An toàn thực phẩm – Bị “tưng” là cách nói vui để chỉ trẻ em bị chứng tăng động (hyperactivity), quậy phá quá mức, không kiểm soát được hành vi. Vài nghiên cứu cho thấy tiêu thụ nước ngọt có liên quan đến chứng tăng động ở trẻ. Nước ngọt có gas, có đường, và thường có chất bảo quản benzoate. Nghe tới chất bảo quản là thấy đáng ngờ rồi. Sự thật thế nào?

Chất bảo quản benzoate bị oan

Nước ngọt có gas là thứ nước giải khát sản xuất đơn giản nhất, chỉ lấy nước trộn phụ gia như hương liệu, chất điều chỉnh độ acid, chất tạo ngọt, phẩm màu, chất bảo quản… rồi bơm gas, đóng chai, là xong. Không thể nói về béo bổ dinh dưỡng gì với nước ngọt.

Nước ngọt ảnh hưởng đến chứng tăng động ở trẻ đã được bàn luận nhiều từ hơn ba mươi năm qua. Mối nghi ngờ tập trung vào các loại phụ gia dùng trong nước ngọt.

Lưu bản nháp tự động

pxhere

Nước ngọt là thứ giải khát chẳng bổ béo dinh dưỡng gì cả, thậm chí còn bất lợi cho sức khỏe

Trẻ hiếu động quậy phá, nhưng còn kiểm soát được mức độ quậy phá của mình, biết ngán cha mẹ thầy cô chẳng hạn. Nhưng trẻ mắc hội chứng tăng động lại khác, mức quậy phá bất thường, không tự kiểm soát được hành vi, bất chấp, ở trường cũng như ở nhà. Y học gọi đây là rối loạn tăng động thiếu tập trung (ADHD – Attention deficit hyperactivity disorder), xảy với một số trẻ và thiếu niên, con trai bị ADHD nhiều hơn con gái.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn ADHD ở trẻ, thường là do yếu tố tâm lý, môi trường sống. Uống nước ngọt có thể làm những trẻ có xu hướng ADHD được “bốc” thêm lên. Nhưng không phải tất cả loại nước ngọt nào cũng gây ra hậu quả đó. Vậy thủ phạm là phụ gia gì có  trong nước ngọt?

Bị ngờ vực trước tiên là sodium benzoate, một chất bảo quản chống nấm mốc, men và vi khuẩn được dùng phổ biến trong nhiều loại thực phẩm. Do hiệu quả diệt khuẩn tốt trong môi trường acid, nên benzoate thường được dùng trong những sản phẩm có tính acid như nước trái cây, mứt, rau quả muối, nước ngọt… Benzoate còn được dùng trong ngành dược để điều trị bệnh cao ammoniac máu (hyperammonemia).

Vì benzoate được dùng phổ biến như thế, nên nhanh chóng bị giới khoa học loại ra khỏi tầm nghi ngờ gây ra chứng tăng động ở trẻ, nhưng giới báo chí nghe đến chất bảo quản lại bị… “tăng động”, gây dư luận ồn ào một thời.

Benzoate là phụ gia được phép dùng trong thực phẩm cho mục đích bảo quản. Cơ quan An toàn FDA (Mỹ) liệt kê benzoate vào nhóm được thừa nhận rộng rãi là an toàn (GRAS).

Đây mới chính là thủ phạm gây tăng động

Cơ quan An toàn Thực phẩm Anh Quốc (FSA – Food safety Agency) đã tài trợ cho Đại học Southampton (Anh) làm rõ vấn đề này. Kết quả nghiên cứu được Ủy ban Độc tố của Anh nhận định, về mặt lâm sàng, quả thực là có mối quan hệ giữa việc uống nước ngọt và hành vi tăng động của một số trẻ, nhưng chỉ xảy ra với trẻ có xu hướng bị chứng tăng động sẵn rồi.

Cả phẩm màu nhân tạo và benzoate được cho là có liên quan, nhưng nghiên cứu chỉ thực hiện trên nước ngọt có dùng và không dùng hỗn hợp của hai thành phần này. Nói cách khác, nước ngọt phải vừa có phẩm màu và benzoate mới có mối liên quan đó. Vì sao phải có mặt đủ cả hai thành phần này, khoa học chưa giải thích được.

Tuy nhiên Cơ quan An toàn FSA chỉ ra sáu loại phẩm màu để phụ huynh thận trọng khi cho trẻ con ăn uống: sunset yellow FCF (E110), vàng quinoline yellow (E104), đỏ armoisine (E122) allura red (E129), vàng tartrazine (E102), đỏ ponceau 4R (E124).

FSA nêu ra chỉ để cảnh báo chứ không cấm dùng chúng trong nước ngọt, chỉ khuyến khích các nhà sản xuất nên loại bỏ sáu loại phẩm màu nêu trên. Châu Âu cũng thế. FDA (Mỹ) thì còn lừng khừng, để xem.

Nói chung, nghiên cứu của Đại học Souththampton còn lờ mờ, chưa đủ tính thuyết phục để các cơ quan an toàn có hành động cụ thể, trong khi chất bảo quản vẫn là thứ cần thiết để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn, mốc meo…

Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng tăng động ADHD ở trẻ, và loại bỏ các phụ gia này không có nghĩa là ngừa hay trị được tăng động.

Tóm lại, Với nước ngọt có gas thì thành phần sử dụng phải vừa có benzoate vừa có phẩm màu mới có thể liên quan đến chứng tăng động (chưa phải là nguyên nhân). Nếu nước ngọt chỉ có một trong hai thành phần đó thì lại không sao. Giữa benzoate và phẩm màu thì phẩm màu bị “chiếu tướng” kỹ.

Nước ngọt là thứ giải khát chẳng bổ béo dinh dưỡng gì cả, thậm chí còn bất lợi cho sức khỏe, nhưng đây lại là vấn đề khác, sẽ đề cập sau.

—–

Tham khảo:

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2137120/ Diet & Nutrition: Hyperactive Ingredients?

https://www.food.gov.uk/science/additives/foodcolours Food colours and hyperactivity

https://www.southampton.ac.uk/news/2007/09/hyperactivity-in-children-and-food-additives.page Major study indicates a link between hyperactivity in children and certain food additives

http://webarchive.nationalarchives.gov.uk/20120403162226/http://www.food.gov.uk/news/newsarchive/2007/sep/foodcolours Agency revises advice on certain artificial colours