Con đường kỳ cựu nhất Sài Gòn

Năm 1861, khi Sài Gòn lọt vào tay quân Pháp thì con đường này đã có một quá trình dài góp mặt vào sinh hoạt của cư dân địa phương. Nó được biết đến nhiều vì ở đầu con đường, nơi giáp với bờ sông (sông Sài Gòn), từng là nơi vua nhà Nguyễn đến nghỉ ngơi và … tắm (Bến Ngự). Tuy nhiên, từ trước năm 1865, nó cùng 25 con đường khác chỉ mang số thứ tự kế tiếp nhau, từ 1 đến 26. Phải chờ đến ngày 1-2-1865, Đề đốc De La Grandière mới đặt tên cho từng con đường một và con đường số 16 lần đầu tiên mang tên Catinat. Nhiều người không rõ xuất xứ của tên này. Theo một số sử liệu, Catinat là tên một thống chế Pháp sinh năm 1637 và mất năm 1712, phục vụ dưới thời vua Louis XIV. Giữa thế kỷ XIX, Pháp lấy tên Catinat đặt cho một chiếc tàu chiến từng tham gia trận đánh Sài Gòn năm 1859 và dựa vào chi tiết này, De La Grandière đặt cho con đường số 16 tên Catinat (trường hợp tương tự cũng xảy ra với rạch Thị Nghè, được Pháp gọi là Arroyo d’Avalanche).

Một cửa hàng bán đồng hồ đeo tay trong Thương Xá GMC.

Một cửa hàng bán đồng hồ đeo tay trong Thương Xá GMC.

Một trong những tác giả Pháp đầu tiên là Pallu de la Barrière đã miêu tả con đường số 16 này vào năm 1861 như sau: “Du khách đến Sài Gòn nhìn thấy bên hữu ngạn con sông một loại đường phố mà hai bên bị đứt quãng bởi những khoảng trống lớn. Phần lớn nhà cửa làm bằng cây lợp lá cọ ngắn; số khác ít hơn, làm bằng đá. Mái nhà lợp bằng ngói đỏ làm vui mắt và tạo được cảm giác yên bình…”. Tính cách quan trọng của con đường Catinat thể hiện ở chỗ nó được thực dân Pháp sử dụng làm trung tâm của bộ máy thuộc địa. Đầu tiên, vào năm 1863, ở vạt đất nằm giữa hai con đường Mossard (nay là Nguyễn Du) và Gouverneur (sau là De La Grandlière, Gia Long, nay là Lý Tự Trọng), họ dựng lên dinh Thủy sư Đề đốc, cơ quan đầu não của thực dân Pháp tại Viễn Đông, gần chiếc đồng hồ lên cái tháp trước dinh, từ đó, quảng đất trống phía trước (nay là khu đất trước mặt tiền Nhà thờ Đức Bà) được gọi là “Quảng trường Đồng hồ” (Place de l’Horloge). Ngày 15-8-1865, tại quảng trường này đã diễn ra một buổi lễ trong thể có duyệt binh do chính De La Grandière chủ trì nhằm tôn vinh Hoàng đế Pháp Napoléon III và Hoàng hậu.

Nhà thờ Notre Dame de Saigon và Place Pigneau de Béhaine, hình chụp từ đường Catinat.

Nhà thờ Notre Dame de Saigon và Place Pigneau de Béhaine, hình chụp từ đường Catinat.

Năm 1864, Nha Giám đốc Nội vụ (Direction de I’ Intérieur), người dân đương thời gọi là “Dinh Thượng thơ”, được xây dựng, nhìn ra đường Catinat, ở phía đối diện dinh Thủy sư Đề đốc. Viên chức lãnh đạo cơ quan này, xét về mặt cai trị, chỉ xếp sau Thống đốc Nam Kỳ, trực tiếp chỉ huy các tham biện Pháp và quan lại Việt Nam hàng Huyện, Phủ, Đốc phủ sứ. Đầu thập niên 1880, ngay trên lộ trình con đường chạy qua, mọc lên ngôi nhà thờ Notre Dame, về sau được cư dân Sài Gòn gọi là Nhà thờ Đức Bà hay Vương cung Thánh đường. Sau lưng nhà thờ là đường Norodom (nay là Lê Duẩn), lấy tên ông hoàng xứ Cambodge (Campuchia) đến thăm Sài Gòn vào đầu năm 1867, nhân cuộc đấu xảo canh nông đầu tiên tổ chức tại đây.

Một trẻ bán báo đang nghĩ mệt bên cạnh sạp báo và tạp chí.

Một trẻ bán báo đang nghĩ mệt bên cạnh sạp báo và tạp chí.

Năm 1886, Pháp khởi công xây trụ sở chính Sở Bưu chính và Viễn thông (nay là Bưu điện ) trên khu đất đối diện với mặt tiền nhà thờ, nằm giữa con đường Catinat và đường Paul Blanchy (nay là Hai Bà Trưng). Cuối đường Catinat, người ta nhìn thấy một tháp nước cao được xây dựng năm 1878 nhằm cung cấp nước uống cho cư dân trong vùng. Tuy nhiên, đến năm 1921, với sự phát triển của dân cư, tháp nước này không còn đáp ứng được yêu cầu nên bị đập bỏ. Ngày 1-1-1900, nhà hát Tây (nay là Nhà hát thành phố) được khánh thành trên giao lộ đường Bonard (nay là Lê Lợi) và Catinat, trở thành nơi biểu diễn thường xuyên của những đoàn hát từ phương Tây đến.

Théâtre Nguyễn Văn Hảo trên Avenue Galliéni (Trần Hưng Đạo) đang chiếu phim "Till the Clouds Roll By".

Théâtre Nguyễn Văn Hảo trên Avenue Galliéni (Trần Hưng Đạo) đang chiếu phim “Till the Clouds Roll By”.

Nhịp sống trên đường Catinat

Sinh hoạt của đường Catinat vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX được tác giả Nguyễn Liên Phong miêu tả sinh động trong Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca xuất bản tại Sài Gòn năm 1906:

Nhứt là đường Ca-ti-na,
Hai bên lầu các, phố nhà phân minh
Bực thềm lót đá sạch tinh
Các cửa hàng bán lịch thanh tốt đều
Máy may mấy chỗ quá nhiều,
Các tiệm tủ ghế dập dều (sic) phô trương
Đồ sành, đồ cẩn, đồ đương
Đồ thêu, đồ chạm trữ thường thiếu chi
… Nhà in, nhà thuộc, nhà chà,
Nhà hàng ăn ngủ với nhà lạc son (xoong) ~
… Phong lưu cách điệu ai bằng
Đường đi trơn láng, đền giăng sáng lòa
Thứ năm, thứ bảy, thứ ba
Với đêm chúa nhựt hát nhà hát Tây…

Cầu Thị Nghè

Cầu Thị Nghè

Vào thời kỳ này, đường Catinat là bộ mặt sinh hoạt của cả Sài Gòn, thành phố thuộc địa đầu tiên ở vùng Viễn Đông với sự hiện diện của khoảng 3.000 người Pháp, hơn 3/4 trong số này là sĩ quan và viên chức. Lính Pháp ở trong các bungalow (loại nhà gỗ có hiên rộng) nằm khuất trong những vườn cây xanh. Để tiết kiệm chi phí và tìm sự đông vui hai, ba anh chung nhau tiền mướn một chỗ ở, có sự giúp việc của một anh bồi (boy) bản xứ, đi chợ, giặt giũ, nấu ăn… Sinh hoạt dân sự trên đường Catinat cũng được những người Pháp đương thời miêu tả đúng như Nguyễn Liên Phong. Hai bên đường, các thợ may, thợ đóng giầy người Hoa hoạt động khá đông, sau đó đến các cửa hiệu tạp hóa, nơi du khách có thể tìm thấy thức ăn khô, mũ nón hay yên cương… Từ ngày 24-2-1897, đoạn đường Catinat từ phía sau nhà thờ Đức Bà đến tháp nước (nay là Hồ Con Rùa) mang một tên mới là đường Blancsubé. Về sau nữa, khi thành phố được mở rộng hơn, con đường được tiếp tục nối dài đến đường Mayer (sau là Hiền Vương, nay là Võ Thị Sáu) và khúc cuối này có tên là đường Garcerie.

Cửa hàng giầy dép và áo quần lót, có lẽ trên đường Bonnard (Lê Lợi).

Cửa hàng giầy dép và áo quần lót, có lẽ trên đường Bonnard (Lê Lợi).

Tiêu biểu cho sinh hoạt trên đường Catinat vào thời kỳ đầu Pháp thuộc là nhiều cơ sở dịch vụ thương mại được thành lập từ rất sớm. Sớm nhất có thể không đâu hơn Hãng Denis Frère mọc lên ở đầu đường, phía bờ sông, nay là khu vực của Grand Hotel, đối diện với Nhà hàng Majestic phía bên kia đường. Sau Denis Frère là hiệu thuốc Tây đầu tiên của cả Sài Gòn nằm ở góc Catinat và Bonard (Lê Lợi), khai trương năm 1865, chủ nhân là Lourdeau, sau làm Xã trưởng Sài Gòn (1870). Ít lâu sau, hiệu thuốc được giao lại cho Holbé, tiến sĩ dược khoa, một nhân vật khá nổi tiếng của đất Sài Gòn xưa, từng làm Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Sài Gòn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản hạt Nam kỳ (Conseil colonial de la Cochinchine). Holbé từng điều chế ra một loai biệt dược có tên “Gouttes Holbé” dành cho những tay nghiện á phiện cai nghiện. Về sau, nhà thuốc Tây về tay Renoux, rồi Solirène và mang tên vị chủ nhân này trong một thời gian dài, trước khi bị thay thế bởi nhà hàng Givral còn hoạt động đến ngày nay.

Những biểu ngữ quảng cáo phim truyện với người lái xe mô-tô trên Boulevard Charner.

Những biểu ngữ quảng cáo phim truyện với người lái xe mô-tô trên Boulevard Charner.

Những nhà hàng nổi tiếng xưa nay

Đề cập đến sinh hoạt của cư dân Sài Gòn trên đường Catinat, không thể không nói đến nhà hàng Continental, tuy sinh sau đẻ muộn hơn (năm 1880), nhưng bề dày lịch sử của nó thì không một cơ sở dịch vụ, thương mại nào sánh kịp. Trong khi nhà hát Tây ở cạnh đó mãi đến ngày 1-1-1900 mới được khánh thành và sinh hoạt diễn ra 4 ngày mỗi tuần thì từ đầu thập niên 1880, nhà hàng – khách sạn Continental là nơi dừng chân của các viên chức, sĩ quan cao cấp chính quốc trên đường công tác xứ thuộc địa, là chỗ tụ hội của những du khách trên đường hành hương sang Đế Thiên- Đế Thích của xứ chùa Tháp.

Xe điện trên Boulevard de la Somme (Hàm Nghi). Xe điện mang quảng cáo thuốc lá Mélia của Hảng MIC (Manufacture d’Indochine de Cigarettes) và trên nóc nhà có đèn ống mang thương hiệu thuốc Aspirine – Usines du Rhône (Rhône-Poulenc).

Xe điện trên Boulevard de la Somme (Hàm Nghi). Xe điện mang quảng cáo thuốc lá Mélia của Hảng MIC (Manufacture d’Indochine de Cigarettes) và trên nóc nhà có đèn ống mang thương hiệu thuốc Aspirine – Usines du Rhône (Rhône-Poulenc).

Chủ nhân đầu tiên của Continental là Pierre Cazeau, nhà sản xuất vật liệu xây dựng, sau bán lại cho Công tước De Montpensier. Người ta kể rằng chính vị công tước này là chủ nhân của Lầu Ông Hoàng ở Phan Thiết (nơi chứng kiến tình sử của thi nhân Hàn Mạc Tử và người bạn gái Mộng Cầm). Năm 1930, nhà hàng có chủ mới là Mathieu Francini, người đã điều hành thành công trong một thời gian dài, cho đến ngày quân đội Pháp rút về nước sau thảm bại Điên Biên Phủ.

Một phu xích-lô nghỉ mệt trong khi chờ khách trước Hôtel Continental Palace.

Một phu xích-lô nghỉ mệt trong khi chờ khách trước Hôtel Continental Palace.

Tuy nhiên sự nổi tiếng của Continental không xuất phát từ các chủ nhân của nó, mà từ nhiều tình cờ lịch sử diễn ra trên đất Sài Gòn xưa. Trước thế chiến thứ hai (1939-1945), nó từng được đón tiếp hai nhân vật sừng sỏ trong thế giới văn chương là thi hào Ấn Độ Rabindranath Tagore, giải thưởng Nobel văn chương năm 1913 và nhà văn Pháp lừng danh André Malraux, tác giả của La condition humaine (Thân phận con người 1933), sau làm Bộ trưởng Văn hóa Pháp (1959-1969). Trong buổi “giao thời” Pháp đi, Mỹ đến, căn phòng số 214 của khách sạn Contiental là nơi “ngự trị” của Graham Greene, người đã thai nghén và cho ra đời quyển tiểu thuyết nổi tiếng The Quiet American (Người Mỹ trầm lặng) ngay trong căn phòng này.

18125206068_8e465c668e_o

Thành tích của Continental không chỉ có thế, cho dù như thế là đã quá đủ để tự hào rồi. Về một lĩnh vực nào đó, như truyền thông chẳng hạn, nó còn tiêu biểu cho cả con đường Catinat. Cụm từ “Radio Catinat” hay “Radio Catinat một đèn” phổ biến trong giới báo chí Sài Gòn đầu thập niên 1950 xuất phát từ chính nhà hàng này. Nó chứng tỏ đây là nơi tụ hội của giới truyền thông nhất là báo giới và từ đó loan truyền đi những tin tức thời sự “nóng” nhất. Sở dĩ có từ một đèn là vì vào những thập niên 1940-1950, hầu hết máy thu thanh còn sử dụng đèn điện tử, ai có máy 2, 3 đèn trở lên là thuộc hạng sang, máy chỉ có một đèn điện tử thuộc về giới bình dân, vì thế từ này mang chút ý nghĩa châm biếm trong đó.

Nhà hàng kỳ cựu sau Continental là Majestic, thành lập năm 1925, nằm ở góc đường Catinat và Luro (sau là Cường Để, nay là Tôn Đức Thắng) nhìn ra bờ sông Sài Gòn, do một thương nhân người Hoa giàu có và nổi tiếng nhất nhì Sài Gòn thời bây giờ là Hui Bon Hoa (chú Hỏa) xây dựng theo đồ án thiết kế của một kiến trúc sư Pháp. Cạnh khách sạn Majestic là rạp hát cùng tên, ngó mặt ra đường Catinat. Ngược lên phía trên, và những thập niên trước ngày Pháp về nước, những người thuộc lớp trước 70 trở lên không quên hiệu bán đĩa hát Ménestrel (gần nhà hàng Bông Sen ngày nay), rạp Catinat (nằm trên một con hẻm đâm ra đường Catinat), nhà hàng Brodard… Qua bên kia đường Bonard (Lê Lợi), cạnh nhà thuốc Tây Soliréne (sau là nhà hàng Givral) là rạp hát Eden, tiệm sách Albert Portail (nay là Xuân Thu), nhà thuốc Tây Pharmacie de France (sau là La Thành), nhà hàng La Pagodel, cũng từng là nơi gặp gỡ của báo giới Sài Gòn.

Hồ bơi Le Cercle Sportif Saigonnais trong Jardin Maurice Long nằm ở góc Rue Taberd

Hồ bơi Le Cercle Sportif Saigonnais trong Jardin Maurice Long nằm ở góc Rue Taberd

Gabrielle M. Vassal, một phụ nữ Pháp có chồng là bác sĩ, mấy tuần sau lễ cưới đã theo chồng sang Việt Nam, đến ở Nha Trang là nơi ông chồng làm việc trong ba năm. Trên lộ trình từ Pháp sang, bà đã dừng chân ở Sài Gòn một thời gian và bằng một nhận xét tinh tế, đã miêu tả nhịp sóng Sài Gòn xưa trong quyển ký Mes trois ans d’ Annam (Ba năm sống ở Việt Nam) do nhà Hachette (Paris) xuất bản năm 1912.

Hai tu sĩ tây thuộc dòng Francisco trên đường Catinat (Tự Do).

Hai tu sĩ tây thuộc dòng Francisco trên đường Catinat (Tự Do).

Người ta nhìn thấy nhiều dân bản xứ đi trên phố. Ngày làm việc kết thúc, họ đi thành từng nhóm trên đường về nhà. Trong số họ, các thầy thông ngôn được phân biệt bởi mới tóc cắt ngắn, chiếc khăn đội đầu xếp nhiều lớp một cách hoàn hảo, quần dài trắng, giầy cổ thấp và vớ ngắn. Các nông dân (nguyên văn: nhaqués) mặc áo cánh màu xanh sẫm, có khi vá nhiều chỗ đến nổi không còn thấy mảnh vải gốc nào nữa, và quần dài trắng. Họ đi một bên lề đường, chân để trần, người này đi sau người kia. Vài người cầm trên tay đôi giày Tàu dành sử dụng trong những dịp đặc biệt, tay kia cầm cây dù giương rộng che trên đầu… Những phụ nữ bản xứ có địa vị cao hơn thì ngồi xe kéo (pousse – pousse), người thì quấn khăn bằng lụa mỏng trên đầu, người thì cẩn thận cài chiếc trâm vàng trên búi tóc đen nhánh…

… Chúng tôi ngồi ăn tối trên sân thượng nhà hàng Continental. Dù đã khuya, những bàn ăn chất đầy rượu mạnh và thức uống lạnh vẫn còn đông khách. Con đường (Catinat) im ắng, nhưng đồng thời cũng rất náo nhiệt. Xe kéo chạy thật êm trên những chiếc bánh cao su, người phu xe nện đôi chân trần xuống đất mà không gây ra một tiếng động nhỏ nào…”.

Hình ảnh thành phố Sài Gòn qua chiếc máy ảnh Rolleiflex của phóng viên Jack Birns làm việc cho tạp chí TIME-LIFE Magazines. Mời các bạn thưởng lãm sinh hoạt của Sài Gòn, Hòn Ngọc Viễn Đông vào năm 1948.