Mỹ Đường tức Nguyễn Phúc Đán[1], tức Hoàng tôn Đán, là con trai trưởng của Đông cung Cảnh (Hoàng tử Cảnh), cháu đích tôn của vua Gia Long, người có thể kế vị vua Gia Long sau khi Đông cung Cảnh mất vì bệnh đậu mùa tại Gia Định vào năm 1801. Nhưng 15 năm sau, người được chọn kế vị là hoàng tử thứ tư (Nguyễn Phúc Đảm), tức vua Minh Mạng (1820 – 1841). Dưới triều đại này có ba vụ án lớn xảy ra. Kể theo thứ tự thời gian thì thứ nhất là vụ Mỹ Đường (1824), thứ hai là vụ Lê Văn Duyệt (1835) và thứ ba là vụ Lê Chất (1835).[2] Với hai vụ Lê Văn Duyệt và Lê Chất hầu như sách sử nào khi viết về triều Nguyễn cũng có nói đến ít nhiều và khá rõ, riêng vụ án Mỹ Đường thì người ta viết một cách mù mờ và đầy mâu thuẫn.
* Người ta nói gì?
Trong Việt Nam sử lược, học giả Trần Trọng Kim đã viết:
“Việc ngài [Minh Mạng] giết chị dâu là bà vợ Hoàng tử Cảnh[3] và các cháu, thì không thấy sách nào chép cả, chỉ thấy một đôi người truyền ngôn như thế mà thôi. Việc ấy thực hư thế nào không rõ”.[4] [chữ in nghiêng và đậm do VHA nhấn mạnh].
Sử gia Phạm Văn Sơn trong Việt sử toàn thư thì nói có vẻ quả quyết và rành rẽ hơn:
“…chỉ trong một tháng, sáu tỉnh miền Nam lọt cả vào tay Khôi [Lê Văn Khôi]. Trong dịp này, Khôi lấy danh nghĩa tôn phù một người con của Hoàng tử Cảnh, mất năm 1801. Vị Vương tôn đó bấy giờ đang ở Huế.
Nghe tin này, vua Minh Mệnh cho giết ngay con cháu và chị dâu để bọn Khôi hết đường lợi dụng”.[5] [VHA nhấn mạnh].
Mấy chục năm sau, ở hải ngoại lại có người nhận định rằng:
“…không chừng chính ông (vua Gia Long) lại là người ủy thác ưu tư cho con, nên vua Minh Mạng (Nguyễn Phước Đảm, 1820 – 1840) (sic.) mới bị một số nhà viết giáo sử cho là bạo chúa. Những người này còn gán rằng ông gian dâm với chị dâu (vợ Hoàng tử Cảnh) rồi lấy cớ bà này chửa hoang, giết bà ta và các cháu”. [VHA nhấn mạnh].
Nghe cứ như là sự thật Rashomon (Lã Sinh Môn).[6]
* Chính sử nhà Nguyễn nói gì?
Sách Đại Nam thực lục ghi lại rằng, năm Minh Mạng thứ 5 (1824):
“Ứng Hòa công Mỹ Đường có tội, bị miễn làm thường dân. Mỹ Đường là con trai cả của Anh Duệ Hoàng Thái tử [Hoàng tử Cảnh]. Trước có người cáo Mỹ Đường là người dâm dật, thông gian với mẹ đẻ là Tống Thị Quyên. Lê Văn Duyệt đem việc tâu kín. Vua sai bắt Thị Quyên giao cho Lê Văn Duyệt dìm chết mà cấm Mỹ Đường không được chầu hầu. Đến nay, Mỹ Đường dâng sớ nói là có bệnh, xin nộp trả sách ấn và xin miễn làm thứ nhân, về ở nhà riêng. Vua vời các thân công đại thần vào bàn, bèn y cho”.[7]
Mỹ Đường bị truất tước công, phế làm người thường, xóa tên trong tôn phả (gia phả hoàng tộc), mất hết bổng lộc, riêng con cái thì chỉ được biên phụ vào sau sổ Tôn thất. Việc thờ tự Anh Duệ Hoàng Thái tử (tức Hoàng tử Cảnh), được chuyển qua người em của Mỹ Đường là Mỹ Thùy.
Qua năm Minh Mạng thứ 6 (1825), lại thấy ghi một sự việc khác về Mỹ Đường:
“Mỹ Đường đã có tội ở nhà riêng, thường đến thăm con ở xã An Hòa, có người cho là trốn, tâu lên. Vua bảo rằng: ‘Hành vi của nó hơn là chó lợn, trẫm nghĩ cái tình Anh Duệ Hoàng Thái tử nên không nỡ làm tội, nay lại nghe kẻ bậy bạ xui khiến, muốn làm gì chăng?’. Liền sai thị vệ bắt về, phái binh canh giữ, rồi tha”.[8]
Năm 1826, Mỹ Thùy bỗng mắc bạo bệnh và mất:
“Khi vua [Minh Mạng] mới được tin công mắc chứng hoắc loạn cấp tính [thổ tả], tức thì sai đại thần đem ngự y tới thăm, đến nơi thì công đã chết rồi. Vua thương khóc, bãi triều 3 ngày, cho thụy là Mẫn Khác, sai Tống Phước Lương và Tôn Thất Dịch trông coi việc tang, phát kho cấp cho. Ngày táng, lại bãi triều một ngày, xa giá đến nhà, vua thân rót rượu cúng. Con gái của công mới sinh, sai trưởng công chúa nuôi nấng, chiếu theo bổng công nữ mà cấp bội cho”.[9]
Để giải quyết vấn đề thờ tự Đông cung Cảnh, vua phục hồi hoàng tịch cho người con trai trưởng của Mỹ Đường là Lệ Chung, cho tập phong[10] làm Ứng Hòa hầu, cấp bổng lộc để lo việc tế tự. Có lẽ hai chữ Ứng Hòa đã tạo nên một ấn tượng khó chịu nào đó nên năm Minh Mạng thứ 8 (1827), vua đổi phong làm Thái Bình hầu.
Qua năm Minh Mạng thứ 14 (1833), khi biên soạn Ngọc diệp[11], đến phần của Đông cung Cảnh, chánh và phó Tổng tài là Phan Huy Thực và Tôn Thất Bằng đã tâu rằng:
“Mỹ Đường là con cả Hoàng Thái tử Anh Duệ, trước vì bị tội, các con cái phải phụ lục vào cuốn phả Tôn thất. Nay thiết nghĩ rằng: tội của Mỹ Đường chỉ là tội tự làm hỏng mình, sánh với tội phản nghịch có khác. Huống chi con là Lệ Chung hiện được tập tước để giữ việc thờ cúng ngành Anh Duệ. Ngoài ra, con trai con gái hắn cũng đều là cháu của Hoàng Thái tử Anh Duệ. Vậy xin liệt vào tôn phả theo thế thứ Hoàng Thái tử Anh Duệ, mà bỏ chỗ phụ đi. Đến như tên và tự Mỹ Đường trong phả Hoàng tử, dưới chỗ chép những chữ “Anh Duệ Hoàng thái tử tử nhị” xin chua rõ tội danh để lưu chiểu”.[12]
Cái câu mà chánh, phó Tổng tài đề nghị chua vào là: “Con trưởng là Mỹ Đình, năm Gia Long 15, được phong tiến Ứng Hòa công, vì đắm đuối chơi bời tự biết có tội, Minh Mệnh năm thứ 5 [1824], mang nộp cả sắc và ấn, xin tha tội, được làm thứ nhân”.[13] Vua Minh Mạng chấp thuận.
Tuy vậy, gia đình Mỹ Đường vẫn chưa được yên thân. Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nhân khi duyệt xét lại Ngọc diệp, Tôn Nhân Phủ lại cùng Bộ Lễ tâu rằng: “Thứ nhân Mỹ Đường tội ác rất nặng, con cái há nên còn để ở Tôn phả. Duy có Lệ Chung đã được tập phong để chủ việc thờ cúng dòng dõi Anh Duệ, thì xin cho miễn nghị, còn con trai là Lệ Ngân và các con giái là Thị Vân, Thị Dao đều bị truất làm thứ nhân, tước bỏ tên trong sổ họ Tôn thất”.[14] Lần này vua Minh Mạng cũng gật. Qua năm 1839, đổi phong Lệ Chung làm Cảm Hóa hầu, sai tiếp tục giữ việc thờ cúng.
Năm 1848, Tự Đức nguyên niên, Đông các Đại học sĩ Vũ Xuân Cẩn – cũng là nhạc gia của vua – trong một bản sớ rất thống thiết, kể lại công lao to lớn của Đông cung Cảnh, dụng ý xin gia phong cho Lệ Chung (để có bổng lộc cao hơn), trợ cấp cho Mỹ Đường để sống nốt chuỗi ngày tàn, và cho con cháu Mỹ Đường được ghi tên lại vào Tôn phả như năm xưa. Vua Tự Đức nghe cũng xiêu xiêu, nhưng bảo Bộ Lễ ghi nhận, hẹn hết tang vua Thiệu Trị sẽ xét lại.
Qua năm 1849, Mỹ Đường bị bệnh chết. Cũng trong năm đó, kinh thành bị dịch bệnh. Theo tập quán, vua nghĩ rằng trời ra tai họa hẳn do có điều gì oan khuất đây, nên xuống chiếu tìm cách trừ thiên tai. Nhân đó, một nhóm các quan 30 người, do Tạ Quang Cự chủ xướng, đã dâng sớ nhắc lại đề nghị của Vũ Xuân Cẩn năm trước và xin cho gia đình Mỹ Đường được trở lại quyết định của năm Minh Mạng thứ 14 (1823). Vua tự Đức chấp thuận, và qua năm sau, gia phong cho Tôn thất Lệ Chung làm Cảm Hóa Quận công. Kỳ ngoại hầu Cường Để chính là hậu duệ của dòng này.
* Tam sao thất bản
Khi so sánh phần trích dẫn chính sử ở trên và những trích dẫn của các tác giả vừa kể, hẳn độc giả cũng thấy được cái nạn “tam sao thất bản” do “nghe tin đồn” như thế nào.
Quả thực có việc vua Minh Mạng ra lệnh cho Tả quân Lê Văn Duyệt giết bà Tống Thị Quyên, vợ góa của Đông cung Cảnh, về tội thông dâm với con trai, nhưng hoàn toàn không có việc vua giết hết các con của anh ruột. Về phần Mỹ Đường và các con – ngoại trừ Lệ Chung vẫn còn được giữ áo mão và bổng lộc do nhiệm vụ phải thờ phụng Đông cung Cảnh – quả có việc bị tước bỏ Hoàng tịch, phế làm thứ nhân nhưng sinh mạng an toàn. Mãi đến năm 1848, Mỹ Đường mới chết vì bệnh chứ chẳng ai giết cả, mà vua Minh Mạng thì đã băng hà từ đầu năm 1841.
Trong khi viết Việt Nam sử lược, sử gia họ Trần có tham khảo Đại Nam thực lục và Đại Nam liệt truyện nhưng đã lạc mất giữa cánh rừng rậm hàng ngàn trang của hai bộ sách hàng chục cuốn đó, không đọc được điều muốn biết nên mới nói là “không thấy quyển sách nào chép cả”. Dầu sao vẫn đáng quý ở chỗ không quả quyết về điều không rõ.
Trái lại, sử gia Phạm Văn Sơn thì đã không thận trọng như thế. Ông không nắm được nguồn tài liệu nhưng lại đoán mò một cách quả quyết, thậm chí không để ý đến cả niên đại của sự kiện nên nói ra điều mâu thuẫn mà không biết.
Như chúng ta thấy, loạn Lê Văn Khôi xảy ra ở Gia Định năm 1833, chừng một năm sau cái chết của Lê Văn Duyệt (1832), trong khi việc giết bà Tống Thị Quyên (vợ Đông cung Cảnh) được vua Minh Mạng giao cho chính Lê Văn Duyệt thi hành từ năm 1824, tức 11 năm trước đó. Vậy thì sao lại nói là: “Nghe tin này [Lê Văn Khôi tôn phò con Hoàng tử Cảnh], vua Minh Mệnh cho giết ngay con cháu và chị dâu để bọn Khôi hết đường lợi dụng”.
Từ chỗ ghi nhận sự việc sai lầm này hẳn sẽ dẫn đến nhiều sai lạc khác nữa cho thế hệ sau. Đó là điều người chép sử nên tránh.
* Sự chọn lựa Hoàng tử Đảm
Đông cung Cảnh chết lúc còn quá trẻ (1801, 22 tuổi ta) đã để lại một khoảng trống lớn trong vấn đề thừa kế ngai vàng, nhất là sau khi vua Gia Long thống nhất đất nước vào năm 1802.
Bốn năm sau ngày Đông cung Cảnh mất, vào mùa thu 1805, sử ghi nhận quần thần (không rõ những ai) xin lập thái tử. Vua đáp:
“Ta từ thuở nhỏ, gặp vận nhà không may, từng trải mọi gian hiểm mới có ngày nay, khó nhọc mà được mới phải nghĩ truyền để lâu dài. Thái tử là ngôi vua sau này của nước, chính thống là ở đó. Nay hoàng tử hoàng tôn hãy còn nhỏ, trẫm đương ủy cho thầy dạy, rèn đúc thành tài đức rồi sau chọn kẻ nào hiền mới lập, thế cũng chưa muộn”.[15]
Vua Gia Long nhiều con trai, bốn người con đầu là các Hoàng tử: Cảnh, Hy, Tuấn và Đảm. Sau khi Đông cung Cảnh chết đi, Hoàng tử Hy và Hoàng tử Tuấn cũng chết ở miền Nam trước khi đất nước thống nhất (1802). Vào thời điểm vua Gia Long nói câu vừa rồi, người con trai lớn nhất là Hoàng tử Đảm – tục gọi là ông Hoàng Tư – mới 15 tuổi, còn cháu đích tôn của vua, Hoàng tôn Đán mới chừng 6, 7 tuổi.[16]
Trong số các đại thần bấy giờ, có lẽ không ai nóng lòng về việc lập thái tử cho bằng Tiền quân Nguyễn Văn Thành. Năm 1812, trong một mật sớ đề nghị 4 điều thì điều thứ nhất là xin sớm lập thái tử để yên lòng người. Vua đồng ý nhưng chưa có quyết định.
Năm 1814, Hoàng hậu họ Tống (tức Thừa Thiên Cao Hoàng hậu) – vợ cả vua Gia Long – mất. Vua chỉ định Hoàng tử Đảm đứng chủ tế, vì ngay từ năm mới 3 tuổi, ông đã được Tống Hoàng hậu nhận làm con nuôi, có giấy tờ giao nhận đàng hoàng do Lê Văn Duyệt viết theo lệnh vua. Bầy tôi có người bàn nên để cho đích tôn là Hoàng tôn Đán làm chủ tế. Vua nói:
“Hoàng Tư từng làm con của hoàng hậu, đã có giấy tờ, nên sai làm chủ tự, việc lớn của nhà nước không nên câu nệ theo lễ đích tôn thừa trọng như nhà thường. Nguyễn Văn Thành cho thế thì văn tế khó gọi. Vua bảo rằng: ‘Con theo mệnh cha tế mẹ là việc danh chính ngôn thuận, có gì mà không nên’. Bấy giờ việc bàn mới định. Nguyễn Văn Thành tỏ ý không bằng lòng”.[17]
Càng ngày thì ý định của Nguyễn Văn Thành càng lộ rõ: không những cần phải lập thái tử mà người đáng lập là Hoàng tôn Đán chứ không phải ai khác. Đại Nam thực lục có một chi tiết rất sống động:
“Vua [Gia Long] tuổi đã cao mà chưa định người nối ngôi. Hoàng thử thứ tư hiền và lớn hơn cả, vua đã để ý. Bầy tôi đều có lòng theo. Riêng một mình Nguyễn Văn Thành là người ngạo mạn kiêu căng, muốn được vua nhỏ tuổi, không thích vua lớn tuổi. Một hôm mời các quan trong triều uống rượu ở nhà, nói lên rằng: ‘Hoàng tôn Đán nối ngôi, tôi sắp tâu xin lập đây’. Trong đám ngồi không ai dám nói gì. Trịnh Hoài Đức sợ vạ lây mình, bèn nói rằng: ‘Việc lớn của nhà nước, quyết định do ở lòng vua, nếu người bầy tôi định kế riêng, tham lấy công to thì tội lại lớn’. Văn Thành bèn thôi. Sau có người nói đến tai vua. Vua giận nói rằng: ‘Hắn muốn dựng vua nhỏ để dễ khống chế, ngày sau có thể chẹt họng, vỗ lưng chăng [VHA nhấn mạnh]. Ta há tối tăm nhầm lẫn, không biết đắn đo nên chăng, vội nghe lời hắn mà không vì xã tắc chọn người sao!’. Từ đó, hễ cứ Văn Thành vào yết kiến là chỉ xin dựng thái tử. Vua nín lặng. Văn Thành tự biết không được thỏa ý, càng thêm ngờ sợ”.[18]
Năm 1816, vua Gia Long chính thức công bố lập hoàng tử thứ tư làm Đông cung Thái tử. Lễ tấn phong long trọng diễn ra vào mùa hạ năm đó. Qua năm sau (1817), bị cáo về tội có con là Nguyễn Văn Thuyên âm mưu cùng Lê Duy Hoán làm phản, Nguyễn Văn Thành tự vẫn khi nội vụ còn đang được tra xét. Tháng 1 năm 1820, vua Gia Long băng hà, Thái tử Đảm nối ngôi lấy hiệu là Minh Mạng (1820 – 1841).
Nếu Nguyễn Văn Thành còn sống đến đời Minh Mạng chắc cũng khó được an thân. Tuy nhiên, vua Gia Long đã tiên liệu và giúp cất gánh nặng cho con rồi.
* Điều có thể hiểu và điều khó hiểu
Trong vụ án Mỹ Đường có mấy điểm đặc biệt không giống với các vụ khác.
Thứ nhất, can án có hai người là Tống Thị Quyên và Mỹ Đường, nhưng chỉ có Thị Quyên bị bức tử dưới tay Lê Văn Duyệt do lệnh của vua. Còn Mỹ Đường, đầu tiên mới chỉ bị cấm chầu hầu. Sau đó mới bị truất làm thứ nhân là do biết tội mà tự nguyện, với sự đồng ý của các đại thần và sự chấp thuận của vua. Điều này thể hiện đúng cái ý “nghĩ cái tình Anh Duệ Hoàng thái tử nên không nỡ làm tội” như vua Minh Mạng đã có lần nói. Tống thị phải chết để cho Mỹ Đình được sống, vì “máu loãng còn hơn nước lạnh”. Và có lẽ vua không muốn mang tiếng nồi da xáo thịt, nhúng tay vào máu anh em.
Đặc điểm thứ hai của vụ án này là không có bản án. Nó mang tính cách “thanh lý môn hộ”, giải quyết nội bộ hơn là đưa ra công khai. Điều này có thể hiểu được vì nội dung vụ án là chuyện thương luân bại lý, một loại làm điếm nhục gia phong, chẳng tốt đẹp gì để làm to chuyện, phơi bày ra cho bàn dân thiên hạ đàm tiếu.
Bên cạnh những điều có thể hiểu được đó, có một điều không rõ, ấy là: vụ gian dâm này “không phải bị bắt quả tang” mà do: “Trước có người cáo Mỹ Đường là người dâm dật, thông gian với mẹ đẻ là Tống Thị Quyên. Lê Văn Duyệt đem việc tâu kín”. Vậy, trước khi đem việc này “tâu kín” lên vua, Lê Văn Duyệt có điều tra không? Có bằng cớ gì không? Chẳng lẽ sau khi nghe Lê Văn Duyệt tâu kín là vua Minh Mạng có ngay biện pháp mà không cần có một sự phối kiểm nào? Hay là trong thực tế, quả có sự điều tra nào đó nhưng chi tiết dơ dáy nên sử thần không chép? Chỉ biết rằng vua tỏ ra rất giận Mỹ Đường về chuyện sai trái nên đã có lần dùng lời rất nặng nề gọi “hành vi của nó hơn chó lợn”.[19]
* Sự thật ở đâu?
Chính cái điểm khó hiểu, mập mờ như tôi vừa nói ở trên đã dẫn đến dư luận cho rằng, đây là một vụ thanh toán đối thủ trong vấn đề tranh chấp quyền lực, nên hơn 150 năm sau, có tác giả đã viết:
“Thời ấy có 2 tội thuộc hàng đại ác, không thể tha, ấy là bất trung và thất đức. Bất trung thì con trai trưởng của Hoàng tử Cảnh chẳng có biểu hiện gì, vậy thì Minh Mạng muốn yên vị trên ngai, ắt phải khép Mỹ Đường vào tội thất đức là thông dâm với mẹ. Ôi, giá mà Mỹ Đường chẳng phải cháu đích tôn của vua Gia Long thì đời ông sẽ êm thấm biết ngần nào! Vua Minh Mạng tiếng là do bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu nuôi dưỡng, nghĩa là với Hoàng tử Cảnh nào có khác chi anh em cùng cha cùng mẹ, thế mà cam tâm giết hại chị dâu và đày đọa các con của anh. Ai đó đã nói rằng, phàm đã là hoàng đế thì chẳng thể dung tha dòng trưởng của tộc họ nhà mình. Mức độ đúng sai với ai chưa rõ, nhưng với vua Minh Mạng, chí lý thay!”.[20]
Như đã trình bày ở trên, Hoàng tử Đảm phải chờ đợi 15 năm ròng mới chắc chắn rằng ngai vàng thuộc về ông. Bề ngoài, đó là một sự lựa chọn đầy thận trọng của vua Gia Long, nhưng bên trong theo thiển ý, thời gian 15 năm còn có một ý nghĩa khác. Đó là việc dọn đường, nghĩa là chuẩn bị mọi điều kiện thuận lợi cho người kế vị để việc chuyển giao quyền hành được êm ái, tránh sự xáo trộn làm nghiêng ngã triều đại mà vua đã tốn bao công sức mới dựng nên.
Trong vấn đề chọn người kế vị, vua Gia Long không thể không quan tâm tới hai yếu tố căn bản:
– Thứ nhất là khả năng và tư cách của người thừa kế.
– Và thứ hai là phản ứng của các công thần đối với người kế vị, vì phản ứng này rất quan trọng, ảnh hưởng tới sự an nguy của triều đại.
Bằng vào kinh nghiệm chính trị của một người lập nghiệp từ khi trong tay “đất chỉ có một thành, quân chỉ có một lữ”[21], vua Gia Long có thừa khôn ngoan để dự kiến được rằng người kế vị sẽ phải đối phó với những vấn đề gì trong nội bộ, do các công thần gây ra giữa các điểm thu hút quyền lực mang danh nghĩa là con hoặc cháu. Nếu vua chọn cháu (Hoàng tôn Đán) thì phải đề phòng phản ứng của phe ủng hộ con; và ngược lại, nếu chọn con thì phải đề phòng phản ứng của phe bênh cháu, bởi vì giả dụ bản thân các con và cháu muốn yên thân tuân theo lệnh cha, ông đi nữa thì cũng không tránh khỏi tình trạng bàn ra tán vào, xúi giục này nọ của các đại thần, nếu họ có quan điểm ngược lại với vua. Trong sự trì hoãn quyết định của vua, chắc chắn có “cái thâm ý mua thời gian đủ để thăm dò phản ứng của các đại thần, và quả nhiên Nguyễn Văn Thành mắc bẫy”.
Chính sau khi cái ý của Nguyễn Văn Thành đã bộc lộ rõ ràng, vua mới công bố quyết định dứt khoát:
“Tháng ba, ngày Canh dần (2/1816), đặt triều nghi ở điện Cần Chánh, triệu bầy tôi đến, đều cho ngồi. Dụ rằng: ‘Trẫm nay làm việc đã mỏi, rất lo đến kế lớn của Xã tắc. Thái tử là người trừ nhị [người nối ngôi] của nước, cần phải sách lập để trọng chính thống và giữ bền gốc nước’. Bèn triệu Thượng thư Bộ Lại là Trịnh Hoài Đức đến trước giường ngự, sai viết ‘Lập Hoàng tử Hiệu [tức Đảm] làm Thái tử’ để đưa cho bầy tôi xem. Vua nói: ‘Ai đồng ý thì ký tên vào’. Quần thần đều nói: ‘Thánh ý định trước, thực là phúc không cùng của xã tắc, bọn thần xin noi theo mệnh lệnh”.
Tiếp theo thủ tục này là tiến hành thủ tục phong thái tử. Vào mùa hè năm sau (1817), Tiền quân Nguyễn Văn Thành uống thuốc độc tự sát khi triều đình đang còn nghị án. Vua Gia Long tỏ ý thương tiếc một công thần nhưng hẳn trong lòng không khỏi thở phào nhẹ nhõm khi loại bỏ được một chướng ngại quan trọng trên tiến trình củng cố quyền lực cho vua tương lai mà khỏi phải dùng đến biện pháp mạnh. Trong những năm kế tiếp, việc chuyển giao quyền hành được thực hiện từng bước trên từng lĩnh vực, vừa có tính cách tập việc làm vua cho con trai, vừa nhằm tăng quyền uy cần thiết, chẳng hạn thái tử đại diện vua để làm lễ tại các lăng miếu; chuẩn y đề nghị của Bộ Lễ, buộc thần dân phải xưng “thần” đối với thái tử; gọi sinh nhật của thái tử là “tiết Thiên xuân”; giao cho thái tử duyệt lại các án do đình thần đề nghị, từ tội đồ và lưu trở xuống, và xử chung quyết;…
Tháng 1 năm 1820, “ngày Tân mão, triệu hoàng thái tử và các hoàng tử tước công và các quan đại thần Lê Văn Duyệt, Phạm Đăng Hưng vào hầu. Bày ấn ngọc, cờ, gươm ở trên án vàng trước giường ngự. Dụ hoàng thái tử rằng: Đây là cơ nghiệp gian nan của trẫm, nay giao cho con, con nên cẩn thận giữ gìn”.[22] Kế đó, “ngày Kỷ hợi, vua ốm nặng, triệu hoàng thái tử và các hoàng tử tước công cùng các đại thần là bọn Lê Văn Duyệt, Phạm Đăng Hưng cùng nhận di chiếu”.[23]
Nguyễn Văn Thành và Lê Văn Duyệt là hai gương mặt lớn của triều đình lúc bấy giờ. Nay Nguyễn Văn Thành đã chết, đem một ông vua trưởng thành gửi gắm cho hai trọng thần một võ, một văn một cách công khai trước mặt những nhân vật quan trọng của triều đình là bước dọn đường sau cùng. Với việc này, vua Gia Long muốn nói lên rằng đây là quyết định tối hậu của vua, đây là chính thống, ai đi ngược lại là phản bội, sẽ bị kết án. Liệu trong một bối cảnh như thế, Mỹ Đường có đủ can đảm để chống lại không? Liệu có một đại thần nào dám ủng hộ Mỹ Đường, dẫu là ngấm ngầm không?
Lên ngai vàng trong điều kiện thuận lợi như thế, lại vốn thông minh và quyết đoán, thiết nghĩ vua Minh Mạng không cần thiết phải gây ra vụ án Mỹ Đường (với một cái cớ rất xấu hổ, rất điếm nhục gia phong) để bảo toàn địa vị, vì Mỹ Đường không phải là đối thủ và không có người hậu thuẫn. Xin nhớ lại rằng, vụ án Mỹ Đường xảy ra vào năm 1824, nghĩa là năm năm sau khi vua Minh Mạng lên ngôi. Ngày nay, năm năm là thời gian để hoàn thành một kế hoạch lớn (kế hoạch năm năm), vậy thì thời xưa, năm năm cũng đủ cho vua Minh Mạng củng cố địa vị một cách vững vàng tuyệt đối.
Lẽ thường tình, khi không có dấu hiệu đe dọa thì không ai xuống tay nặng nề. Trong hoàn cảnh tương quan lực lượng như thế, thử hỏi vua Minh Mạng có cần phải làm cái trò nhổ cỏ tận gốc không? Nói như thế không có nghĩa là vua Minh Mạng không coi chừng Mỹ Đường, nhưng coi chừng theo cách rào giậu, ngăn chận từ xa chứ không phải sắt máu như người ta đồn đãi. Việc lập ra Tôn Nhân Phủ, đặt ra Đế hệ thi dành cho dòng làm vua và Phiên hệ thi dành cho cho dòng các anh em, tiếng nói rằng để dễ dàng phân biệt thế thứ, thân sơ nhưng thực chất là một loại nhãn hiệu phân biệt trong vấn đề thừa kế ngai vàng. Nói một cách khác, vụ Mỹ Đường không phải là một vụ án chính trị.
Những tin đồn, những ghi nhận về vụ án Mỹ Đường đều thuộc loại “tam sao thất bản”, hoặc do người ta không nắm được sự việc – ngay chính cả các sử gia, như người viết đã dẫn – hoặc do ác cảm nên bày chuyện theo kiểu vẽ rắn thêm chân. Còn chuyện phê phán vua Minh Mạng đúng hay sai, tàn ác, hẹp hòi hay không là quyền của mọi người nhưng đừng quên nêu lý chứng.
Chú thích
1 Kể từ khi vua Minh Mạng ban hành Đế hệ thi (bài thơ quy định chữ lót cho dòng của vua) và Phiên hệ thi (những bài thơ quy định chữ lót cho các anh em vua) vào năm 1836 thì mới gọi là Mỹ Đường, lấy chữ lót là Mỹ, theo thứ tự trong bài thơ sau:
Mỹ Lệ (Duệ) Tăng Cường Tráng;
Liên Huy Phát Bội Hương;
Lịnh Nghi Hàm Tốn Thuận;
Vỹ Vọng Biểu Khôn (Khiêm) Quang.
2 Xem Trần Gia Phụng, Những kỳ án trong Việt sử, (Canada: Non Nước, 2000).
3 Tức Đông cung Cảnh, sau được vua Gia Long truy tặng là Anh Duệ Hoàng Thái tử.
4 Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Quyển II, (Paris: Institut de l’Asie du Sud-Est, 1987), 187.
5 Phạm Văn Sơn, Việt sử toàn thư, (Hoa Kỳ: Tủ sách Sử học, không đề năm), 604.
6 Đây là bộ phim đen trắng của Nhật vào thập niên 1950, kể chuyện cùng một vụ án mạng nhưng khi được thuật lại vào một chiều mưa dưới cổng Rashomon, những người cùng trú mưa đã mỗi người kể lại một cách khác nhau và ai cũng nghĩ rằng mình nói đúng sự thật.
7, 8, 9 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 2, (Hà Nội: Giáo dục, 2004), 390, 400, 520.
10 Tập phong là theo tước của cha để phong tước cho con, thấp hơn một bậc.
11 Gia phả của nhà Nguyễn, thuộc dòng của vua Gia Long.
12, 13 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 3, (Hà Nội: Giáo dục, 2004), 525, 525.
14 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 4, (Hà Nội: Giáo dục, 2004), 1039.
15, 17, 18, 22, 23 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Tập 1, (Hà Nội: Giáo dục, 2004), 642, 877, 913, 1000, 1002.
16 Không có lịch Mỹ Đường nên đây chỉ là con số ước lượng. Hoàng tử Cảnh sinh năm 1780. Giả thử 18 tuổi có con thì Mỹ Đường sinh trong khoảng năm 1797, 1798.
19 Cụ Trần Trọng Phúc, một nhân sĩ lão thành của Huế ở Mountain View, California (Hoa Kỳ) có điện thoại cho người viết hỏi rằng: Có biết vì sao chỉ có Lê Văn Duyệt biết vụ này mà không phải ai khác? Tôi thưa chưa nghĩ ra. Cụ bảo rằng: vì Lê Văn Duyệt trước khi làm tướng, nguyên là người chỉ huy tất cả thái giám trong cung cấm. Chuyện cung cấm, chuyện phòng the của vua, của ông hoàng, bà chúa chỉ có thái giám là biết rõ thôi. Chính bọn này đã mách lại chuyện kín cho Lê Văn Duyệt, từ đó tới tai vua Minh Mạng. Xin ghi nhận ở đây như là một cách giải thích khả tín.
20 Nguyễn Khắc Thuần, Việt sử giai thoại, Tập 8, (Hà Nội: Giáo dục, 2001), 11.
21 Chữ của vua Gia Long dùng để chỉ tình trạng ban đầu khi mới dấy nghiệp.
Tài liệu tham khảo
1. Trần Gia Phụng. 2000. Những kỳ án trong Việt sử. Canada: Non Nước.
2. Trần Trọng Kim. 1987. Việt Nam sử lược. Quyển II. Paris: Institut de l’Asie du Sud-Est.
3. Phạm Văn Sơn. Việt sử toàn thư. Hoa Kỳ: Tủ sách Sử học.
4. Quốc sử quán triều Nguyễn. 2004. Đại Nam thực lục. Tập 1. Hà Nội: Giáo dục.
5. Quốc sử quán triều Nguyễn. 2004. Đại Nam thực lục. Tập 2. Hà Nội: Giáo dục.
6. Quốc sử quán triều Nguyễn. 2004. Đại Nam thực lục. Tập 3. Hà Nội: Giáo dục.
7. Quốc sử quán triều Nguyễn. 2004. Đại Nam thực lục. Tập 4. Hà Nội: Giáo dục.
8. Quốc sử quán triều Nguyễn. 2004. Đại Nam thực lục. Tập 5. Hà Nội: Giáo dục.
9. Nguyễn Khắc Thuần. 2001. Việt sử giai thoại. Tập 8. Hà Nội: Giáo dục.
10. Sĩ Quốc. 2000. Dĩ vãng. California: Vietbooks.