Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục nằm ở phía Đông Bắc hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, là đầu nối các phố Lê Thái Tổ, Hàng Đào, Hàng Gai, Đinh Tiên Hoàng, Cầu Gỗ…
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục xưa gọi là Bãi Dừa, hoặc Bãi Gáo. Nơi đây năm 1883 quân Pháp đã đem ông cử Tạ Văn Đình ra chém; rồi ngày 15-4-1887, kinh lược sứ Bắc Kỳ cũng mang hành hình thủ khoa Nguyễn Cao, một sĩ phu chống Pháp. Thời Pháp thuộc, quảng trường có tên Place Négrier, được coi như trung tâm của Hà Nội và là nơi rẽ nhánh của 3 tuyến tàu điện đi về 3 hướng Bắc, Tây, Nam.
Đến năm 1945, thị trưởng Trần Văn Lai thuộc chính quyền Trần Trọng Kim đã đổi tên thành Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục để kỷ niệm ngôi trường tư miễn phí đồng thời là trung tâm của một phong trào yêu nước sôi động vào đầu thế kỷ 20 của sĩ phu Hà Nội và các vùng lân cận.
Trường Đông Kinh nghĩa thục mở vào tháng 3/1907 ở phố Hàng Đào do một số nhân sĩ, tri thức khởi xướng và tham gia giảng dạy như Lương Văn Can, Nguyễn Văn Vĩnh… “Đông Kinh” là tên kinh thành Thăng Long thời Lê sơ, sau đổi ra cả vùng đàng ngoài, “nghĩa thục” là trường dạy việc nghĩa. Ban đầu chỉ có ba lớp với khoảng 100 trò, đến tháng 5/1907 khi có giấy phép chính thức, trường tăng lên 8 lớp, chủ yếu dạy chữ quốc ngữ.
Vợ chồng cụ cử Lương Văn Can – một trong những yếu nhân của phong trào và sáng lập viên Đông Kinh Nghĩa Thục đã hiến mấy căn nhà riêng của mình tại các phố Hàng Ðào, Hàng Quạt và Lương Văn Can (tên từ 1945) làm trụ sở trường này và các cơ sở đặt lớp học.