Nếu bạn nói chuyện với một nhà khoa học, đôi khi hai người có thể không hiểu nhau. Một phần lí do đến từ việc rất nhiều thuật ngữ khoa học, khi sử dụng trong ngôn ngữ phổ thông lại mang ý nghĩa rất khác.

Thuật ngữ khoa học hướng đến sự chính xác, nhất quán, trong khi ngôn ngữ phổ thông mang nhiều tính linh hoạt và ước chừng. Và nếu bạn muốn tìm hiểu về sự khác nhau này, dưới đây là 6 ví dụ tiêu biểu nhất.


Rất nhiều thuật ngữ khoa học, khi sử dụng trong ngôn ngữ phổ thông lại mang ý nghĩa rất khác.

1. Lý thuyết

Trong những cuộc trò chuyện hàng ngày, bạn thường nghe thấy ai đó nói điều này hay điều kia chỉ là “lý thuyết”. Ý nghĩa mà họ ám chỉ là những điều này ít có khả năng xảy ra và không có bằng chứng thuyết phục.

Tuy nhiên, trong khoa học, nếu ai đó đưa ra một lý thuyết, gần như họ là đã đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp. Đó là Einstein với Thuyết tương đối hay Darwin với Thuyết tiến hóa. Lý thuyết trong khoa học là hình thức đáng tin cậy nhất, chặt chẽ và toàn diện về kiến thức.

Lý thuyết khoa học mang một sức mạnh vô cùng lớn. Nó được sử dụng để giải thích mọi hiện tượng khoa học trong một phạm vi hoặc lĩnh vực. Một lý thuyết có thể tồn tại trong nhiều thế kỷ cùng với danh tiếng của người đã xây dựng nên nó.

Bạn có thể thấy sau 100 năm Einstein sử dụng thuyết Tương đối rộng để tiên đoán sự tồn tại của sóng hấp dẫn, các nhà khoa học mới thực sự xác nhận được điều đó. Đây chính là sức mạnh của lý thuyết. Một lý thuyết có thể đi trước 100 năm so với khoa học thực nghiệm.


Khi đưa ra một lý thuyết, nhà khoa học đã chạm tới đỉnh cao sự nghiệp của họ.

Trong khoa học, quá trình để thiết lập một lý thuyết cơ bản sẽ như thế này: Các nhà khoa học quan sát thấy một hiện tượng bất thường, không giống với bất kỳ điều gì trước đây. Họ sẽ đưa ra các giả thuyết để giải thích nó. Để kiểm tra giả thuyết, nhiều thí nghiệm phải được thiết lập. Một khi có đủ các giả thuyết được xác thực, các nhà khoa học sẽ xâu chuỗi chúng lại với nhau.

Lúc này, một lý thuyết được thiết lập. Nhưng chưa dừng lại, nó phải được chấp nhận bởi cộng đồng khoa học. Hàng loạt các nhà khoa học khác sẽ tiến hành xác minh nó, mà thông thường, họ thích phản biện lại hơn là xây dựng. Cho đến khi phần lớn các nhà khoa học khác đồng ý, lý thuyết cũng như nhà khoa học đưa ra nó sẽ được ghi nhận.

Trong đời sống hàng ngày, nhiều người sẽ nhầm tưởng Thuyết tương đối, hay Thuyết tiến hóa không chính xác, bởi các nhà khoa học gọi chúng là “lý thuyết”. Khi đó, bạn hãy giải thích cho họ rằng lý thuyết chính là một đỉnh cao của khoa học rồi.

2. Thiên nhiên


100% từ thiên nhiên đâu có nghĩa là chúng luôn tốt cho sức khỏe.

“Đừng lo lắng, chúng có nguồn gốc thiên nhiên”, đó là câu nói mà chúng ta nghe rất nhiều hàng ngày. Bạn có thể biết về một loại thức ăn, đồ uống hay mỹ thẩm được quảng cáo là có nguồn gốc “thiên nhiên”. Ý của họ là nó ko chứa thành phần hóa học, tốt cho sức khỏe.

Mặc dù vậy, ý nghĩa thật của “thiên nhiên” là mọi thứ tồn tại mà không có sự can thiệp của con người. Vậy thì không hẳn là mọi thứ “thiên nhiên” đều tốt cho bạn. Hãy xem asen là một ví dụ. Nó là hoàn toàn có trong tự nhiên, nhưng là một chất độc chết người.

Botulinum toxin, hay được biết đến với cái tên Botox, sử dụng trong phẫu thuật thẩm mỹ cũng vậy. Thậm chí nó còn là một chất độc thần kinh được xếp vào hàng mạnh nhất. Vì vậy, lần sau nếu có ai đó quảng cáo về một sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, bạn có thể tự nhủ: “Dẫu vậy, chưa chắc chúng đã tốt cho sức khỏe”.

3. Sao chổi, sao băng, thiên thạch và tiểu hành tinh


Đây là sao chổi, sao băng, thiên thạch hay tiểu hành tinh?

Tất cả đều là những vật thể bay, trôi nổi trong vũ trụ phải không? Vấn đề ở đây là những vật thể này hoàn toàn được phân loại rõ ràng.

Sao chổi và các tiểu hành tinh, cả hai đều là những thiên thể quay quanh Mặt Trời của chúng ta. Chúng có kích thước nhỏ hơn so với các hành tinh, dao động từ một đường kính 10m cho tới 578km. Cả sao chổi và tiểu hành tinh đều hình thành cùng Hệ Mặt Trời, vào khoảng 4,5 tỷ năm trước.

Tuy nhiên, một tiểu hành tinh được tạo thành từ các quặng kim loại hay vật liệu đá. Trong khi đó, sao chổi hình thành từ băng, đá và bụi. Nếu một sao chổi tiến gần đến Mặt Trời, băng của nó sẽ tan chảy và bốc hơi, để lại đằng sau chúng một cái đuôi.

Sao băng là những vệt sáng xoẹt qua bầu trời vào ban đêm. Đó là những mảnh vỡ đường kính dưới 10m bị đốt cháy hoàn toàn trong bầu khí quyển. Còn nếu một thiên thể đủ lớn để không bị đốt cháy hết, nó đâm xuống bề mặt Trái Đất, lúc này bạn hãy gọi nó là thiên thạch.

4. Hóa thạch


Hóa thạch không phải chỉ là xương động vật.

Khác với những gì bạn hình dung, hóa thạch không chỉ là những mảnh hay bộ xương động vật còn sót lại. Các mô mềm như da, mạch máu và những dấu vết chúng để lại như vết chân, hang, tổ đều được gọi là hóa thạch.

Tuy nhiên, để hội đủ điều kiện để trở thành hóa thạch, mẫu vật phải hơn 10.000 năm tuổi. Ít hơn số đó, chúng được gọi là bán hóa thạch.

5. Nọc độc và độc tố

Một con rắn độc và một con cóc độc. Ồ, chúng có một chút khác nhau. Một con cóc có độc tố trên da. Trong khi, nọc độc phải được tiết ra từ một bộ phận cụ thể, ví dụ như ở rắn là răng nanh.

Vì vậy, sẽ là rất lạ lẫm nếu ai đó nói một con cóc có nọc độc còn rắn thì có độc tố. Bạn chắc chắn là không nhầm lẫn về hai khái niệm này chứ?

6. Khủng long


Pterodactyl là thằn lằn có cánh chứ không phải khủng long bay.

“Tôi rất yêu thích những con khủng long bay”. Sai rồi! Nhiều người không biết khủng long chỉ đề cập đến loài bò sát cổ đại sống trên mặt đất. Chúng không bao gồm các loài bay, ví dụ như Pterodactyl, hay sống dưới nước như Plesiosaurus.

Và bạn nghĩ khủng long đã tuyệt chủng mà không để lại hậu duệ? Sai một lần nữa. Hãy nhìn ra cửa số, nơi bạn sẽ thấy tất cả những loài chim ngày nay, chúng có chung một tổ tiên với khủng long. Vì vậy, nếu con người được tính là một loài của linh trưởng, chim là một loại của khủng long.

Vậy gọi mấy con bay bay đó là gì? Là thằn lằn bay nhé.