Lì xì là một phong tục truyền thống có từ lâu đời ở Việt Nam và các nước Á Đông vào dịp Tết Nguyên Đán. Vào ngày đầu năm mới, con cháu trong nhà lần lượt chúc Tết và mừng tuổi cho ông bà, cha mẹ; sau đó, con cháu sẽ được ông bà, cha mẹ lì xì lại một phong bao màu đỏ, bên trong đựng một ít tiền lẻ.

Hiện nay, tục lì xì đã cởi mở hơn, không chỉ ông bà, cha mẹ lì xì cho con cháu mà cả con cháu khi đã lập gia đình hoặc đã có thu nhập vẫn có thể lì xì mừng tuổi cho ông bà, cha mẹ để chúc may mắn, sức khỏe, bình an. Ngoài ra, ở các công ty, đoàn thể vào dịp năm mới, bất kỳ ai cũng có thể lì xì cho nhau, kèm theo những lời chúc may mắn.

Lì xì nghĩa là gì?

Trong cuốn Danh-từ-chuyên-môn số 9 – Đặc san Xuân 1975(1) phát hành tháng 1 năm 1975, Giáo sư Nghiêm Toản (bút danh Hạo Nhiên) giải thích rằng”Lì xì” có gốc là từ 利市 – Hán Việt là Lợi Thị, đọc theo Quan thoại là Li-Che (Viễn Đông bác học viện của Pháp) và theo bính âm (pīnyīn) là Lì Shì.

Từ Lợi Thị (theo Hán Việt) và Lì Shì (âm Phổ thông) có ba nghĩa như sau:

1 – Số lời thu được do mua bán mà ra;

2 – Tốt lành, có lợi. Tháng Chạp ngày 24, khắp thị tỉnh (nhà quê, kẻ chợ) đều làm lễ rước Na (để khu trừ quỷ dữ), trống (rước) Na đến khắp mọi nhà cầu xin Lợi-thị (Theo Đông-kinh mộng-hoa-lục). – Khi người phụ nữ lấy chồng về đến cửa, mọi người đi theo cũng như người nhà đều xin Lợi-thị (hoặc đồ vật, hoặc là tiền);

3 – Vận tốt, vận may. Sách Bắc-mộng-tỏa-ngôn rằng: “Khi Hạ-hầu Tư chưa gặp thời, còn luân lạc linh đinh, người ta gọi Tư là viên Tú-tài chẳng Lợi-thị”;

Trong cả ba trường hợp, lợi thị hay lì shì (lì xì), đều có nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn.

Tục lì xì bắt nguồn như thế nào?

Có ít nhất ba ý kiến khác nhau về xuất xứ của tục lì xì mừng tuổi ngày Tết nhưng có điểm chung là đều bắt nguồn từ Trung Quốc.

Ý kiến thứ nhất cho rằng tục mừng tuổi bắt nguồn từ tích truyện. Theo đó, ở Đông Hải xưa kia có rất nhiều yêu quái thường xuyên gây hại bá tánh, song những ngày thường chúng luôn bị các thần tiên ở hạ giới canh giữ. Tuy nhiên, hàng năm các vị thần tiên đều phải về trời vào thời điểm giao thừa. Lúc này, yêu quái lộng hành quấy rối trẻ em đang ngủ, khiến trẻ thường giật mình khóc thét và bị sốt, nên bố mẹ thường không dám ngủ để thức canh con trẻ. Một lần có 8 vị tiên đi ngang nhà kia thấy vậy liền hóa thành những đồng tiền nằm bên chỗ mấy đứa trẻ, cha mẹ chúng đem gói những đồng tiền này vào tấm vải đỏ để xua đuổi yêu quái. Phép lạ này nhanh chóng lan truyền ra khắp nhân gian, nên khi Tết đến, người ta lại bỏ tiền vào trong những cái túi màu đỏ tặng trẻ con, để trẻ chóng lớn và khỏe mạnh hơn, từ đó trở thành tục lì xì đầu năm như hiện nay.

Lì xì ngày Tết cho trẻ như thế nào để không bị biến tướng? - Đài ...

Ý kiến thứ hai cho rằng tục tặng tiền mừng tuổi bắt nguồn từ hoàng cung nhà Đường (Trung Quốc). Năm đó, Dương Quý Phi sinh hạ hoàng tử, được tin mừng nhà vua đích thân đến thăm và ban cho Dương Quý Phi một số vàng bạc gói trong giấy đỏ. Dương Quý Phi coi đó vừa là tiền mừng, vừa là chiếc bùa Hoàng đế ban tặng con trẻ để trừ tà. Việc này được đồn đại ra ngoài, từ cung đình lan rộng ra dân gian, nhiều người bắt chước tặng tiền mừng và cũng bắt đầu coi như tặng món lộc trừ tai họa, mang lại nhiều điều may mắn cho trẻ con.

Ý kiến thứ ba lại cho rằng tục mừng tuổi có từ đời Tần (Trung Quốc). Vào thời gian đó, người ta dùng một sợi chỉ đỏ để xâu tiền thành một xâu theo hình con rồng hoặc thành kiếm để ỏ chân giường hoặc cạnh gối trẻ em. Xâu tiền đó gọi là tiền áp Tuế giống như cách gọi của người Trung Quốc ngày nay, có nghĩa là món tiền mừng cho đứa trẻ, với mong ước đứa trẻ được tiền, được lộc có thể vượt qua tuổi đó với những điều tốt lành và may mắn. Xưa kia, ở Trung Quốc, tiền mừng tuổi thường là một vòng đỏ xâu 100 cắc tiền đồng, biểu hiện cho lời chúc sống lâu trăm tuổi.

Ngày nay, tiền mừng tuổi đầu năm, còn có ý nghĩa tượng trưng cho sức khỏe, may mắn, thành đạt được cho vào phong bao bằng giấy đỏ hoặc vải nhung đỏ nên ở Trung Quốc gọi là tặng Hồng Bao.


Trước đây còn có lệ cho tiền phong bao với số tiền lẻ (chứ không phải là tiền chẵn), ngụ ý tiền này sẽ sinh sôi nảy nở thêm nhiều.

Chú thích:

(1) Danh-từ-chuyên-môn là nội san của Ủy Ban quốc gia soạn thảo Danh từ chuyên môn thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây.  Cuốn Đặc san Xuân 1975 (phát hành vào tháng 1 năm 1975) có khá nhiều bài viết hay như Phiếm luận: Nhân tìm nghĩa hai chữ “lì xì” của Giáo sư Nghiêm Toản (bút danh Hạo Nhiên),  Góp ý về chữ Hiệp, Hợp, Hạp của Giáo sư Lê Ngọc Trụ,  Góp ý đặt tên Việt Nam cho phong lan của Vương Đình Xâm, …