Đã có những giả thiết cho việc Yết Kiêu, Dã Tượng không làm quan như: Họ không muốn làm quan, họ không được vua tin do là người của Trần Hưng Đạo… Vậy đâu là lý do chính?

Tranh vẽ Yết Kiêu.

Yết Kiêu và Dã Tượng là hai nhân vật có công trong cuộc chống ngoại xâm thời Trần. Công lao đó được dân gian ghi nhớ, gắn vào nhiều truyền thuyết. Tên của hai ông được đặt tên cho hai con phố ở Hà Nội. Tuy vậy, cả Yết Kiêu và Dã Tượng không được phong quan. Chuyện nghe có vẻ vô lý nhưng được tác giả Tô Như lý giải cụ thể trong cuốn Ngàn dặm quan san.

Yết Kiêu, Dã Tượng không thích làm quan?

Lần theo các trang sử cũ, tác giả Tô Như lần lượt loại trừ những lý do khiến Yết Kiêu, Dã Tượng không được phong quan. Đầu tiên là giả thiết giữa hai nhà Hưng Đạo Vương và vua vốn có hiềm khích nên vua không trọng dụng Yết Kiêu, Dã Tượng.

Trong lịch sử nhà Trần lưu lại câu chuyện như một “vết nhơ” khi Trần Thái Tông cướp vợ của anh (Trần Liễu) làm hoàng hậu. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, Trần Liễu còn dặn con trai Trần Quốc Tuấn (Hưng Đạo Đại Vương) rằng: “Con không lấy được thiên hạ thì cha chết dưới suối vàng không nhắm mắt được”.

Dựa vào hiềm khích này mà nhiều người cho rằng Yết Kiêu, Dã Tượng là người của Hưng Đạo Vương nên không được vua trọng dụng. Tuy nhiên tác giả Tô Như bác giả thiết này, cho rằng tuy có hiềm khích nhưng Trần Hưng Đạo được các vua nhà Trần cực kỳ trọng dụng.

Trong Đại Việt Sử ký toàn thư viết về Trần Hưng Đạo: “Vì ông có công lao lớn, gia phong là Thượng quốc công, cho phép ông được quyền phong tước cho người khác, từ Minh tự trở xuống, chỉ có tước Hầu thì phong tước rồi tâu sau”. Rõ ràng Trần Hưng Đạo có quyền lực rất lớn, nếu đại vương muốn thì có thể phong tước cho bất kỳ người nào.

Giả thiết thứ hai đặt ra có thể do Yết Kiêu, Dã Tượng không muốn làm quan. Lý do này căn cứ vào lời can ngăn của hai ông với Hưng Đạo Vương: “Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu”. Điều này cũng được tác giả bác bỏ. Tô Như viết: “Trộm nghĩ điều này cũng lầm. Ấy là hai ông không muốn làm quan mà bất trung bất hiếu chứ nào phải tuyệt không muốn ra làm quan”.

Giả thiết thứ ba là “vì Yết Kiêu, Dã Tượng không có quân công” cũng được tác giả loại trừ. Tô Như dẫn Đại Việt Sử ký toàn thưKhâm định Việt sử thông giám cương mục về chiến công trong quân đội của hai ông trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên: “Khi quân Nguyên tới, Yết Kiêu giữ thuyền ở bãi Tân, Dã Tượng thì đi theo”.

Trong Đại Việt Sử ký tiền biên có ghi chép lại chiến công: “Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng đánh nhau với quân Nguyên ở bãi Đà Mạc, thua trận chết. Trước đó, Hưng Đạo Vương xuất quân, chọn Bình Trọng làm tiên phong, sai Dã Tượng đem chiến thuyền đến sông Lục Đầu, qua Cự Công, huyện Vĩnh Lại, liền với Nông Kỳ. Yết Kiêu đem hơn trăm chiến thuyền đóng ở sông Bộc từ xa gây thanh thế hỗ trợ nhau…”.

“Điều này cho thấy Yết Kiêu và Dã Tượng không chỉ theo hầu hạ và bảo vệ Hưng Đạo Vương mà họ đích thực là các viên tướng cầm quân ra trận”, tác giả Tô Như lập luận.

Gia nô không được làm quan

Tác giả khẳng định Yết Kiêu, Dã Tượng không được phong quan bởi hai ông là gia nô của Hưng Đạo Vương. Nhà Trần có quy định đã là gia nô nhà vương hầu thì trọn đời không được làm quan, bất kể có lập được công lao tới đâu.

Sách Ngàn dặm quan san.

Điều này thể hiện trong sự kiện năm 1337, khi Hưng Hiếu vương chinh phạt Man Ngưu Hống (một bộ tộc ở vùng Tây Bắc thời ấy) trở về, gia đồng của ông là Phạm Ngải có công, nhưng Thượng hoàng Trần Minh Tông tuyên rằng: “Gia nô tuy có chút công lao nhưng không được dự vào quan tước triều đình”.

Tuy là gia nô nhưng Yết Kiêu, Dã Tượng có vị trí cao trong gia đình Trần hưng Đạo. Đại Việt Sử ký toàn thư chép lời khen của Hưng Đạo với hai người: “Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng chim thường thôi”. Không những thế, Trần Hưng Đạo còn rất tin cẩn, chia sẻ những chuyện cơ mật của gia đình mình với Yết Kiêu và Dã Tượng.

Thời Trần, có những gia nô trong nhà vương hầu có địa vị không hề thấp. Lệnh vua cho các vương hầu, công chúa, ph‌ò mã, cung tần có thể chiêu tập dân phiêu tán không có sản nghiệp làm nô tì để khai khẩn ruộng bỏ hoang, lập thành điền trang. Do đó, có những nô tì khai khẩn cày cấy ruộng đồng, trở thành người giàu có sánh ngang quan lại.

Tạo hình Dã Tượng của họa sĩ Thành Phong trong Long thần tướng.

Truyền thuyết kể rằng Yết Kiêu là người có thân thể cường tráng, có tài bơi lội, “đi được trong nước như trên đất bằng”. Khi quân Nguyên xâ‌m lượ‌c nước ta, đêm xuống, Yết Kiêu lặn ở khu vực thuyền giặc neo đậu, khoan đáy thuyền, mỗi đêm đục khoảng 30 chiến thuyền của địch.

Dã Tượng là người có tài thuần phục và huấn luyện voi chiến, lập nhiều chiến công trong cuộc chiến chống Nguyên – Mông. Cũng có tư liệu cho rằng Dã Tượng nổi tiếng với nghề rèn. Làng An tiêm, xã Thụy Dân, huyện Thái Thụy thờ tổ nghề rèn “Dã Tượng tiên sư”. Dã Tượng tiên sư dạy cho 7 tổ thợ rèn làng Cao Dương – nơi còn di chỉ của một công trường rèn sắt thời Trần – tương truyền là công trường rèn vũ khí của Trần Hưng Đạo trong kháng chiến chống Nguyên – Mông.

Ở bộ truyện tranh Long thần tướng (nhóm Phong Dương Comic) với bối cảnh thời Trần, hai nhân vật Yết Kiêu, Dã Tượng xuất hiện trong thái ấp của Trần Hưng Đạo.

Trong phần cuối sách, họa sĩ Thành Phong còn vẽ tạo hình hai nhân vật này, kèm ghi chú: “Yết Kiêu, Dã Tượng là hai gia nô trung thành và cận vệ đắc lực của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Yết Kiêu là tên một loài chó săn ngắn mõm, cách dùng tên thú đặt tên cho người nói lên địa vị làm ‘nô’ của họ”.