Chỉ những người có tu dưỡng mới có thể tiết chế được cảm xúc của bản thân, không hề nóng giận trước bất kể sự việc gì. Cũng bởi vì không nóng giận nên mọi việc người đó làm đều là lý tính, có thể tỉnh táo đánh giá tình hình và đưa ra phương án sáng suốt. Điều này phải là bậc đại trí tuệ mới có thể làm được.
Trong sách Trang Tử có kể câu chuyện ngụ ngôn sâu sắc như sau:
Tề Tuyên Vương sai Kỷ Sảnh nuôi một con gà chọi. Được mười hôm, vua hỏi: “Gà đã đem chọi được chưa?”
Kỷ Sảnh thưa: “Chưa được, gà hăng lắm, chưa thấy gà khác đã muốn chọi rồi.”
Cách mười hôm, vua lại hỏi: “Gà đã đem chọi được chưa?”
Kỷ Sảnh thưa: “Chưa được. Gà còn hăng, mới thấy bóng gà khác đã muốn chọi rồi.”
Cách mười hôm, vua lại hỏi: “Gà đã đem chọi được chưa?”
Kỷ Sảnh thưa: “Chưa được, gà còn hơi hăng, trông thấy gà khác đã muốn chọi rồi.”
Mười hôm sau, vua lại hỏi: “Gà đã đem chọi được chưa?”
Kỷ Sảnh thưa: “Được rồi. Gà bây giờ nghe thấy tiếng gà khác cũng không cho vào đầu. Trông thì tựa như gà gỗ, mà thực ra thì đủ các ngón hay. Gà khác coi thấy cũng đủ sợ, phải lùi chạy.”
Gà chọi nóng nảy, ham khiêu chiến sẽ thích gây gổ, đấu đá chẳng ngưng. Nhưng con gà chọi thiện chiến thực sự lại trông “tựa như gà gỗ” nhưng có thể trầm tĩnh thi triển “các ngón hay” của mình. Kỳ thực Trang Tử muốn thông qua câu chuyện ngụ ngôn này để nói lên một đạo lý rằng có thể tiết chế được cảm xúc của bản thân thì mới có thể làm việc lớn.
Gia Cát Lượng nói: “Lười nhác thì không thể tinh thâm, nóng nảy mạo hiểm thì không thể lý tính”. Khi lửa giận bốc lên sẽ che mờ lý trí của con người. Khi ấy con người thường sẽ mắc sai lầm mà chuốc lấy bại vong. Chỉ có buông bỏ tư tâm, trong lòng mới không bất bình oán hận, cơn nóng giận mới bị tiêu trừ từ trong trứng nước.
Có một câu chuyện về nhà Nho nổi tiếng Vương Dương Minh thế này. Vào năm Minh Chính Đức, Ninh Vương tạo phản, chỉ trong vòng một tháng Vương Dương Minh đã nhanh chóng bình định quân phiến loạn, giúp quốc gia tránh được tổn thất to lớn.
Nhưng ở triều đình, Vương Dương Minh bị kẻ khác sinh lòng đố kỵ, vu khống ông câu kết với Ninh Vương, vì việc chẳng thành, nên mới bán đứng Ninh Vương để bảo toàn tính mệnh. Chính Đức hoàng đế nghe theo lời dối trá của thuộc hạ, yêu cầu Vương Dương Minh thả Ninh Vương, định rằng sẽ thân chinh ngự giá.
Dẹp yên quân phản loạn là công lao lớn, nhưng Vương Dương Minh không những không được ghi nhận còn bị vu khống hãm hại. Đối mặt với tình cảnh này, Vương Dương Minh không hề nóng giận. Ông tới tìm Trương Vĩnh, giao phó toàn bộ công lao cho ông ta, để ông ta trừ bỏ đám hoạn quan kết bè kết đảng. Sau đó ông tự mình vào triều, bày tỏ tâm nguyện không tranh với đời, hoá giải đại hoạ một cách êm đẹp.
Vậy nên, khi bình phẩm về Vương Dương Minh, hậu thế mới có câu: “Vào lúc nguy cấp, vẫn dự liệu như thần, trí tuệ không hề lay chuyển.”
Có câu, “Nước sâu chảy chậm, người tôn quý ăn nói từ tốn”, người không nóng giận không phải kẻ đần mà là bậc đại trí giả. Một người khi không để tâm tới vật ngoại thân, được mất tuỳ duyên mới có thể giữ được sự an định trong nội tâm, không vui vì vật ngoại thân, không buồn vì được mất cá nhân của mình.