Vua Alexander III của Macedonia, được biết với tên gọi Alexander Đại đế, sinh ra tại Pella năm 356 Trước Công nguyên và được theo học nhà hiền triết Aristotle cho đến năm 16 tuổi. Ông trở thành Nhà vua của Macedonia (quốc gia ở miền Bắc Hy Lạp cổ đại) và đến năm 30 tuổi đã lập ra một trong những đế chế lớn nhất thế giới cổ đại, trải dài từ Biển Ion (một nhánh của Địa Trung Hải) tới dãy Himalaya.

Alexander Đại đế được coi là một trong những vị tướng thành công nhất trong lịch sử. Ông đã chinh phục toàn bộ Đế chế Ba Tư, nhưng là một chiến binh tham vọng với mục tiêu “tới tận cùng của thế giới”, sau đó ông đã xâm lược Ấn Độ năm 326 Trước Công nguyên. Ông nổi danh với việc thiết lập khoảng 20 thành phố mang tên ông, trong đó có Alexandria ở Ai Cập cổ đại, và truyền bá văn hóa Hy Lạp sang phía Đông. Tuy nhiên, trước khi hoàn tất kế hoạch xâm lược Arabia, Alexander Đại đế đã qua đời một cách bí ẩn, sau 12 ngày chống chọi với nhiều cơn đau.

Kết quả hình ảnh cho Alexander

Theo nhiều ghi chép lịch sử, Alexander Đại đế đã tổ chức buổi lễ tưởng niệm cái chết của Hephaeistion, người bạn thân nhất và được ông yêu mến. Tuy nhiên, khi màn đêm buông xuống, ông bất ngờ cảm nhận nhiều cơn đau khủng khiếp và ngã quỵ. Ông được đưa về phòng và sau nhiều ngày đau đớn, sốt cao, co giật và mê sảng, ông rơi vào trạng thái hôn mê.

Những triệu chứng ban đầu được ghi nhận đó là những cơn rùng mình, co cứng cổ và đau bụng dữ dội. Sau đó, ông bị suy nhược và chịu sự đau đớn tột cùng về thể xác ở mọi chỗ trên cơ thể khi bị chạm vào. Ông trải qua những cơn khát tột độ, các đợt sốt cao và những cơn mê sảng; trong đêm, ông còn bị co giật và ảo giác. Ở giai đoạn cuối, Đại đế không còn nói được nữa, dù ông vẫn có thể cử động đầu và tay. Cuối cùng, ông bị khó thở và qua đời.

Cái chết của Alexander là không thể ngờ tới. Vị vua này đã chứng minh được sức mạnh của mình trong 12 năm chinh chiến ở châu Á, trải qua những thách thức gian khổ và tham gia nhiều trận chiến cam go. Alexander Đại đế thậm chí được tôn vinh như vị thánh. Năm 325 trước Công nguyên, trong khi đơn thương độc mã chống lại các chiến binh hùng mạnh từ Nam Á, Alexander đã bị một mũi tên đâm trúng phổi, nhưng không lâu sau đó, ông vẫn tiến hành cuộc hành quân gian khổ nhất kéo dài 60 ngày dọc bờ biển Nam Iran. Bởi vậy, với việc Nhà vua lâm trọng bệnh và qua đời, đội quân hùng mạnh với 50.000 binh sĩ của ông đã rơi vào khủng hoảng tột độ. Họ trở nên hoang mang không rõ ai sẽ là người lãnh đạo tiếp theo, bởi Alexander chưa vạch ra kế hoạch lựa chọn người kế vị. Sự qua đời đột ngột của nhà chỉ huy đã biến giai đoạn này trở nên vô cùng thê thảm, khởi đầu nửa thế kỷ bất ổn và xung đột được gọi với cái tên Các cuộc chiến tranh Kế vị.

Bốn giả thuyết được nêu ra nhiều nhất đó là: bệnh sốt rét, thương hàn, nhiễm độc rượu hoặc bị đầu độc bởi kẻ thù nào đó. Bệnh sốt rét thường được lây truyền bởi loài muỗi sống ở rừng rậm và các vùng nhiệt đới, nhưng không phải ở vùng sa mạc như ở miền Trung Iraq, nơi Alexander qua đời. Bệnh thương hàn thường do lây truyền qua thức ăn hoặc nước uống bị nhiễm khuẩn, và tạo ra đại dịch chứ không phải chỉ gây bệnh cho một cá nhân duy nhất. Hiện không có bất kỳ ghi chép lịch sử nào cho thấy đại dịch như vậy bùng phát ở Babylon vào thời điểm Hoàng đế qua đời. Bên cạnh đó, triệu chứng chính của việc bị trúng độc rượu đó là nôn mửa lại không được đề cập trong bất kỳ ghi chép nào.

Khó có thể cho rằng việc Hoàng đế vô tình uống nước độc trên sông hoặc bị muỗi độc cắn là nguyên nhân đẩy thế giới cổ đại vào thời kỳ xung đột đầy nguy hiểm mới. Mỗi người lại có một cách lý giải khác nhau về cái chết bí ẩn này, và thậm chí còn đề cập đến mối quan hệ của Alexander với những người bạn trung thành của ông, các cận vệ và các sĩ quan cấp cao ngay cạnh ngài ở Babylon. Các giả quyết về bệnh bệnh đậu mùa và ung thư bạch cầu cũng được đưa ra, cộng thêm chứng nghiện rượu, sự nhiễm trùng từ vết thương ở phổi và nỗi đau buồn bởi cái chết của người bạn thân Hephaestion cũng được coi là các nhân tố gây ra cái chết của Alexander. Tuy nhiên, một số sử gia không muốn kết luận một cách rõ ràng rằng Hoàng đế qua đời do bị ám sát hay do bệnh tật.

Như vậy nguyên nhân nào đã gây ra cái chết của Alexander Đại đế? Theo các ghi chép lịch sử, thi thể Alexander không cho thấy dấu hiệu phân hủy trong 6 ngày sau khi chết, dù được đặt ở nơi nóng bức, ngột ngạt. Một lý giải đó là liều thuốc cực độc nào đó đã làm chậm tốc độ phân hủy. Điều này cho thấy Alexander Đại đế đã bị đầu độc, nhưng chưa rõ là bởi cái gì.

Với việc các nghiên cứu lịch sử bị rơi vào bế tắc, các nhà nghiên cứu đang chuyển sang hướng đi mới. Nhờ thông tin được cung cấp bởi các nhà nghiên cứu độc dược và các nhà nghiên cứu bệnh học cùng giả thuyết về âm mưu ám sát, nhiều nhà nghiên cứu đã lật lại hồ sơ cái chết của Alexander Đại đế theo hướng cuộc điều tra vụ án mạng.

Kết quả hình ảnh cho Alexander

NHỮNG GIẢ THUYẾT MỚI

Nghiên cứu mới đây của Tiến sĩ Leo Schep từ Trung tâm nghiên cứu Độc dược Quốc gia New Zealand cho rằng Hoàng đế Alexander qua đời do uống rượu độc dược chiết xuất từ một loại cây vốn sản sinh ra chất cực độc sau khi lên men. Tiến sĩ Schep, người đã nghiên cứu để thu thập bằng chứng về các độc dược trong một thập kỷ qua, cho rằng một số các giả thuyết về việc Hoàng đế bị đầu độc khác – như bằng thạch tín và strychnine – là không hợp lý bởi nó sẽ gây chết người ngay lập tức chứ không phải sau 12 ngày như theo ghi chép lịch sử. Kết quả cũng tương tự như các độc dược khác như lá cây phụ tử, cây ngải đắng, cây kỳ nham và hoa nghệ tây.

Công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Leo Schep với đồng tác giả Tiến sĩ Pat Wheatley từ Đại học Otago, được xuất bản trên tạp chí Clinical Toxicology cho thấy “thủ phạm” gây ra cái chết của Hoàng đế là lá cây lê lư trắng. Loài cây có hoa trắng này sẽ trở thành chất cực độc sau khi lên men và được người Hy Lạp sử dụng làm thảo mộc để chữa bệnh. Giả thuyết của Tiến sĩ Schep đặt ra đó là cây lê lư trắng có lẽ đã được lên men làm rượu để dâng lên Hoàng đế. Alexander có thể đã quá say trong buổi tiệc đó. Những triệu chứng gây ra sau khi nuốt phải loại cây này cũng trùng khớp với những mô tả về những gì xảy ra trong 12 ngày trước khi ông qua đời, bao gồm triệu chứng sốt cao – điều cho thấy Hoàng đế qua đời do nguyên nhân tự nhiên. Tuy nhiên, cho dù Alexander bị đầu độc đi chăng nữa, thì vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy ông bị hạ độc thủ bởi các tướng lĩnh thân cận. Đã có một số ghi chép về một số trường hợp vô tình ăn phải cây lê lư trắng.

Năm 2010, tạp chí Clinical Toxicology có đăng một bài nghiên cứu về 4 trường hợp nói rằng họ đã ăn phải một loại tỏi dại nào đó. Khoảng 30 phút sau đó, họ bị nôn mửa, cảm thấy đau đớn và quay cuồng. Tuy nhiên, không giống như Alexander, họ đều sống sót.

Nhà nghiên cứu Schep cũng phối hợp với thám tử người Scotland John Grieve để thực hiện công trình nghiên cứu khác. Hai người đã phối hợp thực hiện bộ phim tài liệu “Cái chết bí ẩn của Alexander Đại đế” năm 2009. Tuy nhiên, ông Grieve khi đó cho rằng cây lê lư trắng không phải do sát thủ hạ độc Hoàng đế như nhà nghiên cứu Schep nghi ngờ, mà là do các ngự y của Alexander vô tình kê đơn quá liều cho bệnh nhân. Giả thuyết của ông Grieve nhận được sự đồng tình của chuyên gia người Anh Richard Stoneman. Ông Stoneman nói: “Cây lê lư trắng là loại thuốc được nhiều ngự y thời cổ đại ưa dùng, và các ngự y của Alexander có thể đã tiếp cận một giống cây lạ ở Babylon hoặc thậm chí đọc nhầm nhãn thuốc của người Babylon”.

Kết quả hình ảnh cho Alexander

Tuy nhiên, trong bài thuyết trình tại một hội thảo tại Barcelona năm 2010, nhà sử học Adrienne Mayor và nhà nghiên cứu độc dược học Antoinette Hayes cho rằng đá vôi quanh sông Styx là nơi nuôi dưỡng một loại vi khuẩn cực độc có tên calicheamicin. Các thí nghiệm hóa học đã được tiến hành để xác định xem liệu loại vi khuẩn này còn tồn tại đến nay hay không (dù chúng có thể đã biến mất nhiều thế kỷ trước). Mayor và Hayes cho rằng calicheamicin có thể đã gây ra các triệu chứng giống như của Hoàng đế Alexander trước khi qua đời – bao gồm triệu chứng sốt cao.

Nghiên cứu của ông Mayor và Hayes có thể cho thấy rằng Alexander đã bị ám sát, dù các tác giả không tiến xa nghiên cứu về chủ đề này. Họ quan tâm hơn đến việc lý giải truyền thuyết thay vì cái chết bí ẩn đó. Giả thuyết của họ đó là nước sông Styx huyền thoại chứa chất cực độc và là nguyên nhân khiến tướng Antipater và các con trai của ông là những kẻ tình nghi hàng đầu trong thế giới cổ đại đã đầu độc Hoàng đế Alexander. Hiện vẫn chưa rõ liệu những giả thuyết như vậy về âm mưu của tướng Antipater có thể giúp lý giải bí ẩn này hay không. Nhưng rõ ràng rằng cách tiếp cận của Mayor-Hayes, vốn đưa ra lý giải hợp lý phù hợp giữa các độc dược tồn tại ở thế giới cổ đại với các triệu chứng được ghi nhận của Alexander, đã dần trở thành con đường sáng tỏ nhất để vén bức màn bí ẩn này.

Nếu xác ướp của Alexander được tìm thấy (một số nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục công cuộc này), chúng ta có thể cuối cùng sẽ hiểu được nguyên nhân cái chết bí ẩn của ông. Tuy nhiên, xác ướp của ông đã biến mất vào thế kỷ thứ III hoặc thứ IV sau Công nguyên (trước đó xác ướp đã được trưng bày ở lăng mộ tại thành phố Alexandria).

Trong khi vẫn thiếu bằng chứng cụ thể và ghi chép lịch sử về cái chết của Alexander Đại đế, rất khó để phát triển các thuyết âm mưu khác nhau. Bởi vậy, điều dễ dàng hơn cả đó là chúng ta nên tin rằng Alexander đã qua đời do bệnh hiểm nghèo, bất chấp có nhiều công trình đang cố gắng chứng minh điều ngược lại.