Tại Việt Nam, từ cuộc tranh luận gay gắt về đề xuất đưa Hán Nôm vào trường học đã làm nảy sinh đến rất nhiều vấn đề có liên quan, trong đó có những vấn đề rộng hơn, xa hơn vấn đề ban đầu được đặt ra. Ví như chữ Hán Nôm và các văn kiện được ghi lại bằng thứ chữ đó có giá trị như thế nào đối với người Việt ngày nay? Vấn đề ấy thực chất là vấn đề của Quốc học.

Quốc học là thuật ngữ có lẽ không mấy phổ biến với người Việt hiện nay. Nguồn gốc của thuật ngữ này có lẽ bắt nguồn từ Nhật Bản.

Kể từ khi Nhật Bản cận đại hóa thành công và đánh thắng được nhà Thanh, rồi đặc biệt là đế quốc Nga (1904-1905), người Việt đã chú tâm tới Nhật Bản. Mối quan tâm đó của người Việt một lần nữa mạnh lên và duy trì đến tận ngày nay khi Nhật Bản phục hưng từ bại chiến năm 1945 và trở thành cường quốc kinh tế vào thập niên 60-70 của thế kỉ trước.

Mối quan tâm của người Việt đối với Nhật Bản xuất phát từ một ẩn ức-mơ ước thầm kín: Trong khi người Việt cay đắng thất bại trước sức mạnh quân sự của Pháp và trở thành dân thuộc địa thì Nhật đánh bại cả Trung Quốc, Nga và đứng vào hàng ngũ các “liệt cường” ở thời cận đại. Sau đó, khi Việt Nam đau khổ trong chiến tranh và nghèo đói thì Nhật Bản phục hưng và trở thành một nước giàu có nhất châu Á. Trong khi cả hai đều “máu đỏ, da vàng”, “đồng chủng, đồng văn”. Lịch sử hai nước cũng dài chừng 2700 năm, diện tích nếu trừ đi hòn đảo Hokkaido thì cũng gần tương đương.

Nhưng mối quan tâm của người Việt chỉ dừng ở đó, không tiến xa hơn.

Người Việt vẫn chỉ biết đến cuộc cải cách Minh Trị như là một sự đổi thay, một ân huệ từ một vị minh quân sáng suốt có tầm nhìn. Trong khi nó là cả một quá trình chuyển đổi lớn lao với sự tham gia của trí thức và võ sĩ bậc thấp, là sự trỗi dậy của học thuật, là sự bùng nổ của xuất bản và dịch thuật…

Họ cũng không biết rằng khi chính phủ Minh Trị ra đời ông vua mới 16 tuổi và quyền lực chính trị thực sự nằm ở trong tay các tướng lĩnh, chính trị gia “phiên phiệt”. Khi Minh Trị thực sự làm chính trị thì việc ông làm là củng cố quyền lực, tiêu diệt đối lập và đàn áp các trí thức có tư duy độc lập cũng như tiến hành chiến tranh xâm lược mở rộng lãnh thổ.

Hoặc người ta cũng nhìn cả thời Minh Trị như một thời kì hoàng kim, chói lọi đem lại vinh quang, hạnh phúc cho nước Nhật trong khi tính chất Khai sáng chỉ nổi trội trong 10 năm đầu còn sau đó là quân phiệt hóa và phục cổ.

Người ta cũng chỉ biết đến vai trò của Dương học (Tây học) đối với quá trình cận đại hóa của Nhật Bản mà quên mất quốc học.

Chuyện này cũng tương tự chuyện khi giải thích nguyên nhân nền kinh tế nước Nhật phát triển với tốc độ cao tạo ra “thần kì Nhật Bản” sau 1945, sách giáo khoa lịch sử cho dù nêu ra rất nhiều nguyên nhân vẫn bỏ sót một nguyên nhân quan trọng nhất bao trùm tất cả các nguyên nhân sách đã kể ra. Thiếu nó thì tất cả những thứ đó hoặc là không có hoặc là có cũng gần như không.

Nó là gì? Các bạn nghĩ thử xem.

Thực tế quốc học ở Nhật cũng có vai trò không nhỏ tạo ra thành công của Nhật Bản ở phương diện khai sáng và phát triển văn minh.

Quốc học (国学) là lĩnh vực học thuật nổi lên vào khoảng giữa thời Edo (1603-1867) và phát triển song song, cạnh tranh với Lan học (Hà Lan học: Rangaku/ 蘭學/ 蘭学). Quốc học nảy sinh từ sự phê phán khuynh hướng nghiên cứu các tác phẩm cổ điển của Nho giáo, Phật giáo mà tiêu biểu là “Tứ thư, ngũ kinh” một cách máy móc, giáo điều.

Chính vì vậy mà các nhà quốc học tập trung vào nghiên cứu các tác phẩm cổ điển của Nhật Bản, lịch sử, tư tưởng, thế giới tinh thần vốn có của Nhật Bản cổ đại trước khi tiếp nhận những ảnh hưởng của Phật giáo, Nho giáo.

Tùy theo các học giả mà quốc học có phạm vi rộng hẹp khác nhau nhưng đại thể nó bao gồm: Quốc ngữ học, quốc tự học, ca đạo, lịch sử học, địa lý học, thần học…

Quốc học vì thế còn được bằng những tên khác như Hòa học, hoàng triều học, cổ học.

Dạy Hán Nôm là vấn đề của Quốc học
(Ảnh minh họa)

Quốc học với những tác phẩm và hoạt động thực tiễn của các học giả thuộc trường phái này đã có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của văn hóa-giáo dục và thế giới tinh thần của người Nhật. Sự phát triển của quốc học trong bối cảnh cạnh tranh với Lan học đã tạo ra nền tảng cho các ngành khoa học hiện đại sau khi Nhật Bản cận đại hóa dưới thời Minh Trị như Lịch sử học, Địa lý học, Dân tục học.

Cho dù sau đó có khi chủ nghĩa quân phiệt cai trị, nhiều nhà quốc học bị lợi dụng vào mục đích chính trị, quốc học vẫn tiếp tục phát triển và phục hồi mạnh mẽ sau 1945.

Nhìn vào danh sách các tác phẩm của các nhà quốc học Nhật Bản thời Edo, người ta không khỏi kinh ngạc. Có 4 nhà quốc học nổi tiếng nhất thời Edo là 4 nhà quốc học tiêu biểu của Nhật là: Kakano Azumaro (1669-1736), Hirata Atsutane (1776-1843), Kamono Mabuchi (1697-1769), Motoori Norigana (1730-1801).

Mỗi nhà quốc học này đều để lại một số lượng trước tác khổng lồ. Chẳng hạn đếm sơ qua cũng thấy Hirata Atsutane để lại hơn 100 tác phẩm.

Ở Việt Nam hiện tại, càng hội nhập sâu và càng muốn gia nhập vào thế giới văn minh, như một quy luật tất yếu người Việt sẽ cần phải nhận thức lại chính mình. Không phải ngẫu nhiên mà ở nước Nhật vào những giây phút chuyển giao thời đại như thời Minh Trị các sách vở liên quan đến lịch sử, văn hóa lại được quan tâm và bán chạy.

Muốn nhận thức được chính mình không thể thiếu quốc học. Muốn quốc học có thành tựu thì cần phải giỏi Hán Nôm và có mối quan tâm sâu sắc đến quá khứ, đến di sản của cha ông xuất phát từ cái nhìn chân thật vào những vấn đề của xã hội hiện thực.

Như một quy luật, một khi con người không nhận ra các vấn đề của xã hội thực tại hoặc thờ ơ trước nó người ta sẽ không quan tâm và có nhu cầu tìm hiểu quá khứ. Ngược lại, các cá nhân cũng chỉ có thể lý giải được thực tại đang bủa vây mình khi tìm các đầu mối của thực tại trong quá khứ.

Cả cá nhân lẫn cộng đồng khi không hiểu chính mình hay ngộ nhận sẽ rơi vào tâm lý hoặc mặc cảm tự ti hoặc hoang tưởng tự tôn quá mức. Thậm chí là một trạng thái phức tạp đầy tổn thương pha trộn cả hai.

Việc đề nghị học Hán Nôm cho học sinh trong trường học chẳng có gì là ghê gớm nếu nhìn ở góc độ ấy.

Học bất cứ cái gì muốn đem lại ích lợi cho cá nhân người học và sự tiến bộ của cộng đồng đều phải được tiến hành trong môi trường tự do học thuật và tinh thần tự do.

Giả sử như Hán Nôm có trở thành một nội dung tự chọn trong trường học hoặc được dùng trong sinh hoạt câu lạc bộ đi nữa cũng rất khó để hi vọng rằng sẽ có những học sinh thông kim bác cổ đọc được các văn bản Hán Nôm mà cha ông để lại .

Nhưng thông qua đó mà gợi mở mối quan tâm của học sinh đối với quá khứ và đánh thức nhu cầu nhìn lại bản thân, nhìn lại di sản của cha ông dưới nhiều góc độ với cả cái hay, cái dở và cả những gì còn đang ngổn ngang là có thể.

Từ những rung cảm ban đầu ấy rất có thể nhiều em sẽ thành những nhà quốc học xuất sắc trong tương lai hoặc nếu không cũng là người có mối quan tâm tới cội nguồn của cá nhân và cộng đồng và nhìn ra những vấn đề còn dang dở.

Nó cũng như học sinh THPT Nhật Bản được học Cổ điển trong môn Quốc ngữ thông qua các phân môn tự chọn để làm quen và có hứng thú với cổ điển.

Tôi mạnh dạn dự đoán rằng, từ giờ trở đi, khi nhu cầu đưa Việt Nam hội nhập với thế giới văn minh, tiếp cận các giá trị phổ quát ngày càng mạnh lên, những tiếng nói thể hiện nhu cầu nhìn lại quá khứ sẽ ngày một nhiều lên và không chỉ bó hẹp trong giới làm chuyên môn.

Vài lời thêm:

Cuộc tranh luận xung quanh ý kiến đề xuất đưa Hán Nôm vào trong trường học phổ thông khá thú vị.

Nó sôi nổi đến gay gắt và thu hút rất nhiều giới. Nó có cái gì đó khác xa với sự tẻ nhạt, quẩn quanh của cuộc sống thường ngày.

Chợt nghĩ, nếu như những giờ học của môn xã hội trong trường học mà thu hút được học sinh và tranh luận nhiệt liệt như vậy thì thật tuyệt.

Ở Nhật trong các môn học như Công dân, Xã hội hiện đại, Xã hội những vấn đề tranh luận đương đại như sửa đổi hiến pháp, hiệp ước an ninh Mĩ Nhật… cũng được đưa vào lớp học trở thành chủ đề tranh luận sôi nổi và hấp dẫn.

Gạt bỏ qua một bên những ý kiến bình luận dựa trên sự suy diễn quá xa ý kiến của các nhà nghiên cứu Hán Nôm (nên đưa giáo dục Hán Nôm vào nhà trường) và những ý kiến công kích cá nhân hoặc xúc phạm đầy cảm tính, cuộc tranh luận cả trên báo (ít người tham gia) và trên mạng xã hội (đông đảo đủ mọi giới và đủ mọi góc độ) đã phản ánh một phần nào đó tâm thế của xã hội trước những vấn đề còn ngổn ngang của đất nước.

Sự thể hiện của những người tham gia tranh luận cũng nói lên rằng những nhà chuyên môn chuyên ngành Hán Nôm vẫn đang mắc một món nợ với đại chúng.

Làm sao để đại chúng hiểu được về Hán Nôm và những giá trị của nó đối với hiện tại và tương lai của cộng đồng người Việt?

Trong cuộc tranh luận này rất nhiều người đã coi thứ chữ Hán Nôm mà người Việt đã dùng suốt cả nghìn năm qua trùng với tiếng Trung hiện đại vì thế coi việc đưa Hán Nôm vào trường học là việc dạy một ngoại ngữ.

Cũng có những người khác coi việc đưa Hán Nôm vào trường học tương đương với việc phục hồi lại chữ Hán thay thế chữ quốc ngữ và như thế là kéo lùi bánh xe lịch sử!?

Trách nhiệm của các nhà chuyên môn là ở đấy.

Nhắc lại một ý tôi đã từng nói rất nhiều lần, ở Việt Nam thiếu một cây cầu nối giữa giới chuyên môn và đại chúng.

Sau một thời gian rất dài người Việt không có không gian để thảo luận, tranh luận về những vấn đề mình quan tâm và không được học, rèn luyện cách thức tranh luận trong nhà trường và cuộc sống, mạng xã hội đã mở ra một không gian mới đem lại điều ấy.

Tất cả cái hay, cái dở của người Việt được bộc lộ ra ở đó.

Người Việt sẽ phải học và sẽ trưởng thành dần.

Ở Nhật sau 1945, thảo luận vừa là phương pháp học tập vừa là phương thức sinh hoạt xã hội trọng tâm trong công cuộc tái thiết đất nước.

Có người nói trong cuộc tranh luận này sẽ có phe nọ, phe kia và có thắng có thua.

Riêng tôi, tôi không coi các cuộc tranh luận như thế này cần đến thắng thua, kết quả của nó thế nào không quan trọng bằng việc nó tạo ra cơ hội để người Việt nghĩ về những thứ lớn hơn, xa hơn một chút chuyện áo cơm thường ngày.

Về chuyện này cần có diễn đàn tranh luận thêm giữa các nhà chuyên môn thể hiện dưới dạng các luận văn hoặc hội thảo.

Ý tưởng giáo dục Hán Nôm là một ý tưởng lãng mạn, về mặt hướng đi tôi nghĩ là điều tốt nếu nó tạo ra cho học sinh một sự lựa chọn để tiếp cận quá khứ của cha ông và làm phong phú đời sống ngôn ngữ của bản thân.

Nhưng thành thật mà nói để làm được nó chắc khó ngang với việc làm cho cải cách giáo dục ở Việt Nam thành công.

Nếu giáo dục không có những bước chuyển cơ bản thật sự thì việc đưa gì vào trường phổ thông cũng sẽ chẳng đem lại kết quả gì. Cứ nhìn xem học sinh chúng ta học tiếng Anh, học Toán, Văn, Lịch sử với thời lượng lớn như thế nào, kéo dài qua thời gian bao nhiêu năm và kết quả hiện tại thế nào là rõ.

Vì thế, việc truyền bá giá trị di sản Hán Nôm và giáo dục Hán Nôm trước mắt sẽ phải dựa chính vào những cá nhân có tầm lòng và không ngại tiếp cận công chúng.

Người đưa ra ý kiến đưa Hán Nôm vào nhà trường là một nhà nghiên cứu, một nhà giáo. Ông không phải là quan chức ngành giáo dục cũng không phải là chính trị gia. Ông đưa ý kiến của mình trong một cuộc hội thảo.

Là học giả, công việc của ông là “lập thuyết”.

Theo dõi những lời bình luận quá đà nhằm vào ông trong những ngày qua, tôi không khỏi nghĩ lại phong trào kháng nghị của các giáo sư Nhật khi một giáo sư ở đại học X giảng về người Triều Tiên ở Nhật và bị người dân gọi điện đến trường gây áp lực.

Sức ép đối với tự do học thuật trong nhiều trường hợp đến với học giả ngay từ phía công chúng.

Trong trường hợp Việt Nam, đôi khi đấy là một nỗi buồn thương vì rất có thể giữa người bị chỉ trích quá đà và những người chỉ trích đều chia sẻ nỗi buồn và khát vọng đối với quê hương.

Bài viết theo Facebook Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại có chỉnh sửa, bổ sung ảnh minh họa và chú thích.