Còn nhớ, tại cuộc hội thảo “Danh tướng Trần Văn Năng” tổ chức năm 1999 tại Thanh Bình (Đồng Tháp), qua những bài tham luận của các đại biểu, và tận tai mắt nghe thấy những gì còn đọng lại như một chứng tích hào hùng của địa phương, ông Nguyễn Đình Đầu đã phát biểu, đại ý: Lâu nay, khi đề cập đến những trận thủy chiến ở Nam Bộ hầu như giới sử học chúng tôi chỉ xoay quanh trận Nguyễn Huệ tiêu diệt quân Xiêm ở Rạch Gầm chứ không mấy ai quan tâm đến trận thủy chiến một mất một còn với quân Xiêm trên sông Tiền, ngay tại nơi đây, năm 1834 [trước đó, cuối năm 1833 chiến trận diễn ra rất ác liệt trên sông Vàm Nao, năm sau mặt trận mở rộng dẫn dài qua sông Tiền].

Trận ấy, như sử liệu đã chép, quân triều đình đã dạy cho họ bài học đau điếng khiến chúng phải từ bỏ mộng xâm lăng đất nước chúng ta. Do vậy, với tư cách nhà nghiên cứu lịch sử, tôi xin được phép thay mặt giới sử học xin nhận lấy cái lỗi của mình trong việc đã bỏ sót trận thủy chiến oanh liệt này. Tất nhiên từ nay chúng tôi sẽ cố gắng tìm hiểu sâu hơn để nêu bật chiến công lịch sử ấy.

Sau đó, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã cho đăng bài viết của Thawi Swangpanyang Kôn trên Tc. Xưa&Nay số 131 (179) tháng 01 năm 2003 về công cuộc xâm lược của quân Xiêm. Như vậy, về vấn đề này, ngoài tư liệu của quốc sử quán triều Nguyễn, chúng ta có được thêm một số tư liệu quý nữa từ phía Thái Lan. Điều thú vị là bài viết ấy nêu ra rất khớp với sự ghi nhận của sử Việt. Với hồi ký của Tổng chỉ huy quân đội Xiêm La, chúng ta sẽ biết rõ hơn trận thủy chiến lịch sử này.

Huyền thoại sông Vàm Nao

Huyền thoại trên sông Vàm Nao một thời.

Về trận đánh quân Xiêm năm Giáp Ngọ (1834) trên sông Tiền (khu vực An Giang ­ Đồng Tháp), sách Minh Mệnh chính yếu, thiên Phấn võ ghi lại:

Người nước Xiêm vào ăn cướp, trước kia ngụy Khôi làm phản, sai người sang Xiêm xin viện binh, ước hẹn là sau khi thành công thì cắt đất đền ơn, người Xiêm tin là thực, sai tướng là Chiêm Phi Nhã Chất Tri, Chiêm Phi Nhã Phật Lăng, đem quân vài vạn người, một bọn noi theo đường bộ xâm lấn Cao Man (Cao Man khi ấy do quân triều nhà Nguyễn bảo hộ, lấn Cao Man cũng là lấn Việt Nam) thẳng tới tỉnh An Giang, một bọn noi theo đường thủy xâm lấn tỉnh Hà Tiên, hai tỉnh ấy đều bị thất thủ, việc tâu lên.

Vua Minh Mạng, một mặt sai lính dõng trú phòng ngăn chặn đường tiến bộ của quân Xiêm từ Nam Vang, một mặt sai tướng quân ở quân thứ Gia Định là Trần Văn Năng, Tham tán là Trương Minh Giảng đem quân đi ngay tấn đánh, lại phái thêm quân kinh 12 vệ, lính dõng vài ngàn người, và dụ rằng:

Người Xiêm bỏ điều hòa hảo, tìm cách hằn thù, một cuộc hòa đàm khó lòng nói được, nay chúng đã đi sâu vào nội địa, ắt hẳn buông lòng cướp bóc, phải xét xem địa thế, ra chước lạ đặt mưu hay.

Hoặc phía trước đương đường đón đánh, lại chọn thêm quân mạnh, chiến thuyền vây bọc phía sau; hoặc lấn vào sông nhỏ, phục sát hai bên bờ, thấy giặc đến xông ra chém giết; hoặc nhân lúc giặc mới lên bờ cướp bóc, sấn đến mà đánh nhầu; hoặc nhân đêm tối, giặc đậu thuyền sơ hở, ngầm đến để lập công; hoặc bày trận đàng hoàng, đem hỏa lực mà quyết thắng; hoặc ẩn nấp nơi rừng rậm, bắn đại bác mà phá tan…

Nay thủy chiến hỏa công là kỹ thuật sở trường của quân đội nước ta, người Xiêm cùng quân ta giao chiến, là chúng tự chuốc lấy bại vong. Bọn ngươi phải so tài lượng sức, nên đánh ngay thời đánh; nên giữ gìn thời giữ, đợi khoảng chừng một tuần, quân kinh binh kéo đến, đông như mây họp, thì chước vạn toàn tất thắng, nắm vững về ta, người Xiêm quyết không còn mảnh áo giáp, chiếc bánh xe mà về nước được”.

Trần Văn Năng mắc bệnh chưa đi, binh thuyền của Tham tán là Trương Minh Giảng và Nguyễn Xuân đến địa đầu tỉnh An Giang gặp ở nơi Thuận Cảng (thuộc huyện Đông Xuyên – tức sông Vàm Nao, An Giang) cùng giặc giao chiến, giặc rút lui, quân ta hò reo đuổi gấp, phóng lửa đốt cháy thuyền giặc hơn 10 chiếc, chém bắt được rất nhiều. Trương Minh Giảng và Nguyễn Văn Xuân đóng quân ở chiến địa gìn giữ.

Sử ta nói thế, còn phía Xiêm La? Cũng không khác, thậm chí có nhiều chi tiết thú vị đáng làm tư liệu giá trị lịch sử. Biên niên sử Thái Lan, sách Annam Xayảm Yứt (Chiến cục An Nam – Xiêm) viết dựa theo hồi ký của Cháu Phráya Bađinđêtxa (Xỉnh), Tổng chỉ huy quân đội Xiêm La (Nhà xuất bản Phréphithaya, Bangkok, 2514 Phật lịch), trang 499, đoạn Bađinđêtxa giảng và dặn dò tướng chỉ huy thủy quân Xiêm là Cháu Phráya Pharákhlăng rằng, trước khi kéo quân đến An Giang, phải hết sức cẩn thận nếu chiến trận nổ ra ở cù lao Teng [Koh Teng, tức Cù lao Gieng (Giêng) nay thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, phía sông Tiền, dưới Thuận Cảng, Vàm Nao một đỗi]… “Với lại, trên lãnh thổ Yuôn (từ dùng gọi Việt Nam – ND) có nhiều con sông chảy đi khắp nơi; dọc theo các con sông này lại có những con kinh nhỏ bé thông thương với tất cả các con sông to ấy, có hàng mấy chục con kênh không thể nào nhớ tên cho xuể. Các con kênh này, kênh nào cũng cạn, thuyền to như thuyền của Xiêm ta không đi được; trái lại chiến thuyền của bọn Yuôn thì hay dùng nhiều loại, thường là thuyền cỡ nhỏ, đáy cạn, chèo đi trong kênh nào cũng được. Bọn Yuôn có thuyền to, thuyền nhỏ nhiều không kể xiết, vì đây là đất nước của họ, không như ta, từ xa đến, có thuyền bé nhưng mang đến không được, vì đi đường biển mang đi khó. Do đó về mặt thủy chiến, ta thất thế Yuôn một tí…

… Ở cù lao Teng này, trước đây trong thời vua thứ nhất (tức vua Phrábạt Xổmđệt Phráphútthá Yódphá Chụlalốc), cháu vua là Cháu Fá Krôm Luổng Thếphạ-rịrắc làm Tổng chỉ huy quân đội đã đánh nhau với Yuôn ở cù lao Teng này một lần rồi, quân đội ta bị đánh tan, chạy trốn Yuôn, thua Yuôn một trận rồi ở cù lao Teng này, làm cho Ngài bị nhà vua bắt giam khá lâu. Cù lao Teng này là trận địa chiến thắng của bọn Yuôn, chúng đã từng đại thắng ở đây nhiều rồi. Bọn Yuôn sẽ lập mưu lừa chúng ta ở đây một lần nữa. Ngài hãy quan tâm đề phòng để bảo toàn tính mệnh và danh dự ở cù lao Teng này để được tiếng tăm lâu dài về sau…”.

Phía ta, ngay khi nghe tin báo, vua vui mừng khen thưởng, nhân xuống dụ rằng:

Quân ta mới đến, đã giết hại tặc đồ, làm tiếng vang cho đại đội, thế đã đủ để cướp hết hồn phách bọn giặc rồi. Nay nên nhân cơ hội này, binh uy vang động, dong trống đuổi dài, tung quân càn quét, khiến cho giặc Xiêm không còn sót chiếc bánh xe mà trở về nước, cho bờ cõi ta được an ninh (…) Hoặc đại binh ngăn chặn phía trước, không cho giặc tấn thêm từng tấc đất, rồi sai quân mạnh vòng ra phía sau, cướp đường vận lương của chúng; hoặc chém hạ cây cối, cản trở đường đi, giữ hiểm chống cự, thời giặc ở cửa sông cũng bị chết hết; hoặc bọn giặc chuyển quân quay về, thế chia yếu sức, quân ta xông lên đánh mạnh, hẳn được toàn thắng”.

Tuân dụ, Trương Minh Giảng từ cửa sông Thuận Cảng, lui về đóng ở hai bên bờ sông Cổ Hằng (tên gọi cũ đoạn sông Tiền từ dưới Chợ Mới đến Chợ Thủ vùng trách nhiệm của Thủ sở Chiến Sai hay Kiến Sai tại đầu Cù lao Giêng – Quốc triều chánh biên toát yếu ghi là sông Cổ Hổ, hay Cổ Hủ, lại có sách ghi Cù Hu, Co Hu), đặt đồn canh gác, làm thế gọng sừng. Giặc Xiêm dẫn binh thuyền hơn 100 chiếc, từ Thuận Cảng xuôi xuống, bày ngang giữa dòng sông, cùng thuyền quân ta chống giữ, lại đánh vây đồn bên tả ngạn, quan Quản vệ giữ đồn là Phạm Hữu Tâm chống đánh, chém kẻ đầu mục của giặc là Phi Nhã Khổ Lặc cùng hơn 20 cái đầu giặc. Giặc lại dựng trại ngang đồn, ngày đêm dùng đại bác bắn phá. Minh Giảng thấy thế giặc mạnh, tư ngay về quân thứ Gia Định, xin phái thêm binh thuyền đến cứu ứng, lại đem hết việc tâu lên.

Vua ban dụ rằng, Phạm Hữu Tâm giữ đồn bên phía tả [thuộc địa diện huyện Thanh Bình, Đồng Tháp nay – ngang Chợ Thủ, huyện Chợ Mới nay], vừa gặp giặc Xiêm lại lấn, kịp thời đốc suất sĩ tốt, giết hại bọn giặc, thêm mạnh thế quân, nên thưởng cho Phi Long kim ngân tiền, cùng thưởng tiền cho bọn binh biền có khác nhau.

Lại xuống dụ thêm: Thủy bộ binh thuyền từ kinh phái đi, đều đã lên đường tấn đánh, ước chừng ngày nay đã đến quân thứ, các quan Tướng quân và Tham tán, nên khéo léo bày đặt mưu cao, đem giặc Xiêm giết cho tan nát, sớm mang cờ đỏ báo tin thắng trận biên phòng cứu vãn an ninh; để cùng mong ơn thượng hưởng.

Bọn Xiêm một lần nữa bị Trương Minh Giảng đánh tan tại sông Cổ Hằng (chữ dùng của sách Minh Mệnh chánh yếu, các bộ sử khác thường viết là Cổ Hỗ, Cổ Hũ, Cù Hu… như đã có nói ở trên). Quốc triều chánh biên toát yếu kể: “Khi ấy [tháng giêng năm Giáp Ngọ, 1834] giặc Xiêm nhơn lúc nước xuống, theo bờ sông phóng hoả đốt bè, ngăn trở quân thủy ta, rồi chúng nó lại sấn tới đánh; Quản vệ Phạm Hữu Tâm đốc binh đánh từ giờ dần đến giờ tỵ, quân giặc chết nhiều, thây chồng nhau, giặc liền lui [đánh dưới sông mà “thây giặc chồng nhau” thì câu nói “máu chảy thành sông” thật không có gì là quá đáng!]. Ngài xuống dụ ban khen.

Tháng Giêng đại thắng. Tháng Ba lại thắng lớn ở Ca Lăng (Ba Lăng => Ba Răng). “Giặc bị thua to, đêm bỏ trốn cả, quân ta đuổi ra khỏi giới hạn mới về. Khi trước tướng Xiêm là Phi Nhã Chất Tri nghe tin bị thua, kéo hết quân tới, muốn liều quyết thắng phụ một trận; Minh Giảng cầm binh không động, binh Xiêm đến đồn [đồn Hùng Ngự?], Giảng mới cho binh túa ra vừa reo vừa đánh, giặc bị chết và bị thương vô số, quân ta chém một đại tướng giặc, cướp được cây dao vàng nó cầm (quân Chân Lạp [“đồng minh” với quân Nguyễn] nói rằng: người cầm dao vàng đó là quan cửu phẩm Xiêm – là phẩm trật cao nhất của Xiêm, còn ở ta thì khác: nhất phẩm cao nhất, cửu phẩm thấp nhất), và lấy được súng lớn nhỏ rất nhiều[1]; chúng nó đốt trại chạy trốn… Việc ấy tâu lên, Ngài cho bọn Trương Minh Giảng tấn tước và hưởng cấp khác nhau. Và dụ rằng: Giặc Xiêm đem quân cả nước, vào cướp đất ta, luôn luôn bị quân ta đánh phá, thế tất nhân đêm trốn về, nay quả như lời liệu trước của Trẫm, bây giờ lui về giữ đồn Châu Đốc, chẳng qua miễn cưỡng làm cách chống giữ, để toan trốn nhanh như thỏ chạy đấy thôi, quyết không thể đóng quân ở đấy lâu ngày, Tướng quân, Tham tán bọn ngươi nên sức cho binh biền càn quét đánh bắt.

Như giặc đã trốn thoát, thì chia ngay hai đường thủy bộ, theo sát bọn giặc, đừng để chúng nó có thì giờ trốn xa. Thoảng như giặc còn giữ thành Châu Đốc, thì dùng chấn địa lôi mà oanh kích, chỗ ấy đất hẹp người đông, giặc hẳn bị phanh thây tan nát.

Lại treo giải thưởng, mộ quân cảm tử, ngấm ngầm đến cửa sông Vĩnh Tế nhằm chỗ nước nông, sông hẹp, đóng cọc chông, lấp gạch đá, ngăn chặn lối thuyền về của bọn giặc”.

Minh Giảng cho quân tấn sát thành Châu Đốc. Tướng Xiêm là Phi Nhã Chất Tri hốt hoảng, thừa khi đêm tối hạ lệnh đốt trại, trốn đi. Quân ta rượt đuổi. Giặc bỏ thây trên kinh Vĩnh Tế nhiều vô số kể. Sau đó tháng Giêng năm Giáp Ngọ (1834), quân ta lần lượt thu phục các thành tỉnh An Giang (thất thủ tháng 12/1833), Hà Tiên (thất thủ tháng 11/1833) và thành Nam Vang (thất thủ cùng lúc thành tỉnh An Giang), liền chạy cờ đỏ báo tiệp. Rồi sức bắt binh dân sửa dựng đồn bảo, chọn đặt tướng giỏi ở lại canh phòng, khống chế…

Minh Mệnh chính yếu: “Tháng Chạp năm ngoái (1834) quân tiền đạo của Trương Minh Giảng và Nguyễn Xuân không đầy ngàn người, mà giết lui giặc Xiêm số hơn một vạn. Tháng Giêng năm nay (1835) quân thứ An Giang cũng liền liền báo tin thắng trận…”.

Diễn biến các trận đánh thắng, và sự theo dõi, chỉ đạo rất sát sao – thông qua những lời dụ của Minh Mạng vừa ghi trên là dựa theo tư liệu của Quốc sử quán triều Nguyễn. Còn hồi ký của Tổng chỉ huy quân đội Xiêm La (sđd) cũng không khác: “Khi đội chiến thuyền Xiêm La đến gần đội chiến thuyền Yuôn thì chúng bắn súng đại bác cả to lẫn bé. Chiến thuyền Yuôn chiến đấu quyết liệt, thuyền đầy cả sông, dàn thành hàng một rồi vây vòng cả hai bên bờ, trên dòng sông không có chỗ cho chiến thuyền Xiêm di chuyển để bắn đại bác trả lại.

Bấy giờ đội chiến thuyền tiên phong của Xiêm ở giữa dòng sông, thấy thuyền Yuôn chặn cả dòng sông, không có đường tiến, nên bỏ neo ngay giữa sông… Cháu Phráya Bạđinđêtxa thấy thủy quân Yuôn lên bộ giúp bộ quân thì biết ngay rằng chắc chắn là thủy quân Xiêm đã thua thủy quân Yuôn rồi. Do đó, thủy quân Yuôn lên bộ giúp đánh thắng quân đội Xiêm nhiều đội, người chết quá nhiều, có cả tướng sĩ và lính thường. Cháu Phráya Bạđinđêtxa nói rằng: “Chiến thuật Yuôn sâu sắc và dũng cảm lắm, cả bộ quân và thủy quân, có khả năng bỏ thuyền lên bộ giúp đánh thắng ta nhiều đội, nghĩ rằng ta không đủ sức chiến đấu với Yuôn. Thủy quân Xiêm không đủ để ủng hộ bộ quân, riêng bộ quân bị thiệt do quân Yuôn quá nhiều. Nếu thủy quân Yuôn vây ta ở đầu kênh Vàm Nao rồi vòng phía sau đánh bộ quân ta ở đầu kênh Sa Đéc, thì ta sẽ mắc vào cảnh chạy thì không có đường chạy, ở lại chiến đấu cũng không nỗi vì người ít, không có bộ đội đến giúp, nếu tiếp tục chiến đấu thì sẽ bị vây tứ phía. Nếu ta thắng thì không được gì, vì bọn Yuôn chỉ có chạy trốn là cùng, mà ta bại thì không còn gì, không một người nào thoát chết, chỉ vì đội chiến thuyền không tiến quân kịp thời”. Nghĩ như thế bèn ra lệnh cho rút quân…” (thực ra chỉ là một số rất ít tàn quân may mắn còn sống sót phải trốn chui trốn nhủi về nước!).

Theo lời bạt của sách Thái An nam Xayảm Yứt (Chiến cục Annam – Xiêm) thì Xiêm La đã mang hàng trăm nghìn quân sang xâm lược Việt Nam và đã đánh phá suốt 14 năm: “Nếu tính từ lúc Xiêm bắt đầu chiến đấu với Yuôn năm Tỵ, can thứ 5 tiểu nguyên cho đến lúc ngưng chiến năm Mùi can thứ 9 tiểu nguyên thì Xiêm và Yuôn đánh nhau 14 năm mới chấm dứt rồi trở thành hữu bang với nhau”.

Nói 14 năm là nói trong thời Minh Mạng (1820 – 1840), tức họ đã phớt lờ những bại trận trước đó trên dưới nửa thế kỷ, như chiến trận ở Hà Tiên (Tân Mão, 1771); chiến trận ở Rạch Gầm (Giáp Thìn, 1784)…

Nhân đây tưởng cũng nên nhắc lại hai bài dụ mang tính lịch sử của vua Minh Mạng (ban ra ngay khi được tin đánh tan giặc tràn lấn; và khi đã quét sạch quân Xiêm xâm lược).

– Đại lược tờ dụ trước: “Nước Xiêm La trước kia, nhân lúc giặc Tây Sơn, phạm vào Thuận Hóa, sai quân theo. Đức Thế tổ Cao Hoàng đế ta hiệp tiễu, dẫu không thành công, nhưng lòng tốt cũng nên xét. Sau này nước Xiêm bị quân Diến Điện áp bức, nước ta cũng sai quan Đại tướng đem quân đến cứu viện, như vậy là nghĩa lớn giao lân, đã rõ rệt lắm rồi, kịp lúc Trẫm lên ngôi, sai sứ thần, mang tin đi lại hội họp, không chút gián đoạn, rồi khi hai vua nước Xiêm băng hà, ta cũng sai sứ mang lễ điếu tế, ân lễ trọng hậu là nhường nào rồi! Không ngờ ta giữ lòng nhân hậu (còn) người (thì) mang ý ác tâm, nhân lúc quân ta sơ hở, đem người xâm lấn Cao Man, Hà Tiên và Châu Đốc, lại lấn cả Trấn Minh, Nhạc Biên và Cam Lộ, lòng nham hiểm như rắn độc, khó lấy nghĩa mà khuyên can…”.

– Đại lược tờ dụ sau: “Năm ngoái [1834] người Xiêm vô cớ gây hờn, chia quân đi năm đường, lấn bờ cõi nước ta, đã sai quan quân lên đường tấn đánh, bêu đầu tướng Xiêm bảy, tám tên, chém bắt giặc Xiêm vài ngàn đứa, thu được voi ngựa, khí giới không biết bao nhiêu, hằng bị thua đau, tưởng chúng đã kinh hồn mất vía, nào ngờ man mọi không hiểu biết, lại phạm cõi Ninh Biền tỉnh Hưng Hóa, Châu Trấn Man tỉnh Thanh Ba cùng Ba Lan, Tầm Bôn xứ Cam Lộ, Đại tướng Xiêm La là Chất Tri, lại còn ngầm đến Cao Man, toan bề dòm ngó, trái lẽ làm càn, thực là quá lắm. Ta bèn sai tướng ra quân; chia đường tiễu phạt, Chất Tri theo gió mà chạy dài, một dải dọc theo bờ cõi, êm ru hết thảy. Nay ban lời dụ, bố cáo trong ngoài, khiến cho đều biết”.

 

Qua trên ta thấy rất rõ rằng, cuộc thủy chiến trên sông Vàm Nao – Cổ Hủ là một chiến tích rất oai hùng, mà tiền nhân ta đã vì Tổ quốc thân yêu, sẵn sàng hy sinh cả xương máu của mình, ra sức khắc đậm một dấu son ngàn năm để muôn đời con cháu mai sau tự hào, thừa hưởng. Tôi cho rằng chiến công lịch sử này không khác gì chiến tích “Bạch Đằng giang sông hùng dũng” ngoài Bắc nước ta [2].

Tài liệu tham khảo chính

– Trịnh Hoài Đức, Gia Định thành thông chí. Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa xb. S., 1972.

– Quốc sử quán triều Nguyễn, Quốc triều chánh biên toát yếu, Nhóm Nghiên cứu Sử Địa Việt Nam xb. S., 1972.

– Quốc sử quán triều Nguyễn, Minh Mệnh chánh yếu, tập VI, quyển thứ 25, bản dịch của Hoàng Văn Hoè, Nguyễn Văn Tô, Uỷ ban dịch thuật, Bộ VHGD&TN, S., 1974.

– Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, Tập IV, Viện Sử học. Nxb. KHXH, H., 1971.

– Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục. Nxb. Giáo dục, 2007.

– Tc. Xưa & Nay số 131, tháng 1/2003.

 —————————-

1 Trước 1975 nhân dân ở Ba Răng có đem tặng chùa Tây An cổ tự ở xã Long Kiến (nay là xã Long Giang) một chiếc thuyền độc mộc rất lớn, dài không dưới 10m, nói là chiến lợi phẩm tịch thu được của quân Xiêm trong một trận đánh dữ dội hồi xưa. Sau 1975, một đơn vị thuộc Công an tỉnh An Giang trưng dụng làm nơi huấn luyện chiến sĩ, dùng chiếc thuyền này chở trấu để phục vụ việc nấu ăn, nhưng có lẽ do sông Ông Chưởng nhỏ hẹp, rất bất tiện trong việc xoay trở và quá nặng nề, nên những người quản lý nó đã bán cho “mấy ông tóc quăn, nước da ngâm đen”, mấy ông đó đem tàu xuống kéo về trển rồi – người dân địa phương đoán có thể là người Thái hoặc người Miên. Thế là chiếc thuyền độc mộc chiến lợi phẩm trận đánh lịch sử “ngàn vàng không đổi được” ấy không còn. Thật đáng tiếc! (Khoảng một tháng sau đó tôi đã kịp thời có bài viết tỏ bày tiếc nuối về việc này đăng trên tạp chí Tia Sáng của Bộ Khoa học Công nghệ Môi trường). 

[2] Cho đến nay không người Việt Nam nào không tự hào dấu son chiến công lừng lẫy phía Bắc tự ngàn xưa: “Bạch Đằng Giang sông hùng dũng, của nòi giống Tiên Rồng, giống anh hùng Nam-Bắc-Trung” (Lời bài hát Bạch Đằng Giang của Lưu Hữu Phước). Mấy trăm năm sau, ở phía Nam, trận thủy chiến trên sông Vàm Nao – Cổ Hỗ không thể không là “một dấu son nữa” của dân tộc Việt Nam anh hùng!