Hoàng Xuân Hãn phiên âm từ bản Nôm
Trong các bản văn nôm xưa, thể lục bát, còn có một bản kể chuyện Phật-đản. Chắc là dịch từ một “Phật kinh” chữ Hán. Văn-bản nay còn là một bản in từ ván khắc với nhan-đề: Thích-Ca Như-Lai Thập Thế Chí Truyện Chú Nghĩa Quốc Ngữ.
Sách khổ to 17 x 29, chữ chân phương kiểu vuông, viết và khắc rất chính-xác. Mỗi trương mười dòng, mỗi dòng mười sáu chữ. Cả thảy 6O tờ, 2728 vế, gần 19010 từ. Đó là một tư-liệu nôm xưa lớn.
Nội-dung kể chuyện chín đời tiền-thân Phật, và cuối là đời đức Phật Thích-ca. Nhưng đây không giống như những sách Bản sinh khác của những dân-tộc thuần-túy phật-tử. Sách nầy xuất-phát tự dân Trung-quốc hay Việt, chủ-trương Tam giáo tĩnh hành; tôn-trọng ngang hàng ba giáo: Lão, Phật, Nho. Tác-giả “kinh” nầy có lẽ lại thiên về Lão hơn hết; cho rằng Lão-tử là chủ các đạo, thấy đời suy-vi, cho nên sai một đệ-tử trung-thành đi đầu-thai để mong hoá ra kẻ cứu thế, rồi sự mong không được, lại gọi về để đi đầu-thai chỗ khác. Như thế đến lần thứ mười, thì hoá làm con vua Tĩnh-Phạn, tức thành dức Thích-ca Mầu-ni. Từ đó, y kể chuyện đức Phật Thích-Ca gần như các kinh khác. Vả chuyện Thích-ca là phần chính sách , gồm 1236 vế, gần nửa văn chuyện. Tuy không còn phần lạc-khoản khiến ta biết ai là tác-giả và ván khắc năm nào, nhưng so-sánh với các sách cũ khác về phương-diện giấy mực, khổ chữ, từ cổ, lối viết nôm, thì cũng thấy rằng tác-phẩm nôm nầy ít ra cũng đã được soạn trước đây chừng ba, bốn trăm năm.
Xét lời văn, thấy tác-giả, ngoài sự thuộc phái Tam-giáo, là một văn-sĩ thông chữ Hán, biết tự-sự, gắng tìm từ, tìm vần dể dặt câu lục-bát cho thông; chứ không phải là một nhà thi-sĩ, và cũng không tìm niêm và vần cho đúng. Văn nầy thuộc loại văn bình-dị, dân-gian, phổ-biến trong các văn nôm chuyện đời Lê.
Bắt đầu văn, tác-giả viết:
Kính vâng giáo Bụt Thích-Ca
Xem kinh Đồ-Tượng chép ra lời nầy
Bộ Đại-tạng Chính-đức in tại Đài-loan thành hơn trăm tập (Phật-viện Trúc-lâm có) gồm mười tập lớn thuộc loại “Đồ-tượng“, trong đó, tôi chưa tìm thấy nguyên-bản Hán-văn kinh “Thích-ca Mầu-ni Thập thế chí” nầy, nó có lẽ sẽ giúp ta khảo-sát văn-bản nôm một cách tiện-lợi hơn
Nay nhân lễ Phật-đản, tôi sẽ trình một đoạn văn nôm thuộc về đời đức Phật Thích-ca. Trong khuôn-khổ báo Hương Sen, tôi không thể viết dài về phần chú-giải và khảo-luận. Nhưng mỗi khi có từ-ngữ cổ hay tối nghĩa, tôi sẽ chú nghĩa vắn-tắt và viết trong hai dấu ngoặc đơn. Ám–hiệu “ t.c.” thấy trong chú-thích sẽ trỏ từ cổ hay tiếng cổ.
Lão-quân sai đệ-tử Y-Kì đầu-thai lần thứ chín làm thái-tử nước Chiêm-Ba(Chàmpa?), tu-hành đắc-đạo. Nhưng theo lời Lão-quân thì “chẳng chữa thiên hạ, chỉn xin tu mình“. Bèn sai Thiên-vương-tướng ủng-hộ con voi trắng mang Thái-tử đi đầu-thai vào nhà Tĩnh-phạn-vương. Đây ý muốn nói Bắc-tông Đại-thừa khác Nam-tông Tiểu-thừa bởi sự ngoài mục-đích tu mình còn muốn cứu thiên-hạ.
Nối sau đó là chuyện Phật-đản, bắt đầu từ vế (1523):
Đời Phật Thích-ca
Ngày rằm tháng bảy nhật tinh (sáng sớm)
Cỡi con bạch-tượng xuống mình (đầu-thai) MA-DA
(1525)
Ban ngày nằm ngủ trương-toà (lầu vua)
Chiêm-bao nách hữu thấy qua vào lòng
Phu-nhân mộng giác (tỉnh) thân-trung (trong mình)
Từ ấy ăn uống hôi tanh đều đình
Ngồi thì muốn ở một mình
(1530)
Gẫm hay Bồ-tát giáng-sinh chẳng nhầm
Sáng ngày Dục-giới (cõi người) thiên-quan
Đến cùng thuyết pháp chẳng không một thì (nghỉ một chốc)
Nửa ngày Trung-giới (cõi đã thoát dục) chư vì
Quỉ thần ban tối triều-nghi (mặc lễ-phục) tới cùng
(1535)
Chiều hôm, trung-dạ (nửa đêm), dạ-chung (cuối đêm)
Thánh, Hiền đều đến song-song hoà luần (t.c. cùng bàn)
Thuyết pháp, cứu-độ chúng-sanh
Cảm động tinh-thành Đâu-suất thiên-quan
Mười phương Bồ-tát hội-đồng
(1540)
Bẩm qua Đế-thích giáng-sanh trung-thần
Bà-la (Bà-la-môn), cư-sĩ chư nhân (mọi người)
Chín mươi chín ức cùng sanh ra đời
***
Phu-nhân mãn nguyệt hoài thai (mang thai đủ tháng)
Năm hai mươi bốn đời CHU Chiêu-vương (chừng 977 trước C.L.)
(1545)
Tháng tư mồng tám cung trương (tức trương-toà: lầu vua)
Khắp hoà (t.c. cả) cung-nữ chơi vườn Trung-viên
Phu-nhân khi ấy thừa-lương (hóng mát)
Vin cây ưu-thụ (cây ưu-đàm nở hoa là điềm tốt) cội liền nở hoa
Nhụy sen (hoa sen) cả (lớn) tày vừng xe (bánh xe)
(1550)
Thái-tử tức-thì nách hữu sinh ra
Thái-tử đứng trên liên-hoa
Bước đi bảy bước, kêu ba tiếng hùng (mạnh)
Tay tả trỏ lên hư-không (vòm trời)
Tay hữu chỉ xuống, miệng cung (t.c. trong) niệm rằng (nói nhỏ) :
(1555)
(( Thiên thượng thiên hạ lâng-lâng (khắp cả trên trời dưới đất)
(( Duy ngã độc tôn (một mình ta cao-quí) giáng-sanh bây giờ ))
Thiên-vương lấy lụa phúc (trùm) che
Ôm Thái-tử đứng trong ca ( t.c. ở nơi) bình (lọ) vàng
Có vua Đế-thích Phạn-vương
(1560)
Che quạt, cầm tán (tàn), đòi (khắp các) phương đứng chầu
Chín rồng phun nước trước sau
Tẩm (tắm) cho Thái-tử nước hoà (vừa) ôn lương (ấm mát)
Bấy-giờ bốn tướng Thiên-vương
Đều nâng chậu vàng quán tẩy kim khu (tắm gội mình vàng)
(1565)
Ba mươi hai tướng tuyền no (t.c. đuû)
Tám mươi thức tốt sáng hoà (bằng) hào-quang
Ba nghìn thế-giới đòi phương
Soi khắp Đại-thiên (thế-giới gồm 1 triệu thế-giới) bằng gương làu làu
Thiên-long, Bát- bộ đâu đâu
(1570)
Hư-không cổ-nhạc hương-hoa dập-dìu
Áo tốt, anh-lạc (cườm xâu hạt ngọc) báu yêu (ngọc quí)
Kể nào có xiết thụy (điềm lành) đều ứng sinh
Khắp hoà (cả) tha (nguyên: địa) ngục, bãi hình
Bát-quốc đế-vị đều sinh hoàng-trừ (con nối ngôi vua)
(1575)
Mọi nhà Thích-chủng (họ Thích) gần xa
Đều sinh hoàng-tử chín nghìn năm trăm
Trưởng-giả, cư-sĩ, nhân-dân
Nam-tử sinh được tám nghìn bốn muôn
Ngựa sinh được năm trăm con
(1580)
Đều thì cùng đẻ một đêm mọi tàu (chuồng ngựa, voi)
Hễ là thương-cổ (kẻ buôn bán) đâu đâu
Đều được châu báu, trước sau về rày
***
Thái-tử sinh được bảy ngày
Mới đặt tên rày là TRUNG-THIÊN-vương
(1585)
Biểu-tự (tên để thường gọi) Tất-Đạt từ-tường (điềm lành)
Ba-Đồ-Ba-Đề là dì giưỡng nuôi
***
Đến nên bảy tuổi mất lời (câm)
Hoàng-đế liền mời chư (các) La-môn-tiên
(( Xem tướng Thái-tử cho Quan
(1590)
(( Biết hay lành dữ, vậy an, được mừng ))
Bà-la tâu: (( Vua chưa từng ! (chưa biết)
(( Thái-tử tướng-mạo lạ hình người ta
(( Chưng sau (t.c.:sau nầy) ắt đi xuất-gia
(( Nhược dù (nếu) ở nhà, truyền vị Luân-vương (Pháp-chủ) ))
(1595) Thầy tướng tâu dộng (t.c.:tảu) Phụ-hoàng:
(( A- Kì tiên cả (đầu) ngõ-ngàng (giỏi) thần thông
(( Ngài tu ở Hương-sơn trung (trong núi)
(( Biết hay quá-khứ, thông cùng vị-lai
(( Vua thì đi rước lấy Ngài
(1600)
(( Đến xem được quyết (t.c. đoán, định) kẻo lời hồ-nghi ))
Hoàng-đế nghe tâu tức-thì
Kết làm toà báu liên-hoa một đài
Hư-không (trông lên trời) cúng-dàng nguyện lời
Chúc-đảo: (( Xin Ngài gấp đến chốn nay ))
(16O5)
Đại-tiên khi ấy xa hay
Phút giây liền đến ngồi nay trên toà
Xem tướng Thái-tử, phán ra
Tiên-nhân nước mắt nhỏ-sa dòng dòng
Hoàng-đế thấy vậy lệ xong (t.c. sợ lắm)
(1610)
Hỏi Tiên-nhân rằng: (( Ấy sự làm sao ? ))
Đại-tiên khi ấy nói tâu
(( Hoàng-đế chớ có lệ-âu (t.c. lo-lắng) chi là
(( Thương vì tuổi nay đã già
(( Năm trăm lại lẻ thêm hoà (t.c. và, với) hai mươi
(1615)
(( Tiếc rằng chăng còn ở chầy (t.c. lâu)
(( Được nghe Thái-tử nói nay đạo mầu
(( Thái-tử tướng lạ có đâu (không đâu có)
(( Ba mươi tướng tốt, tám mươi giống lành
(( Trị quốc thiên-hạ thái-bình
(1620)
(( Nhược ( nếu) đi tu-hành, nên Bụt Pháp-vương ))
Lòng Vua thấy thốt (t.c. nói) bội (t.c. rất) mừng
Tiên-nhân lại bảo: (( Nửa mừng nửa lo
(( Mừng rằng sinh làm con Vua
(( Lo mười chín tuổi đi tu dụ (trèo qua) thành ))
(1625)
Thốt thôi hào-quang nhiễu (quấn) quanh
A- Kì tiên cả hoá hình biến đi…..
(Trích từ sách Thích-ca Mầu-ni Thập thế chí truyện Chú nghĩa Quốc-ngữ)