Khảo quan thi Hương gồm có ban Giám sát trông coi trật tự trường thi và ban Giám khảo phụ trách việc chấm thi ; khảo quan chấm thi lại chia ra Nội trường (chấm trước) và Ngoại trường. Thi Hội cũng chia ra ban Giám sát và ban Giám khảo nhưng Nội trường, Ngoại trường có khi đổi gọi là Nội liêm và Ngoại liêm. Thành phần khảo quan nhiều hay ít tùy sĩ số.

Khảo quan thời Trần, Hồ không tra cứu được. Thời Hậu Lê, đặc biệt nhờ văn bia Tiến sĩ, ta có tương đối đầy đủ chi tiết chính xác nhưng so với thời Nguyễn thì không tường tận bằng. Danh chức khảo quan cũng thay đổi tùy thời, thí dụ :

Ðề điệu thời Lê là Chánh khảo, thường là quan văn (1592) nhưng cũng có khi là quan võ (1664), sang thời Nguyễn Ðề điệu lại thường là võ quan phụ trách việc Giám sát trật tự trường thi.

Giám thí là tên gọi thời Lê, sang thời Nguyễn gọi là Phó Chủ khảo.

Quan chấm trường khoa 1442 chỉ thấy ghi có Ðộc quyển, khoa 1619 có Tri Cống cử ; sang thời Nguyễn có cả hai.

Vì thi Ðình được coi như là khoa cuối của thi Hội cho nên nhiều khi sách sử ghi là khảo quan “thi Hội” mà lại trỏ khảo quan “thi Ðình”, nếu không chua rõ thì rất khó phân biệt.

I – KHẢO QUAN THỜI HẬU LÊ

1442 – Ðây là khoa đầu tiên được khắc lên văn bia. Xin lược trích :
“Năm Nhâm Tuất (1442) mở rộng Xuân vi. Có 450 người ứng thi, qua bốn kỳ, 33 người trúng cách. Vua sai chọn ngày cho vào đối sách ở sân rồng.

Lúc ấy các bề tôi là :

Ðề điệu : Thự Tả Bộc Xạ Lê văn Linh

Giám thí : Thị Ngự Sử tại Ngự Sử Ðài Triệu Thái

Tuần xước / sát (dẫn đầu một đội quân vũ trang, voi ngựa đi tuần quanh trường thi để canh phòng)

Di phong (ghi ký hiệu quyển thi, rọc phách, niêm phong hòm đựng quyển)

Thu quyển

Ðằng lục (sao chép lại quyển văn của thí sinh, cũng gọi là “ông Nghè bút thiếp”)

Ðối độc có hai người : một người đọc, một người soát lại (đối chiếu quyển của Ðằng lục sao chép cho đúng với quyển văn của thí sinh trước khi đưa cho quan trường chấm).

Ngày mồng 2 tháng 2 vua ngự điện Hội-anh thân ra đề sách vấn. Hôm sau các quan Ðộc quyển là các bề tôi :

Nguyễn Trãi, Hàn lâm viện, Thừa Chỉ Học Sĩ kiêm Trung Thư Quốc sử sự

Nguyễn Mộng Tuân, Trung Thư Sảnh, Trung Thư Thị Lang

Trần Thuấn Du, Nội Mật Viện Tri viện sự

Nguyễn Tử Tấn, Quốc tử giám Bác sĩ

đem quyển dâng đọc rồi đệ lên vua xét định thứ bậc cao thấp”.

(Dòng đầu cho biết có bốn kỳ thi thì rõ ràng là thi Hội, câu sau nói “Vuasai chọn ngày cho vào đối sách ở sân rồng” là trỏ thi Ðình ở điện Hội-anh, ngày 2 tháng 2).

1463 – Ðề điệu : Nguyễn Lỗi, Kiểm Hiệu Tri Ðồ Bình Chương Sự và

Lê Niệm, Ðô Ðốc Ðồng Bình Chương Sự Tri Ðông đạo chư Vệ quân, (Tri) Quốc tử giám.

1499 – Sắc dụ : Nước ta đặt phép thi cử bắt chước thời xưa, tới nay quy chế vẫn rất kỹ và đủ, nhưng vì phép đặt lâu ngày, mối tệ dần sinh đến nỗi kẻ thường tài được lạm tuyển, người thực học bị bỏ rơi (…). Nay ta nối giữ nghiệp lớn, nêu rõ đạo công, muốn lựa chọn được nhiều người hiền, cần phải nghiêm mật để ý việc phòng gian. Phép cấm không nghiêm thì không trừ được thói gian dối, chọn lọc không tinh thì không lấy được người thực tài : Những Tuần xước các khu mỗi ngày thay một lần. Khảo quan cho được “Thân tỵ” (có con em đi thi cùng trường phải xin tránh để khỏi bị ngờ vực tư túi).

– THỜI MẠC chỉ có hai khoa 1529 và 1532, thể lệ như nhà Lê.

1529 – Ðề điệu : Mạc Kim Tiêu, Thái Bảo Diễm Quốc Công và Mạc Ninh Chỉ, Binh bộ Thượng thư Khánh Khê Hầu.

– LÊ TRUNG HƯNG

1595 – Thi Tiến-sĩ, Chúa Trịnh làm Ðề điệu, lấy 6 người hợp cách (đỗ thi Hội).

1619 – Ðề điệu : Trịnh Sâm, Tả Ðô Ðốc Lễ Quận Công.

Giám thí : Nguyễn Danh Thê, Ngự Sử Ðàì Ðô Ngự Sử Thoại Dương Bá

Phạm Hồng Nho, Hộ bộ Tả Thị Lang, Lương Xuyên Bá.

Tri Cống Cử : Nguyễn Thực, Hình bộ Thượng Thư kiêm Ðông Các Học Sĩ, Phương Lan Hầu.

1676 – 1 Ðề điệu, 1 Tri Cống cử, 2 Giám thí.

1685 – 2 Ðề điệu, 1 Tri Cống cử, 2 Giám thí

1724 – Ðề điệu : Trịnh Khuê, Tiền Trung Uy đội Phó tướng Thiếu Bảo Vinh Quận Công.

Tri Cống Cử : Trịnh Công Giai, Bồi tụng, Hình bộ Thượng Thư kiêm Quốc tử giám Tế tửu Vi Quận Công.

Giám thí : Tạ Ðặng Huân, Lễ bộ Hữu Thị Lang, Phượng Sơn Bá

Nguyễn Ðình Hoàn, Bồi tụng, Binh bộ Hữu Thị Lang, Ấn Hải Hầu

Hồ Phi Tích, Bồi tụng, Lại bộ Tả Thị Lang nhập thị Kính Diên, Quỳnh Quận Công.

1763 – Ðề điệu : Trịnh Kiều, Phó tướng Trung Kính quân doanh Ðô Ðốc Thiêm Sự Thự phủ sự, Khanh Quận Công

Tri Cống Cử : Trần Huy Mật, Nhập thị Bồi tụng, Hình bộ Thượng Thư Hành Ngự Sử Ðài Ðô Ngự Sử, Bái Xuyên Hầu.

Giám thí : Lê Trọng Thứ, Nhập thị Tả Chính Ngôn, Hộ bộ Hữu thị Lang, Trí sĩ khởi phục, Diên Phượng Bá.

* KHẢO QUAN KHOA 1664 – Theo Phan Huy Chú, Khoa Mục Chí.

Trước 5 ngày, Lễ bộ tâu xin giao cho triều thần cử các chức Thượng thư, Thị lang, Ðô Ngự sử để vua chọn các chức Ðề điệu, Tri cống cử và Giám thí :

1 Ðề điệu, dùng đại thần ban võ

1 Tri cống cử, dùng chức Thượng thư hoặc Ðô Ngự sử đài

2 Giám thí, dùng chức Thị lang hay Phó Thiêm đô.

Các Ðề điệu, Tri cống cử, Giám thí công việc trường thi việc gì cũng phải biết. Trước 1 ngày, phải vào trường để sắp đặt mọi chuyện.

Quan Tổng cán thì dùng 1 quan võ, 1 quan văn, trông nom tất cả công việc trường thi.

Các Giám khảo, Giám thí, Tuần xước, Di phong, Soạn hiệu (biên số hiệu trên quyển thi trước khi rọc phách), Ðằng lục, chọn trong các quan Ðông các, Hàn lâm viện, lục tự, lục khoa, Giám sát ngự sử, Trung thư đãi chiếu, người nào ngay thẳng, sáng suốt, tháo vát.

1 viên Ðiển văn hành, dùng chức Thượng thư, Thị lang, Ðông các

2 Giám khảo

8 Tuần xước

12/15 Ðồng khảo

8/10 Phúc khảo.

Ấn quyển hàng Thượng bảo tự khanh, lĩnh ấn ngự bảo đóng vào quyển thi và niêm phong quyển (1).

Các viên Thu quyển, Di phong, Soạn hiệu, Ðằng lục, Ðọc quyển, cứ thi xong mỗi trường thì quan Ðề điệu lại chọn loạt khác tâu lên.

Trường 1 (cũng như trường 2, 3) dùng 103 Nho sinh, 402 Sinh đồ các phủ làm Ðằng lục. Sáng sớm ngày vào trường, các Huấn đạo, Phủ quan dẫn những Ðằng lục, Ðối độc đến cửa trường khai danh sách, đợi khám xét rồi vào. Một nửa làm Ðằng lục, một nửa làm Ðối độc.

Trường 4 dùng 213 Ðằng lục, Ðối độc, dùng lại điển các nha môn : các viên Hoa văn, nha lại ở Hàn lâm viện, Ngự sử đài, ở 5 bộ (trừ bộ Lễ), mỗi bộ 6 người. Sáng sớm ngày vào trường, quan các nha môn ấy dẫn những Ðằng lục, Ðối độc đến cửa trường khai danh sách, khám xét rồi vào trường.

Trên mỗi quyển phải chua rõ tên họ người sao hay đọc, không được bỏ sót, thêm bớt, thay đổi. Nếu vì ân oán mà thêm bớt nghĩa văn, nét chữ, hay viết lầm đều chiếu luật trị tội. Nếu quan cai quản không xét ra, mà các quan Giám thí, Giám khảo xét ra thì đưa sang bộ Hình trị tội.

Trong Thí viện, chức Sai giám của 2 vệ Cẩm y, Kim ngô dùng những người không biết chữ ngày đêm đi củ sát, không được thay đổi bậy bạ quyển thi. Bọn Ðề điệu phải công đồng xem xét.

Phó chỉ huy và Hiệu úy mỗi hạng một người canh gác cửa trường, cắt lượt, không được chuyên sai một người.

Các xá nhân phục vụ ngoài cửa trường, đi tuần sát, xem xét chung quanh ngoài trường, do Trưởng quan xá nhân chọn, làm danh sách (2).

I I – KHẢO QUAN THỜI NGUYỀN

1822 – Khoa thi Hội đầu tiên này gồm :
1 Chủ khảo, không câu nệ phẩm trật cao thấp

1 Phó Chủ khảo, không câu nệ phẩm trật cao thấp

2 Tri cống cử, dùng quan Tham tri lục bộ

2 Ðề điệu Chánh và Phó, dùng chức Thiêm sự lục bộ

6 Ðồng khảo, dùng quan Hàn lâm tự, ngũ phẩm.

Ðều dùng chức Lang trung chủ sự lục bộ :

1 Giám Di phong, Soạn hiệu

1 Giám Ðằng lục

1 Giám Ðối độc.

Ðều dùng thư lại, hàng bát, cửu phẩm :

24 người chép quyển

24 người viết bảng

2 Giám thí, Tuần sát, dùng Thị vệ nhị, tam phẩm

4 Giám thí Nội liêm

4 Tuần sát Ngoại liêm, đều dùng Phó vệ úy quân Thị trung và Thị nội.

Khoa này chưa có lệ đặt quan Duyệt quyển.

1835 – Ðịnh lệ cấp lương cho Khảo quan :

1 Chánh khảo, chức Tham tri lục bộ, nhị phẩm 80 quan, 15 phương gạo (3)

1 Phó Chủ khảo, chức Tham tri lục bộ, nhị phẩm 70 quan, 12 phương gạo

2 Tri cống cử, chức Tham tri lục bộ, nhị phẩm 55 quan, 10 phương gạo

1 viên Ðốc sức việc tra hỏi Tuần sát Nội, Ngoại trường, dùng quan võ nhị phẩm : 55 quan, 10 phương gạo

2 Ðề điệu Chánh và Phó, hàng tam phẩm: 40 quan, 80 phương gạo”

10 Ðồng khảo, hàng tứ, ngũ phẩm: 30 quan, 6 phương gạo

2 Giám thí Tuần sát, quan võ hàng nhị, tam phẩm: 40 quan, 8 phương gạo

4 Nội liêm Giám thí (tra xét người ra vào cổng trường, dùng Phó vệ úy Cấm binh doanh vũ lâm)

và 4 Ngoại trường Tuần sát (tra xét việc chuyên chở, ra vào qua cổng trường, giữ chìa khóa các cửa)

đều đưọc lĩnh : 30 quan, 6 phương gạo

1 Soạn hiệu và

1 Ðằng lục

1 Ðối độc, đều hàng ngũ, lục phẩm, do đình thần chọn 25 quan, 5 phương gạo

40 thư lại, ở lục bộ và các nha : 8 quan, 3 phương gạo

20 lính coi giữ hòm ấn, hòm quyển ở Thí viện

300 biền binh tuần phòng ngoài trường (4).

1838 – Khoa này chỉ có hơn 130 thí sinh nên chỉ đặt Chủ khảo, bớt chức Tri cống cử, Giám thí và giảm các chức khác, còn lại 2 Duyệt quyển, 2 Ðộc quyển (5).

1840 – Cho Tả Thị Lang Vũ Ðức Khuê kiêm quản ấn triện viện Ðô Sát. Khuê tâu :”Trước đây Khoa đạo giám sát việc trường thi, không kể Nội, Ngoại trường đều được ngày đêm thay đổi ra vào, sổ tên học trò ở viện Ðề điệu cũng biết, mỗi khi cửa trường gọi tên học trò viên Khoa đạo đi khắp ngoài trường xem xét, cùng học trò gập nhau, khi nộp quyển cũng ngồi ở nhà Thập đạo cầm quyển thi xem, Nội trường, Ngoại trường lấy đỗ, đánh hỏng không việc gì là không biết rõ. Hoặc có dung tình ở trong há chẳng dễ làm ư ? Như trường Nghệ năm trước, Khoa đạo Trương Tăng Diễn thông đồng tác tệ.

Xin từ nay Khoa đạo sung việc trường thi thì một người chuyên xét ở Nội trường, một người chuyên xét ở Ngoại trường, đều không được tự tiện ra vào, không được cùng sĩ tử gập nhau, không được cùng ngồi với quan Ngoại trường ở nhà Thập đạo, tự tiện xem quyển văn của sĩ tử, sổ biên tên học trò của viện Ðề điệu không được dự biết. Như thế thì dứt hẳn được mối hiềm nghi, ngăn cấm chu đáo có thể giữ không có mối tệ nữa.” Vua y (6).

1910 – Ðây là khoa cải cách đầu tiên, có thi chữ quốc ngữ. Luận quốc ngữ do người Pháp chấm.

Khảo quan người Việt phải thêm 2 viên Kiểm độc, chọn quan khoa mục, hàng ngũ lục phẩm, am hiểu quốc ngữ để đọc bài quốc ngữ cho quan Ngoại trường định điểm.

Bài chữ Pháp dịch ra quốc ngữ thì chọn một đường quan (quan to) am hiểu tiếng Pháp chấm.

Tiền phụ cấp các quan trường, lại phòng tăng lên gấp đôi (Chủ khảo trước đây lĩnh 10 đồng nay được 20 đồng).

1913 – Chỉ còn 2 Ðộc quyển, 2 Duyệt quyển.

Ðộc quyển : Hoàng Côn, Lễ bộ Hiệp biện sung Phụ chánh phủ Ðại thần, Mỹ Hòa Tử ;

Cao Xuân Tiếu, Hộ bộ Tham tri.

Duyệt quyển : Nguyễn Thiện Hành, Hồng lô tự khanh, Biện lý Học bộ ;

Phạm Liệu, Quang lộc tự Thiếu khanh, lĩnh Phụ chánh phủ Viên ngoại.
Lệ trước 2 viên Ðồng khảo một Nam, một Bắc cùng chấm, cùng ký tên một lúc. Khoa này chấm riêng, ký tên riêng.

Chữ Pháp thì do quan Pháp chấm trước rồi đưa cho quan trường nhận xét (7).

CHÚ THÍCH

1 – Cương Mục XVI, 7 & 8.
2- LTHC, 29-33 – CM XVI, 9.

3- 1 phương gạo = 30 bát gạo gạt ngang, theo Thực Lục, CM, song Nguyễn văn Trình và Ưng Trình, trong BAVH, lại ghi 1 vuông gạo = 604, 50 gr, có lẽ sai lầm ? (phương = vuông).

Trước kia lương Chánh khảo là 100 quan, 20 phương gạo trắng chứ không phải 80 quan, 15 phương gạo.

Ðể so sánh : Năm 1803 lương tháng quan Thượng Thư là 30 quan, 20 phương gạo

quan Tham Tri 30 quan, 10 phương gạo.

Thiêm sự 6 quan, 6 phương gạo

(Thực Lục I I I, 151).

4- TL, XVI, 55.

5- TL, XX, 82-3.

6- TL, XXI I, 276-7.

7- Ðăng Khoa Lục, 262.