Câu hát “Từ ngày xa đất Tiền Giang, em theo anh về xứ Cạnh Đền. Muỗi kêu mà như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh…”  có bao giờ bạn tự hỏi, vậy xứ Cạnh Đền là xưa nào?

Cạnh Đền là một vùng đất rộng lớn thuộc địa bàn hai tỉnh Bạc Liêu và Kiên Giang, được biết đến với nhiều tên gọi khác như đồng Chó Ngáp, xứ Độn Trâu… Tên nào cũng buồn đứt ruột, mà buồn nhất vẫn là câu ca trứ danh:

Xứ đâu như xứ Cạnh Đền
Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh.

bai-Gio-thoi--tren-xu-Canh-Den---dad1

Địa danh “đồng chó ngáp” nổi tiếng ở đồng bằng sông Cửu Long vốn là cánh đồng rộng lớn bạc màu, phèn úa ngập úng, cỏ dại um tùm. Nằm tiếp giáp với ba tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang, vùng đất rộng lớn hàng nghìn ha với những đầm tôm, cánh đồng lúa bạt ngàn, khu dân cư sầm uất được gọi là “cánh đồng chó ngáp” hiện vẫn còn lưu dấu hình ảnh khốn khó, gian khổ của người xưa trong cuộc Nam tiến khai ấp, lập làng.

Hơn trăm năm trước, dưới thời triều Nguyễn, nhiều người đã về đây sinh sống. Vùng đất khi đó hoang vu, nhiễm phèn nặng, lau sậy, cỏ năn, lác mọc xen kẽ với những cánh rừng tràm nguyên sinh bạt ngàn.

Đến thời Pháp thuộc, một phần rừng tràm bị cháy, vùng đất rộng lớn chỉ còn lại cỏ năn và lác. Biết bao người đến đây khai phá, nhưng rồi cũng chỉ trụ được một vài năm vì “mần mà không có ăn”. Hồi ấy, không ai có thể đi một lèo mà băng qua hết cánh đồng này. Đến chó là loài chịu khát tốt nhất mà còn lè lưỡi thở dốc, ngáp ngắn ngáp dài khi theo chủ băng qua đồng.

Những bậc cao niên ở xứ Cạnh Đền cho biết có lẽ vì thế mà cái tên cánh đồng chó ngáp xuất phát từ đó, dần về sau gọi riết nên chết danh.

Thời chính quyền Ngô Đình Diệm từng đào kênh Cộng Hòa, dài hàng chục km, chạy dài từ Phước Long đến Cả Chanh, Hồng Dân nên nó còn có tên là “Kinh Đứt Ruột”.