Trước một ngày, khảo quan vào chầu trong cung để cùng vua chọn đề mục, vua thân ra đầu đề, rồi cho sao thành nhiều bản để hôm sau phát cho những người đỗ Trúng-cách vào thi Ðình. Cũng có khi đầu đề được sao lại ngày thi, ngay trước mắt khảo quan và Cống sĩ.
Ðề mục thi Ðình bao giờ cũng là một bài văn sách (còn gọi là sách vấn, chế sách) hỏi về phép trị nước, lan rộng ra cả đến các vấn đề lý số hay thuật phong thủy v.v… thường chia làm hai phần :

– Cổ văn hỏi về Tứ Thư, Ngũ Kinh, thuật trị nước của các đế vương Trung quốc thời đại hoàng kim (Nghiêu, Thuấn), những biến chuyển của các thời đại, tai biến xẩy ra và cách thức ngăn ngừa v.v…

– Kim văn hỏi việc trị an của nhà vua (Việt-Nam) đang thực hiện, những phương pháp làm cho nước mạnh, dân giầu v.v…

Có hai loại đầu đề :

– Văn sách đạo đầu bài ngắn, hỏi từng việc, mỗi câu hỏi là một “đạo”, có thể có tới 10 hay 12 đạo ;

– Văn sách mục đầu đề dài có tới mấy chục câu hỏi về một hay nhiều vấn đề (1).

Thời Trung-Hưng, một phần vì các thân sĩ Thanh, Nghệ ít học do loạn ly, lại đố kỵ không muốn cho ai hơn mình, nên thường chọn những đầu đề hiểm hóc, tìm điển tích lạ trong những sách ít người đọc đến, đặt những câu hỏi mẹo, hỏi vặn vẹo cốt làm cho học trò không trả lời được để khoe tài học rộng. Phạm Ðình Hổ viết :”Các quan soạn đề chỉ đưa ra những câu hỏi hiểm hóc để làm cho khó. Bài văn chế sách đình đối thì sai quan Ðồng Tiến sĩ phụng soạn. Quan soạn đề nguyên đã đỗ cuối hàng Tam giáp thì không muốn cho ai hơn mình nên ra đầu đề thường rất hiểm hóc. Bởi vậy hàng Tam khôi là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa thường không lấy được đủ” (2).

Bùi Huy Bích cũng than phiền :”Ngay đối với các Tiến sĩ được vào thi Ðình, đáng lẽ phải hỏi về ý nghĩa của Ngũ Kinh để xem học có uyên thâm không, hỏi về Tử, sử để xem học có rộng không, hỏi đại lược về công việc chính trị đương thời để xem kiến thức có thông suốt không, nhưng các thị thần khi soạn đầu bài chế sách dâng lên vua xem lại cứ theo nhau mà hỏi những chỗ khó khăn, ẩn khuất khiến cho người ta không trả lời được” (3).

Sang thời Nguyễn, lối ra đề bí hiểm vẫn tiếp tục.

* Luật lệ làm văn thi Ðình là phải chép đầu bài, song vì đầu đề văn sách dài nên có khi Cống sĩ được phát cho bản sao, không phải chép lại, có quyền viết thẳng vào bài, và có lúc được phép viết chữ thảo.

Phép làm văn bài thi Ðình phải bắt đầu bằng “Thần nghe”, “Thần đối” vì xưng với vua, khác với thi Hương viết cho quan trường đọc nên xưng là “sĩ” (“Ðối sĩ văn”), chữ “thần” hay chữ “sĩ” đều phải viết nhỏ bằng một nửa và lệch sang bên hữu, nếu không sẽ phạm trường quy.

Văn thi Ðình là lối văn thù phụng, sĩ tử bị bó buộc phải luôn luôn tán tụng công đức, chính sách của nhà vua, cuối thời Nguyễn lại còn thêm xu nịnh cả “các quan Ðại Pháp”.

I – ÐỀ MỤC THI ĐÌNH – SÁCH VẤN

A – ÐỀ MỤC THỜI LÊ

Các đề mục trước thời nhà Lê ít khi được ghi lại, ngay thời Lê, thường cũng chỉ được chép đại lược trong một hai câu ngắn gọn.

1448 Ngày 23/7 vua ngự điện Tập-hiền, hỏi về lễ nhạc, hình chính.

1502 Hương Khoa Lục chỉ chép :”Thi Ðình văn sách hỏi về kinh Phật”.

Lê Mạnh Thát cho biết khoa này đề mục có cả thẩy 47 câu hỏi, nhưng cũng chỉ chép lại câu 15 :”Ðiều Ngự, Huyền Quang truyền đạo gì mà được thành Phật làm tổ ?”. Trạng nguyên Lê Ích Mộc (1459- ? ) trả lời :”Vả đem đời gần đây mà nói, về Thượng sĩ triều Trần thì có Tiêu Diêu, Tuệ Trung, Ðiều Ngự, Huyền Quang được pháp vô thượng, cho nên có thể gắn mình vào cảnh giới Di-Ðà, viết Thiền Tông Chỉ Nam. Ðó là cái đạo họ truyền lại vậy. Về sau ai hiểu được lẽ vô sinh, chứng tới thành niết bàn thì thành Phật làm tổ. Ðiều ấy cố nhiên là phải thôi” (4).

1523 Ðạo làm vua, đạo làm thầy (5).

1685 Lẽ Trời Ðất muôn vật (6).

1697 Tâm tính con người.

1724 “Thể” và “Dụng” của sự nghiệp thánh nhân.

1780 Triều đình triệu tập hai xứ Thanh, Nghệ hỏi về việc hai xứ đó, trình bầy những điều hay hay dở (7).

* Tuy vậy, nhờ giữ được những quyển văn của các Tiến sĩ trong có ghi chép đầy đủ những câu hỏi, nên ngày nay chúng ta có thể biết tường tận một số đề mục thi Ðình, thí dụ :

– Khoa 1475, sách sử chỉ ghi đại lược : “Chế sách hỏi về ý chí kinh sử giống nhau khác nhau cùng những thao lược dụng binh của các tướng suý”.

Văn Thi Ðình (8) chép nguyên văn là :

“Các bậc thánh nhân thời cổ, trị hóa thịnh vượng ắt khen Nghiêu, Thuấn, phò tá giỏi thường nói Cao, Quỳ (9), gíả sử trong 242 năm (thời Xuân Thu) chung một lòng một đức với Ðường, Ngu (10) mở rộng tứ đoan, tứ đạt (11) của Ðường, Ngu, liệu có thể thống nhất được cục diện chia cắt đó chăng ? Ðương lúc Hán (206 tr TL – 220), Ðường (618-907) dựng nghiệp, quần hùng dấy binh, (giả sử) cất dùng bọn Cao, Quỳ, Tắc, Tiết (12) liệu có làm nên công trạng để được lưu truyền ở Vân-đài, Lăng-yên (13) không ? ‘Trời không đủ cao, Ðất không đủ dầy’, đó là sự vĩ đại của Nho ; lễ nghĩa nhờ đó mà hưng, kỷ cương nhờ đó mà dựng, đó là sức của Nho ; dựng chuẩn mực cho dân, mở nền thái bình cho muôn đời, đó là công của Nho. Nhà Triệu Tống dùng Nho chuyên nhất so với Hán, Ðường thực hơn nhiều lắm nhưng binh lực trị hiệu không được thịnh bằng Hán, Ðường là tại làm sao ? Hay là Nho thuật không bằng lưng ngựa ? (14)

Trẫm kế thừa đại thống đến nay đã mười sáu năm, những việc trị nước quan trọng, cấp thiết Trẫm thường đắn đo suy nghĩ cùng mọi người rồi thi hành vào chính sự, điều hay điều dở, há không có gì đáng bàn ? Trẫm cũng muốn được nghe cách thức làm dân giầu, binh mạnh, muốn đạt đến trị mà chưa được, sắp hòa vào loạn mà chưa thay, (các ngươi) chớ nên phù phiếm, hãy hết sức tỏ bầy. Thiết tha mong trị, Trẫm sẽ đích thân chọn lựa” (15).

B – ÐỀ MỤC THỜI NGUYỄN

1847 Sách vấn :”… Gần đây các nước bên phương Tây, tà giáo Gia-tô, ngấm ngầm lấn lướt, vì đâu mà đến nỗi mê hoặc, có thể nói cho nghe được không ? Tuy pháp lệnh rất nghiêm để dẫn người ta vào con đường lành, đổi lỗi, nhưng mà như cái chén để rỉ nước, đáy hồ còn sót cặn, bề ngoài thì thuận, bề trong không theo, chưa khỏi có một, hai nơi thôn quê kẻ tiểu dân ngu mê ngoan cố, đặt mình ra ngoài đức hóa sinh thành, còn mê mà không tỉnh ! Vậy (làm) rhế nào để mặt đổi, lòng theo, đặt vào nơi chăn chiếu, trở lại thuần phác, vui ở cảnh xuân đài, đều làm lương dân đời thái bình, cùng lên cõi hòa vui ?” (16).

* Thời Pháp sang :

1868 Khoa Mậu Thìn, đề mục Kim văn thi Hội :”Quân xâm lăng hiện nay càng ngày càng gây hấn, đồn lũy khắp dân gian, vậy nên đánh hay nên hòa ?” (17).

1874 “Sĩ tử nghĩ gì về việc học, dự tính tương lai ? Tại sao người Pháp sau khi chiếm được 6 tỉnh miền Nam thì giữ làm thuộc địa mà lại trả lại các tỉnh đã chiếm được ở Bắc ? Cứ thẳng thắn trình bầy, đừng e ngại” (18).

1919 Nam Phong lược lại :”Hoàng thượng thân sách lấy hai chữ Văn Minh làm đề : Ðầu hỏi hết lịch sử hưng suy, trị loạn các đời vua Trung quốc và nước ta có văn minh hay không văn minh mà kết lại hỏi đến chính thể chuyên chế có chỗ nào ngộ điểm ; thứ hỏi đến nước ta bây giờ nhờ nhà nước Bảo Hộ dìu dắt, làm thế nào phú cường theo được Thái Tây ? Về đường thực nghiệp thì hỏi đến khẩn mỏ ruộng đất, tổ chức công thương, về đường chính trị hỏi lấy thuế sao cho khỏi bệnh dân, mở Tân học sao cho được người giỏi, mà kết lại hỏi đến chính thể lập hiến quyền hạn tổ chức ra thế nào ; thứ nữa hỏi đến mấy năm Ðại Pháp có việc tranh chiến, dân ta kẻ xuất tiền, người xuất lực sang giúp, nay toàn thấy thành công, nhà nước Ðại Pháp biết ơn cho dân ta thế nào thì không kể, còn nhà nước ta đối với con dân trung thành làm hết nghĩa vụ như thế, nên làm thế nào để trả công lao cho dân ; thứ nữa hỏi đến cái trách nhiệm của người dân làm thế nào giúp được sự tiến hóa cho có trật tự mà không đến nỗi sai lầm” (19).

II – VĂN BÀI – ÐÌNH ÐỐI

A – VĂN BÀI TRƯỚC THỜI NGUYỀN

Sử sách thường nói văn phong thời Lý, Trần hồn hậu, xuất sắc, sĩ tử còn được tự do phát biểu ý kiến, Tam giáo (Nho, Phật, Lão) đều được trọng, chưa bị Nho giáo lấn át như thời Hậu Lê là thời cực thịnh của Khoa cử.

Sang thời Lê Trung Hưng, khoa cử xuống dốc. Khảo quan thích ra đầu đề hiểm hóc mà chính sĩ tử cũng thích đưa ra những điển lạ để khoe tài học rộng. Khoa Tân Mùi (1631) Nguyễn Minh Triết (sau đổi ra là Nguyễn Thọ Xuân) ứng chế xong bảo với bạn bè :”Bài của tôi làm cả triều chưa dễ mấy ai hiểu, có chăng chỉ bà chị tôi là bà Lễ Phi hiểu được mà thôi”. Quả nhiên bài có nhiều điển lạ, quan trường không hiểu hết, chúa Trịnh hỏi thì bà Lễ phi Nguyễn thị Du giảng giải cặn kẽ, chúa cho Xuân đỗ đầu (20).

Phạm Ðình Hổ nhận xét :”Ta thường được xem những văn Ðình đối của Vũ Duệ, Lương Thế Vinh, lối văn rộng rãi mông mênh, không phải những kẻ sĩ nông nổi đời sau có thể bắt chước được. Từ đời Trung-Hưng về sau, phép thi càng thiên lệch mãi đi (…). Những kẻ chuộng công danh nhặt lấy những bã mía của tiên nho, tập làm lối văn chương hoa hoè chứ không có căn bản bản gì cả. Cái ý dựng nền giáo dục, đào tạo nhân tài của đời Lý, đời Trần vì thế mà biến đổi hết sạch (…), khi may có đỗ đạt, phải đương đầu đến đại sự, đến đại lễ thì cẩu thả làm cho xong việc (…). Học tập như thế mà mong làm những việc kinh bang tế thế thì sao được ?” (21).

B – VĂN BÀI THỜI NGUYỄN

1835 Ðịnh lệ từ năm nay vào Ðình đối đầu bài văn sách cấp cho, không phải sao chép. Quyển thi viết thẳng từ chữ :”Thần đối” hay “Thần văn” (=nghe), theo từng khoản hỏi mà trình bầy. Phải nộp cả giấy đầu bài khi nộp quyển để phòng gian lận (22).

Vua Minh Mệnh hỏi Phan Huy Thực (bộ Lễ) :”Nghe nói đời cựu Lê đầu bài thi Ðình rất nhiều, có người làm văn không đủ bài thì nhúng ướt quyển thi đi là tại sao ?”. Huy Thực thưa :”Phép thi thời cựu Lê cốt lấy nhớ nhiều, nếu làm không đủ bài e nhơ cho danh Tiến sĩ nên nhúng ướt quyển đi” (23).

1856 Vua dụ :”Sau bài văn làm, dùng câu :”Thần là người mới học, chẳng biết kỵ húy, can phạm đến sự nghiêm cấm của nhà vua, khôn xiết run sợ” đó là vẫn theo mẫu cũ. Song ta nghĩ : Ðã lấy lời nói tìm người hiền thì có kỵ húy gì đáng run sợ ? Nếu dùng những chữ ấy e có ngăn trở đến khí khái của người dám nói thẳng, mà không phải là lòng thành thực muốn hỏi của ta. Vậy chuẩn cho đều bỏ những chữ ấy đi, chỉ lấy văn lý hơn kém mà định lấy đỗ hay loại bỏ, mới có thể nói được hết điều đã chứa để trong lòng” (24).

* Tuy đầu bài luôn luôn khuyến khích sĩ tử thẳng thắn trình bầy ý kiến riêng, song nếu ý kiến không phù hợp với vua thì vẫn có thể bị điểm xấu. Khoa 1868 đề mục thi Ðình hỏi nên đánh hay nên hòa (với Pháp), Vũ Duy Tuân, đỗ Hội nguyên, trả lời :”Triều đình hiện có sẵn hàng trăm vạn quân tinh nhuệ, theo nghĩa thì nên đánh quân xâm lăng, nếu không đánh là không dũng cảm chút nào !”. Vua Tự-Ðức chỉ cho đỗ Phó bảng, châu phê :”Hôm nay xin đánh, mai xin đánh, nếu đánh mà thua thì rồi đặt Trẫm vào chỗ nào ?”. Vua không muốn nói rõ là triều đình đâu có trăm vạn tinh binh mà cứ muốn đánh ? (17).

CHÚ THÍCH

1- Xin xem Thi Hương của Nguyễn Thị Chân Quỳnh.

2- VTTB, 108.

3- Bùi Huy Bích, Lữ Trung Tạp Thuyết, 28-9.

4- HKL, 65 – Lê Mạnh Thát, 238-9. Tiêu Diêu / Dao, người thứ 4 thành lập nên tông môn Trúc Lâm ; Tuệ Trung là bác Trần Nhân Tông và là tổ thứ 5 ; Ðiều Ngự là Trần Nhân Tông, tổ thứ 6, học trò Tuệ Trung ; Huyền Quang (chết năm 1334) tổ thứ 8, viết lại ngữ lục và hành trang của Pháp loa, tổ thứ 7. Cả 4 người đều tu ở núi Yên tử.

5- Hương Khoa Lục, 65.

6- Lê Triều Chiếu Lịnh Thiện Chính, 156.

7- Lê Quý Dật Sử, 40. Ám chỉ vụ các hoàng tử nhà Lê nổi lên chống họ Trịnh.

8- Văn Thi Ðình do Nguyễn văn Thinh dịch và chú giải, chưa xuất bản.

9- Cao là Cao Dao, quan coi hình ngục đời vua Thuấn.

Quỳ là Hậu Quỳ, quan coi điển nhạc đời Thuấn.

10- Ðường, Ngu : Vua Thuấn nhà Hữu Ngu, vua Nghiêu họ nhà Ðào Ðường, lấy họ làm quốc hiệu.

11- Tứ đoan : nhân, nghĩa, lễ, trí.

Tứ đạt : Bốn việc lớn để trị (xét số người nhiều ít, xét mùa màng cấy gặt, xét cờ trống, vũ khí).

12- Tắc quản lý về nông nghiệp đời Thuấn.

Tiết coi việc giáo hóa đời Thuấn.

13- Vân-đài : đài cao trong cung Hán, Minh Ðế cho vẽ hình 28 công thần trung hưng.

Lăng-yên : gác cao trong treo hình các công thần.
14- Lưng ngựa : Hán Cao Tổ mắng Lục Giả là “Cần gì phải học Thi, Thư, ta chỉ ngồi trên lưng ngựa mà được thiên hạ” tỏ ý khinh đạo Nho nhưng về sau nhận thấy “ngồi trên lưng ngựa” tuy được thiên hạ nhưng không giữ được thiên hạ nên vẫn phải nhờ các nhà Nho giúp sức chăn dân, giữ nước.
15- Văn Thi Ðình, 38 (số trang tạm theo bản thảo chưa in).

16- Thực Lục, XXVI, 294.

17- Giai Thoại Làng Nho Toàn Tập, 534. Ðây rõ ràng là thi Ðình vi họ Vũ đã đỗ Hội nguyên.

18- Huỳnh Côn, 50 (sinh năm 1849, đỗ Phó Bảng năm 25 tuổi).

1874 Philastre (Hoắc đạo sinh) giao ước trả lại Hà-nội, Nam-định, Hải-dương và Ninh-bình, định ngày lui quân về Hải-phòng đợi ký hòa ước (15/3/1874 (Hòa ước Giáp Tuất) nhường 6 tỉnh Nam kỳ và Hà-nội cho Pháp).

19- Nam Phong số 23, 5-1919.

20- Xin xem bài về bà Nguyễn thị Du trong “Lối Xưa Xe Ngựa…” tập I, của Nguyễn Thị Chân Quỳnh.

21- VTTB, 107.

22- Thực Lục, XVI, 275.

23- Thực Lục, XVI, 311.

24- Thực Lục, XXVI I I, 233.