái mình đang có, mà cứ nhìn vào những thứ vô nghĩa: lấy tiêu chuẩn cuộc sống người khác mà áp đặt vào mình, mơ ước về một “thế giới không có thực”. Đó được gọi là “sống cho người khác”.

Mà sao không phải là “sống cho chính mình”?  chẳng phải bạn vẫn luôn quan niệm: “YOLO – You only live once, đời này bạn chỉ sống một lần thôi”?

Bạn có biết chăng? Bạn có thể sống tốt hơn nếu dùng phép so sánh ấy, nhưng là so sánh với chính mình, mình đã tốt hơn chưa, so với mình của những năm trước, của tháng trước, của tuần trước, của hôm qua, và thậm chí với mình của mấy phút mới xong?

Hạnh phúc thực sự của riêng bạn, khi được xây dựng từ những gì bạn có. Nhìn vào nội tâm, có lẽ bạn sẽ tìm được nhiều giá trị hơn bạn nghĩ!

‘Chấp nhận’ đối phương và ‘thay đổi’ chính mình

Có một nghịch lý mà tôi luôn thấy ở số đông: Người ta thường trông chờ vào sự thay đổi của người khác, và dễ dàng chấp nhận những điểm “chưa tốt” của mình.

Nhưng việc làm đúng đắn, thực ra phải là: Biết chấp nhận và cảm thông cho đối phương, nhưng tự nhìn lại mình để thay đổi trở nên tốt hơn.

Quan điểm sống này làm tôi nhớ đến hai người bạn thân của mình. Một cô bạn hoa khôi và một cô bạn nhan sắc bình thường.

Cô bạn hoa khôi do có nhiều sự lựa chọn, đã lấy được một người chồng hiếm có khó tìm từ ngoại hình, gia cảnh, tính tình… Nhưng anh ta có một tật xấu duy nhất, đó là hay nhậu nhẹt. Thói quen này xuất phát từ đặc thù công việc và vòng kết giao bạn bè của người chồng. Từ khi còn là người yêu, cô ấy bắt anh ta hứa bỏ rượu sau khi kết hôn; chàng trai hứa sẽ cố gắng. Hai năm sau đám cưới, tôi nhận được cuộc điện thoại của cô. Trong tiếng khóc nức nở, cô nói với tôi rằng không thể chịu đựng nổi thói quen nhậu nhẹt vô tổ chức của anh ấy, và đã đệ đơn li hôn.

Cô bạn thân còn lại kia, cả tuổi thanh xuân chỉ có một lựa chọn, rồi cuối cùng cả hai cũng đi đến đám cưới. Anh chồng của cô ấy thực ra cũng không có gì đặc biệt, thậm chí anh có khá nhiều điểm xấu khiến cô không hài lòng, đặc biệt là tính bừa bộn, chưa kể đến khoản rượu chè thuốc lá. Anh ấy vốn từ đầu không phải người tài giỏi nổi bật và lương cũng chỉ đủ nuôi sống hai vợ chồng cùng đứa con nhỏ. Vậy mà đến giờ tôi vẫn thấy họ hạnh phúc, dù cũng có lúc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.

Chúng tôi hẹn gặp nhau, sau ngày lá đơn ly dị của cô bạn hoa khôi được toà chấp thuận. Hai người đã lập gia đình thường có nhiều điểm chung, và họ nói với nhau rất nhiều.

Cô bạn hoa khôi nói rằng cô thấy rất thất vọng về chồng mình. Cô nghĩ rằng anh không đủ yêu cô, nếu không tại sao không thể thay đổi chỉ một việc như vậy. Nhậu nhẹt là xấu và thay đổi là điều anh ấy nên làm còn gì? Cô ngược lại không nhận ra rằng mình thường cũng thích đi chơi với bạn bè, ít khi nấu cơm ở nhà, ít khi hỏi thăm chồng công việc ra sao, cũng luôn đứng ở vị thế “người được yêu nhiều hơn” mà hay trách móc chồng khi gặp mâu thuẫn dù rất nhỏ.

Cô bạn còn lại thì tỏ ra rất ngạc nhiên, vì lí do hai người li hôn quả thực so với cuộc sống của cô, thì nó không đáng được nhắc tới. Nhưng cô cũng nói rằng, cô cảm thấy mình may mắn vì đã lấy người chồng này. Vào lần cãi nhau đầu tiên giữa hai vợ chồng, anh ấy đã nói với cô rằng, họ đã lựa chọn chung sống với nhau cả đời, thì nên học cách chấp nhận người kia, cả về ưu điểm và nhược điểm. Và thêm nữa, cả hai sẽ cùng học cách tự giác, tức là ít nhìn vào tính xấu của đối phương, và chăm chỉ tự giác sửa chữa lỗi lầm của bản thân. Anh chồng còn nói, nếu cô ấy cảm thấy việc đó rất khó, thì anh ấy sẽ thử làm gương, và cô thử quan sát xem sao. Và rồi điều đó trở thành kim chỉ nam cho suốt những năm chung sống sau này của họ. Thực ra, cô tâm sự rằng, con người rất khó thay đổi, hai vợ chồng cô cũng thế. Sau năm năm, tính cách của hai người thực chất không có gì khác biệt mấy, chỉ vì họ luôn ý thức được cái chưa tốt của bản thân, mà tự thấy cảm thông và trân trọng người kia hơn.

Tôi bỗng cảm thán: Hoá ra gìn giữ hạnh phúc gia đình lại đơn giản như vậy!

‘Tốt gỗ hơn tốt nước sơn’

Một độc giả kể với tôi, chồng cô ấy có rất nhiều khuyết điểm. Anh ấy không cầu tiến. Làm việc ở một đơn vị hơn chục năm rồi, cũng không phạm phải lỗi gì lớn, vậy mà đến tận bây giờ anh ấy vẫn chỉ là công nhân quèn; hay là, ngày ngày rượu chè thuốc lá, gần như chẳng bỏ bữa nào; thêm vào đó, tính cách còn nóng nảy, đối với con cái chẳng có chút nhẫn nại, vợ chồng suốt ngày cãi vã.

Cô ấy đã nghĩ rất nhiều biện pháp, những lời cần nói đã nói rồi, giận dỗi cũng đã làm rồi, vậy mà chồng cô vẫn không tiếp thu, tính cách vẫn không hề thay đổi.

Tôi hỏi cô ấy, thế chị tính làm thế nào?

Cô ấy cười và nói, nếu như anh ấy thật sự không thay đổi, vậy tôi cũng chẳng kêu ca phàn nàn thêm nữa, dù sao cũng là vợ chồng mấy chục năm, chẳng thể vì chút chuyện này mà ly hôn được.

Tôi nghĩ, câu chuyện mà cô ấy kể cũng là chuyện mà biết bao nhiêu người cũng từng trải qua trong hôn nhân. Người bạn đời của bạn có thể có nhiều khuyết điểm, bạn rất muốn anh ấy sẽ vì bạn mà thay đổi dù chỉ một chút. Nhưng đến cuối cùng bạn lại phát hiện ra, người bạn chọn là anh ấy, cũng đồng nghĩa với việc bạn bằng lòng chấp nhận và bao dung với tất cả mọi nhược điểm của anh ấy.

Có vị Đại sư giảng rằng: “Đời người không ai có quá ba ngày liên tiếp được như ý”

Sống trên thế gian này, nếu theo Phật gia giảng, thì “đời là bể khổ”, chuyện vui vẻ thì ít, mà sự thống khổ thì nhiều.

Khi được hỏi, có nhiều người nói với tôi rằng, họ sẽ hạnh phúc và vui vẻ khi họ đạt được điều họ muốn, thông thường liên quan tới sức khoẻ, tiền tài, của cải, danh vọng, hoặc tình thân quyến,… Nhưng đợi tới khi một số người trong đó thực sự đạt được điều ấy, họ lại than thở rằng họ vẫn chưa mãn nguyện. Cái tôi buồn cười ở đây là, một số ít người khác, lại trả lời rằng họ không thường xuyên nghĩ tới cái họ cần, thậm chí dường như chẳng mấy khi cầu mong thứ gì, cuộc sống có thế nào thì trải nghiệm thế ấy, nhưng họ lại thấy thoả mãn, và nhìn chung thì cuộc đời họ ít khi buồn phiền.

Dĩ nhiên, tôi không cổ xuý cho lối sống “thiếu mục đích” và “thiếu cầu tiến”, tuy nhiên nhiều lúc không phải ta cứ luôn nghĩ về mục đích và sự thăng tiến thì sẽ khiến mình đạt được chúng. Cái tôi muốn bàn ở đây, là sự khác nhau về tâm thái đối đãi với cuộc đời mình.

Gieo hạt giống nào cho tâm hồn?

Có câu rằng: “đời người tám, chín phần là những chuyện không như ý.”

Bạn gìn giữ sự vui vẻ, thì vui vẻ sẽ luôn ở bên bạn.

Bạn nuôi trồng sự bao dung, thiện lương, sự lạc quan sẽ bồi dưỡng tâm hồn bạn.

Bạn ỷ vào sự cáu giận và tức tối, chúng cũng sẽ lèo lái tâm trí bạn.

Trong cùng một hoàn cảnh, cùng một điều kiện sống, thì thái độ của bạn là thứ quyết định chất lượng của chúng là tốt hay xấu (hay có thể là trung bình).

Và dù sao thì, ngay từ đầu, chúng ta đều có quyền lựa chọn “hạt giống tâm hồn” nào sẽ gieo vào số phận của mình. Thế nên, hãy chọn cho mình những hạt giống tốt, để cuộc sống của bạn cũng như vậy, ra hoa kết trái ngọt lành.

Con người sống trên thế gian, ai cũng có vô số những chuyện phiền não, thống khổ hay không như ý muốn. Có nhiều khi, chúng ta lầm tưởng rằng, kiếm được thật nhiều tiền, có được thật nhiều của cải vật chất, hoặc là đạt được càng nhiều thứ mình muốn… thì sẽ càng vui vẻ, hạnh phúc.

Tuy nhiên, vui vẻ kỳ thực là một loại tâm thái.

Có những người, ngay cả khi mọi việc đều suôn sẻ thuận lợi, nhưng cả ngày vẫn không ngừng oán trách, bất mãn kêu than. Trái lại có những người, tuy rằng cuộc sống khó khăn vất vả, nhưng vẫn hạnh phúc, mãn nguyện, lạc quan, yêu đời.

Tâm thái tốt, chính là mở rộng tấm lòng ra, khoan dung hơn, độ lượng hơn. Gặp bất kể chuyện gì cũng không so đo tính toán, cũng không so sánh vô nghĩa, càng không chỉ nhìn vào khuyết điểm của người khác mãi không buông.

Lòng người cũng giống như con đường, càng so đo, con đường càng thu hẹp; càng rộng lượng, con đường càng rộng mở.

Khi bạn dùng lạc quan, tích cực và tâm hồn cởi mở đi thiện đãi cuộc sống, bạn sẽ nhận ra, cuộc sống này thật tươi đẹp biết bao.

Quỳnh Thu Hoàng Hoa 

Theo Aboluowang