Phương pháp Montessori là gì?

Phương pháp Montessori là phương pháp giáo dục sớm cho trẻ được phát triển dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm của bác sĩ, nhà giáo dục người Ý Maria Montessori. Phương pháp này được xây dựng theo phương châm “coi trọng sự phát triển tự nhiên của trẻ, học để dạy trẻ tốt hơn.” Điểm này đã khắc phục được những khó khăn cũng như những sai lầm mà các phương pháp giáo dục sớm trước kia mắc phải. Bởi nếu các phương pháp trước thầy cô, ba mẹ là chủ đạo định hướng, uốn nắn bé theo cách mà người lớn muốn thì phương pháp Montessori lại coi trọng sự phát triển tự nhiên của bé. Điều này có nghĩa là bé sẽ được tự bản thân mình trải nghiệm thế giới xung quanh rồi từ đó tự trải nghiệm và tự giải đáp những thắc mắc của mình. Thầy cô hay ba mẹ chỉ là người hướng dẫn giúp bé tự mình trang bị những kĩ năng quan trọng.

Phương pháp Montessori được rất nhiều nền giáo dục ưa chuộng, tính đến nay đã được hơn 5000 trường ở Mỹ, Canada, Ấn Độ,… áp dụng thành công. Thời gian gần đây phương pháp Montessori cũng trở nên khá rầm rộ ở Việt Nam và được nhiều trường mầm non quan tâm.

kidsonline-gioi-thieu-phuong-phap-montessori

Nguyên tắc của phương pháp Montessori

Phương pháp giáo dục Montessori là phương pháp giáo dục coi trọng sự phát triển tự nhiên của trẻ. Điều này đồng nghĩa với việc coi trọng các tiềm năng của trẻ và nỗ lực để phát triển tiền năng này bằng cách cung cấp cho trẻ một môi trường giáo dục thân thiện, cởi mở để trẻ có cơ hội được phát triển cũng như khám phá hết khả năng của mình. Bởi vậy một trong những nguyên lý đầu tiên của phương pháp giáo dục Montessori là xây dựng một không gian khơi gợi sự hứng thú và tò mò học hỏi của trẻ và để trẻ chủ động chọn khu vực học và theo đuổi hứng thú của mình đến khi bé muốn đổi qua hoạt động khác. Qua quá trình tự khám phá đó bé sẽ có cơ hội tự học hỏi và tự sửa sai. Thầy cô không cần quá can thiệp với trẻ đặc biệt là việc áp đặt tư tưởng, suy nghĩ và cách nhìn của người lớn lên trẻ nhỏ.

Nguyên tắc thứ hai của phương pháp Montessori là trẻ học thông qua thử nghiệm với các đồ dùng học tập và qua các trẻ khác. Điều này có nghĩa là thầy cô nên dành ít nhất 3 tiếng cho trẻ hoạt động với dụng cụ học tập mỗi ngày và trong khoảng thời gian đó, giáo viên không nên cắt ngang khi trẻ đang hứng thú với hoạt động mình để theo hoạt động ở trên lớp. Như vậy có thể làm gián đoạn quá trình học hỏi và khám phá của trẻ. Thêm vào đó, đây là khoảng thời gian bé tự khám phá với dụng cụ học tập nên nhà trường cũng như thầy cô nên thiết kế những đồ dung học tập chuyên biệt tạo điều kiện tốt nhất và dễ dàng nhất trong việc học tập của bé. Các dụng cụ cũng cần sự phong phú để bé có thể phát triển toàn diện về công việc hằng ngày, khoa học, lịch sử, địa lý,…

Nguyên tắc thứ ba, Phương pháp Montessori là phương pháp dựa trên sự phát triển tự nhiên của trẻ nên các thầy cô khi xây dựng chương trình dạy cũng cần lưu ý để sự phát triển, tiếp thu của trẻ làm sao để chương trình đồng nhất với khả năng lĩnh hội của trẻ. Trong quá trình dạy, giáo viên cần phải linh hoạt với trình độ của từng trẻ.

Phương pháp Montessori thực sự là phương pháp rất hiệu quả, nó có một ý nghĩa tương đối lớn đến sự phát triển của trẻ. Thầy cô và nhà trường khi xây dựng được phương pháp này sẽ thu hút được rất nhiều sự quan tâm cũng như tạo sự tin tưởng cho phụ huynh. Đồng thời việc giảng dạy của thầy cô cũng thu được kết quả tốt hơn.

Phương pháp Montessori – môi trường là chìa khoá

Đây là yếu tố đầu tiên tạo nên sự thành công cũng như khác biệt cho phương pháp Montessori bởi các bé học ngôn ngữ và các kỹ năng cơ bản qua việc tiếp xúc với môi trường xung quanh. Nên việc tạo dựng tạo dựng cho bé được một môi trường học tập tốt là điều rất cần thiết và mang ưu tiên số một. Môi trường ở đây không chỉ đơn thuần bao gồm không gian lớp học, các dụng cụ, đồ dùng trong lớp học mà còn là các thầy cô, nhân viên mà trẻ được tiếp xúc. Vì vậy, hãy cố gắng tạo dựng một môi trường hoàn hảo nhất để sự phát triển của trẻ được kích thích ở mức tối đa.

Để tạo nên được một môi trường như vậy thì thầy cô cần chú ý tới những điều sau:

  1. Môi trường học tập của bé nên là một không gian thân thiện, gần gũi giúp trẻ tiếp thu kiến thức một cách dễ dàng.
  2. Các dụng cụ, nội thất trong lớp học nên được thiết kế ở kích thước phù hợp với trẻ nhỏ. “Nhỏ” chứ không nhất thiết là “giả”. Vì phương pháp Montessori muốn bé được học từ môi trường xung quanh nên thay vì quan niệm để đồ dùng như dao, dĩa, kéo,… bằng nhựa để tránh gây thương tích cho trẻ thì tại lớp học của Montessori sẽ là những đồ vật đó bằng thật nhưng thu nhỏ để bé có thể học được cách sử dụng chúng một cách an toàn, không làm hại bản thân.
  3. Dụng cụ, nội thất lớp học nên có một vị trí cố định, ở tầm thấp để trẻ biết được chính xác vị trí của đồ vật, có thể tự lấy và cất đi đúng chỗ một cách dễ dàng. Trong phương pháp giáo dục sớm Montessori, điều này sẽ mang đến 2 ý nghĩa lớn cho trẻ. Thứ nhất, hình thành cho trẻ được sự ngăn nắp. Thứ hai, tạo dựng được sử chủ động trong công việc của trẻ cũng như duy trì liên tục được suy nghĩ và những phát minh thú vị của trẻ. “Chủ động” ở đây có nghĩa là trẻ sẽ có khả năng tự đi lấy đồ mà không phải nhờ đến thầy cô (hạn chế sự ỉ lại) cũng như khi bé cần làm một bông hoa bằng giấy bé sẽ tự tìm những đồ mình cần thiết. “Duy trì sự sáng tạo” có nghĩa là khi bé nghĩ ra nên làm một búp bê cầu thủ bé sẽ chạy đi tìm đồ mình cần và hí hoáy làm thay vì chạy đi nhờ thầy cô, chờ sự giúp đỡ được thực hiện và ý tưởng bị biến mất.

kidsonline-phuong-phap-montessori-2

Yếu tố cốt lõi của phương pháp Montessori – Tự lập, tập trung

Vẫn xoay quanh nguyên lý hoạt động của Montessori là “ưu tiên sự phát triển tự nhiên của trẻ”, Montessori luôn tìm mọi cách để bé có thể tự học hỏi, tiếp thu kiến thức từ môi trường xung quanh. Ví dụ như thay vì lo lắng bé sẽ làm vỡ đồ khi dọn dẹp thì lớp học Montessori khuyến khích bé làm những điều đó trong khả năng đồng thời cũng giao trách nhiệm cho trẻ giữ gìn lớp học sạch sẽ để bé luôn hình thành được sự ngăn nắp trong suy nghĩ cũng như ý thức dọn dẹp thay vì chờ người khác làm hộ.

Trong khoảng thời gian bé đang học hỏi, tập trung khám phá thế giới của mình hay đang thực hiện một ý tưởng nào đó của bé thì thầy cô nên tạo điều kiện cho bé hoàn thành hoạt động của mình thay vì ngắt quãng vì những lý do không thực sự cần thiết. Phương pháp giáo dục sớm Montessori cũng khuyến khích thầy cô tạo cho bé những khoảng không gian và thời gian riêng khi mà bé có thể tự do trải nghiệm và tự quyết định thời gian thực hiện, hoàn thành công việc của mình.

kidsonline-phuong-phap-montessori-3

Yếu tố song hành trong phương pháp Montessori – Quan sát học sinh

Ở trong lớp học Montessori, dù các con đang tự học hỏi, hay đang làm theo yêu cầu của thầy cô thì việc quan sát học sinh của thầy cô đóng góp một vai trò rất quan trọng. Bởi phương pháp Montessori cho rằng sự quan sát của thầy cô sẽ quyết định phần nào kết quả việc tự học của các con. Không có bé nào là không có khả năng học tập hay tiếp thu mà là người lớn chưa đủ hiểu, chưa đủ lắng nghe để cung cấp những gì các con đang cần hay thiếu sót. Việc quan sát kĩ càng sẽ cung cấp các kiến thức đó cho thầy cô để xem các con cần gì, muốn gì đang mắc ở chỗ nào để định hướng con tìm ra lời giải.

Các phương pháp giáo dục truyền thống hầu hết đều tập trung vào lý thuyết và xây dựng theo hướng giáo dục trẻ theo cách của bố mẹ. Điều này đã gây ra rất nhiều các hiện trạng như làm bé mất đi tính sáng tạo, chủ động trong cuộc sống hay kiềm hãm năng khiếu, tài năng của trẻ thì phương pháp giáo dục sớm Montessori đã khắc phục được những nhược điểm đó.