Bên cạnh nỗi lo về việc bọn trẻ dành quá nhiều thời gian dán mắt vào màn hình điện thoại, các bậc cha mẹ cũng dần nhận ra khoảng thời gian mình dùng điện thoại là vấn đề còn nghiêm trọng hơn.

Không có cha mẹ nào muốn nhìn lại thời thơ ấu của con mình và ước “phải chăng mình đã không dành nhiều thời gian cho điện thoại đến thế”. Tuy nhiên, những tiếng chuông báo tin nhắn cùng những ứng dụng bắt mắt luôn thu hút sự chú ý của ta. Thay vì quan tâm tới gia đình, các bậc cha mẹ mải miết tán gẫu, gửi email, và cập nhật tin tức. Mỗi lần như vậy, thông điệp bạn gửi tới các con mình là: Bố mẹ coi trọng những việc này hơn.

Vậy chỉ cần mặc kệ cái điện thoại là xong?

Rõ ràng không chỉ những đứa trẻ mới bị nghiện những chiếc điện thoại. Với mỗi nút Like, mỗi Trái tim, mỗi Tin nhắn mới, đều cho bạn cảm giác mơ hồ về sự công nhận. Cảm giác thỏa mãn thoáng qua dù chỉ một phần tỷ giây này khiến bạn từ trong tiềm thức muốn nhiều hơn nữa. Đây chính xác là những gì nền “kinh tế chú ý” (attention economy) được thiết kế và lấy làm nền tảng để phát triển. Do đó, “mặc kệ cái điện thoại” không đơn giản như ta nghĩ.

Việc nghiện dùng điện thoại sẽ đưa bạn đến một trạng thái: cảm thấy khó chịu khi những đứa trẻ làm gián đoạn việc xem màn hình, hoặc bạn muốn dùng điện thoại thay vì thực hiện công việc nội trợ và gia đình. Thậm chí đến một lúc nào đó, trong bữa ăn bạn và mọi người cũng đều đang nhìn vào điện thoại

Nếu bạn muốn dành ít thời gian cho điện thoại thôi và dành nhiều thời gian hơn cho gia đình hơn, dưới đây là một số lời khuyên:

Đánh giá toàn cảnh

Hãy suy nghĩ về việc bạn muốn thời thơ ấu của con mình như thế nào. Sau đó hãy xem xét những gì bạn sẽ hối tiếc nếu không giải quyết vấn đề này từ gốc rễ bằng những câu hỏi như: bạn có để cho thiết bị ngớ ngẩn này cản trở những mục tiêu và ước mơ của bạn cho gia đình của mình không? Bạn có muốn con cái bạn nghĩ rằng đối với bố mẹ sử dụng điện thoại quan trọng hơn chúng? Hãy đối thoại với chính mình khi bạn vô tình trở lại thói quen dùng điện thoại.

Theo dõi thời gian sử dụng màn hình

Hãy sử dụng các công cụ giám sát màn hình hoặc chọn một ứng dụng tương tự để biết được lượng thời gian bạn sử dụng điện thoại. Có lẽ khi sử dụng công cụ này lần đầu tiên bạn sẽ sốc về lượng thời gian bản thân dành cho điện thoại. Hãy theo dõi dữ liệu và giảm dần thời lượng sử dụng điện thoại của bạn.

Đặt quy tắc cho chính mình

Nhiều người đặt quy tắc không sử dụng điện thoại trên giường và không nhìn vào điện thoại khi vừa mở mắt ra vào buổi sáng nữa. Quy tắc này giúp số lần sử dụng điện thoại.

Nếu điện thoại của bạn đặt trên đầu giường và đó là điều đầu tiên tiếp cận vào buổi sáng , có lẽ bạn nên thay đổi vị trí đặt điện thoại. Bạn có muốn ngày mới của mình bắt đầu bằng bất cứ thứ gì trong điện thoại như: báo cáo tin tức, tin nhắn, email, news feed mạng xã hội? Những thứ này ập đến với tốc độ ánh sáng khiến bạn rơi vào “hang kỹ thuật số” trước khi bạn kịp ra khỏi giường?

Có những cách tốt hơn để chào ngày mới của bạn: tập thể dục, thiền, viết nhật ký, nói lời chào buổi sáng với gia đình, hoặc tĩnh tâm…

Tương tự như vậy, việc sử dụng điện thoại vào ban đêm, ngay cả sau khi các con của bạn đã đi ngủ, có thể tác động tiêu cực đến giấc ngủ và tâm trạng của bạn. Hãy sạc điện thoại của bạn ở một phòng khác hoặc một vị trí cách xa giường ngủ và không nên chạm vào điện thoại cho đến hết đêm.  Hãy giành thời gian tận hưởng cuộc sống với gia đình và để tâm trí của bạn được nghỉ ngơi.

Bạn có thể tự đặt ra những qui tắc cho mình, ví dụ: không chạm vào điện thoại cho đến sau buổi trưa mỗi ngày, sạc điện thoại ngoài phòng ngủ lúc 6 giờ chiều, hoặc trước bữa tối…

Sắp xếp lại màn hình của bạn

Ứng dụng nào bạn cứ ra vào liên tục – Facebook, Instagram, YouTube, Twitter, Netflix?

Xóa các ứng dụng đó khỏi điện thoại của bạn thì gây ra điều gì tệ hại không? Bạn sẽ hoàn toàn lạc lối khi không biết chuyện gì đang xảy ra ư? Hay sẽ cảm thấy yên bình hơn một chút?

Tại sao không thử xóa các ứng dụng không thực sự cần thiết đi?

Để giảm thời gian dùng điện thoại nhiều nhất có thể, hãy xoá hết mọi thứ ngoài chức năng nhắn tin gọi điện, về cơ bản là biến điện thoại thông minh của bạn thành một chiếc điện thoại “ngốc nghếch”.

Tranh thủ sự giúp đỡ của gia đình

Hãy thừa nhận với gia đình rằng bạn đã trở nên “nghiện” thiết bị kỹ thuật số. Giải thích tại sao điều đó không tốt. Sau đó, bạn chia sẻ từng bước bạn sẽ thực hiện để thay đổi thói quen này và mọi người nhăc nhở bạn. Bạn sẽ tìm thấy động lực và trách nhiệm, còn họ sẽ học được một bài học tích cực về mối quan hệ và sự ảnh hưởng của công nghệ.

Hãy kiên trì

Bạn sẽ thấy khó khăn khi thiết lập những thói quen mới về sử dụng các thiết bị kỹ thuật số. Vì vậy, nếu bạn rơi vào lối mòn cũ, đừng nhụt chí, hãy tiếp tục cố gắng.

Đừng để cho những khoảnh khắc đẹp nhất trong cuộc đời bạn mất đi vì bị phân tâm bởi một “hình chữ nhật phát sáng”. Hãy kiên trì!

My My (biên dịch)

Tác giả: Babara Danza
Theo epochtimes.com