Mối quan hệ của tôi với cha mẹ nói chung là tốt, nhưng không được thân mật cho lắm. Nhìn qua hơi có chút mâu thuẫn, nhưng tôi tin rằng nhiều người cũng có trải nghiệm và cảm giác tương tự như tôi.
Tôi rất yêu cha mẹ, biết rằng họ đã vì tôi mà phải nỗ lực rất nhiều. Thấu hiểu được sự vất vả của cha mẹ, bởi vậy mà từ nhỏ tôi đã luôn cố gắng học hành chăm chỉ, không bao giờ để cha mẹ phải bận tâm lo lắng. Đến khi lớn lên rồi nhận công tác đi làm, tôi đối với cha mẹ cũng luôn rộng rãi hào phóng. Nhưng thật khó để gần gũi với cha mẹ, không như một số người, khi mệt mỏi có thể trở về với cha mẹ, để tâm sự, nói lên nỗi lòng của chính mình.
Tại sao lại như thế? Nhìn vào câu chuyện thực tế này thì có thể hiểu được…
Ở vùng Portland, Oregon có một mục sư sống cùng vợ của ông. Họ có một cậu con trai đã mang đến cho họ rất nhiều rắc rối. Không chỉ vậy, người con trai đã bỏ nhà đi và mất tin tức trong ba đến bốn năm. Vị mục sư sau đó đã tìm đến một vị cố vấn tâm linh và kể lể về nỗi bất hạnh của mình.
Sau khi nói chuyện qua lại mấy câu đơn giản, vị chuyên gia tư vấn nhìn mục sư và nói: “Anh đã nguyền rủa con trai mình bao lâu rồi?”. Mục sư nói với vẻ kinh ngạc: “Anh nói rằng tôi nguyền rủa con trai tôi. Điều này có nghĩa là gì?”
Chuyên gia tư vấn trả lời: “Cái gọi là lời nguyền, chính là miệng đang nói và nghĩ về người khác. Qua những lời anh nói, đã cho tôi biết vấn đề không phải ở chỗ con trai của anh. Anh đã nguyền rủa con trai mình bao lâu rồi?”
Vị linh mục cúi đầu và nói: “Đúng vậy, khi thằng bé được sinh ra, tôi bắt đầu nguyền rủa nó cho đến bây giờ. Đối với nó, tôi chưa bao giờ nói một lời tốt đẹp”. Vị cố vấn nói: “Kết quả cũng là không tốt đẹp, đúng không?”. Mục sư trả lời: “Đúng vậy!”
Cuối cùng, chuyên gia tư vấn nói: “Bây giờ, tôi sẽ cho anh và vợ anh một thử thách. Trong hai tháng tới, mỗi khi anh nghĩ về đứa con trai này, hãy chúc phúc cho cậu ấy, đừng nghĩ đến những điểm xấu của cậu ấy nữa. Tôi muốn anh hãy cầu nguyện và cầu xin Chúa ban phước cho cậu ấy. Mỗi khi anh nói về con trai mình, tôi muốn anh nhớ đến mặt tốt của cậu bé và chỉ nói những lời tốt đẹp về nó”.
Sau khi vị mục sư về nhà, anh kể với vợ về chuyện này. Họ đã đồng ý với chuyên gia tư vấn và sẵn sàng làm như vậy. Khi cầu nguyện cho con trai, họ cầu xin Chúa ban phước cho con, khi họ nói về con trai của mình, họ đã cố gắng nhớ và nói về những điểm tốt của con trai.
Kể từ đó, họ đã làm như vậy mỗi ngày. Vào ngày thứ mười, mục sư đang ở trong phòng đọc sách thì điện thoại bỗng reo. Đúng vậy, đầu dây bên kia hóa ra là cậu con trai!
Người con trai nói: “Ba à, con cũng không biết vì sao con gọi điện cho ba nữa. Con chỉ muốn nói với ba rằng trong hơn một tháng qua, con luôn nghĩ về ba, mẹ và mọi người trong gia đình, nên con rất muốn gọi điện về. Con muốn biết ba mẹ gần đây có khỏe không”.
Người cha hào hứng nói: “Con trai! Ba rất mừng vì con đã gọi điện về nhà”.
Họ đã nói chuyện với nhau qua điện thoại trong vài phút, sau đó người cha hỏi: “Ba không biết con nghĩ gì, nhưng thứ bảy này con về nhà ăn cơm trưa cùng ba mẹ có được không?”. Người con trai vui vẻ đồng ý.
Vào giờ ăn trưa cuối tuần, hai cha con họ đã gặp nhau. Người con trai mặc một bộ quần áo cũ đã sờn, đầu tóc thì rối bù.
Trước đây, người cha chắc chắn sẽ nghiêm khắc trách mắng con trai mình, nhưng lần này, người cha đã đối mặt với cậu con trai với thái độ chấp nhận, trong lòng vẫn chúc phúc cho con. Sau mỗi lần ông hỏi con trai một câu, ông sẽ lắng nghe câu trả lời của con. Người con trai nói gì đó đúng, ông sẽ đồng ý khẳng định.
Vào cuối buổi ăn trưa, con trai nhìn cha và nói: “Ba! Con không biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng con muốn tận hưởng thời gian ở cùng ba ngày hôm nay”.
Người cha trả lời: “Con trai, ba cũng thích được ở bên con!”. Người con trai nói: “Chà! Ba ơi, đêm nay con ngủ ở nhà có được không? Chỉ đêm nay thôi, con muốn gặp mẹ và mọi người trong gia đình, con muốn ngủ trên chiếc giường cũ của mình”. Người cha vui vẻ nói: “Tất nhiên rồi! Ba rất vui vì con có thể ở lại nhà.”
Tối hôm đó, khi người con trai đang nằm trên chiếc giường của chính mình, cha anh vào phòng, ngồi xuống và nói với con trai: “Con trai à, ba đã rất tệ với con trong nhiều năm qua. Con có sẵn lòng tha thứ cho ba không?”. “Ba, tất nhiên là con tha thứ cho ba rồi!”. Rồi anh ôm chầm lấy cha, mối quan hệ cha con của họ bắt đầu trở nên hòa thuận.
Chúng ta phải biết làm như vậy
Không thể chối cãi rằng, cha mẹ rất yêu tôi, đã vì tôi mà vất vả ngược xuôi trong cuộc sống này. Nhưng cách họ đối xử với tôi cũng giống như cha mẹ trong câu chuyện trên. Dù có cố gắng thế nào, dẫu có chứng minh khả năng và sự xuất sắc ra sao, tôi cũng khó có thể nhận được bất kỳ lời khen ngợi nào của họ.
Một lần ấn tượng sâu sắc nhất là khi tôi học cấp ba, đó là lần đầu tiên tôi giành được vị trí đứng đầu lớp trong cả năm, tôi hào hứng chạy về nhà để khoe với mẹ. Mẹ tôi đang giặt quần áo, không quay lại nhìn tôi mà chỉ nói một câu: “Đừng vội mừng quá thế, quan trọng là năm học sau có đứng nhất lớp được nữa không’. Đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác lúc đó, nó tựa như bị một chậu nước lạnh lớn đổ từ trên đỉnh đầu xuống vậy.
Chính những lời phản đối, chỉ trích và trách mắng này của cha mẹ, đã liên tiếp truyền đến tôi thứ năng lượng tiêu cực, dần dần ăn mòn sự tự tin của tôi, dẫu trong mắt người khác tôi thực sự xuất sắc thì tôi vẫn luôn cảm thấy thống khổ và nghi ngờ chính bản thân mình. Đồng thời điều này cũng khiến khoảng cách giữa tôi và cha mẹ ngày càng xa, mối quan hệ ngày thêm lạc lõng, khó lòng hâm nóng lên được. .
Tính tình của tôi là vẫn còn tương đối tốt. Tuy nhiên, theo sự kỷ luật nghiêm khắc như của cha mẹ tôi, một số trẻ thường sẽ có ý thức nổi loạn, phản kháng mạnh mẽ. Một số trẻ thậm chí đã trở nên hung bạo, từ bỏ cuộc sống của chính mình.
Giờ đây, chúng ta là cha mẹ, chúng ta mong muốn hy vọng rằng con cái mình sẽ trở nên tự tin và hạnh phúc. Chúng ta cũng hy vọng sẽ duy trì mối quan hệ cha mẹ – con cái gần gũi và hài hòa. Vậy chúng ta nên làm gì?
Hãy giỏi khám phá những điểm mạnh của con bạn
Mỗi đứa trẻ là duy nhất, chúng có cả ưu điểm và nhược điểm. Nếu bạn chỉ nhìn thấy khuyết điểm của đứa trẻ và cứ nhìn chằm chằm vào những thiếu sót ấy, liên tục phóng đại những thiếu sót ấy, thì trẻ chắc chắn sẽ ngày càng trở nên tự ti, cái gì cũng không dám làm. Hãy nhớ khám phá những điểm mạnh của trẻ – có thể bé không giỏi tiếng Anh, nhưng có lẽ bé sẽ rất giỏi toán? Anh ta có thể không đủ thông minh, nhưng anh ta đã làm việc chăm chỉ?
Cha mẹ nên giỏi khám phá những điểm mạnh của trẻ, thay vì khuếch đại những thiếu sót và hạn chế của con.
Không cần phải tiết kiệm lời khen của bạn
Đừng bao giờ keo kiệt lời khen của chính mình, cũng đừng cảm thấy xấu hổ khi tán dương con trẻ. Nên biết rằng, lời khen ngợi của bạn có thể là một sự thúc đẩy ngọt ngào khiến cho niềm đam mê của con bạn tiếp tục bùng cháy mãnh liệt.
Thường xuyên khích lệ khiến trẻ ngày càng tự tin
Khuyến khích con bạn khám phá, khuyến khích trẻ thử những điều mới và khích lệ chúng tự đưa ra quyết định, đây là một cách để phát triển sự tự tin của trẻ. Hãy nhớ rằng, đừng cái gì cũng làm thay cho trẻ, bởi điều này sẽ khiến trẻ không có chủ kiến, không biết gánh chịu trách nhiệm trong tương lai. Và bởi bạn đâu có thể ở bên cạnh con mình mãi mãi.
Hãy nói với trẻ: “Con có thể làm được!”
Bản năng của con người là khi bạn mắc lỗi, bạn sẽ chọn cách thận trọng vào lần tới. Điều này đặc biệt đúng với trẻ em. Khi trẻ không chắc chắn, chúng sẽ không dám bước thêm một bước.
Ví dụ, nếu làm một bài toán, hãy để trẻ làm một vài lần. Khi bạn chơi trò chơi đếm số với con, nếu con do dự muốn nói điều đó, bạn cần khuyến khích trẻ hãy mạnh dạn lên tiếng. Ngay cả khi trẻ nói sai, hãy truyền cho trẻ một tín hiệu chắc chắn, rằng “Con có thể làm được!”. Điều này sẽ khiến trẻ lạc quan và tự tin hơn.
4 điểm trên nhìn qua thì có vẻ rất rõ ràng và đơn giản, nhưng để thực hiện được nó lại thực sự không hề dễ dàng.
Nhất là, khi chúng ta sau một ngày làm việc vất vả trở về nhà, nhìn thấy đứa con không chịu ăn uống, ném vứt đồ chơi khắp nhà, và ngồi lì hàng giờ mà không làm bài tập về nhà… Tuy vậy, thay vì bực tức, hãy tìm ra điểm mạnh của con trẻ, khen ngợi và khuyến khích con, nói với con rằng “Con có thể làm được!”
Nếu chúng ta yêu con trẻ, nhất định sẽ làm được như vậy. Đây mới là tình yêu thực sự dành cho con.
Hòa An biên dịch
Theo tw.aboluowang.com
Tác giả: Wang He