Chữ viết biểu thị cho nền văn minh của một nước. Ở Việt-Nam, chữ Hán chiếm địa vị chính thức suốt thời Bắc thuộc và tự trị, là thứ chữ hầu như duy nhất dùng trong Khoa cử, chữ Nôm chỉ xuất hiện đôi ba lần trong các kỳ thi, và phải đến thời cải cách (1909) mới có những bài thi bằng quốc ngữ. Vì chữ Hán ai cũng biết nên trong bài này tôi chỉ sơ lược về chữ Nôm và chữ quốc ngữ.
Nhưng trước khi học chữ Hán và chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung quốc, nước ta có văn minh, văn tự riêng hay không ?
I – CHỮ VIỆT CỔ?
A – VĂN MINH CỔ
Trước kia, dựa vào sách sử của Trung quốc, các sử gia đều chép rằng thời “tiền đô hộ”, nước ta ở trong tình trạng bán khai. Hậu Hán Thư viết :”Dân Giao-chỉ không biết đạo cha con (cha con cùng tắm một sông), không biết đạo vợ chồng (trai gái tự do kết hôn), không biết lễ giáo (của Trung quốc)”. Hán Vũ Ðế thấy thế mới sai các quan Thái thú sang cai trị phải dậy cho dân ta biết lễ nghĩa, nước ta bắt đầu có văn minh từ đấy. Ngô Thì Sĩ cũng viết rằng Tích Quang dậy ta lễ nghĩa, Nhâm Diên dậy luân lý, làm cho nước ta thành một nước văn hiến (1).
Mặt khác,Việt Sử Lược chép về nước Văn-lang thời Hùng Vương có “phong tục thuần lương, chính sự dùng lối thắt gút”. Trong Hậu Hán Thư, “Mã Viện truyện”, thì Mã Viện đã tâu với vua nhà Hán rằng “Luật nước An-Nam khác luật Trung quốc hơn mười điều”, có thể có nghĩa là khác rất nhiều, không nhất thiết chỉ khác “hơn mười điều” (2). Như vậy là nước ta trước kia đã có phong tục, luật pháp riêng biệt, tuy có thể là luật chưa ghi chép thành văn.
Ngày nay, bằng vào những hiện vật được khai quật như trống đồng, lưỡi cầy, đồ nữ trang vv. thì rõ ràng ở địa bàn nước Văn-lang xưa đã có một nền văn minh không chịu ảnh hưởng của Trung quốc, gọi là Văn minh sông Hồng, chia làm 4 giai đoạn bắt đầu từ thời đồ đá (văn minh Phùng-nguyên) đến thời đồng thau (văn minh Ðông-sơn), rực rỡ nhất vào cuối thời các vua Hùng (thế kỷ thứ IX tr. TL) với cao điểm là mỹ thuật trống đồng, nhiều và đẹp nhất ở trung tâm vùng sông Hồng. Tuy Trung quốc (Vân-nam, Quảng-tây) cũng tìm thấy loại trống Ðông-sơn nhưng căn cứ vào mật độ tập trung thì ở Bắc Việt có nhiều hơn. Kỹ thuật phát xuất sớm nhất từ Thanh-hóa, sau mới lan ra các nước chung quanh như Trung quốc, Lào, Căm-bốt, Thái-lan, Mã-lai vv. (3).
B – VĂN TỰ CỔ
Kỹ thuật luyện kim và những hình khắc trên trống đồng minh chứng một trình độ văn minh khá tiến bộ nhưng vấn đề chữ Việt cổ có hay không thì vẫn còn trong vòng phỏng đoán.
TheoViệt Sử Lược thì thời xưa ông cha ta ghi nhớ bằng lối văn tự thắt gút, tức là chưa có văn tự. Nhưng theo một số “chứng tích” khác thì có thể ta đã có chữ viết, dẫu chỉ là thời kỳ mới tìm cách ghi âm. Tiền Hán Thư chép :”Ðời Ðào Ðường có họ Việt Thường ở phương Nam cử sứ bộ đến triều kiến thiên tử Trung quốc, biếu con rùa có lẽ sống tới 1 000 năm, trên lưng có khắc chữ như con nòng nọc, ghi việc Trời Ðất mở mang, vua Nghiêu sai chép gọi là Quy Dịch “.
Tạp chí Khảo Cổ Học H 1974 cũng viết :”Trên trống đồng Lũng-củ (Ðồng-văn, Hà-Tuyên) có một số hoa văn có thể là dấu tích của chữ viết” (4).
Năm 1903, Vương Duy Trinh, tổng đốc Thanh-hóa, ghi chép những bài ca dao ở Thanh-hóa trong Thanh-Hóa Quan Phong, đã tìm ra một hệ thống chữ cái và một bài ca viết bằng thứ chữ ấy ở huyện Quan-phong, thuộc Thanh-hóa, nơi nhiều người Mường, người Thái cư ngụ. Có lẽ đây là dấu tích chữ Việt cổ, thông dụng thời Hai Bà Trưng rồi bị chính sách đồng hóa của Trung quốc hủy diệt ? Tuy nhiên, thứ chữ ấy vẫn tồn tại ở vùng cao nguyên vì khi Hai Bà bị thua quân Hán, một số người Việt có tinh thần bất khuất chính sách thống trị của nhà Hán đã ẩn lánh ở miền thượng du, nay là nơi cư ngụ của người Mường, người Thái. Những người này có thể là hậu duệ của tổ tiên ta, đặc biệt là người Mường có một số phong tục giống người Việt cổ : giã gạo như đâm xuống, giống hình khắc trên trống đồng ; chuyện “Chim Ây cái Ưá” (5) của họ tựa như sự tích bà Âu Cơ đẻ ra một trăm cái trứng, nở ra một trăm người con của ta ; họ lại có một số từ ngữ giống những từ ngữ cổ của ta như “blời” (trời), “Bua” (vua) vv. cho nên chữ viết của họ rất có thể là chữ Việt cổ.
I – CHỮ NÔM
A – NGUỒN GỐC
Nôm có lẽ là do chữ “Nam” đọc chệch đi, “chữ Nôm” có nghĩa là “chữ của người phương Nam”, đối với “chữ Hán” của người phương Bắc, tức Trung Hoa (6).
Chữ Hán chiếm địa vị chính thức ở nước ta suốt thời Bắc thuộc qua thời tự trị, song vì chữ Hán chỉ có 4 thanh âm (bình, thương, khứ, nhập) trong khi tiếng Việt có tới sáu thanh âm nên Hán tự không ghi được hết các từ ngữ Việt (7).
Thêm vào đấy, chỉ có từng lớp trí thức đọc được Hán tự nên các chiếu chỉ vua ban bằng chữ Hán phải có người dịch thì dân mới hiểu. Sử chép :”Năm 1288, phàm có tuyên lời nói của vua thì viện Hàn-lâm phải đưa bản thảo cho Ty Hành-khiển đọc trước, đến khi tuyên đọc thì giảng luôn cả nghĩa cho dân đều hiểu” (8).
Vì những lý do như trên, bởi nhu cầu của xã hội, chữ Nôm đã tự phát để ghi chép một cách chính xác và bằng thứ ngôn ngữ thông dụng hàng ngày mọi người đều hiểu.
B – THỜI KỲ XUẤT HIỆN
Chưa rõ chữ Nôm do ai khởi xướng, theo lẽ mà suy chắc có sự đóng góp của nhiều người. Cũng không ai biết đích xác chữ Nôm xuất hiện từ bao giờ. Có nhiều giả thuyết :
Thời Hồng-Bàng : Phạm Huy Hổ cho rằng “hiệu nước, hiệu vua đều dùng chữ Hán nhưng bài vị các thần đời vua Hùng có những vị tên “nôm na” như : ông Cổng, ông Chấn… những tên ấy dịch ra Hán tự không khó nhưng người ta vẫn để nguyên vì kính cẩn tên thần nên không dám thay đổi. Nhân thế ta biết chữ Nôm sinh ra từ bấy giờ”. Luận cứ này ít thuyết phục vì bài vị có thể do các đời sau lập (9).
Thời Bắc thuộc : Vì lý do hành chánh, cần kê khai tên các làng xã ; vì lý do tôn giáo, các sư tăng làm sớ cúng phải biên rõ tên tín chủ, nơi trú sở… và bởi Hán tự không ghi được đủ mọi âm Việt một cách chính xác nên chữ Nôm đã được đặt ra ngay từ thế kỷ I.
Vả lại Sĩ Nhiếp làm Thái thú Giao-châu (187-226), mở trường dậy chữ Hán (được tôn là Nam bang học tổ ) tất phải có thứ chữ ghi quốc âm để thích nghĩa thì học trò mới hiểu, thế thì chữ Nôm xuất hiện từ thế kỷ II. Song theo Trần văn Giáp thì ngoài Chỉ Nam Quốc Âm Giải Nghĩa của Hương Chân Pháp Tính, không thấy có sách nào chép như thế.
Bố Cái Ðại Vương : Nhiều người tin rằng Phùng Hưng đánh đuổi được quân Tầu, giành lại chủ quyền cho đất nước nên được tôn là “Bố Cái Ðại Vương “, hai chữ “Bố Cái ” là tiếng Việt thuần túy, nếu được dùng để đặt danh hiệu tất có chữ viết ra được và thứ chữ ấy là chữ Nôm. Vậy thì chữ Nôm ắt có vào cuối thế kỷ VII, đầu thế kỷ VIII.
Ðào Duy Anh, Nguyễn Ðình Hòa lại vạch ra rằng : năm 1479 mới thấy Sử Ký Toàn Thư chép danh hiệu “Bố Cái Ðại Vương”. Tấm bia ở đền Phùng Hưng, dựng năm 1390, không thấy chép danh hiệu ấy (10) nên chưa chắc chữ Nôm xuất hiện ở thế kỷ VII, hay VIII.
Thế kỷ IX, X : Theo Ðào Duy Anh thì chữ Nôm được đặt ra trên cơ sở chữ Hán đọc theo âm Việt (gọi là chữ Hán-Việt). Cách phát âm chữ Hán biến đổi từng thời, theo quy luật một sinh ngữ, và hệ thống âm vận của Hán-Việt dậy ở trường học cũng thay đổi theo. Ðến thời tự chủ, sau cuộc giải phóng đất nước của họ Khúc (905-7) âm Hán-Việt mới bắt đầu ổn định, không thay đổi nữa bởi nước ta thoát khỏi sự đô hộ của Trung quốc, không học thầy Tầu nữa thì ngôn ngữ ở trường học cũng tách rời khỏi tiếng nói của người Tầu, tức là không biến đổi từng thời theo ngữ âm Trung quốc như khi còn bị Bắc thuộc. Thời Bắc thuộc, ngôn ngữ dậy ở các trường là ngôn ngữ đời Ðường, căn bản là tiếng nói miền Bắc Trung quốc, đặc biệt của kinh đô Tràng-an. Học giả Maspéro đã làm bản đối chiếu âm Trung hoa ở cuối đời Ðường với âm Hán-Việt thấy khá giống nhau (11).
Hàn Thuyên : Nguyễn Thuyên là người Hải-dương, đỗ Tiến-sĩ. Năm 1282, có con cá sấu vào sông Phú-lương (Nhị hà) quấy nhiễu, Trần Nhân Tông sai Nguyễn Thuyên làm bài văn đuổi cá sấu ném xuống sông, cá sấu bỏ đi. Vua thấy giống chuyện Hàn Dũ (năm 819 cũng làm bài văn đuổi cá sấu) cho đổi họ Nguyễn thành họ Hàn, tỏ ý khen ngợi. Bài văn đuổi cá sấu của Hàn Thuyên là bài văn Nôm đầu tiên được nhắc đến trong sách sử, nay đã thất truyền. Hàn Thuyên còn đặt ra Hàn luật, loại thơ 8 câu 7 chữ, có niêm luật phỏng theo thơ Ðường, nên được tôn là Ông tổ thơ Nôm, người đời sau có khi lầm gọi Hàn Thuyên là “ông tổ chữ Nôm” (12).
Học giả Cadière đoán chữ Nôm được đặt ra từ thời Hàn Thuyên, song Ngô Thì Nhậm, Ðào Duy Anh chủ trương chữ Nôm đã có từ trước, thời Hàn Thuyên bắt đầu được dùng nhiều.
C – PHÉP CẤU TẠO CHỮ NÔM
Chữ Nôm thoát thai từ chữ Hán, đại khái có ba phép cấu tạo chính :
1 – Phép hội ý :
Phép hội ý góp ý nghĩa của hai chữ Hán để ghi một chữ Nôm. Thí dụ : chữ trùm (= người ở trên những người khác) do ghép hai chữ : nhân = người, và thượng = ở trên .
Loại này rất hiếm, các nhà nghiên cứu chỉ tìm thấy có 6 chữ là : trời, trùm, sẹo, sánh, rằm, mấy (13).
2 – Phép giả tá :
Phép này có nhiều lối :
a – Mượn một chữ Hán đã được đại chúng hiểu, không cần giải nghĩa, như : thành thị, an nhàn…
b – Mượn một chữ Hán có âm tương tự âm Việt rồi thêm một dấu nháy ” < “, thường đặt ở bên phải, để nhắc người đọc rằng chữ này phải đọc chệch đi mới đúng âm Việt cần ghi. Thí dụ chữ ni thêm dấu nháy đọc thành này.
c – Mượn chữ Hán đọc theo âm đời Ðường nghe na ná như âm Việt. Thí dụ chữ tuế (= tuổi) đọc theo âm đời Ðường nghe cũng tựa như “tuổi”. Ngày nay ta viết “tuế” cứ tưởng là mượn “ý” của chữ Hán, thực ra là mượn “âm”, xưa kia đọc là “tuổi” rồi dần dần “tuổi” biến âm mới đọc thành “tuế”, khiến chính người Hoa nghe cũng không hiểu.
3 – Phép hình thanh :
Phép hình thanh cũng có mấy lối : Thường thì do hai chữ Hán ghép thành một, chữ bên tả chỉ nghĩa, chữ bên hữu ghi âm. Thí dụ : chữ đá do ghép hai chữ :thạch (= đá) ghi nghĩa, và đa (= nhiều) ghi âm. Có khi ghép tới 3, 4 yếu tố, số nét nhiều, rậm quá, phải viết tắt cho gọn.
Trên tấm bia Báo ân thiền tự bi ký (dựng năm 1210) người ta thấy cả hai loại “giả tá” và “hình thanh”. Ta có thể kết luận rằng từ đời Lý Cao Tông, chữ Nôm đã được cấu tạo có quy cách đầy đủ, suốt các triều đại sau quy cách ấy không hề thay đổi.
Theo Ðào Duy Anh thì sự biến chuyển của chữ Nôm trên đại cương là : ban đầu, khi âm Hán-Việt gần với tiếng nói thì người ta dùng phép giả tá, khi âm Hán-Việt xa tiếng nói, người ta dùng phép hình thanh để nhờ sự hướng dẫn của nghĩa phù, song vì chữ “hình thanh” đôi khi quá rậm nét, người ta trở lại dùng phép “giả tá”, rồi vì ghi âm lối này không chính xác, người ta lại quay lại với phép “hình thanh”.
D – NHỮNG THÀNH QUẢ VÀ CHỨNG TÍCH
1 – Những thành quả :
Ðến đời Trần, thế kỷ XIII, chữ Nôm mới phát triển rộng rãi với Hàn Thuyên, Chu văn An, Nguyễn Sĩ Cố vv. và đi đến chỗ hoàn mỹ vào thế kỷ XVIII, XIX với Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Gia Thiều… Xin lược kê một số tác giả danh tiếng về Nôm mà thơ văn nay còn lưu truyền :
Nguyễn Trãi (1380-1442), tác giả Quốc Âm Thi Tập, gồm 254 bài thơ Nôm.
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1515), tác giả Bạch Vân Thi Tập.
Lê Thánh Tông (1442-79) : Một số bài trong Hồng-Ðức Quốc Âm Thi Tập.
Ðoàn thị Ðiểm (1705-48) : Chinh Phụ Ngâm Diễn Nôm (nguyên tác chữ Hán của Ðặng Trần Côn (14).
Nguyễn Hữu Chỉnh (1741-87) : Ngôn Ẩn Thi Tập.
Nguyễn Gia Thiều (1741-98) : Cung Oán Ngâm Khúc.
Nguyễn Du (1765-1820) : Truyện Kiều,Văn tế thập loại chúng sinh vv.
Hồ Xuân Hương (có lẽ sống khoảng cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX) tác giả những bài thơ Nôm nổi tiếng như : Cái quạt, Hang cắc cớ, Ðộng Hương tích, Ðề tranh tố nữ vv. (15).
Ngoài ra còn rất nhiều người làm thơ Nôm nổi danh như : Nguyễn Công Trứ (1778-1858), Nguyễn Khuyến (1835-1909), Dương Khuê (1839-1902), Tú Xương (1870-1907) vv…
2 – Những chứng tích:
– Bia Hộ Thành Sơn. Năm 1912, học giả H. Maspéro công bố trong Tập san Nghiên cứu BEFEO của Trường Viễn Ðông Bác Cổ rằng chứng tích xưa nhất về chữ Nôm mà ông tìm thấy là một tấm bia đời Trần, tạo năm 1343, ở núi Hộ Thành (Ninh-bình), trên bia có khoảng 20 chữ Nôm tên các làng xóm. Tiếc rằng ông không nói rõ những tên ấy ra. Tuy nhiên, ta có thể luận rằng chỉ có 20 chữ Nôm thì chắc là văn bia không dài. Theo Ðào Duy Anh thì bia đã mất tích vì sau đó những người đi tìm bia không ai thấy tấm bia ấy.
Lạ ở chỗ bia dựng từ đời Trần, trải qua bao nhiêu chinh chiến mà còn giữ được đến đầu thế kỷ XX, rồi bỗng đột nhiên “mất tích” sau khi H. Maspéro công bố trên báo.
Trong Văn Khắc Hán Nôm, có “Bia Ma Nhai” (số 1858) ở núi Non Nước (cũng gọi là núi Dục-Thúy hay Hộ Thành Sơn), tạo năm 1349, chỉ vỏn vẹn có bốn dòng sắc chỉ của vua Trần Hiến Tông cho chùa Thủy Sơn (Non Nước) sở hữu các ruộng đất, cây cối vv., cuối bia ghi rõ số ruộng đất ở hai bên bờ sông thuộc chùa. Rất tiếcVăn Khắc Hán Nôm chỉ lược lại chứ không dịch đầy đủ chi tiết của văn bia Ma Nhai nên không rõ bia có mang tên những làng xóm bằng Nôm mà H. Maspéro đã thấy không ? Rất có thể tấm bia H. Maspéro trông thấy chính là tấm bia này, và ông đã chép lầm 1349 thành 1343 nên không ai tìm thấy nó ? Còn cái tên “Bia Hộ Thành Sơn” có lẽ do ông Ðào duy Anh đặt ra để gọi cho tiện chứ không phải tên một tấm bia tạo dựng từ đời Trần bởi mãi đến năm 1842 vua Thiệu-Trị mới đặt tên núi là “Hộ Thành Sơn” vì thấy hình thế núi Dục-Thúy/Non Nước giống như một tòa thành lũy bảo vệ thành phố Ninh-bình (16).
Thật ra “Bia Hộ Thành Sơn” cũng không phải là chứng tích chữ Nôm xưa nhất.
– Chuông đồng chùa Vân-bản, vớt được ở bờ biển Ðồ-sơn năm 1958. Trần Huy Bá đoán chuông đúc năm 1076, đời Lý Nhân Tông. Mặt chuông có ba chữ Xứ Ông Hà là tên một sở đất.
Ðào Duy Anh không được thấy chuông tận mắt nhưng xem phó bản của nó ở Viện Bảo Tàng Lịch Sử thì chỉ thấy có hai chữ Ông Hà, thiếu chữ Xứ.
– Báo-ân thiền tự bi ký (bia chùa Báo-ân xã Tháp-miếu, Vĩnh phú), đề năm 1210, đời Lý Cao Tông. Theo một bản vỗ tấm bia chùa, ca tụng công đức những người đóng góp công của vào chùa, thì mặt trước ghi các địa danh như Ðồng Chài, Ðồng Nhe…, mặt sau khắc tên những người cúng ruộng, mỗi tên đều có chữ thằng ở đầu. Tất cả có 24 chữ, viết với cả hai cách giả tá và hình thanh, nhưng phần lớn theo phép giả tá.
– Thơ văn đời Trần, còn 4 bài :
Cư trần lạc đạo (= ở chốn bụi bậm mà vui với đạo Phật), phú của Trần Nhân Tông ;
Ðắc thú lâm tuyền thành đạo (= được hưởng thú suối rừng mà thành đạo) là một bài ca, cũng của Trần Nhân Tông ;
Dậy con, của Mạc Ðĩnh Chi ;
Vịnh Hoa-yên tự (chùa Hoa-yên trên núi Yến-tử, tỉnh Quảng-ninh, xây từ đời Lý), của Trúc-lâm đệ tam tổ Huyền Quang.
– Ngoài ra, trong Thư viện Khoa Học Xã Hội ở Hà-nội còn giữ được 1186 quyển chữ Nôm, chưa kể các Thư viện khác ở trong nước, ở ngoại quốc hoặc của các tư gia.
Nhà nước phong kiến chỉ trọng chữ Hán, dùng làm chữ chính thức để “chở đạo”, bàn những chuyện nghiêm chỉnh “quốc gia đại sự”, hoặc để ban sắc lệnh vv. Chữ Nôm ai cũng hiểu, đáp ứng nhu cầu của đám đông, ghi được chính xác các thanh âm Việt thì lại bị các nhà Nho khinh là “nôm na mách qué”, chỉ dùng để sáng tác “chơi” những khi muốn tiêu khiển. Phạm Ðình Hổ viết trong Vũ Trung Tùy Bút ” :”Có người đem những sách truyện Nôm và những trò thanh sắc, nghề cờ bạc, rủ rê chơi đùa (…) ta bịt tai lại không muốn nghe. Ta đã học được ít kinh sử thế mà chữ Nôm ta không biết hết” (17).
Vì là thứ chữ không được nhà nước phong kiến công nhận là chữ chính thức nên không có quy luật nhất định, ai muốn viết sao thì viết, mỗi người một ý cho nên cùng một chữ có thể có nhiều cách viết khác nhau, hoặc cùng một chữ viết ra có thể có nhiều cách đọc khác nhau. Muốn hiểu một bài chữ Nôm thường phải đọc toàn bài trước rồi mới dựa theo nghĩa mà đoán.
Chữ Nôm được trọng có lẽ từ nhà Hồ. Hồ Quý Ly có thể là người đầu tiên muốn đưa chữ Nôm lên địa vị chính thức. Sau nhà Hồ, đến thời Mạc Mậu Hợp, đề mục kỳ đệ tứ khoa Tiến-sĩ năm 1565 là một bài phú Nôm, một sự kiện chưa từng có trong lịch sử Khoa cử nước ta (18). Năm 1760, Lê Quý Ðôn làm Phó sứ sang Trung quốc đã gửi bản khải đầu tiên bằng Nôm dâng chúa Trịnh, tường thuật cuộc hành trình. Cuối cùng là vua Quang-Trung đã cho tổ chức khoa thi đầu tiên toàn dùng Nôm, tuy rằng đề mục vẫn còn bằng chữ Hán, vào năm 1789 (19).
Từ khi nhà Tây Sơn mất, chữ Nôm bị nhà Nguyễn gạt sang một bên mặc dầu khi Nguyễn Ánh chưa lên ngôi vẫn dùng chữ Nôm để ban sắc lệnh cho các tướng tá (ít chữ) dễ hiểu. Nguyễn Trường Tộ (1830-71) đã dâng điều trần lên Tự-Ðức, viện dẫn thống thiết đầy đủ lý lẽ nên trọng dụng chữ Nôm, song vô hiệu : “Nước ta là một nước có tên tuổi hàng nhì ở phương Ðông mà chỉ một mình nước ta không có chữ viết (…). Ta không dùng chữ viết riêng lại dùng chữ Nho, về phát âm đã không theo đúng giọng Trung quốc, cũng không phải tiếng phổ thông của nước ta, phải học thuộc lòng mặt chữ, phải vận dụng trí nhớ để nhớ những phát âm lạ tai (…) không học thì như vịt nghe sấm, thế có phải là phí hơn nửa công phu trí óc không ? Nếu học sách quốc âm, học sinh học ở nhà, đàn bà con trẻ nghe cũng hiểu, như vậy tuy không đi học mà cũng học được (…). Ở nước ta những kẻ lanh lợi đều đua nhau học chữ Hán, vùi đầu đèn sách hết năm này qua năm khác, phải chăng họ muốn trở thành người Trung quốc ? Thế mà đem nói với người Tầu, người Tầu chẳng nghe ra, nói với dân ngu, dân ngu chẳng hiểu (…). “Nói” là để cho người ta hiểu, nay mở miệng nói mà không ai nghe hiểu cả thì đó không phải là tiếng người nữa rồi (…). Thường tình ai lại không yêu quý cái vốn có của mình. Nước ta coi khinh cái vốn có của mình mà quý cái hiếm lạ của người, bỏ quốc âm của ta mà đem một nửa công phu cầu cái ngoắt ngoéo, thật mỉa mai thay !” (20).
Nhà Hồ, nhà Mạc, nhà Tây Sơn đều ý thức được tinh thần tự chủ, muốn trọng dụng chữ Nôm, bỏ chữ Hán, tách ra khỏi ảnh hưởng Trung quốc, tiếc rằng cả ba đều bị các sử gia xưa liệt vào hạng “ngụy” !
III – CHỮ QUỐC NGỮ
Chữ quốc ngữ, cũng như chữ Nôm, xuất hiện từ bao giờ và do ai nghĩ ra đầu tiên thì cho đến nay vẫn chưa có câu giải đáp. Có lẽ quốc ngữ được đặt ra khoảng cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, khi các giáo sĩ đến nước ta truyền đạo. Người ta chỉ có thể nói quốc ngữ là công trình tập thể của các giáo sĩ Tây phương (Bồ-đào-nha, Pháp, Ý, Tây-ban-nha vv.) đặt ra để tiện việc truyền giáo, ghi những điều giảng dậy, vì học chữ Hán hay chữ Nôm ít nhất phải mất ba, bốn năm trong khi học quốc ngữ chỉ vài ba tháng.
Sự hình thành và phát triển của quốc ngữ tạm chia ra 4 giai đoạn :
A – THỜI KỲ PHÔI PHAI
Giáo sĩ Cristoforo Borri tới Ðàng Trong năm 1617, đến năm 1631 viết sách tường thuật việc truyền giáo, có ghi mấy dòng bằng quốc ngữ (không bỏ dấu, có lẽ vì in ở Pháp ?) kể chuyện giáo sĩ Buzomi đến Ðàng Trong, một hôm đứng xem gánh hát chèo ngoài đường, thấy một anh hề độn bụng to tướng ra trước khán giả moi trong bụng ra một đứa bé và hỏi nó :”Con gnoo muon bau tlom laom Hoa Laom Chiam ?” . Giáo sĩ nhận ra những từ ngữ mà viên thông ngôn giúp việc giảng đạo vẫn dùng để hỏi những người muốn vào đạo, và phát hiện ra viên thông ngôn xưa nay đã dịch bậy khiến người ta tưởng “muốn vào đạo” với “muốn làm người Hòa-lan” là một. Từ đấy mới bắt sửa lại câu hỏi thành :”Muon bau dao Christiam Chiam ?” (21).
Vì còn trong thời kỳ phôi thai, chưa đủ chữ đùng, các giáo sĩ cứ tùy tiện đặt thêm ra, nếu “bí”, không ngần ngại xen lẫn tiếng la-tinh hay tiếng Tây phương như Christiam. Chữ viết tuy chưa có lề lối nhưng đọc ta vẫn có thể đoán hiểu như : laom = làm, chiam = chăng. Vì chữ quốc ngữ chưa đủ dùng nên năm 1620, muốn soạn một quyển sách, các giáo sĩ Dòng Tên (Compagnie de Jésus) vẫn phải dùng chữ Nôm.
Năm 1629, Gaspar d’Amaral tới Ðàng Ngoài truyền giáo. Trong một bản chép công thức rửa tội (1645) có ghi một dòng quốc ngữ cổ :”Tau rua mài nhân danh Cha và Con và Spirito Santo”. Amaral cũng là người đầu tiên soạn bộ từ điển Diccionario Anamito-Portuguès-Latin (Từ điển Việt-Bồ-La), song chưa kịp cho ấn hành thì mất.
Năm 1636, Antonio Barbosa đến Ðàng Ngoài và soạn Từ điển Bồ-Việt, cũng chưa được in.
B – THỜI KỲ HÌNH THÀNH : Alexandre de Rhodes (1593-1660)
Nói đến quốc ngữ là người ta nghĩ ngay đến A. de Rhodes, người Pháp, tu Dòng Tên. Năm 1624, A. de Rhodes định sang Nhật truyền giáo song lúc ấy Nhật đang đóng cửa ngoại giao nên đành cùng một số giáo sĩ khác đến Ðàng Trong. Năm 1627, tòa Thánh ủy thác cho ông dựng thêm cơ sở ở Ðàng Ngoài. Lúc đầu ông được chúa Trịnh tiếp đón nồng hậu nhưng đến 1630, vì việc truyền giáo, ông bị trục xuất, phải đi Macao. Từ 1640, nhiều lần ông lén lút trở lại Việt-Nam giảng đạo, lúc ấy Ðàng Trong cũng cấm đạo rất ngặt. Năm 1645, ông bị kết án tử hình, sau được ân xá nhưng phải lập tức rời lãnh thổ Việt-Nam và từ đấy không trở lại nữa.
Năm 1651, A. de Rhodes viết xong quyển Lịch sử Vương quốc Ðàng Ngoài. Ông còn là người xuất bản hai quyển sách đầu tiên bằng quốc ngữ, in tại La-mã cũng vào năm 1651 :
Phép giảng 8 ngày (để dậy những kẻ muốn chịu phép rửa tội) và
Từ điển Việt-Bồ-La (Dictionarium lutsitanum). Ðể soạn cuốn từ điển này, ông đã dựa vào hai cuốn từ điển của A. Barbosa và G. Amaral.
Ta nhận thấy chữ quốc ngữ thời bấy giờ đã tạm đủ để phục vụ công cuộc truyền giáo, không còn phải xen lẫn tiếng la-tinh nữa. Cách viết khá giống với quốc ngữ hiện nay tuy còn là thứ văn áp dịch ngô nghê chứ chưa phải tiếng Việt nhuần nhuyễn.
- de Rhodes không phải là người sáng chế ra quốc ngữ nhưng có công không nhỏ trong việc phổ biến quốc ngữ bằng cách cho in sách và từ điển.
C – THỜI KỲ PHÁT TRIỂN : Jean Baptiste Pétrus Trương Vĩnh Ký (1837-98)
Trương Vĩnh Ký thông thạo 27 thứ tiếng Âu và Á, cả sinh ngữ lẫn tử ngữ. Thoạt đầu làm thông ngôn cho Pháp, sau chuyên dậy học tiếng Việt (cho người Pháp) và ngoại ngữ như tiếng Pháp, tiếng Cao-mên, tiếng Lào vv. cùng viết sách về đủ mọi loại : dậy học, sưu tầm, nghiên cứu vv. phần lớn bằng quốc ngữ. Trương Vĩnh Ký là người Việt đầu tiên đã triệt để khai thác chữ quốc ngữ bằng sách báo, viết hay dịch sách từ chữ Hán ra quốc âm.
Nếu A. de Rhodes có công phổ biến chữ quốc ngữ thì cũng chỉ phổ biến trong giới hạn truyền giáo, Trương Vĩnh Ký mới là người thực sự phổ biến rộng rãi chữ quốc ngữ trong dân gian, bất kể người có đạo hay không. Ông là người có công đầu trong việc đưa chữ quốc ngữ từ lãnh vực truyền giáo sang địa hạt văn chương. Từ Trương Vĩnh Ký trở đi chữ quốc ngữ mới được dành một địa vị quan trọng trong văn hóa Việt.
D – THỜI KỲ TRƯỞNG THÀNH : Nam Phong và Phạm Quỳnh (1892-1945) – Tự Lực Văn Ðoàn.
a – Nam Phong và Phạm Quỳnh.
Phạm Quỳnh tốt nghiệp trường Cao đẳng Tiểu học. Bắt đầu làm việc với Trường Viễn Ðông Bác Cổ, năm 1917 làm chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Nam Phong đến 1932 thì vào Huế giữ chức Ngự Tiền Văn Phòng (Ðổng lý), rồi Thượng Thư bộ Học và bộ Lại.
Tên tuổi Phạm Quỳnh gắn liền với tờ Nam Phong, viết bằng ba thứ tiếng : quốc ngữ, Hán và Pháp. Chữ quốc ngữ lúc này đã tiến một bước khá dài trên lãnh vực nghệ thuật so với thời Trương Vĩnh Ký : từ ngữ đầy đủ để diễn tả những vấn đề phức tạp như triết lý, nghị luận… một cách tinh vi tuy đôi khi còn nặng nề vì mượn ở Hán tự. Tuy nhiên, đã thấy xuất hiện những cây bút linh hoạt như Phạm Duy Tốn, chẳng kém gì văn phong thời sau (thời của Tự Lực Văn Ðoàn).
b – Tự Lực Văn Ðoàn :
Thời kỳ chữ Hán phải nhường ngôi. Tự Lực Văn Ðoàn được thành lập năm 1933 với nhóm nòng cốt gồm :
Nhất Linh tức Nguyễn Tường Tam (1905-63) ;
Hoàng Ðạo tức Tứ Linh, Nguyễn Tường Long (1907-48) ;
Thạch Lam tức Nguyễn Tường Lân (1910-42) ;
Khái Hưng tức Trần Khánh Dư (1896-1947) ;
Thế Lữ tức Nguyễn Thứ Lễ (1907-89), có chỗ chép là Nguyễn Ðình Lễ ;
Tú Mỡ tức Hồ Trọng Hiếu (1900-76) ;
sau mới mở rộng đón thêm những người như Xuân Diệu, Ðỗ Ðức Thu vv. Mỗi người một vẻ, một biệt tài : trào phúng như Tú Mỡ ; tâm lý với Nhất Linh, Khái Hưng ; khi lãng mạn lúc rùng rợn với Thế Lữ…
Tuy quốc ngữ bắt đầu trưởng thành từ thời Nam Phong song trên thực tế người ta nghĩ đến văn quốc ngữ là nghĩ ngay đến Tự Lực Văn Ðoàn. Với Tự Lực Văn Ðoàn quốc ngữ đã lột xác, thoát ly ảnh hưởng Hán học, chịu ảnh hưởng của Pháp văn, trở nên trong sáng bình dị, gây hứng cho người đọc, chữ quốc ngữ đã đi sâu vào đại chúng. Tự Lực Văn Ðoàn có công phổ biến văn quốc ngữ và nhờ quốc ngữ Tự Lực Văn Ðoàn đã “lừng lẫy” một thời.
IV – CHỮ HÁN THỜI SUY
Chữ quốc ngữ được đặt ra để tiện việc truyền giáo nhưng đã vượt xa mục tiêu truyền giáo buổi đầu của các giáo sĩ để trở nên một công cụ truyền thông rất thuận tiện cho người Việt. Ðó là một may mắn không nhỏ cho Việt-Nam vì các giáo sĩ cũng đã tìm cách ghi âm tiếng Nhật, tiếng Trung Hoa nhưng không thành công như ở nước ta và Indonésie, hai nước dùng được máy chữ mẫu tự la-tinh.
Tuy quốc ngữ dễ học và tiện lợi nhưng không phải được tất cả mọi người hoan nghênh ngay bởi quốc ngữ do các giáo sĩ Tây phương đặt ra, lại do một số thông ngôn áp dụng buổi đầu, những người này thường thiếu đức độ, dựa thế Tây hống hách, nên phần đông Nho gia có thành kiến đối với quốc ngữ, cho học quốc ngữ là vong bản, là vọng ngoại, và khi quốc ngữ trở nên môn thi bắt buộc từ năm 1909 thì một số Nho sĩ thà là bỏ thi cử, bỏ nguyện vọng một đời, còn hơn học thứ chữ “con nòng nọc” ấy. Trần Quý Cáp, thuộc số người hiếm, nhận định rõ giá trị của quốc ngữ, đã gọi nó mà “hồn trong nước” song cũng không thấy tìm cách phổ biến ; Phan Bội Châu đọc được quốc ngữ nhưng đi đâu cũng có thư ký kèm theo để ghi những sáng tác bằng quốc âm, tự mình chỉ ghi lấy những sáng tác bằng chữ Hán.
Nhà Nho trọng chữ Hán, chê quốc ngữ đã đành, người dân quê không biết chữ cũng chê : “Học làm quái gì thứ chữ cò quăm mách qué ấy, chữ thánh hiền nào lại có chữ thánh thế ? Thánh nào lại dậy nhảm nhí những con cua, con ốc ấy, đến đàn bà con trẻ nó cũng thừa biết nữa là” (22).
Dù Khoa cử đã bị bãi từ 1919, dân ta vẫn tiếp tục tôn sùng chữ Hán là thứ chữ để “chở đạo” của thánh hiền, không được vứt một tờ giấy có chữ Hán xuống đất, thấy nó rơi dưới đất phải nhặt lên chứ không được giẫm lên trên, không được đem sách chữ Nho ra mà gối đầu… Nguyễn Tuân kể :”Ngày xưa ra đường, cái điều danh dự tối thiểu của bậc Nho gia chân chính là mỗi khi thấy chữ thánh hiền vương vãi xuống đất phái cúi mình xuống nhặt lên và để vào những cái bồ nhất định (nếu tôi không nhớ lầm thì những bồ đó các cụ gọi là Kính tích tự chỉ “ (23).
Và đây là hình ảnh một cụ đồ sùng bái chữ Nho dưới ngòi bút châm biếm của Ðặng Thái Mai :”(…) Thấy trời sắp mưa mà quần áo còn phơi trên dây, cụ phải sang nhà hàng xóm mượn cái sào dài để khều cái váy của cụ bà vì “tay giở sách thánh hiền ai lại đưa ra cầm một cái váy đàn bà” (…). Cụ bắt học sinh thấy một tờ giấy có dấu chữ thì bất kỳ ở đâu đều phải nhặt bỏ vào một cái sọt riêng mà cụ đặt ở một chỗ cao ráo trong nhà, rồi cứ đến tối ngày rầm là khiêng ra bờ suối mà đốt, đốt xong hốt hết đống tro tàn đổ xuống dòng nước, cho trôi theo “trường lưu thủy”. Thế mà có một cậu đồ kia trong khi tiến hành cái lễ “tinh hóa” cho một chồng giấy loại đã nói trước mặt đông đủ Thầy và bạn :”Thằng Tây nó không trọng giấy loại này đâu (…). Giấy loại nó dùng vào chuyện không sạch sẽ gì (…). Nếu như những nùi giấy rách này mà thiêng liêng đến thế thì sao chúng ta mất nước ?” (24).
Nguyễn văn Xuân viết trong Phong trào Duy Tân : “Thời tôi lớn lên, Nho học đã tàn, mà rủi rớt xuống đất tờ nào là cha mẹ bắt con cúi xuống lượm lên. Và độc giả biết cái gì xẩy ra không ? Chúng tôi phải kính cẩn đội lên đầu trước khi trả nó về vị trí cũ. Ở thôn quê hiện nay (1970), đôi nơi vẫn còn cái tục trọng chữ thánh hiền, người ta dùng bất cứ thứ giấy quốc ngữ, giấy Tây, giấy Mỹ để biến thành giấy vệ sinh, nhưng giấy có chữ Nho thì tuyệt nhiên không bao giờ !” (25).
Năm 1986, Tết Bính Tý, lần đầu tôi mua được ở Paris một tờ giấy hồng điều có hai chữ Ðại Cát. Tôi hí hửng đem về treo trong phòng khách tí hon, ở một chỗ trống bên dưới ảnh ông tôi. Dì tôi trông thấy bắt gỡ ra, bởi chữ của thánh hiền không thể đặt dưới bất cứ cái gì. Tờ giấy lập tức được nâng lên cao ngang với chiếc ảnh tuy bị lệch sang một bên, bởi không còn chỗ nào khác và cũng không thể nâng cao hơn vì ảnh ông tôi đã sát trần nhà !
CHÚ THÍCH
1 – Trần Quốc Vượng, Lịch Sử Việt-Nam, I, tr. 388. Trích Hậu Hán Thư.
Ngô Thì sĩ, Việt Sử Tiêu Án, tr. 38.
2 – Phạm văn Sơn, Lịch Sử Toàn Thư, tr. 145 – Biên Niên, tr. 24.
3 – Phạm Minh Huyền vv., Trống Ðông-Sơn, tr. 35-8.
4 – Thái Kim Ðỉnh, Năm thế kỷ văn Nôm người Nghệ, tr. 13-4.
5 – Trương Sỹ Hùng, Sử thi thần thoại Mường, tr. 159-60.
6 – Phạm Ðình Hổ viết trong Vũ Trung Tùy Bút, tr. 38 :”Ðời Lê Trung Hưng về sau, giấy tờ chốn cửa công thường dùng riêng một lối chữ nam, lúc đầu là phòng dân làm giả mạo mới theo Hoa văn đặt ra một lối chữ việc quan”, mặt khác, trang 18, ông chê “chữ Nôm” khó học vv., như vậy là Phạm Ðình Hổ có phân biệt chữ Nôm khác “chữ nam” ?
Chữ Nho ta không gọi là “chữ Bắc”, lại gọi “chữ Hán”, phải chăng vì thời Hán nước ta đặc biệt mở nhiều trường dậy học ?
7 – Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ, tr. 78.
Nguyễn Ðình Hòa,Văn Học Nghệ Thuật bộ mới (Hoa-kỳ), số 7, 11/1985 : Theo A. Haudricourt thì tiếng Việt lúc đầu không có thanh điệu, tới thế kỷ thứ VI chỉ có 3, mãi đến thế kỷ XII mới có đủ 6 âm như hiện nay.
8 – Thực Lục, II, tr. 62.
9 – Nguyễn Ðình Hòa,Văn Học Nghệ Thuật bộ mới, số 7 : thuyết của Phạm Huy Hổ.
10 – Văb Học Nghệ Thuật, số 7 – Ðào Duy Anh, Chữ Nôm, tr. 42.
11 – Văn Học Nghệ Thuật, số 7, tr. 58.
12 – Trần văn Giáp, Lược truyện các tác gia Việt-Nam, tập I : Bài thơ đuổi cá sấu in trên Tứ Dân Văn Uyển hồi đầu thế kỷ XX nói là của Hàn Thuyên và được một số sách báo in lại, đúng ra là của Phó bảng Nguyễn Can Mộng ngụy tạo để đùa chơi, tiếc rằng lời cải chính in trên một số báo sau đó ít người được đọc nên nhiều người vẫn tưởng là của Hàn Thuyên thực. Song nếu đọc kỹ sẽ thấy toàn bài không có lấy một từ ngữ cổ, thơ cũng không viết theo thể Hàn luật, khó có thể tin là của Hàn Thuyên.
13 – Ðào Duy Anh, Chữ Nôm, tr. 64.
14 – Một số người chủ trương là bản dịch xưa nay được coi là của Ðoàn thị Ðiểm chính thực là của Phan Huy Ích, song không ai đưa ra được những bằng chứng đích xác, tất cả vẫn chỉ là phỏng đoán.
15 – Khoảng năm 1962, Trần Thanh Mại tìm ra được một Hồ Xuân Hương, tác giả tập Lưu Hương Ký (gồm cả thơ chữ Hán lẫn chữ Nôm), sống ở Thăng-long đầu thế kỷ 19, nguyên quán ở Nghệ-an. Tuy nhiên, văn phong, khí phách của tác giả Lưu Hương Ký khác xa tác gíả những bài thơ Nôm truyền tụng nên trong hiện tình chưa thể xác quyết hai người là một.
16 – Nguyễn Quang Hồng, Văn Khắc Hán Nôm, tr. 1023.
17 – Phạm Ðình Hổ, Vũ Trung Tùy Bút, tr. 18.
18 – Trần Lê Sáng, Phùng Khắc Khoan, tr. 30.
19 – Nguyễn Trọng Thuật, Nam Phong, số 182, 3/1933.
20 – Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ, tr. 255-7.
21 – C. Borri, Relation de la nouvelle mission…, tr. 102-3.
22 – Trần Duy Nhất, Nam Phong, số 47, 5/1921.
23 – Nguyễn Tuân, Chuyện Nghề, tr. 203-4.
24 – Ðặng Thái Mai, Hồi Ký, tr. 168.
25 – Nguyễn văn Xuân, Phong Trào Duy Tân, tr. 207.