Micae Ngô Đình Khả (1857-1923), người làng Đại Phong (tên nôm là Kẻ Đợi), xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Dòng họ Ngô Đình vốn quê ở làng Xuân Dục, phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình và theo Thiên chúa giáo từ thế kỷ thứ 17. Trong giai đoạn quân Pháp đánh chiếm Nam kỳ và Bắc kỳ, khi phong trào Văn thân nổi lên phát động chiến dịch “bình Tây, sát Tả” (nghĩa là: dẹp người Pháp, giết người Công giáo), thì dòng họ Ngô Đình có nhiều người bị hại, cha của Ngô Đình Khả là Giacôbê Ngô Đình Niêm phải di cư qua làng Đại Phong thuộc huyện Lệ Thủy cùng tỉnh Quảng Bình, nơi có nhiều người Thiên chúa giáo hơn.

Thời niên thiếu Ngô Đình Khả được cha cho đi giúp lễ cho một vị linh mục ở họ đạo Mỹ Duyệt Hạ. Đến năm 1873, ông Khả cùng với Nguyễn Hữu Bài được linh mục Caspar (Lộc) gởi đi học tại Đại chủng viện Pénang ở Mã Lai. Sau một thời gian tu học, Ngô Đình Khả trở về nước và được phân dạy môn Triết tại Đại chủng viện Huế trong thời gian thử thách để được chọn chịu chức linh mục. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, vẫn không được ơn gọi nên ông Khả rời tu viện về làm giáo dân bình thường và lấy vợ.

Năm Bính Tuất-1886 (triều vua Đồng Khánh), Ngô Đình Khả làm Thông Sự cho tòa Khâm sứ.

Tháng 10/Tân Mão-1891, (triều vua Thành Thái) triều đình xét cho các Thông sự, Ký lục của tòa Khâm sứ được mang phẩm hàm tương đương của Nam triều, khi đó Ngô Đình Khả là Thông sự hạng 2 được mang hàm Tri phủ.

Tháng 5 nhuận/Ất Mùi-1895, Tổng đốc Bình-Phú Nguyễn Thân được sung Khâm mạng Tiết chế quân vụ Đại thần coi việc tiễu phủ các hạt từ Quảng Bình tới Thanh Hóa; ông Thân chọn các Tán lý (Nguyễn Gia Thụy, Lê Khiết), Thương biện (Ngô Đình Khả), Tán tương (Lê Văn Trung, Nguyễn Kiện, Tạ Tương), Đề đốc (Văn Tiến Hùng), … đi theo mình. Cuối năm đó Phan Đình Phùng bị bệnh chết, một số người ra đầu thú và nghĩa quân tan rã.

Tháng 4/Bính Thân-1896, Thương biện Ngô Đình Khả được thăng Thái thường Tự khanh, trong thời gian này ông tham gia vào việc tổ chức thành lập trường Quốc Học dạy chữ Pháp đầu tiên ở Huế và đến cuối năm khi trường đi vào hoạt động, ông Khả được cử làm Chưởng giáo (tức là Hiệu trưởng). Sau đó, có lẽ là năm 1898 ông Edmond Nordemann (tên Việt hóa là Ngô Đê Mân) được cử làm Chưởng giáo, Ngô Đình Khả làm Phó chưởng giáo. (Kể từ đó cho đến năm 1945 chức Hiệu trưởng của trường đều do người Pháp đảm nhiệm)

Tháng 3/Canh Tý-1900, vua cho Ngô Đình Khả sung làm Giáo tập dạy các hoàng đệ (ba hoàng tử Bửu Trang, Bửu Liêm và Bửu Lỗi), nhưng Khâm sứ Auvergne không đồng ý vì cho rằng để ông Khả làm Phó chưởng giáo trường Quốc Học thì có ích hơn. Đến cuối năm ông được tặng Kim khánh hạng 2.

Tháng 12/Quý Mão-1904, vua sai Thượng thư bộ Lễ sung Quản lãnh thị vệ Đại thần Ngô Đình Khả đến phủ các hoàng đệ để giảng tập chữ Pháp.

Tháng 7/Bính Ngọ-1906, Ngô Đình Khả bị buộc phải dời nhà thờ vừa mới dựng trong Kinh thành ra làng Tiên Nộn, trước đó ông Khả đã xin được chỉ dụ cho dựng nhà thờ trên nền của Linh Hựu quán [nơi thờ Lão Tử, nằm ở phía bắc sông Ngự Hà, phía tây Trấn Bình đài (Mang Cá) trong Kinh thành. Vào năm 1884, theo tinh thần điều V của Hiệp ước Patenôtre triều đình vua Hàm Nghi phải nhường Trấn Bình đài cho Pháp làm nơi đóng quân. Đến năm 1886, Toàn quyền Paul Bert lại ép triều đình vua Đồng Khánh nhường tiếp khu đất nằm giữa Trấn Bình đài và Linh Hựu quán để Pháp xây dựng thêm doanh trại, đồn bót, nhà thương, kho hậu cần…Vì thế mà quán bị phá bỏ, lúc bấy giờ có một số dân theo đạo Thiên Chúa đến sinh sống chung quanh doanh trại Pháp ở khu Mang Cá, lấy lý do giúp đỡ những giáo dân nầy về mặt tôn giáo, ông Ngô Đình Khả đã xin chỉ dụ cất một nhà thờ trên nền Linh Hựu quán để giáo dân có nơi đọc kinh sớm tối, lễ lạt ngày Chúa nhật], Khâm sứ Moulié lại cho là không tiện nên đề nghị dời ra ngoại thành, ông Khả chấp hành chỉ xin được cấp trả 300 đồng tiền công và Khâm sứ mới Lévecque đã đồng ý.

Tháng 7/Đinh Mùi-1907, vì vua Thành Thái không hòa hợp với chính quyền bảo hộ, nên Khâm sứ Lévecque yêu cầu các đại thần kí tên phế truất nhà vua, mọi người đều nghe theo trừ Ngô Đình Khả. [Sáu năm sau, Nguyễn Hữu Bài không tham dự vào việc đào bới điện Hòa Khiêm trong lăng vua Tự Đức để tìm vàng, nên đương thời có truyền tụng câu “bỏ vua không Khả, bới mả không Bài”. Khả: tức là Ngô Đình Khả không kí tên phế bỏ vua Thành Thái và Bài: Nguyễn Hữu Bài không dự việc đào bới lăng vua Tự Đức]

Một tháng sau khi lập vua Duy Tân, Khâm sứ Lévecque cho là Thượng thư bộ Lễ sung Quản lãnh thị vệ Đại thần Ngô Đình Khả không làm tròn chức trách, buộc triều đình phải xử trí. Năm đó ông Khả mới 51 tuổi ta làm quan liên tục 22 năm, chưa đủ tiêu chuẩn để về hưu và hưởng hưu bổng (phải đủ 60 tuổi và làm quan liên tục 30 năm), phủ Phụ chánh xét thấy ông có nhiều công lao, nên tâu xin chuẩn cho ông được mang nguyên hàm về quê trí sự và được cấp hưu bổng, nhưng Lévecque không chịu, ông Khả bị cách chức mà không được trợ cấp gì.

Tháng 12/Quý Sửu-1914 (triều vua Duy Tân), theo lời xin của phủ Phụ chánh, Ngô Đình Khả được khai phục nguyên hàm Thượng Thư và chiếu lệ cấp hưu bổng (miễn truy nhận).

Tháng 1/Quý Hợi-1923 (triều vua Khải Định), Ngô Đình Khả mất được truy tặng hàm Hiệp tá Đại học sĩ.

Theo sổ bộ hôn phối của Giáo xứ Phủ Cam, vào năm 1887 Micae Ngô Đình Khả lập gia đình với bà Mađalena Chĩu, nhưng sau đó không lâu thì bà Chĩu qua đời. Đến năm 1889, ông Khả tục huyền với bà Anna Phạm Thị Thân. Họ lần lượt sinh 9 người con, gồm 6 trai và 3 gái:

1. Ngô Đình Khôi (1893-1945) là con trưởng, từng làm Án sát tỉnh Phú Yên, Tổng đốc tỉnh Nam-Ngãi, đến năm 1943 thì về hưu. Ông Khôi kết hôn với bà Nguyễn Thị Giang (trưởng nữ của Nguyễn Hữu Bài) sinh một người con trai duy nhất là Ngô Đình Huân. Tháng 8-1945, cả hai cha con bị Việt Minh bắt, đưa ra làng Hiền Sỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, xử tử ngày thứ năm 6-9-1945.

2. Ngô Đình Thị Giao (1894-1946) lấy Thừa phái Trương Đình Tùng, nên thường được gọi mụ Thừa Tùng, sinh 9 người con, gồm 5 gái, 4 trai.

3. Ngô Đình Thục (1897-1984), là tu sĩ Kitô giáo, được thụ phong linh mục, giám mục, tổng giám mục, từng làm việc ở Việt Nam, Roma và châu Phi. Mất ở Hoa Kỳ.

4. Ngô Đình Diệm (1901-1963)

5. Ngô Đình Thị Hiệp (1903-2005), kết hôn với ông Nguyễn Văn Ấm, nên thường được gọi mụ Ấm, sinh 9 người con, gồm 4 trai, 5 gái, trong đó có hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (1928-2002).

6. Ngô Đình Thị Hoàng (1904-1959), kết hôn với ông Nguyễn Văn Lễ, nên thường được gọi là mụ Cả Lễ, sinh một người con gái độc nhất là Nguyễn Thị Anh kết hôn với luật sư Trần Trung Dung (Bộ trưởng phụ tá bộ Quốc phòng thời Ngô Đình Diệm làm Tổng thống).

7. Ngô Đình Nhu (1907-1963)

8. Ngô Đình Cẩn (1910-1964)

9. Ngô Đình Luyện (1914-1988)

Theo sổ Rửa tội lưu ở Nhà thờ Chánh tòa Phủ Cam – Huế thì Dòng tộc Ngô Đình vốn có gốc gác xa xưa ở miệt Sơn Tây, sau những đợt Nam tiến mà di dân vào sinh cơ lập nghiệp ở Châu Bố Chính, trú tại làng Xuân Dục (nay thuộc xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình). Trải qua một thời gian dài, dòng tộc này chia cành, rẽ nhánh. Phái trưởng của dòng tộc do nặng chuyện thờ cúng tổ tiên nên trụ lại với mảnh đất mà tổ tiên khai nghiệp. Chi thứ vì cuộc sống mưu sinh mà theo thuyền đánh cá dọc dòng sông Kiến Giang rồi cuối cùng nhập cư vào làng An Xá, tổng Đại Phong, thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Theo tài liệu của Nhà văn, Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu (hiện đang sống và công tác tại Huế) thì vào giữa thế kỷ thứ XIX, dưới triều Vua Tự Đức, cụ nội tổ của Ngô Đình Khả là Giacôbê Ngô Đình Niêm được thăng một chức quan coi kho thuộc Sở Võ khố tại Kinh đô Huế. Sau khi đến Huế nhậm chức được một thời gian ngắn, ông Niêm lập gia thất với bà Ursula Khoa, là một người đàn bà theo Thiên Chúa giáo, thuộc họ đạo của làng Phường Đúc – Huế. Sống ở Huế được một thời gian không lâu, vì hoàn cảnh và điều kiện công việc, ông Niêm đành phải đưa gia đình quay trở lại định cư ở làng Đại Phong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Tại ngôi làng này, bà Ursula Khoa đã lần lượt sinh hạ 3 người con theo thứ tự là: Ngô Đình Khả, Ngô Đình Miều và Ngô Đình Dung.

Theo nhiều giáo dân sống ở Phủ Cam – Huế thì có thể tên thánh đầy đủ của bà Thân là Anna Luxia Phạm Thị Thân), con gái ông Phaolô Huyên và bà Anna Bùi người làng Vân Dương, tổng An Cựu (nay là thôn Vân Dương, xã Thủy Vân, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế).

—-

Theo quyết định của Tổng trú sứ ngày 15-5-1886, ông Ngô Đình Khả người Annam được bổ nhiệm làm thông dịch viên với mức lương 1.500 franc [một năm], để phục vụ tại Tòa Khâm sứ Huế, nơi ông sẽ được biệt phái phục vụ Ông Dilloll, Chủ tịch Ủy ban Ranh giới.

Par décision du Résident général, en date du 15 mai, l’Annamite Ngo-dinh-kha a été nommé interprète au traitement du 1,500 fr., pour servir à la Résidence supérieure de Hué, d’où il sera détaché provisoirement pour servir auprès de M. Dilloll, président de la commission de délimitation des frontières.

Nguồn: Moniteur du protectorat de l’Annam et du Tonkin
Publisher : (Hanoï)
Publication date : 1886

Báo cáo của Khâm sứ Trung kỳ ngày 6/11/1896 về việc đề cử ông Ngô Đình Khả làm Hiệu trưởng trường Quốc Học mới thành lập:

Danh sách nhân sự của trường ngày 11/5/1898 và 7/2/1900: Ngô Đình Khả là Phó hiệu trưởng.

Nguồn tham khảo chính:

1. Đại Nam Thực Lục – Chính biên Đệ lục kỷ, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn.

2. Đại Nam Thực Lục – Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn.

3. Đại Nam Thực Lục – Chính biên Đệ tất kỷ, Quốc Sử Quán Triều Nguyễn.