Bài 1: Thân Phận Lạc Loài

Những ai, trong chúng ta, ở độ tuổi 60 trở về trước, hẳn còn nhớ bộ sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư ( QVGKT); Có thể đã từng đọc qua hoặc đã nghe đâu đó kể, hoặc đọc qua một vài đoạn, vài bài trong đó. Ðã nửa thế kỷ qua đủ để chúng ta quên nó. Và đủ để chúng ta nhớ nó; nhưng dù thế nào nay đọc lại cũng gây cho chúng ta ít nhiều hoài niệm về thời thơ ấu. Thời mà ngày hai buổi cấp sách đến trường, thời ăn chưa no, lo chưa tới của tuổi học trò.

Nhìn lại một thời Quốc văn giáo khoa thư - Người Đưa Tin

Trong buổi sơ khai của chữ quốc ngữ (không phải chữ Hán, chữ Tây), bộ QVGKT là bộ sách giáo khoa, do nhà nước Pháp, mà trực tiếp là Nha Học Chánh Ðông Pháp, giao cho quí ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Ðặng Ðình Phúc và Ðỗ Thận cùng biên soạn. Bộ QVGKT gồm có 3 quyển:

– Quyển dành cho lớp Ðồng Ấu (Cours Enfantin) là quyển dạy về luân lý (Morale) qua các bài tập đọc và tập viết.

– Quyển dành cho lớp Dự Bị (Cours Préparatoire)

– Và quyển dành cho lớp Sơ Ðẳng (Cours Elementaire).

Hai quyển Dự Bị và Sơ Ðẳng gồm các bài tập đọc (lecture), chứa đựng nội dung bao gồm: Sử Ký, Ðịa Dư, Cách Trí, Vạn Vật, Vệ Sinh, Ðạo Ðức, Gia Ðình…

Chưa có dịp tìm một cách chính xác xem coi bộ QVGKT xuất bản đầu tiên năm nào, nhưng theo bản mà chúng tôi đọc, xuất bản năm 1939 thì đã in lần thứ mười ba. Như vậy án chừng sách xuất bản đầu tiên vào những năm đầu thế kỷ 20.

QVGKT là bộ sách giáo khoa đầu tiên của Việt Nam, dành cho học trò cấp Sơ Ðẳng (Cấp I, Tiểu Học ngày nay) từ Bắc vào Nam. Tuy là sách do thực dân Pháp chủ trương nhưng thực tình mà nói nó có giá trị giáo dục, Sư Phạm rất cao, mà tới nay chưa có bộ giáo khoa Việt Nam nào bì kịp; dù trong đó có dấu ấn chính trị thực dân! Mỗi bài trong sách đều có hình vẽ, theo lối tranh khắc trên gỗ, nét vẽ chân phương phản ảnh nội dung chứa đựng trong bài gây ấn tượng mạnh đối với đọc giả tí hon và người lớn nữa.

Các tác giả viết rất dễ hiểu, đơn giản câu văn ngắn, dùng chữ gợi hình, gần gũi với tuổi thơ Việt Nam.

Cuối bài, tác giả tóm lại ý nghĩa bằng một câu “toát yếu”, mang tánh giáo dục về đạo đức, luân lý, như là mặc nhiên, không cần giải thích.

Thí dụ: – Anh em như thể tay chân… 

hay:

– Cờ bạc là bác thằng bần…

– Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh…

– Học trò phải biết ơn thầy…

– Ði một ngày đàng, học một sàng khôn… 

trantrongkimchubien qvgiaokhoathu bia

Toàn bộ nội dung bộ sách QVGKT phản phất toàn cảnh đất nước thanh bình, ấm no, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa (?).

Qua đó giáo dục tuổi thơ yêu quê hương, xóm làng, bè bạn, ông bà, thầy giáo… rất nên thơ, lãng mạn, đậm đà bản sắc, dễ nhớ, khó quên.

Chúng ta quen dùng một số câu, vài đoạn, một đầu bài trong sách QVGKT một cách tự nhiên, nhập tâm mà không biết của QVGKT. Mời quý bạn đọc lại mấy câu:

 Con ơi, muốn nên thân người.
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha… (Lời khuyên con)

– Thương người như thể thương thân (Tựa bài tập đọc)

– Tháng Giêng là tháng ăn chơi… (Bài công việc nhà nông quanh năm)

– Ðêm qua ra đứng bờ ao.
Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ… (Vì nhớ mà buồn)

Ở xa xứ, tuổi già bóng xế… đọc lại vài câu, vài bài, nhìn lại hình ảnh vẽ trong QVGKT… ôi thấm thía làm sao! Có một người bạn cùng trường Ðại Học Sư Phạm Saigon năm xưa, điện thoại khoe với tôi rằng anh vừa nhận được bỘ QVGKT do đồng nghiệp từ Canada gởi tặng. Anh kể cho tôi nghe xúc cảm của anh khi đọc lại bộ sách mà anh đã học 50 năm trước.

Anh chia sẻ kỷ niệm và cảm xúc ấy với tôi, tôi rất đổi nghẹn ngào, nhắc lại bộ QVGKT, dù lúc đó tôi chưa có sách QVGKT trên tay. Tôi ra các nhà sách khu Little Saigon, tìm mua cho được bộ QVGKT. Ai đó đã cho in lại, có lẽ in lậu bộ QVGKT do nhà xuất bản Trẻ ở Saigon tái bản năm 1996. Hình ảnh nhòe nhoẹt, bố cục, mục lục lộn xộn

Quí ông Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Ðặng Ðình Phúc và Ðỗ Thận đồng tác giả, nay đã ra người thiên cổ. Nha học Chánh Ðông Pháp cơ quan (chủ trương) xuất bản đã thuộc về quá khứ mà không ai muốn nhắc tới; nhưng chúng ta, là một độc giả, là người học trò cũ của QVGKT lạc loài xa xứ, xa quê, thấy cảnh in lâu sách QVGKT thì làm gì có “Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư” như chuyện nhà văn Sơn Nam kể trong tập truyện “Hương Rừng Cà Mau” của ông!!!

Bài 2: Bài Học Ðúng Giờ 

Xuân đi học coi người hớn hở,
Gặp cậu Thu đi ở giữa đàng,
Hỏi rằng: “Sao đã vội vàng,
Trống chưa nghe đánh đến tràng làm chi”?

Sau nửa thế kỷ mà tôi vẫn còn xúc động khi đọc lại bài tập đọc lớp Sơ Ðẳng mà học trò thuở ấy ai cũng thuộc. Bài đọc thể song thất lục bát: “Ði Học Phải Đúng Giờ” mở đầu cho giáo trình lớp Sơ Ðẳng.

Không phải tự nhiên mà tác giả đưa bài “Ði Học Phải Đúng Giờ” lên đầu cuốn sách. Ý nghĩa bài tập đọc dạy cho học sinh phải đúng giờ, đã in sâu vào thế hệ trẻ Việt Nam thuở xưa, thành thói quen, như một thứ kỷ luật, để sau này thành những công dân biết tôn trọng giờ giấc trong các sinh hoạt. Thật vậy, hồi xưa xứ mình làm gì có đồng hồ, người ta đo thời gian: ngày thì nhìn mặt trời, đêm nghe tiếng gà gáy, chim kêu. Nông nhân nhìn nước sông lớn, ròng để biết thời gian, hoặc đo thời gian bằng bao nhiêu hơi thuốc hút, hoặc một nửa bả trầu! Các nơi công quyền thì tính thời gian theo canh giờ (3 giờ đồng hồ) và được báo bằng tiếng trống; nên sát suất chênh lệch hai hoặc ba giờ đồng hồ là thường. Ta nghe câu nói:

“Quan cần dân trễ ” 

Xưa nay là như vậy đó!!!

Học trò ngày xưa ít khi có đi học trễ. Học trò đi trễ không dám vô trường, cha mẹ anh chị phải dắt vô lớp. Thuở ấy đi học trễ dù có lý do chính đáng đều rất xấu hổ, mắc cỡ với bạn bè. Trường tôi có 3 lớp và 3 phòng học. Cái trống treo ở lớp Sơ Ðẳng, ở cuối phòng học. Thầy giáo phân cho trò lớn nhất lớp, thường là trưởng lớp, thủ đánh trống.

Học trò thuở đó ở xa trường, tận trong vườn, trong ruộng… vì hai ba làng mới có một trường học Sơ Học (Cấp I). Chúng tôi lúc đó đến trường rất sớm có khi cả hai tiếng đồng hồ và chơi đùa quanh trường học, ở nhà lồng chợ gần bên trường. Nghe ba hồi trống là chuẩn bị tề tựu về trường; rồi nghe một hồi trống sau đó (độ 15 phút) là chạy về lớp sắp hàng, rồi nghe 3 tiếng trống (độ 5 phút) là vào lớp theo sự hướng dẫn của thầy cô.

Cái trống báo giờ ngày xưa mà tôi được biết là nhờ được đi học và thói quen đúng giờ cũng do đó mà có.

Sau này ra tỉnh học Cours Moyen rồi lên lớp nhứt, tôi vẫn còn nhờ tiếng trống mà biết thời gian vào lớp đúng giờ. Trường tỉnh có cổng ra vào, mở đóng đúng giờ, và tôi chưa một lần bị nhốt ngoài cổng vì đi trễ. Lúc này ở nhà tôi có mua được cái đồng hồ hiệu con gà trống của Tây, số có màu xanh dạ quang, ban đêm nhìn rất đẹp; và má tôi trịnh trọng để ở bàn thờ giữa trước lư hương, có nhiều người hàng xóm đến coi giờ.

Rồi cái đồng hồ tay hiệu Cita (?) đầu tiên tôi có được khi vào lớp Đệ Thất (lớp sáu ngày nay) luôn bên tay nhắc tôi phải đúng giờ.

Xuân và Thu là hai chú học trò lớp Sơ Ðẳng đối đáp trong bài tập đọc “Ði Học Phải Đúng Giờ”, 50 năm xưa vẫn gây cho tôi nhiều ấn tượng khó quên. Kỷ niệm học trò nên thơ cũng như kỷ niệm về cái trống báo giờ đến trường, là bài học đúng giờ mà QVGK đã dạy tôi từ lúc bé.

Ngày nay, chúng ta có rất nhiều dụng cụ đo giờ, báo giờ. Ðồng hồ tay, đồng hồ trên xe, đồng hồ trong điện thoại, trên radio, trên T.V, trên tủ lạnh, trên microwave… Nó ở nơi làm nơi ngủ, nơi làm vệ sinh… chỗ nào cũng có đồng hồ.

Thế mà chúng ta cố tình không thấy, không nghe, không care, không mắc cỡ… đủ “Bốn Không” để đi trễ!

Ði đám cưới trễ, đi hợp trễ, đi xem hát trễ,..v..v..

Dù nhớ, dù quên QVGKT, nhưng chắc chúng ta còn nhớ 4 câu thơ song thất lục bát:

Xuân đi học coi người hớn hở,
Gặp cậu Thu đi ở giữa đàng,
Hỏi rằng: “Sao đã vội vàng,
Trống chưa nghe đánh, đến tràng làm chi?”

nhắc nhở chúng ta bài học: Phải đúng giờ.

Bài 3: Chỗ Quê Hương Đẹp Hơn Cả

Ngày xưa người mình sanh ra ở đâu chỉ biết ở đó. Có người cả đời chưa biết tỉnh thành, phố chợ là gì! Ở xứ Nam Kỳ từ khi Tây vào thì hai hoặc ba làng mới có một cái chợ. Hồi còn nhỏ, được mẹ dẫn đi chợ là mừng húm; vì đi chợ là cái gì “ghê lắm”. Hồi đó chưa có khái niệm “văn minh”, “thành thị”. Người dân ở ruộng rẫy, nông dân nói chung được Tây gọi là “nhà quê” có nghĩa là quê mùa, dốt nát, nghèo khổ… trong đó có ý khi thị! (le nhà quê)

Ở quê tôi, mỗi sáng sớm người ta hay gởi đi chợ, nghĩa là thấy người xóm giềng đi chợ thì nhờ mua đồ giùm mình. Có người lãnh đi chợ mua đồ giùm hai, ba người là thường. Ði chợ, ngoài mua đồ nấu ăn, mẹ tôi thường mua bánh về cho chị em tôi. Bánh là chỉ chung quà ở chợ, như xôi, củ mì, củ lang, bánh bèo, bánh bò… và ít khi mua bánh ở tiệm Tàu như cốm, kẹo, bánh in… vì rất mắc tiền.

Con nít nhà quê không có gì hạnh phúc cho bằng trông mẹ đi chợ về. Mẹ vừa về tới cổng thì con nít la ó lên: “má về, má về…”

Ngày nay trong dân gian có câu nói “trông như trông má đi chợ về”, là như vậy đó.

Tuổi trẻ lớn lên, thế hệ chúng tôi chỉ sống với ruộng rẫy, sông rạch, ao làng, đình, chùa, cầu tre, cầu khỉ… và do vậy cảnh nhà quê để lại cho thế hệ chúng tôi nhiều ấn tượng sâu đậm, khó quên.

Cái đó tôi cho là Chỗ Quê Hương. Bạn sống ở vườn quanh năm cây xanh mát, cam quít trĩu nặng trên cành. Khi lớn lên, lưu lạc đó đây, bôn ba vì cuộc sống, nhưng không làm sao bạn quên được Chỗ Quê Hương ấy của bạn.

Có bạn sống ở đồng (1), lớn lên gần gũi với vườn cà, liếp rau, liếp cải hay nọc trầu…; có bạn quanh năm sống trên ghe, trên tam bản, xuôi ngược sông hồ; còn tôi lớn lên ở ruộng rẫy (2); sông nước 6 tháng ngọt, 6 tháng nước mặn, quen bắt còng, bắt cua, chăn vịt… Mỗi người chúng ta có một Chỗ Quê Hương trong lòng. Ðúng như bài hát “quê hương mỗi người có một” là như vậy.

Nhớ lại năm xưa, lên tỉnh học, cuối tuần mới được về nhà; đạp xe trên đường làng, qua hai ba khúc quẹo, nhìn xa xa, xóm nhà mình hiện ra… lòng rộn lên nỗi vui mừng khó tả!!!

Tình cảm ấy ngày càng sâu đậm hơn mãi khi sau này tôi lên Saigòn học hành và làm việc.

Càng đi xa, càng bôn ba đây đó, càng đi thăm viếng đó đây, thì càng thấy yêu thương Chỗ Quê Hương mình hơn.

Nay đọc lại Quốc Văn Giáo Khoa Thư (QVGKT), mới thấy thương cho các tác giả và thông cảm nỗi lòng yêu quê hương của quý ông. Bài tả câu chuyện Người Đi Du Lịch Về Nhà; xin trích ra đây:

“Một người đi du lịch đã nhiều nơi. Hôm về nhà, kẻ quen người thuộc, làng xóm, láng giếng đến chơi đông lắm. Một người bạn hỏi: Ông đi du sơn du thủy, thế tất đã trông thấy nhiều cảnh đẹp.Vậy ông cho ở đâu là thú hơn cả?”

Người du lịch đáp lại rằng: “Cảnh đẹp mắt tôi trông thấy đã nhiều, nhưng không đâu làm cho tôi cảm động, vui thú bằng lúc trở lại chốn quê hương, trông thấy cái hàng rào, cái tường đất củ kỷ của nhà cha mẹ tôi. Từ cái bụi tre ở xó vườn, cho đến con đường khúc khuỷu trong làng, cái gì cũng gợi ra cho tôi những mối cảm tình chứa chan, kể không sao xiết được.” – (Hết trích)-

Tác giả chọn tựa cho bài trên là “Chỗ quê hương đẹp hơn cả”. Tựa của bài tập đọc nói về “Người Đi Du Lịch Về Nhà” thật đơn giản nhưng có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, đọc ai cũng hiểu và đúng với tình cảm của mọi người chúng ta.


Một trang trong ‘Quốc Văn Giáo Khoa Thư’

Trên năm mươi năm, đọc lại QVGKT trong tâm cảnh làm người ly hương, thì thật vô cùng cảm động, và thấm thía biết chừng nào với câu “Chỗ quê hương đẹp hơn cả.”

Chỗ quê hương trong mỗi chúng ta rất nhỏ bé, đơn sơ, không cần ai tô vẽ, bảo ta thương, bảo ta nhớ… nhưng sao nó mãi mãi chiếm trong tim ta một chỗ to lớn và mãi mãi bắt ta phải nhớ, phải thương.

Phải chăng chính Chỗ Quê Hương ấy nó nuôi lớn chúng ta, giúp chúng ta sống mãi mãi như là người Việt Nam?

Nên dầu ở đâu, tôi vẫn thấy quê hương Việt Nam của tôi là đẹp hơn cả…

Ghi chú:

(1) Ðồng: là vùng đất khô, nước sông không lên tới, làm ruộng nhờ mùa nước mua, trồng rau, cải vào mùa nắng tưới bằng nước ao, nước giếng.

(2) Ruộng rẫy: ruộng vùng nước mặn, mùa mưa tưới ngặp, đẩy nước mặn ra biển như vùng Gò Công Ðông Tiền Giang và một phần ở Bến Tre.

Bài 4: Phải Giữ Tấm Lòng Cho Trong Sạch 

Quốc Văn Giáo Khoa Thư (QVGKT) lớp Dự Bị bài số 39 là bài học thuộc lòng Bài ca dao: “Con Cò Mà Đi Ăn Đêm”. Xin trích:

“Con cò mà đi ăn đêm
Ðậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao. 
Ông ơi ông vớt tôi nao!
Tôi có lòng nào, ông hãy xáo măng.
Có xáo thì xáo nước trong
Ðừng xáo nước đục đau lòng cò con”. (hết trích)

Bài học thuộc lòng, mà “thuở còn thơ”, hai buổi đến trường… tuổi trẻ của học trò chúng tôi thường ê a, vì đây là bài ca dao, thể lục bát, dễ thuộc, dễ nhớ. Năm mươi năm, nay đọc bài xem như mới ngày nào, đầu còn hớt tóc móng ngựa (1), mang cái cặp đệm (2) tung tăng đến trường làng, xa trên 5 cây số. Tuổi của chúng tôi mà có được “ba chữ” bỏ trong bụng, đọc được truyện Phạm Công Cúc Hoa, Thạch Sanh Chém Chằng, hoặc viết được tờ đơn xin phép làng cho đám giỗ (3) là quý hơn vàng. Thuở nhỏ thích lật sách để coi hình, nhiều khi thích hơn là đọc nữa.

Trong bộ QVGHKT, mỗi bài đều có một cái hình minh họa cho nội dung bài học. Hình trong QVGKT vẽ đơn giản, chơn phương, in theo kiểu tranh khắc trên gỗ. (Nay thì kỹ thuật in đã qua thời kỳ Typo, chữ đúc bằng chì, hình làm bằng cliché đến thời in kỹ thuật offset hiện đại bốn màu).

Họa sĩ vẽ hình con cò đậu trên cành tre, cành mềm như sắp gãy, vẻ ủ rũ như sắp rớt xuống ao, mặt nước ao êm đềm cảnh đêm tối vào mùa thu thảm não…

Hình ảnh và sáu câu thơ lục bát nhìn và đọc lại mới thấy thương cho thân phận con cò. Con cò trong mắt của người mình, theo dân dã, hay theo thi nhân… là hình ảnh người mẹ Việt Nam. Thân cò lặn lội là hiện thân người mẹ quê tần tảo một nắng hai sương vất vả đêm ngày để nuôi con….

Hình ảnh người mẹ Việt Nam càng tuyệt diệu biết bao khi chúng ta đang sống ở Hải Ngoại, tại đây ta biết được thế nào là người mẹ Hoa Kỳ, người mẹ Mễ Tây Cơ hay người mẹ Tây mẹ Ðức ở bên trời Âu.

Quả thật bà mẹ Việt Nam của chúng ta tuyệt vời và nói như thế không có gì là cường điệu cả.

Ta hãy đọc lời của tác giả trong QVGKT phần Ðại ý sau đây — Xin trích:

“Bài này mượn chuyện con cò mà ngụ ý luân lý rất cao. Con cò xa xuống nước, người ta bắt được sắp đem làm thịt, mà nó vẫn xin nấu bằng nước trong, để cho chết cũng được trong sạch. Cũng như người ta nghèo khó đi làm ăn lỡ sa cơ thất thế, bị phải tai nạn, nhưng bao giờ cũng giữ lấy tấm lòng trong sạch, không làm gì ô uế”. Hết trích.

Con cò, người mẹ luôn luôn sống vì đàn con và chết cũng vì đàn con:

“Có xáo thì xáo nước trong,
Ðừng xáo nước đục đau lòng cò con.”

Bài luân lý, ẩn du qua hình ảnh con cò, QVGKT dạy cho học trò bài học có giá trị muôn đời. Ở chúng ta, mỗi người một hoàn cảnh, một vị trí trong xã hội, mỗi người ai cũng có hình ảnh người mẹ mà mình trân quý: Mẹ của Thầy Tử Lộ, mẹ của vua Tự Ðức, bà mẹ quê trong tác phẩm của Phạm Duy, bà mẹ của Y Vân trong bài Lòng Mẹ, dù mẹ của bạn hay mẹ của tôi tất cả như nhau nào có phân biệt mẹ của vua, mẹ của quan, mẹ giàu mẹ nghèo…

Thuở nhỏ, cuối tháng, cuối tam cá nguyệt hay cuối năm tôi đem sổ học bạ hay sổ điểm, sổ danh dự về cho mẹ tôi ký, mẹ tôi ký quằn quèo có lúc ký chữ thập… Mẹ tôi là như thế nhưng thương con vô bến bờ lo cho con đến khi chết. Nhớ lại, sau này tôi đã thành danh, đi xe hơi có người lái, nhà ở có người hầu nhưng tôi vẫn thích được mẹ tôi nấu cho tôi ăn, thích ngủ với mẹ mỗi khi về quê!!!

Người mẹ Việt Nam chúng ta ai ai và lúc nào cũng muốn “giữ tấm lòng trong sạch” và đó là bài học sống mà tôi ấp ủ, mang theo trên bước đường lưu lạc.

Nay thì mẹ đã qua đời, ở tuổi 92, tuổi thượng thọ. Ngày lễ tang mẹ trên bàn thờ tôi chưng cặp đèn cầy nhỏ để mừng cho mẹ đã thượng thọ. Tôi nói lời “mừng vĩnh biệt” trước lúc di quan, trước hằng trăm thân quyến bạn bè và gia đình mà nước mắt ràn rụa, nghẹn ngào…

Ðọc lại bài con cò mà đi ăn đêm với ý nghĩ luân lý, lời dạy của mẹ phải giữ lấy tấm lòng cho trong sạch như tưởng nhớ đến mẹ tôi và mẹ của những người không may không còn mẹ.

Nhân mùa Vu Lan đọc lại QVGKT, hình ảnh con cò gợi tôi nhớ mẹ biết dường nào.

Mừng cho ai còn mẹ
Và xin chia sẻ nỗi đau những ai mất mẹ.
Hãy vì mẹ mà mỗi người chúng ta phải giữ tấm lòng cho trong sạch.
Mùa Vu Lan nơi xứ người

Ghi chú: 

(1) Hớt tóc ngắn, gần như cạo trọc phía trước cao hơn phía sau giống như hình cái móng ngựa.
(2) Cặp học trò xưa dùng đựng sách vở để ôm đi học, giống như cặp da ngày nay nhưng làm bằng cỏ đệm chỉ có ở miền Nam, loại đệm dùng để đan nớp.
(3) Thời xưa ở trong làng muốn làm đám giỗ phải làm đơn xin phép.

quocvangiaokhoathu

Bài 5: Sống Ở Làng, Sang Ở Nước
Thuở xưa, người mình lúc Tây chưa vô thì đa phần sống ở thôn quê. Bấy giờ nước ta chưa có thành thị. Người dân đâu ở đó, trao đổi hàng hóa sản phẩm ở chợ quê. Nền kinh tế của mình là nền kinh tế nông nghiệp tự cung tự cấp.Làng Việt Nam là đơn vị hành chánh cơ sở nhỏ nhất, nhưng nó là cơ bản của xã hội ta bấy giờ. Làng còn là chỗ tập hợp sinh hoạt của cộng đồng dân chúng; nơi đó ngoài trụ sở hành chánh, trong Nam gọi là Nhà Việc (như ở Mỹ gọi là Civic Center) còn có Ðình và Chùa.Mọi sinh hoạt của người dân đều xoay quanh đình và chùa. Làng nào trong Nam cũng đều có đình. Ðình là nơi thờ thần của làng. Sắc thần do vua ban, được giữ kỹ trong cái hộp gỗ do một kỳ lão cất giữ hàng năm vào ngày hội cúng đình, sắc mới được thỉnh đem về Ðình làm lễ cúng. Ðình do quỹ chung của làng đóng góp xây dựng, gọi là quỹ công nho (1). Trái lại, chùa do cá nhân xây dựng nên, rồi thỉnh sư về trụ trì. Thuở xưa, trong xứ Nam Kỳ các nhà giàu thường dựng chùa để làm phước và còn hiến cho chùa đất vườn, đất ruộng để làm có tịnh tài lo cho chùa. Phật giáo Việt Nam, xứ trong Nam hình thành như vậy chớ làm gì có giáo hội gì đâu.

Tùy hoàn cảnh, tùy duyên mà chùa và đình được xây dựng nên không có kế hoạch, và cơ sở không tập trung xung quanh Nhà Việc.

Ðình và Chùa còn là nơi giải quyết hầu hết những mâu thuẫn, vướng mắc tình cảm, pháp lý của dân làng. Tuy chế độ Việt Nam xưa là phong kiến trung ương tập quyền, nhưng làng ở Việt Nam mang tính tự trị, không như làng ở Châu Âu.

“Phép vua thua lệ làng”

Câu nói trong dân gian xưa nay nói lên tánh xã thôn Việt Nam mình ngày xưa là “dân chủ cấp cơ sở” rất cao. Pháp vào cũng coi đó là nét độc đáo và duy trì ở xứ Nam Kỳ thuộc Pháp; các nhà luật pháp cũng lấy đó mà viết sách, dạy học trong các trường luật Việt trước đây. Trong QVGKT lớp Sơ Ðẳng (Lớp Nhứt trường làng) có bài “Làng Tôi” xin trích:

“Làng tôi gần ở tỉnh, xung quanh làng có lũy tre, đứng ngoài không nom thấy nhà cửa. Ðầu làng cuối làng có cổng xây bằng gạch”, hết trích.

Mấy ông biên soạn (2) tả cái “làng tôi” ở miền Bắc, xứ Bắc Kỳ; nên rất xa lạ với học trò Nam Kỳ lục tỉnh. Do vậy lớp học trò thế hệ chúng tôi tưởng tượng về cái lũy tre đi vào thi ca văn chương trong Nam Kỳ, mà sự thực người ở Nam Kỳ không có khái niệm gì về lũy tre cả.

Giống như thanh niên Việt Nam thế hệ thập niên 50, 60 thích nói về “giòng sông Seine” về “gare Lyon đèn vàng!!!” (4).

Cũng giống như trường hợp Tự Lực Văn Ðoàn. Số là khi “nước nhà độc lập”, cụ Hoàng Xuân Hãn soạn ra chương trình giáo dục đầu tiên, cụ đưa mấy tác phẩm trong Tự Lực Văn Ðoàn vào chương trình Trung Học. Sự thể làm cho cả thế hệ học trò miền Nam tưởng rằng trong lục tỉnh cũng có cô Loan hoặc các ông bà Phán!!!. Thật tình trong xứ Nam Kỳ xưa, xã hội đâu có phong kiến như thế, nên đâu nhứt thiết phải “đoạn tuyệt” như cô gái Loan đoạn tuyệt gia đình chồng! Bài “Làng tôi” trong QVGKT, tả cảnh “làng tôi” êm đềm thơ mộng, cuộc sống bình dị, in đậm trong trí mọi người. Xin trích: “Trong làng có nhà cửa phần nhiều là nhà lá. Nhà nào cũng có sân có vườn, hoặc có ao nữa, xung quanh có hàng rào tre. Ngoài vườn thì trồng rau, khoai cùng các thứ cây có quả. Ðường sá thì chỉ có con đường chạy thẳng qua làng là rộng, còn thì những lối đi hẹp, khúc khuỷu quanh co”. Hết trích.

Cuối bài “Làng tôi”, tác giả “toát yếu” bằng câu: Sống ở làng, sang ở nước.

Ðây là chủ đích của QVGKT, nên bài nào tác giả cũng tóm bằng một câu tạo ấn tượng và giáo dục học trò. Ðúng là cái tâm cảnh người Việt ta xưa kia là như thế, mà ngay cả ngày nay cũng còn. Làng là nơi thể hiện tình cảm gắn bó, tương lân xóm chòm, khi “tối lửa tắt đèn” (5) vui buồn, hoạn nạn có nhau. Những biểu hiện tiêu cực, xấu xa, vô đạo đức không thể tồn tại. Do vậy vì “sống ở làng” nên mọi người phải tử tế làm cho cộng đồng an cư thịnh vượng, mọi người thấy bình an. Từ ở làng con người vươn ra xã hội xung quanh lớn hơn, để thi thố, đun chí nam nhi mà đóng góp cho nước. “Sang ở nước” là ý đó. Ðem chí tang bồng trả ơn vua, lộc nước, mới làm cho con người nam nhi sang chữ “Sang” ở đây không phải sang vì của, vì tiền, vì ruộng đất; mà “sang vì nước” là hiểu theo nghĩa góp đến nợ nước, ơn vua. Do vậy, con người ta, con người đặc biệt Việt Nam ly hương; ai cũng có muốn đóng góp công sức vào công cuộc xây dựng “quê hương xứ sở”; nếu không thì cảm thấy cuộc đời vô nghĩa, như cây cỏ vô tri!!!

Năm mươi năm, đọc lại QVGKT, nhân bài “làng tôi” với câu: Sống ở làng, sang ở nước khiến thắm thía làm sao nhứt là càng về già. Giá trị của QVGKT mãi mãi ở trong lòng thế hệ của chúng tôi, ngoài những kỷ niệm về thời thơ ấu, nó còn có giá trị về giáo dục cao, mãi tới nay vẫn còn như vậy.

Ghi chú: 

(1) Công nho: do đọc trại chữ “công nhu” là quỹ dành cho việc chung, nhu cầu chung.

(2) Ô. Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Ðặng Ðình Phúc và Ðỗ Thận.

(3) Lũy: bờ đất tre trồng làm hàng rào (giải nghĩa QVGKT).

(4) Sông Seine chảy qua Paris, ga xe lửa Lion ở thành phố Lion bên Pháp.

(5) Ý nói khi gặp hoạn nạn khẩn cấp cần giúp (emergency).

Bài 6: Ông Phan Thanh Giản 

Quốc Văn Giáo Khoa Thư (QVGKT) lớp Dự Bị là quyển tập đọc (Lecture Cours Préparatoire) gồm 111 bài. Tuy là quyển sách Tập đọc nhưng mang tính giáo dục cao, đây là quyển sách Giáo Khoa cấp Sơ Học, đã được dùng suốt nửa thế kỷ đầu thập niên thuộc thế kỷ 20.

Trong 111 bài, các tác giả đã dành 10 bài nói đến các nhơn vật lịch sử Việt Nam từ đầu cho đến hiện đại. Như là:

1. Truyện hai chị em Bà Trưng

2. Truyện ông Ngô Quyền

3. Vua Lý Thái Tổ dời đô ra Hà Nội

4. Ông Trần Quốc Tuấn

5. Ông Lê Lai liều mình cứu chúa

6. Một kẻ thoán nghịch: Mạc Ðăng Dung

7. Vua Lê Thánh Tôn

8. Ông Nguyễn Kim

9. Ông Tổ sáng nghiệp ra nhà Nguyễn: Ông Nguyễn Hoàng

10. Ông Phan Thanh Giản

Các tác giả lịch sử dạy cho học trò dưới hình thức kể chuyện qua bài tập đọc. Quả là phương pháp mới, có giá trị sư phạm cao so với thời điểm bấy giờ, thời đất nước Việt Nam thời Tây cai trị.

Các tác giả đề cao nhơn vật Phan Thanh Giản trong quyển sách giáo khoa thời bấy giờ quả là khó khăn nếu không thừa lòng can đảm, nếu không quý trọng ông Phan Thanh Giản thì các ông không bao giờ dám làm.Chúng ta hãy đọc xem các tác giả kể chuyện ông Phan Thanh Giản sau đây; xin trích:

“Ông Phan Thanh Giản làm kinh lược sứ (1) ba tỉnh phía Tây trong Nam Việt (2). Khi chính phủ Pháp đánh lấy ba tỉnh ấy. Ông biết rằng chống với Pháp không được nào, mới truyền đem thành ra nộp. Nhưng ông muốn tỏ lòng trung với vua và tự trị tội mình không giữ nổi tỉnh thành cho nước, ông bèn uống thuốc độc tự tử”. Hết trích.

Ông Phan Thanh Giản là tiến sĩ đầu tiên ở xứ Nam Kỳ, là danh thần phục vụ 3 đời vua: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức.

Phan Thanh Giản sinh năm 1796 tại làng Bảo Thạnh, Quận Ba Tri, Tỉnh Bến Tre, đậu Cử Nhơn tại trường Gia Ðình năm 1825, năm sau, 1826, đậu tiến sĩ Kỳ Thi Hội, và là người duy nhất đậu tiến sĩ khóa này.

Tổ tiên ông gốc Trung Hoa lánh nạn Mãn Thanh, sang đất Vĩnh Long (nay thuộc Bến Tre) xứ Ðàng Trong, làm Thượng Thơ Bộ Hình năm 1847 thời Thiệu Trị; rồi Thượng Thơ Bộ Lại năm 1848 thời Tự Ðức. Thực ra Phan Thanh Giản không nộp thành cho Pháp như QVGKT kể lại. Ta trở lại lịch sử Việt Nam lúc bấy giờ, bằng cách đọc lại cuốn “Việt Nam Danh Nhân Tự Ðiển” của tác giả Nguyễn Huyền Anh trang 474, có ghi như sau; Xin trích:

“Năm 1862, tình hình Nam Kỳ thêm phần khẩn trương (sau khi đồn Kỳ Hòa ở Gia Ðịnh thất thủ, lần lượt Pháp đánh chiếm Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Ðịnh Tường, Bà Rịa, Vĩnh Long). Triều đình Huế sai Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào Gia Ðịnh nghị hòa. Kết quả, ta phải ký hiệp ước ngày 5/6/1862 nhường cho Pháp 3 tỉnh miền Ðông là Biên Hòa, Gia Ðịnh và Ðịnh Tường. Tiếp đó, ông lãnh Tổng Ðốc Vĩnh Long và được lệnh phải thương thuyết với người Pháp để cứu vãn những thất lợi trước.Năm 1863 ông được cử làm Như Tây Chánh Sứ sang Pháp mong chuộc lại 3 tỉnh đã mất. Phái Bộ đã phải chờ chực trên đất Pháp hơn 2 tháng để cuối cùng chỉ nhận được một lời hứa hẹn vu vờ.” Hết trích.

Trước dã tâm của Pháp muốn chiếm 3 tỉnh còn lại là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Phan Thanh Giản lần nữa được lệnh Tự Ðức vào Nam tìm cách đối phó. Tác giả Nguyễn Huyền Anh viết tiếp, xin trích:

“Ngày 20-6-1867, Phan tiên sinh cùng Án Sát Vĩnh Long là Võ Doãn Thanh tìm gặp De Lagrandière để hội đàm. Pháp yêu sách quá đáng, bên ta yêu cầu được hỏi ý kiến triều đình Huế; De Legrandière cũng chấp thuận. Nhưng khi Phan Thanh Giản trở về thành thì thấy quân đội Pháp đã chiếm thành Vĩnh Long. Rồi Châu Ðốc thất thủ vào nửa đêm 21 rạng 22, Hà Tiên sáng ngày 24. Năm ngày mất 3 tỉnh. Toàn lãnh thổ Nam Kỳ vào tay quân cướp nước. Sứ mạng không thành Phan Thanh Giản đành chịu chết để đền nợ nước.” Hết trích.

Sau khi viết sớ về triều, nói lên vận nước không thể ngăn nổi, lời lẽ thống thiết, khuyên các con không nên cộng tác với Pháp, ráng phò vua rồi nhịn đói 17 ngày không chết. Cuối cùng phải uống thuốc độc tự tử chết ngày 5 tháng 7 năm 1867.

Sau khi mất, ông bị triều đình luận tội gắt gao, bị tước chức vị, tên trên bia tiến sĩ bị đục bỏ. Mãi đến Ðồng Khánh, năm 1886 Phan Thanh Giản mới được khôi phục danh hàm như trước.

Dầu vậy nhân dân miền Nam trước sau vẫn quý trọng ông và xây đền thờ ông ở Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh. Thời Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 tên tuổi ông được đặt tên đường, tên trường…. Sau năm 1975, người Cộng Sản Bắc Việt vào Nam xóa bỏ đến thờ, tên đường và vùi dập tên tuổi Phan Thanh Giản một lần nữa… Xem ra mới thấy danh thần Phan Thanh Giản sanh ra trong thời nhiễu nhương. Con người và cuộc đời của ông là một “bi kịch của thời đại”.

Ngày nay sau 30 năm, người Cộng Sản miền Nam đã chứng tỏ được bản lĩnh của mình nên tìm cách phục hồi danh dự cho Ông Phan Thanh Giản. Xem ra mới thấy mấy ông tác giả QVGKT quả là có bản lảnh và có lòng yêu lịch sử Việt Nam. Nên QVGKT là bộ sách giáo khoa có giá trị vượt thời gian.

*Ghi chú: 

(1) Kinh lược sứ: quan được toàn quyền cai trị một vùng.

(2) Ba tỉnh Miền Tây Nam Kỳ là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.

*Ðính chánh bài số 5 kỳ trước: “Ga Lyon đèn vàng” là ga xe lửa tên Lyon ở thủ đô Paris chớ không phải là Lyon cách Paris 500 km. Thành thật xin lỗi đọc giả.

Bài 7: Lính Thú Đời Xưa (1)

Con người từ thời xa xưa, khi biết sống hợp quần dưới hình thức bộ tộc, cho tới lúc văn minh biết tổ chức thành quốc gia thì đã thường xuyên có chiến tranh. Do đó người lính được xuất hiện làm nhiệm vụ bảo vệ (hay xâm lăng) bộ tộc, lãnh địa, quốc gia. Bài “Lính thú ngày xưa” được các tác giả QVGKT đưa vào lớp Sơ Ðẳng (Cours Elémentaire) gồm 2 phần:

Phần 1: Lúc ra đi

Phần 2: Lúc đóng đồn

Cả hai viết dưới dạng ca dao, thể thơ lúc bát cho học trò thuở ấy học thuộc lòng.

Phần 1 tả cảnh lúc ra đi như sau; Trích:

“Ngang lưng thì thắt bao vàng (2)
Ðầu đội nón dấu vai mang súng dài (3)
Một tay thì cấp hỏa mai (4)
Một tay cấp giáo, quan sai xuống thuyền (ghe)
Thùng thùng trống đánh ngủ liên (5)
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa”.

Lính ở đây, tác giả ám chỉ lính xưa trước lúc Tây vào, ta có thể hiểu là lính thời nhà Nguyễn. Thời bấy giờ, tùy theo nhu cầu, xã thôn lập sổ đinh (sổ thanh niên trai tráng) trong xã rồi chọn ra 3 lấy 1 hoặc 5 lấy 1… để rồi nộp giao cho quan huyện tập trung chuyển lên phủ.. làm nhiệm vụ ở địa phương hoặc triều đình (trung ương) điều động theo nhu cầu.

Qua bài này ta thấy lính ta đời xưa đã có quân trang quân dụng: lưng thắt dây vải vàng (thay vì dây nịt như ngày nay) nón là nón dấu trên chóp làm bằng thau, trang bị súng hỏa mai, loại súng nạp trên đầu (nạp tiền) và phải châm ngòi (hỏa mai) mới phát nổ được, lính bấy giờ còn đi chân đất chưa có giày dép như sau này.

Trong hình, ta thấy cảnh vợ con lính ra tận bến sông, tay bồng tay dắt con thơ bịn rịn; trong khi đó quan quân thúc trống ngũ liên ra lệnh cho lính phải xuống ghe để đưa đi đóng đồn ở miền xa, miền núi rừng (miền ngược). Cảnh chia ly quả là thảm não làm sao! Lính của ta đời xưa như thế thì làm sao chống lại bọn lính Tây, trang bị hiện đại, có tàu chiến bằng sắt, súng nạp hậu bắn xa; họ có đại bác, được dẫn đường chỉ điểm của con chiên đạo Ca Tô.

Ðọc “Lính Thú Đời Xưa” ta mới hiểu tại sao thành Gia Ðịnh bị mất dễ dàng, rồi 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Ðịnh, Ðịnh Tường phải nhường cho Pháp, cũng như 3 tỉnh cuối cùng của Nam Kỳ là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên bị mất trong 5 ngày!!!

Người Pháp chiếm nước ta ngoài vấn đề tương quan lực lượng, quân đội Pháp vượt trội, cốt lõi là do Gia Long đã sử dụng lực lượng truyền giáo Ca Tô để tranh thắng với quân Tây Sơn, khiến cho Pháp dòm ngó nước ta. Phần 2 tả cảnh lúc đóng đồn: Trích:

“Ba năm trấn thủ lưu đồn (6)
Ngày thì canh điếm (7), tối dồn việc quan.
Chém (đốn) tre, đẵn (chặt) gỗ trên ngàn
Hữu thân hữu khổ, phàn nàn cùng ai.
Miệng ăn măng trúc, măng mai
Những giang (8) cùng nứa, lấy ai bạn cùng
Nước giếng trong, con cá vẫy vùng”. Hết

“Ba năm trấn thủ:, tác giả cho ta hiểu chế độ quân dịch bấy giờ là 3 năm, trong thời gian này lính thú phải đưa đi xa làm nhiệm vụ lưu đồn. Họ là số dân đinh khỏe được chọn từ xã thôn; còn một số đinh lớn tuổi, hoặc có gia cảnh phải ở lại làm lính địa phương như lính làng lính nghĩa quân, lính dân vệ, thời trước 75 của VNCH.

Hình vẽ trong bài cho thấy cảnh lính thú khuân cây để làm doanh trại, canh gác. Một số lính không nhỏ phải làm việc quan có thể là gia nhân, phục vụ quan chỉ huy ở đồn mà họ trấn thủ. Ngày xưa các cấp chỉ huy hành chánh, quân đội gọi là quan, quan trên, quan lớn, quan huyện, quan phủ…. Khi Tây vào cai trị nước ta họ duy trì cách gọi đó và có quy định chi tiết thế nào là quan, cấp nào là quan lớn; có quan ta và quan Tây!!!

Nay, Việt Nam cũng qui định cách xưng hô mới, không gọi là quan có vẻ phong kiến mà gọi là Ngài cho ra vẻ văn minh hơn.. Lính thú hay soldier của Hoa Kỳ thì thân phận cũng như nhau, “hữu thân hữu khổ” quả không biết “phàn nàn cùng ai”

Thời lính thú vẫn có khoảng cách giữa người lính và người thường; nhưng thời nay khoảng cách đó cự ly cách biệt rất lớn, nên soldier cảm thấy khổ cực rất nhiều. Do vậy mà nhân mùa bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ ông Bush bị tố là “trốn quân dịch” Bush cha cậy quyền gởi gắm con mình (Bush con) cho vị chỉ huy vệ binh, đã vậy mà Bush con còn trốn trại, bỏ trại. Con người thời nào cũng vậy, vẫn còn nạn con ông cháu cha  COCC), mà ta thường thấy ở quê nhà.

Lính thú, quân dịch, nghĩa vụ quân sự chỉ khác nhau tên gọi, tất cả nhằm kêu gọi tráng đinh xung vào quân ngũ. Tùy theo cái quân ngũ đó nhằm mục đích gì: Bảo vệ tổ quốc, giữ gìn an ninh, trị an, bảo vệ hòa bình, xâm lược..v..v… Các tác giả trong QVGKT không nói gì tới nghĩa vụ cao quý của lính ta ngày xưa cũng không cho thấy lính Tây ra sao!!!.

Qua bài “Lính thú ngày xưa” tác giả chỉ nhằm kể chuyện lính thú ngày xưa, như là chuyện cổ tích. Ðó là mục đích của QVGKT: phi chánh trị (!)

Chú thích:

1. Lính đi đóng đồn miền xa, miền ngược
2. Bao bằng vải vàng, đeo lưng
3. Nón bằng lá trên có chóp bằng thau
4. Ngòi nổ dùng cho loại súng nạp trên (nạp tiền)
5. Trống đánh từng hồi 5 tiếng
6. Ðồn nhằm canh giữ giặc cướp
7. Trạm gác, điểm canh ngày đêm
8. Loại nứa giống như tre (không có trong Nam)

Bài 8: Công Việc Nhà Nông Quanh Năm

Nước Việt ta từ xưa lấy nghề nông là chánh. Trong nghề nông thì trồng lúa là chánh, các loại nông phẩm hoa màu khác là phụ. Dân mình xưa nay ăn cơm là chủ yếu, có vùng thiếu lúa thì dân ăn kèm khoai mì, khoai lang, bắp. Nên ông bà ta có câu:

“Mạnh vì gạo, bạo vì tiền.”

Hột gạo, hột cơm được cha mẹ dạy ta quí trọng kêu bằng hạt ngọc; vua chúa luôn có chính sách khuyến nông, khuyên dạy dân không nên bỏ ruộng hoang:

“Ai ai đừng bỏ ruộng hoang,
Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu.”

Suốt lịch sử dân mình gắn liền với nông nghiệp, công việc đồng án không ai dạy, trong gia đình cha mẹ tập tành con cháu ra đồng làm lụng quanh năm, tập tành theo lối “cha truyền con nối”.

Chúng ta hãy xem Quốc Văn Giáo Khoa Thư (QVGKT) tả “công việc nhà nông quanh năm” như thế nào:

“Tháng Giêng là tháng ăn chơi
Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà
(Chớ không phải Tháng Hai cờ bạc, Tháng Ba rượu chè)
Tháng Ba thì đậu đã già
Ta đi ta hái về nhà phơi khô.
Tháng Tư đi tậu trâu bò,
Ðể ta sắp sửa làm mùa Tháng Năm.
Sáng ngày, đem lúa ra ngâm (1)
Bao giờ mọc mầm, ta sẽ vớt ra.
Gánh đi ta ném ruộng ta (2)
Ðến khi lên mạ, thì ta nhổ về.
Sắp tiền mượn kẻ cấy thuê,
Cấy xong thì mới trở về nghỉ ngơi.

Phần 1 công việc nhà nông quanh năm trích trong QVGKT lớp Sơ Ðẳng (Lecture Cours Elémentaire).

Công việc nhà nông được mô tả theo thứ tự thời gian trong cả năm, theo chu kỳ thời tiết. Nước ta ở vùng nhiệt đới gió mùa, mưa nhiều độ ẩm cao. Miền Bắc có 4 mùa, Trung và Nam chỉ có 2 mùa mưa và nắng. Qua bài ta biết đây là công việc nhà nông Miền Bắc. Tháng Giêng (tháng Âm Lịch) là tháng ăn Tết vui chơi, lễ chùa, dân mình ai cũng không muốn đi làm.

Ở Miền Bắc trồng nhiều hoa màu phụ tự túc gia đình, khoai là thức ăn phụ trộn với cơm gọi là ăn độn, dân Miền Nam sau năm 75 mới biết ăn độn, mới nghe nói từ ăn độn!

Ở Miền Nam nông dân ngoài trồng lúa, còn trồng các loại khác nhưng chủ yếu là để bán, họ biết chuyên canh, do đất rộng người thưa. Nên trong Nam có Bến Tre xứ dừa, Cổ Cò xứ dưa hấu. Trung lương xứ mận, Hóc Môn rau cải, Bà Ðiểm xứ trầu cau…v.. v… Các ông Phạm Quỳnh, Nguyễn Bính, Nguyễn Hiến Lê vô Nam đã viết nhiều về đời sống phong phú, ruộng vườn miền Nam cũng nói lên chuyên canh xứ Nam Kỳ đã có từ lâu.

Con trâu trong câu “Tháng Tư đi tậu trâu bò” cũng nêu lên nét đặc thù trong đời sống nông thôn ta xưa. Trâu là phương tiện chánh của sản xuất, có trâu phải đăng bộ ở làng xã, chủ được cấp sổ trâu cũng như sổ bộ ghe. Khi Tây vô thì lập ra sở thú y chủ yếu bảo vệ đàn trâu hầu khai thác các vùng đồn điền miền Tây. Ngoài việc đăng bộ ghi sổ, trâu còn được đóng dấu vào mông (dấu bằng đồng, nướng đỏ, đóng vô mông trâu) đề phòng trâu bị trộm. Luật ta xưa phạt người ăn trộm trâu rất nặng, có lúc phải lưu đày biệt xứ.

Việc cấy lúa cần nhiều nhơn công, trong Nam thường thì người ta cấy lấy vần công, chỉ có các nhà điền chủ lớn mới mướn công cấy. Người đứng ra lãnh bao cấy cho chủ điền gọi là đầu nậu. Sáng sớm đầu nậu thổi tù và tập hợp công cấy rồi phân bổ đến ruộng. Chủ điền thường bao ăn cho thợ cấy.

Phần 2 công việc nhà nông, QVGKT tả như sau:

“Cỏ lúa dọn đã sạch rồi,
Nước ruộng vơi mười, òn độ một hai
Ruộng cao đóng một gàu giai (3)
Ruộng thấp thì phải đóng hai gàu sòng (4).
Chờ cho lúa có đòng đòng (5)
Bây giờ ta sẽ trả công cho người
Bao giờ cho đến tháng Mười,
Ta đem liềm hái (6) ra ngoài ruộng ta
Gặt hái ta đem về nhà
Phơi khô, quạt sạch ấy là xong công.”

Sau khi cấy công việc nhà nông chuyển sang giai đoạn hai, chăm sóc nước, cỏ, chờ lúa trổ và thu hoạch.

Trong Nam có 2 loại ruộng lúa: một là loại ruộng đồng, cây lúa chỉ sống nhờ nước mưa; loại thứ hai là ruộng rẫy (đa số) chủ yếu lấy nước sông; loại 2 này thấy ở Hậu Giang, còn miệt Tiền Giang xen kẻ có đồng có rẫy.

Ruộng rẫy thường dùng hệ thống kinh, mương dẫn thủy hoặc xã nước nên không dùng gàu tưới. Ruộng đồng gặp khi nắng hạn phải dùng gàu để đưa nước vào ruộng. Trong Nam ruộng phẳng, không có triền, dốc nên thường tưới bằng gàu sòng. Ở quê gàu gia thường dùng tát ao, tát đìa bắt cá vào mùa khô gần Tết âm lịch, vì ao đìa rất sâu. Lúa chín được thu hoạch bằng vòng hái (Bắc gọi là liềm hái), sau khi gặt xong lúa được bó và chở về sân nhà bằng ghe, cộ, gánh bằng đòn sóc (như cây đòn gánh) nhưng hai đầu nhọn để sóc (đâm) vào bó lúa. Có người gánh mỗi đầu 1 bó, có người mạnh gánh 2 bó mỗi đầu. Do vậy dân Nam Kỳ thường dùng hình tượng cây đòn sóc để chỉ người không có kiên định, đầu nào cũng theo nhằm thủ lợi (Ðòn sóc hai đầu). Lúa được tách hột ra khỏi rạ (cành lúa) bằng cách cho trâu đạp, sau đó đem phơi khô, dùng quạt (loại xa quạt lúa), quạt cho sao cũng có nơi dùng gió để “dê” cho sạch.

Lúa được chứa trong bồ ở nơi khô ráo, người làm ruộng nhiều lúa được vựa trong kho lớn đóng bằng ván gọi là lẫm lúa. Tóm lại công việc nhà nông, chủ yếu trồng lúa, suốt năm từ lúc gieo mạ đến gặt lúa. Lúa sớm kết thúc vào tháng 10 ta, lúa mùa vào tháng 11, tháng Chạp.

Lúa nuôi sống dân, ai có nhiều lúa là nhà giàu. Xã hội ta xếp hạng: Sĩ – Nông – Công – Thương. Nông dân chỉ sau Sĩ (giai cấp quan lại người có học) mà thôi.

Xem ra mới thấy nông nghiệp là nghề chánh của dân mình cho đến thế kỷ 21 nầy. Ðời sống nông dân một nắng hai sương, vất vả nhưng nói chung vẫn nhàn nhạ hơn xã hội công nghiệp ở Mỹ này. Nên những ai ở độ tuổi lục tuần không quên được câu: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” trong bài ca dao “Công Việc Nhà Nông Quanh Năm” của QVGKT, như tiếc rẻ thuở nhân hạ ngày xưa!

Chú thích:

(1) Trong Miền Nam gọi là ngâm giống.
(2) Trong Nam gọi là gieo mạ.
(3) Loại gàu có cột dây 2 bên có 2 người cầm tát.
(4) Loại gàu có cáng, treo bằng 3 cọc, do một người tát.
(5) Bông lúa non chưa trổ ra.
(6) Vòng hái dùng gặt lúa ngày xưa, bằng loại cây quau nhẹ, hình cùi chỏ, một đầu làm cán cầm, đầu kia để quở lúa, có tra lưỡi liềm để cắt.

Bài 9: Ði Học Để Làm Gì? 

Trước khi người Pháp chiếm lấy nước ta, người mình học chữ Hán. Chữ Hán là chữ của Tàu, được truyền bá sang ta từ thời nước ta bị lệ thuộc họ. Mãi sau khi độc lập dân mình vẫn dùng chữ Hán và vẫn có hệ thống thi cử để chọn nhơn tài. Chữ Hán sử dụng nước ở nước ta không khác chữ Hán ở Tàu nhưng cách phát âm lại khác. Nước ta xưa có hệ thống giáo dục lâu đời, tổ chức thi cử công minh, học trò không phân biệt giai cấp, mặc dù nhà vua có tổ chức trường Quốc Tử Giám, dạy riêng cho con cháu nhà vua và quan lại của triều đình. Khi Tây chiếm nước ta, đầu tiên biến Nam Kỳ thành thuộc địa, và Pháp dùng chữ quốc ngữ thay chữ Hán, xây dựng hệ thống giáo dục mới 3 cấp: làng, xã, tỉnh.

Bài “Ði Học Để Làm Gì?” Quốc Văn Giáo Khoa Thư (QVGKT) dành cho lớp Dự Bị (Cours Préparatoire, lecture) nói về học chữ quốc ngữ trong thời Tây cai trị nước ta.Thuở đầu, khi chữ quốc ngữ mới hình thành ở Nam Kỳ, Bài “Ði Học Để Làm Gì?” cho thấy rõ mục đích của dạy và học chữ quốc ngữ: Ði học trước hết là để biết đọc và viết thơ; vì thuở đó cả làng không có người biết đọc quốc ngữ, thơ từ giấy tờ do làng đưa xuống không ai biết để thi hành. Ði học cũng nhằm biết đọc báo và bắt chước làm theo báo. Xứ Nam Kỳ bấy giờ có tờ Gia Ðịnh Báo (1) là tờ báo quốc ngữ đầu tiên nhằm truyền báo chánh sách thực dân Pháp, tháng 8 năm 1868 Pháp giao cho ông Trương Vĩnh Ký (2) coi bài vở (chủ bút) cùng các ông Tôn Thọ Tường, Huỳnh Tịnh Của và Trương Minh Ký.

Báo đầu tiên ở xứ ta là báo quốc doanh, người viết (nhà báo) làm thuê ăn lương cho nhà nước Pháp.

Ði học cũng để biết toán (tính toán), biết mọi sự vật (cách trí) và biết vệ sinh thường thức nữa. Ðúng là các môn khoa học mà hệ thống giáo dục xưa của ta không có. Từ khi Pháp vào, họ đem kiến thức khoa học phổ biến cho dân mình qua hệ thống giáo dục.

Cuối cùng theo QVGKT đi học để biết luân lý, hiếu thảo và thành người công dân tôn trọng luật nhà nước Pháp mà tác giả gọi là người dân lương thiện.

Ðúng là chế độ chánh trị đẻ ra chánh sách giáo dục, nhằm đào tạo con người phục vụ chế độ đó, hay ít ra cũng không chống lại nhà nước đó! Ngày xưa, thời phong kiến, nền giáo dục ta chịu ảnh hưởng giáo dục Trung Quốc, nó nhằm đào tạo con người quân tử, trên nền tảng Tứ Tư, Ngũ Kinh, nhằm bảo vệ một hệ thống xã hội, thứ bậc vua – quân – dân, ràng buộc theo quan niệm chính danh (ngày nay Trung Quốc phục hồi Khổng Tử)

Người Pháp vào đánh đổ hệ thống giá trị cũ, phế bỏ quyền lực tuyệt đối nhà vua, loại trừ giai cấp quan lại trung gian sĩ phu và thay thế vào đó bằng hệ thống gia trị mới, hệ thống giáo dục mới, thông qua chữ quốc ngữ. QVGKT góp phần xây dựng hệ thống giá trị đó. Giáo dục Pháp không dạy học trò thành người công dân yêu nước, mà nhằm tạo nên lớp người thừa hành, trung gian để cai trị lại dân mình, và trong chừng mực nào đó, lớp trung gian này, lớp tân trào, Tây học cũng hãnh diện đối với đa số đồng bào nghèo khổ, thất học của mình nữa!

Lịch sử Việt Nam gồm lịch sử chế độ thực dân đối với Việt Nam, Cuộc Chiến Tranh Việt Pháp, sự xuất hiện của người Mỹ ở Miền Nam cũng như sự ra đời của Ðảng Cộng Sản Việt Nam, v.v… tất cả quan hệ hữu cơ với nhau, tác động nhau như là nhân quả.

Nhân đọc lại bài “Ði Học Để Làm Gì?” ta hiểu được âm mưu Pháp muốn loại bỏ chữ Hán, dùng chữ quốc ngữ trong giáo dục nhằm tạo ra lớp tân học theo Tây, nên các sĩ phu yêu nước tẩy chay chữ quốc ngữ như cụ Nguyễn Ðình Chiểu, Phan Văn Trị, vv…

Tác giả QVGKT nói về mục đích của việc học như sau: “Bác hỏi tôi đi học để làm gì. Tôi xin nói bác nghe. Tôi đi học để biết đọc những thư từ người ta gởi cho tôi và viết những thư từ tôi gởi cho người ta. Tôi đi học để biết đọc sách, đọc nhật báo, thấy điều gì hay thì bắt chước. Tôi đi học để biết tính toán, biết mọi sự vật và biết phép vệ sinh mà giữ gìn thân thể cho khỏe mạnh.

Nhưng tôi đi học cốt nhất là biết luân lý, để hiểu cách ăn ở thành người con hiếu thảo và người dân lương thiện. Bài đi học để làm gì làm tôi nhớ lại lúc nhỏ không ai nói cho tôi biết đi học để làm gì. Sau này khi đưa con vào trường ngày đầu, tôi cũng không dạy cho con tôi là tại sao phải đi học! Người ta chỉ nói học làm sao cho giỏi Toán, giỏi Văn, giỏi Sinh Ngữ, làm sao vào được đại học… Vậy mà từ thế kỷ trước mấy ông QVGKT đã biết đưa vào lớp Sơ Ðẳng dạy cho học trò biết mình đi học để làm gì. Chắc ít ai trong số học trò QVGKT còn nhớ bài tập đọc “Ði Học Để Làm Gì?”, nên không ai biết mình đi học để làm gì!!!

Nay 50 năm sau, đọc lai, ta thấy tác giả đã mô tả ích lợi của việc đi học ngày xưa lòng cảm thấy bùi ngùi khi nhớ lại một chuỗi dài thời niên thiếu, nhớ về kỷ niệm thời học QVGKT, nhớ kỷ niệm những lúc thi nhau lật sách QVGKT xem ai có được nhiều hình nhất… Toát yếu của bài “Ði Học Để Làm Gì?”? QVGKT đã nêu lên câu: Người không học, không biết lý lẽ. (Nhân bất học, bất tri lý.) Thật chí lý. Muôn đời người bất học luôn bất tri lý. Chữ Học và chữ Lý ở đây thật cao siêu, vượt ra ngoài cái Học và cái Lý bình thường ở nhà trường. Viết tặng các bậc phụ huynh nhân mùa khai trường…

Chú thích:

(1) Tờ Gia Ðịnh Báo xuất bản ở Saigon năm 1865 do Pháp chủ trương, ở Bắc Kỳ có Ðại Nam Ðồng Văn Nhựt báo viết bằng chữ Nho (Hán) ra đời 1892 mãi đến năm 1907 mới có thêm phần quốc ngữ do ông Nguyễn Văn Vĩnh làm chủ bút, Phan Kế Bính làm thư ký.

(2) Trương Vĩnh Ký (1837-1898) quê Cái Mơn, Vĩnh Long (Nam Kỳ) lúc 4 tuổi được giáo sĩ Pháp cho xuất ngoại học, năm 1863 được Pháp cử làm thông ngôn cho sứ bộ Phan Thanh Giản sang Pháp để xin chuộc lại 3 tỉnh Biên Hòa, Gia Ðịnh, Ðịnh Tường. Năm 1869 được Pháp giao coi bài vở( Chủ Bút) tờ Gia Ðịnh Báo. Năm 1886 Paul Bert, tổng trú sự Pháp, cử ra Huế sung vào Cơ Mật Viện để giúp giao thiệp Pháp Việt. Ông mất ngày 1-9-1898 thọ 61 tuổi.

Bài số 10: Học Trò Biết Ơn Thầy (1)Bài này kể chuyện ông quan Tây tên là Carnot xưa của nước Pháp, nhơn lúc rảnh về quê chơi. Khi ông đi ngang qua tràng học (2) ở làng, trông thấy ông thầy dạy mình lúc nhỏ, bây giờ tóc đã bạc phơ, đang ngồi trong lớp dạy học. Ông bèn ghé vào thăm…Nhớ lại hồi nhỏ, tụi học trò tuổi chúng tôi hay nói chuyện về ông Carnot, nó thành phổ thông, đứa nào cũng biết. Nay nhắc lại ai ở tuổi chúng tôi cũng biết và nhớ in cái hình ông Caornot vẽ trong Sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư (QVGKT). Hình ảnh ông quan Tây ăn mặc oai vệ, mang giầy ống cao, cuối mọp chào thầy… đã một thời thôi thúc lòng tự hào của mình, sẽ làm ông Carnot. Tâm lý tuổi thơ lúc nhỏ pha trộn giữa ý thức muốn làm quan và tinh thần đạo lý Ðông Phương, tôn trọng thầy. Tinh thần quý trọng thầy ở đâu cũng có. Tuy có lẽ ở Ðông Phương, tinh thần ấy sâu đậm hơn, nói lên cái Ðạo Lý Ðông Phương.

Trong kho tàng văn học và dân gian Việt Nam cũng như Tàu có nhiều gương học trò biết ơn thầy, có nhiều mẫu chuyện đẹp, cao quý hơn ông Carnot nhiều. Mấy ông QVGKT đưa chuyện ông Carnot phải chăng nhằm ca ngợi “đại Pháp”, trong khi vua quan ta thì xem họ là “Bạch Quỷ”!

Ở xứ mình xưa nay, đối với thầy, ta không chỉ biết ơn mà còn Kính nữa (chuyện này ở Tây Phương, Hoa Kỳ chỉ biết ơn là quá rồi). Gia đình, xã hội đều biết ơn và kính trọng ông thầy. Trong thứ bậc: Quân – Sư – Phụ, ông thầy chỉ xếp sau vua mà thôi. Mà ngay cả vua, nhiều ông cũng kính và biết ơn thầy nữa. Xin hãy nghe trong dân gian nói về thầy:

– Mồng Một nhà Cha, Mồng Hai nhà Vợ, Mồng Ba nhà Thầy. 

Trong ba ngày trọng đại đầu năm, Tết, học trò dành ngày Mùng Ba để viếng Thầy. Nhớ thuở nhỏ, lúc tôi học lớp ba trường làng, ngày Tết mẹ tôi chuẩn bị cho tôi một chục hột gà so (3) gói trà và 2 đòn bánh Tết để biếu thầy. (Cuối năm lớp ba tôi thi vào Cours Moyen (4) ở tỉnh Gò Công và đậu hạng tư nên có học bổng và nhờ vậy mà có điều kiện học tiếp).

Nhớ câu: Muốn sang thì bắt cầu kiều 
Muốn con hay chữ phải yêu quý thầy. 

Hoặc câu nói: “Trong bách nghệ, nghề thầy quý hơn cả.” 

Tất cả đều nói lên tấm lòng quý mến thầy của người Việt mình. Ở xứ Nam Kỳ thời Nguyễn Sơ, thế kỷ thứ 17, có ông Võ Trường Toản là ẩn sĩ, một bậc thầy đào tạo cho Gia Long nhiều danh thần như Trịnh Hoài Ðức, Lê Quang Ðịnh, Ngô Nhân Tịnh… ông mất năm 1792 được môn đệ chôn cất ở Hòa Hưng, Gia Ðịnh. Sau Pháp chiếm miền Ðông (Biên Hòa, Gia Ðịnh, Ðịnh Tường). Tự Ðức cho lịnh cải táng ông đem ông về chôn ở làng Bảo Thạnh, Ba Tri (Bến Tre) năm 1865. Như vậy rõ ràng vua Tự Ðức cũng biết ơn và kính trọng thầy không thua ông Tử Cống bên Tàu. Ta nghe ông Carnot nói với học trò sau khi vào lớp chào thầy: “Ta bình sinh, nhất là ơn cha mẹ, sau ơn thầy ta đây, và nhờ có thầy chịu khó dạy bảo, ta mới làm nên sự nghiệp ngày nay.”

Ông thầy của nước ta không chỉ dạy chữ mà còn dạy đạo lý, đức dục để cho học trò thành người lương thiện.

Trong Văn và Lễ, trường học ngày xưa Lễ vẫn nêu lên hàng đầu: “Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn” 

Ðó là triết lý của nền giáo dục ta xưa và con lưu mãi đến trước 30-4-1975. Khi tôi vào trường Ðại Học Sư Phạm thập niên 1960’s, cái tinh thần “Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn” vẫn bàn bạc trong chúng tôi. Tuy cung cách và sự kính trọng thể hiện khác ngày xưa, nhưng học trò ở thế hệ thầy như tôi vẫn một mực quý các ông thầy trẻ như chúng tôi. Ngày Tết, nhà tôi đông chật học học trò, tôi phải ở nhà suốt Mồng Ba để đón xuân với các em. Ôi sao mà cao quí quá.

“Không thầy đố mày làm nên.” 

Câu cách ngôn nói lên hết cái vai trò của ông thầy nước mình.

Trở lại chuyện ông Carnot trong QVGKT, chỉ nêu lên một mặt là biết ơn Thầy. Ðó là quan niệm của Tây. Ở Mỹ ngay sự biết ơn thôi cũng phai nhợt trong cái nhìn của học trò, gia đình và xã hội Mỹ đối với ông Thầy. Quan niệm đó thể hiện trên cái tên như:

– Ty Học Chánh

– Sở Học Chánh

Thay vì như ta thì

– Ty Giáo Dục

– Sở Giáo Dục

Nhơn chuyện ông Carnot kể trong QVGKT, đọc lại vẫn như mới hôm nào! Thắm thoát đã nửa thế kỷ.

Những người học trò thế hệ QVGKT của chúng tôi lưu lạc ở đây không biết còn đủ tâm trí để nhớ về chuyện ngày xưa, tích cũ không? Dầu sao nhân ngày khai trường, nhắc lại chuyện ông Carnot, chuyện “Tiên Học Lễ, Hậu Học Văn” cũng không phải thừa…..

Viết nhơn ngày khai trường 2004

Ghi Chú: 

(1) QVGKT lớp Dự Bị, Việt Nam Tùng Thư xuất bản năm 1948, nhà xuất bản trẻ TPHCM tái bản 1996

(2) Trường học, xưa đọc là tràng học

(3) Hột gà so: là hột do con gà mái đẻ lứa đầu tiên, dân gian cho hột gà so bổ hơn hột thường. Hột gà so rất hiếm.

(4) Năm 1912 ông Phạm Quỳnh đề nghị dạy chương trình quốc ngữ cho bậc Sơ Cấp (lớp năm, bốn, ba) Tiểu Học. Sau khi học xong thi đậu Sơ Học yếu lược, lên lớp nhì phải học 2 năm. Lớp nhì I và lớp nhì II mới đủ trình độ Pháp văn để thi tiểu học. QVGKT ra đời trong bối cảnh đó.

Bài 11: Con Trâu

chantrau

Ở nước ta, trâu là con vật rất gần gũi với mọi người, nhứt là người nông dân. Trong lục súc, sáu con vật có công với con người, trong đó con trâu đứng đầu. Do đó trong QVGKT lớp Dự Bị tác giả viết 2 bài nói về con trâu:

1. Chăn trâu

2. Con trâu

Ở bài Con Trâu ta nghe tác giả tả như sau:

“Trâu lớn hơn bò và sức mạnh hơn, lông đen, cứng và thưa, thỉnh thoảng có con lông trắng, mắt lờ đờ, sừng to và cong lên.” 

Nhớ hồi còn nhỏ, được cho cỡi trâu thì khoái lắm. Lớn lên thỉnh thoảng ở tỉnh về quê thăm nhà vào cuối tuần hoặc mùa nghỉ hè, được mấy thằng bạn cho cỡi trâu đi ăn có khi lội ruộng, qua sông thật vô cùng thú vị khiến nhớ mãi…

Con trâu màu trắng được gọi là trâu cò, rất hiếm thấy. Sừng trâu cong và nhọn dùng để chém lộn với nhau, ngoài Bắc gọi là chọi trâu. Có trâu sừng cong quặp xuống giống như sừng dê, hoặc bò gọi là trâu cui. Nông dân miền Nam thường nhà nào cũng có nuôi trâu nếu làm ruộng lớn (1). Trâu đực lớn gọi là trâu cui.

Trong bầy trâu, thường trâu đực nhiều hơn trâu cái, vì trâu đực mạnh khỏe, làm việc giỏi. Nuôi trâu cái có cái lợi là nó đẻ con, để gây nhiều thêm sức kéo, sức cày…. Mỗi con cái thường mỗi năm đẻ 1 hoặc 2 con. Trâu con gọi là trâu nghé. Trâu nghé nuôi vài tháng thì được chủ xỏ lỗ mũi để cột gọi là xỏ vàm. (Con gái quê vừa lớn lên chưa làm gì ích lợi cho cha mẹ, mà theo trai bị gọi là gái bị xỏ mũi).

Trâu là loại nhai lại như bò. Nó ăn vội vàng, nuốt nhanh vào bao tử. Khi nằm nghỉ trưa, hay ban đêm nó ói ra trong miệng, rồi nhai lại cho nhuyễn. Trâu bản chất hiền lành, thích sống gần gũi với người.

Ở quê, ban đêm phải đốt rơm un khói cho muỗi khỏi cắn trâu, có nơi làm mùng cho trâu ngủ nữa, có nơi người ta đào đầm cho trâu nằm trầm mình vào ban đêm, cho muỗi không cắn, đầm đó gọi là đầm trâu.

Xưa mỗi lần lùa đàn trâu đi từ làng này sang làng khác để cày bừa, thường đi đường sông, gọi là long trâu (2). Có khi long trâu một đàn mấy trăm con xa cả ngày lẫn đêm.

Ta nghe tác giả QVGKT tả tiếp về ích lợi của con trâu:

“Trâu dùng để cày ruộng, kéo xe hoặc kéo che đạp mía. Thịt trâu không ngon bằng thịt bò. Da trâu dùng để bịt trống hay làm giày dép. Sừng trâu dùng làm các đồ vật như: cán dao, ống thuốc, lược….v..v…”, 

Con trâu là con vật cực khổ nhứt ở xứ mình. Nó kéo cày, kéo bừa (3), kéo lúa bó về sân, kéo lúa bao (bằng xe trâu) ra bến ghe, bến xe… Trâu cũng kéo che ép mía để làm đường và trâu còn đạp lúa nữa. Cực như trâu là vậy.

Dân ta quí con trâu nên không ai giết trâu ăn thịt, trừ khi trâu bịnh hoặc bị thương không làm việc được, hoặc trâu già… nên soạn giả Viễn Châu có viết bài ca vọng cổ “Kiếp Trâu Già” được Hữu Phước ca nghe nói lên thân phận con trâu về già không làm việc được nghe rất thảm não…

Quê tôi, có món thịt trâu xào lá rau mui (4) (hay muôi) với nước cốt dừa ăn rất ngon.

Sừng trâu ở quê dùng làm tù và để thổi tập hợp công cấy; hoặc cắt ra khúc làm mõ. Mõ trâu khỏ nghe trong hơn mõ tre và mõ mù u. Mõ sừng trâu tiếng kêu nhỏ, nên dùng để gõ cúng, lễ, ở nhà. Da trâu bịt trống và làm da. Ở Chợ Lớn, thuộc quận 6 xưa có bến Lò Da cạnh bên Lò Gốm. Khi tôi lên Saigon ở thập niên 60 còn thấy làm da trâu, da bò, tỏa ra mùi rất hôi, nước xả xuống rạch Lò Da nước đen rất dơ!

Nghề lò da, lò chén, lò ve chai khu quận 6 Chợ Lớn xưa nằm trong tay người Tàu; bên cạnh các cơ sở thủ công làm lược, làm đèn, làm đinh… Nay chắc thay đổi rồi…

Mỗi nhà nuôi trâu đều có mướn người coi gọi là chăn trâu, thường là con trai độ trạc 10 – 18 tuổi. Họ thường bị cha mẹ ở đợ (5) cho chủ điền để lấy ruộng làm.

Bài chăn trâu, QVGKT viết:

“Ai bảo chăn trâu là khổ? 
Không, chăn trâu sướng lắm chứ…” 

Chăn trâu, chăn bò, chăn vịt, duy chỉ có chăn trâu được bình dân và thơ ca nói nhiều như là cái gì lãng mạn… Hình ảnh cậu bé đội nón lá, tay cầm roi tre, ngất nghểu trên lưng trâu như tiên ông, quả thú vị, thơ mộng.

Trâu thích đi và sống từng bầy nên ít bị lạc, nên không đeo cái lục lạc kêu leng keng trên cổ. Chiều lùa trâu về nhốt trong chuồng, hoặc cột từng con vào nọc. Cột trâu cũng có nghệ thuật, gọi là niệc trâu (6) Dây niệc trâu thường làm bằng lạc dừa, đánh săn, 2 sợi nhập lại rất chắc, chịu nước rất tốt.

Tác giả QVKGT tả tiếp trong bài chăn trâu:

“Ðầu đội nón mê như lọng che. Tay cầm cành tre như roi ngựa, ngất nghểu ngồi trên mình trâu, tai nghe chim hót trong chòm cây, mắt trông bướm lượn trong đám cỏ. Trong khoảng trời xanh lá biết, tôi với con trâu thảnh thơi vui thú, tưởng không còn gì sung sướng cho bằng”.!!

Thật sự chăn trâu không sướng như vậy. Thằng chăn trâu suốt ngày, đêm cạnh trâu, mưa nắng, muỗi, mồng, đỉa (7)… cắn. Có lúc nửa đêm thằng chăn phải thức dậy đốt thêm lửa, châm con cúi (8) để quơ muỗi cho đàn trâu.

Mùa nhiều muỗi, trâu phải nằm dưới đầm sáng dậy phải dẫn trâu đi tắm, sương gió lạnh lẽo và hôi thúi vô cùng. Có người ở đợ chăn trâu cho chủ đến khi có vợ mới thôi. Thân phận chăn trâu vừa nghèo lại vừa dốt. Nên khi chê ai dốt, người ta thường nói: thứ mầy là đồ chăn trâu. Thật tội nghiệp quá!

Giữa con trâu và người chăn trâu trong QVGKT, đọc qua ta thấy được bối cảnh đời sống nông nghiệp ở nhà quê ta ngày xưa. Cuộc sống nông thôn rất an phận, bình dị, xưa thế nào giờ thế ấy. Giữa người và vật gắn bó, tình thân như người với người, như bài ca dao sau đây:

“Trâu ơi, ta bảo trâu nầy, 
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta 
Cái cày vốn nghiệp nông gia, 
Ta đây, trâu đó ai mà quản công. 
Bao giờ cây lúa còn bông, 
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”.

Ngày nay xứ mình ít thấy con trâu; nông dân cày máy, kéo lúa bằng máy, suốt lúa bằng máy…

Hình ảnh con trâu, chăn trâu nay chỉ còn làm ký ức, và là ký ức đẹp của thời xưa…

Ðọc lại QVGKT quả lý thú vậy

Little Saigon tháng 10 năm 2004

* Ghi chú: 

(1) Làm nhiều ruộng, có người cả trăm mẫu gọi là đại điền chủ.

(2) Chuyện “Mùa Long Trâu” của Sơn Nam đang được dựng phim trong nước do đạo diễn Việt Kiều Pháp bỏ tiền ra quay.

(3) Cày trong Nam kéo bằng hai con trâu (ở Bắc cày một trâu). Cày xong trâu kéo bừa cho đất bể ra và trục để cho đất phẳng gieo mạ.

(4) Loại dây leo mọc mé sông, lá hơi nhám như lá rau dền, ăn rất bùi.

(5) Ðợ: đi làm mướn cho chủ, ăn ở luôn nhà chủ. Có người ở đợ 5 hoặc 10 năm để chủ để ruộng cho làm.

(6) Cột trâu vào nọc phải cột theo cách thắt cổ chó thay vì cột vòng hay cột gúc, rất chặt không bị sút dây.

(7) Mồng: giống như con ruồi, nhưng lớn hơn chuyên cắn trâu. Ðỉa thường ở vùng nước lợ. Ðỉa cắn trâu gọi là đỉa trâu; có loại đỉa ráng thì nhỏ và dài như con trùng hay chui vào lỗ tai trâu. Dân gian Lục Tỉnh có câu tả cảnh muỗi và đỉa như sau:

“Muỗi kêu như sáo thổi 
Ðỉa lội như bánh canh”

(8) Rơm đánh chặt thành sợi dài như cái bính tóc gọi là con cúi dùng để giữ lửa (ngày xưa không có hộp quẹt), hoặc dùng để đi đường ban đêm thay đèn, hoặc để đuổi muỗi cho trâu, cho heo cả, cho người nữa.

Bài 12: Chọn Bạn Mà Chơi

chonban

“Chọn Bạn Mà Chơi” là bài tập đọc dành cho học trò lớp Dự Bị (Cours Preparatoire) nhưng nội dung có tánh cách như bài luân lý, nhẹ nhàng hướng dẫn hơn là cưỡng bách. Người mình có nhiều từ ngữ để chỉ về bạn. Nào là bạn học, bạn bè, bầu bạn, bạn ở, bạn hàng, bạn công cấy, bạn ghe chài, bạn nhậu (1)..v..v..

Chữ bạn ở bài nầy tác giả QVGKT chỉ bạn bè mà người Mễ gọi là Amingo, Mỹ gọi là Friends, Tây gọi là Amis

Ta hãy nghe QVGKT dạy cách chọn bạn như sau:

Thói thường “gần mực thì đen…” 
Anh em bạn hữu phải nên chọn người 
Những người lêu lổng chơi bời, 
Cũng là lười biếng, ta thời tránh xa. 

Hình vẽ in kèm bài là cảnh mấy em bé mặc áo dài, kiểu học trò xưa, nhét vạt áo vào lưng quần (2), níu kéo nô đùa ở sân nhà. Bên cạnh đó là một cậu bé áo dài chỉnh tề, khoanh tay, cúi đầu nghe ông bố dõng dạc dạy bảo.

Hai hình ảnh tương phản nhằm dạy thiếu nhi cách “chọn bạn mà chơi”. Các ông tác giả trong sách QVGKT soạn sách dựa theo đời sống, văn hóa ở Bắc Kỳ bấy giờ, vì Trung Kỳ và Nam Kỳ thuở QVGKT, học trò bận áo bà ba trắng chớ không bận áo dài như ngoài Bắc.

Chẳng hạn lời chú thích dưới hình ghi là “bố khuyên con hãy chọn bạn”; bố là tiếng gọi cha ở Bắc, trong Nam kêu cha bằng Ba có nơi kêu bằng Tía, bằng Cậu (3).

Trở lại nội dung bài, câu đầu QVGKT dùng câu tục ngữ “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” để khẳng định như là chân lý, mang tính cổ điển giáo khoa.

Gần mực thì đen bởi lẽ mực xưa học trò chữ Nho, chữ Nam (4) dùng là mực Tàu màu đen, dùng cho viết lông và trước khi xài phải mài với nước.

Thời QVGKT và thời thế hệ của tôi thì học trò thường xài mực tím và màu tím được xem là màu của học trò và sau này màu trắng được dùng để chỉ cho học trò ở cấp Trung Học.

Thuở xưa, ở tiệm bán là mực viên như hột mùng tơi (5), mua về ngâm nước nóng cho mau tan, rồi cho vào chai nhỏ mang theo đi học. Nút chai làm bằng “cặc bần” (6) về sau có nút chai gọi là nút bấc như nút chai rượu chác.

Những học trò ở Tỉnh hay dùng chai Péninciline đựng mực rất tiện vì không bị chảy dính tay.

Nói “gần mực thì đen” là nói theo thông thường, đơn giản vậy thôi. Chớ lớn lên tôi còn được tập bình luận câu “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” trong bài ca dao “bông sen”; thế mới thấy văn chương bình dân của ta thâm thúy, cao siêu lắm.

Rồi qua Mỹ, ta có các lớp Việt Ngữ, khi dạy tục ngữ, ca dao cho mấy cháu coi chừng.

Ta dạy câu:

Ở bầu thì tròn 
Ở ống thì dài 

Khi đó các em thấy trái bầu ở chợ ông Trần Dũ bán đâu có tròn, nó dài như trái mướp vậy, mấy thầy cô phải làm sao?

Bầu ở quê ngày xưa đít tròn, bự, đầu nhỏ. Do hình dạng trái bầu tròn và bự nên dân gian gọi mấy bà có mang là bà bầu hoặc mấy người chủ đoàn hát là “Ông bầu gánh” như bầu Ba Bản, Bầu Xuân, Bầu Long (7).

QVGKT dạy rằng những người lêu lổng chơi bời là xấu. Lêu lổng thông thường ta hiểu là người hay “du hí du thực”, không có nghề nghiệp, lười biếng, tụ ba tụ bảy.

“Chơi bời” mà QVGKT dùng ám chỉ người lêu lổng, lười biếng. Ngày nay, “chơi bời” chỉ người ăn chơi trụy lạc. “Chơi bời” xưa và nay hoàn toàn khác. Còn nếu nói người “ăn chơi” hay “chịu chơi” lại hàm ý khác nữa, chỉ dân sành điệu tài tử, lãng mạn và điệu nghệ…

Bạn bè thì có nhiều gương ta thường nghe nói trong điển tích, trong văn học như chuyên Lưu Bình & Dương Lễ, chuyện hai người bạn tốt (trong cải lương có tuồng hát Lưu Bình Dương Lễ vào thập niên 1960’s, 1970’s rất được khán giả hâm mộ)

Cũng có đôi bạn như Bá Nha & Tử Ky và Tôn Tẩn & Bàng Quyên. Gương tốt cũng như gương xấu đã đi vào ký ức của biết bao nhiêu thế hệ học trò Việt Nam ngày xưa.

Ta còn có câu tục ngữ:

– Giàu nhờ bạn, sang nhờ vợ 

– Giàu đổi bạn sang đổi vợ 

Như ở xứ Mỹ, trong chánh trị ta thường nghe nói đại ý như: không có ai là bạn vĩnh viễn, cũng không có ai là thù muôn đời… Chí lý thay và phũ phàng thay cho thói đời!

Mấy ông QVGKT nếu sống lại phải ngao ngán lắm và biết đâu mấy ổng sẽ ra bộ “Hậu QVGKT.” 

Trước đây có đọc bài viết của ông Bùi Tín nhan đề là: “Hãy chọn bạn mà chơi” đăng trên Internet. Chắc ông Bùi Tín có học QVGKT hồi xưa và mượn ý bài “chọn bạn mà chơi” để làm cảm hứng mà viết bài đó chăng?

Ý ông Bùi Tín khuyên Cộng Sản Bắc Việt hãy chơi với Hoa Kỳ Hiệp Chủng Quốc và dĩ nhiên không còn coi người bạn cũ “sông liền sông, núi liền núi” ở Phương Bắc là bạn hữu nữa…

Không biết ông Bùi Tín có chép lại cuốn “Thiên Thư” (8) giao cho Tổng Thống Bush hay không mà gần đây ông Bush nói nhiều câu nghe trẹo bảng họng, làm phiền lòng nhiều người Việt. (Theo thống kê dân số năm 2000 có 1.223.736 người Việt sống trên xứ Mỹ, trong đó Cali có 484.023 người Việt. Có ai nghe mấy câu tuyên bố của ông Bush không?)

Trở lại bài “Chọn Bạn Mà Chơi” QVGKT ý nói: chơi với kẻ dở thì hóa dở, chơi với người hay thì được hay. Vậy ta phải chọn bạn mà chơi.

Câu tục ngữ: Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài được QVKGT nêu lên để làm kết luận cho bài tập đọc.

Bài “Chọn Bạn Mà Chơi” không chỉ dạy cho học trò QVGKT 50 năm về trước mà còn có giá trị cho học trò ngày nay kể cả học trò Việt ở xứ Mỹ.

Chuyện chọn bạn không phải là chuyện dễ.

Chúng ta ngày nay mấy ai có được vài người bạn tốt và mấy ai trong chúng ta tự cho mình là người bạn tốt.

Câu trả lời xin dành cho bạn đọc…

Viết trong cơn bão mùa thu năm 2004

Chú thích:

(1) Bạn ở: Là người ở mướn, ăn ở luôn trong nhà chủ, có người gọi khinh miệt là ở đợ. Bạn ghe chài là những người cùng làm nghề vác lúa mướn cho ghe chài ở các bến Bình Ðông, Bình Tây xưa.

(2) Xưa khi làm việc người mặc áo dài thường nhét hai vạc áo vào lưng quần cho khỏi vướng; ai có đi Ðà Lạt trước 75 thấy hình ảnh này ở chơ Mới Ðà Lạt.

(3) Vùng Tiền Giang thường gọi cha là Cậu, vùng Hậu Giang nên chịu ảnh hưởng người Tàu gọi là cha là Tía, có nơi còn gọi là bằng Anh

(4) Chữ Nho là chữ Hán được viết theo kiểu của người Việt thời xưa do đó chữ Nho còn gọi là Chữ Nam, để phân biệt với chữ Tàu là chữ Hán.

(5) Hột cây mùng tơi có màu tím, thuở nhỏ học trò thường dùng làm mực để chơi trò tập viết như chơi trò em ve, giống như chơi búp bê ngày nay.

(6) Rễ cây bần nhô lên khỏi mặt đất, dân gian gọi là “cặc bần”, dùng làm nút chai hay làm phao

(7) Bầu hát: chỉ người chủ đoàn hát cải lương, hát bội, thường làm giàu, bụng phệ to giống như mấy ông Xì Thẩu Tàu bụng bự.

(8) Bộ “Thiên Thư” là bộ bí kíp, bộ binh thơ mà Tôn Tẩn được thầy Quỷ Cốc Tiên Sinh truyền lại. Bàng Quyên là bạn của Tôn Tẩn muốn lấy quyển Thiên Thư nên lập mưu vu oan cho Tôn Tẩn, bắt Tôn Tẩn phải chép lại bộ Thiên Thư để giao cho mình.

dihoc

Bài 13: Ngày Giỗ

“Ngày Giỗ” là bài tập đọc trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư (QVGKT) lớp Dự Bị.

Tác giả tả cái bàn thờ trong ngày giỗ như sau: “Trên bàn thờ, đồ đồng, đồ sơn bóng lộn (trong bóng), đèn nến sáng choang, khói hương nghi ngút, trong thật là trang nghiêm”.

Ðám giỗ trong Nam gọi là “cúng cơm.”

Tại sao phải làm đám giỗ, cúng cơm cho người chết?

Tục lệ Việt Nam xưa nay thờ cúng người chết: Tổ tiên, ông bà, cha mẹ… Tục lệ này xuất phát từ người Tàu, bởi Khổng Tử có dạy học trò rằng:

“Sử tử như sử sanh” nghĩa là đối xử với người chết như đối xử với người sống. Tục lệ này rất đẹp nên được người mình tiếp nhận lưu truyền và biến đổi thành tục lệ “đám giỗ” riêng của người Việt Nam có khác với người Tàu.

Cái bàn thờ trong Nam gọi là “giường thờ” nay có nơi vẫn còn nghe dùng tiếng đó, bởi lẽ ngày xưa bàn thờ làm giống như cái giường ngủ trên có để cái gối cho người chết ngủ…

Trên bàn thờ trong Nam có bộ chưn đèn bằng gỗ hoặc bằng đồng, giữa hai chưn đèn có cái lư hương bằng đồng để cắm nhang kế đó có một bình bông và một dĩa trái cây lớn sắp theo bên phải là bình bông, bên trái là dĩa trái cây. Do đó có câu “Ðông bình Tây quả” là vì vậy.

Ta nghe QVGKT viết tiếp: “Thầy tôi đứng ở trước, châm một nắm hương, cắm vào bình hương, lạy hai lạy, rồi quỳ xuống hai tay chắp để trên trán, miệng lẩm nhẩm khấn. Thầy tôi khấn và lạy xong đến những người trong họ và chúng tôi cứ lần lượt vào lại, mỗi người 4 lạy”. 

Ngoài Bắc gọi cha bằng Thầy hoặc là Bố, trong Nam gọi là Ba có nơi gọi là Tiá.

Trong mỗi gia đình, thường người gia trưởng đứng ra cúng lễ đầu tiên, sau đó tùy theo thứ bậc mà lần lượt lên cúng. Người Lục Tỉnh lạy đám giỗ 4 lạy, xá hai xá giống như cúng đình hay cúng Lăng Ông Bà Chiểu. Cắm nhang thì chỉ cắm ba cây hoặc một cây chớ không cắm nguyên một nắm nhang vào lư hương.

Có người hỏi ta cúng giỗ, thờ phượng ông bà tới mấy đời thì hết?

Ở trong Nam cúng giỗ tới năm đời, gọi là thờ cúng “ngũ đại”, sau đó bài vị được đem đi chôn.

Tại sao gọi là cúng cơm?

Bởi vì cơm là thực phẩm chánh, căn bản của người Việt, cơm nuôi sống con người, không có cơm thì đói và chết.

– Mạnh vì gạo, bạo vì tiền 

Hay: 

Nhứt sĩ nhì nông, hết gạo nhứt nông nhì sĩ 

Người xưa rất quý hột cơm, xem như hột ngọc của Trời, ai phí phạm sẽ bị Trời phạt…

Cúng cơm ở trong Nam dọn 4 chén cơm, cúng người chết chưa mãn tang thì dọn 3 chén cơm, cúng “đất đai” hay cúng “cô hồn” thì dọn 5 chén cơm.

Cúng cơm còn phải có cúng ruợu và cúng nước nữa. Rượu được rót 4 lần, nước được rót 3 lần và chờ cây nhang tàng mới được dọn xuống để ăn hay đãi khách.

Phần kết QVGKT viết: “Lễ xong một chốc hết tuần hương, thì cỗ bàn trên bàn thờ hạ xuống, dọn rượu và cả nhà hội họp ăn uống rất vui vẻ”. 

Ðám giỗ là dịp được ăn ngon, là dịp để gia tộc gặp nhau chuyện trò, thăm hỏi. Ðám giỗ trong Nam tới 2 ngày: Ngày đầu gọi là cúng “tiên thừa” (tiên thường?), ngày hôm sau gọi là chánh giỗ. Ngày chánh giỗ là ngày cúng lớn và cũng là ngày dành đãi khách xóm giềng, có nhà mời cả ấp, cả xóm cả trăm người ăn đám giỗ.

Ở nhà quê được mời đi đám giỗ là được đi “ăn giỗ” vì chỉ có ngày giỗ người ta mới làm heo, làm gà làm vịt và làm các món ăn ngon trước để cúng sau để đãi khách.

Do đó có câu tục ngữ: “Ăn bữa giỗ, lỗ bừa cày”.

Ở quê, mỗi lần làm đám giỗ gia chủ phải đi mượn bàn ghế, chén đũa, nồi xoong để đủ đãi khách làm cho không khí rất náo nhiệt.

Tiệc giỗ hay tiệc cưới ở nhà quê khác ở tỉnh và càng khác ở Hoa Kỳ. Giờ giấc không cố định. Ai đến trước, chủ nhà xem coi đủ một bàn (mười người) thì nhập tiệc. Bàn tròn có 10 cái ghế đẩu.

Thực đơn đám giỗ thường mở đầu bằng 4 món ăn chơi: Nem, bì chả gỏi. Tiếp theo là các món như cà ri, ra-gu cuối cùng là món chủ lực cơm với cá ăn no không hạn chế. Khách đi đám giỗ về thường được biếu xôi, bánh ít hoặc chuối để làm quà cho trẻ nhỏ ở nhà.

Xem ra ngày giỗ của người mình thật là quan trọng, tổ chức trang nghiêm để nói lên lòng biết ơn của con cái đối với ông bà cha mẹ hoặc tổ tiên. Ngày giỗ còn là dịp họ hàng gia tộc gặp nhau, xóm làng đến với nhau… làm cho tình gia tộc, nghĩa xóm làng gắn bó nhau đậm đà thêm.

Người Việt ra hải ngoại vẫn còn giữ tục lệ đám giỗ rất đáng mừng. Các bậc cha mẹ ít khi thấy nói cho con cái biết tại sao phải cúng giỗ, nên thế hệ sanh ra sau này lơ là đối với việc cúng giỗ… không khéo sẽ bị mai một!!!

Nếu các em biết tại sao phải cúng giỗ, cúng giỗ là tỏ lòng hiếu thảo, biết ơn ông bà tổ tiên thì chắc các em quý trọng tục lệ giỗ.

Trách nhiệm đó một phần ở cộng đồng đặc biệt ở các lớp dạy Việt Ngữ.

Little Saigon ngày 3/11/2004

baruchau
Bài 14: Bữa Cơm Ngon  

Người Việt mình xưa nay vốn coi trọng bữa cơm, nhứt là bữa cơm gia đình. Thường bữa cơm chiều thì mọi người tề tựu về nhà đầy đủ nên là bữa cơm chánh.

Tục lệ khi ăn cơm không được gây gổ, cãi vã. Anh chị, cha mẹ không được mắng chửi, đánh nhau trong bữa cơm.

Trời đánh tránh bữa ăn (1)

Câu tục ngữ nói lên tinh thần tôn trọng bữa ăn gia đình lắm.

Quốc Văn Giáo Khoa Thư (QVGKT) tả một bữa cơm:

“Cậu Tí đi học về một chốc, thì cha ở ngoài đồng cũng vác cày, dắt trâu về đến nhà”. Ðây là bữa cơm chiều gia đình. Có cha đi làm ruộng với con trâu cái cày. Con đi học. Mẹ ở nhà lo việc nhà. Cảnh tiêu biểu cho gia đình nông dân Việt Nam xưa.

Nay, nếu có dịp quay về thăm quê, cái cảnh bữa cơm chiều gia đình nông dân khác rồi.

Người Việt mình xưa ăn cơm ngày 3 bữa. Sáng ăn cơm để đi làm, trưa là bữa ăn thường không đầy đủ người, cơm chiều là bữa cơm chánh vì gồm đủ mặt mọi người.

Nay ở nông thôn mình chắc không ai ăn cơm sáng, và ngày còn lại hai bữa cơm thôi. Còn ở thành phố, ngày còn một bữa cơm. Quả một thay đổi lớn trong nếp sống con người. Tác giả QVGKT viết tiếp:

“Cơm đã chín. Mẹ và chị dọn ra để trên giường. Cả nhà ngồi ăn. Cơm đỏ, canh rau, chẳng có gì là cao lương mỹ vị. Nhưng cơm sốt, bát sạch, canh nóng, đũa sạch sẽ, cả nhà ăn uống ngon miệng no nê”.

Ở miền Lục Tỉnh gia đình ăn cơm trên bộ ván, có nơi kêu là “bộ phản” hay “bộ ngựa”. Ðồ ăn dọn trên cái mâm thau, sau này mâm bằng nhôm. Thuở xưa thì cái mâm bằng gỗ rất đẹp, tiện rất công phu.

Hồi còn nhỏ được cha mẹ phân công dọn chén ăn cơm. Mỗi lần như vậy phải đếm người trong nhà để khỏi phải cái cảnh “ăn cơm thiếu chén” (2)

Trong Nam ít thấy ai ăn cơm gạo đỏ, tệ lắm là gạo trắng, có tiền thì ăn gạo thơm. Bữa cơm lúc nào cũng có cá, tôm, rau quả…. là thứ cây nhà lá vườn sung túc.

Người Việt mình ăn cơm rất nhiều, có người ăn năm bảy chén loại lớn; bởi do đời sống dân mình nghèo (3). Mãi rồi người Việt “ghiền” cơm, qua Mỹ ăn cái gì cũng nhớ cơm.

Ngồi trên bộ ván ăn cơm, đàn ông thường ngồi “xếp bằng”, đàn bà con gái ngồi kiểu “một chân xếp, một chân chống”. Có người quen ngồi chồm hổm coi rất xấu, qua Mỹ thấy vẫn còn!!

Cái mâm còn dùng để chưn trái cây, xây trầu ngày cưới hoặc đơm xôi, đội ra đình ngày cúng lễ Kỳ Yên.

Ðàn bà con gái mặt tròn xoe, mặt bự bị chê là “đồ mặt mâm”, nhưng mặt mâm còn đỡ hơn “mặt má miếng bầu” là mặt “dòm lâu thấy ghét”. 

Hỏi mấy bà mấy cô có biết mặt thế nào là mặt má miếng bầu (4)?

Ðôi đũa Việt Nam thường làm bằng tre, do làm nhiều đợt nhiều lần, nên không đều nhau. Dọn cơm phải nhớ so đũa đũa nay đã sản xuất công nghiệp nên đều nhau. Người quê đặt tên cho loại cây bông trắng dùng nấu canh chua cá kèo, trái dài rũ lòng thòng song đôi là cây so đũa, vì trái giống như ta “so đũa”. Kết luận bài “Bữa Cơm Ngon”, QVGKT viết: “Nhất là cha mẹ, con cái, trên thuận dưới hòa, một nhà đoàn tụ sum họp với nhau, thì dầu cơm rau cũng có vị lắm”. 

Ðúng là “Bữa Cơm Ngon” phải là bữa cơm đoàn tụ, trên thuận dưới hòa.

Luận về ăn, người ta cho rằng ăn ngon không phải là do thức ăn ngon, mà là do cái không khí bữa ăn, những người cùng ngồi cùng mâm, cùng bàn với ta… hòa thuận.. Người Việt có cái chén nước mắm, loại nước chấm mà cả nhà chấm chung, dùng chung. Chấm chung chén nước mắm là lối sống của người Việt, thể hiện tinh thần Việt “chia sẻ”, “chung lòng” trong nhà. Có người bảo nên bỏ đi vì mất vệ sinh! (5)

Quanh bữa cơm người Việt có nhiều câu tục ngữ, ca dao truyền lại rất ý nghĩa, thâm thúy, như:

– Ăn coi nồi, ngồi coi hướng 

– No mất ngon, giận mất khôn 

– Ăn cùng mâm, nằm cùng chiếu 

Qua bữa cơm, nhìn mâm cơm ta thấy được nếp sống của tổ tiên từ xưa được duy trì phát huy đến nay trở thành “nếp Việt” rất độc đáo, cần duy trì.

Bước vào nhà ai, nhìn vào bữa cơm ta hiểu được nếp sống của gia đình nơi đó có sum vầy, hạnh phúc hay không?

Bữa “Bữa Cơm Ngon” là nếp sống đẹp của người mình, nó không chỉ đơn thuần là bữa ăn, mà nó biểu thị cho một lối sống dựa trên nền tảng gia đình, gia tộc.

Do vậy nên tác giả mới đưa vào dạy cho học trò ngày xưa. Ở Hoa Kỳ có người, có nhà, không coi trọng “bữa cơm gia đình”. Tiếc thay.

* Chú thích: 

(1) Sét đánh, được người mình gọi là Trời đánh, thường xảy ra vào đầu mùa mưa ở nông thôn. Dân gian đồn rằng ăn cơm không hề có bị Trời đánh (?)

(2) Do câu tục ngữ: “Ăn cơm thiếu chén – Giã gạo dư chài”. Mượn câu “ăn cơm thiếu chén” ở đây tác giả chỉ muốn nhắc lại kỷ niệm hồi nhỏ dọn cơm luôn bị thiếu chén, thiếu đũa vì chưa biết đếm số.

(3) Bữa cơm nhà quê xưa thiếu thịt, mỡ, đường nên dễ bị mau đói bụng, bù lại phải ăn nhiều cơm là vậy.

(4) Xin lỗi mấy cô mấy bà, tác giả cũng không hiểu tại sao lại có câu “mặt má miếng bầu nhìn lâu thấy ghét”. Bầu ở đây là loại bầu xưa trên cuốn nhỏ, xuống đít to ra. Bầu trái to nên ở chợ thường xẻ miếng bán thay vì bán nguyên trái.

(5) Nhà văn Vũ Hạnh có viết quyển Người Việt Cao Quý hồi thập niên 1970’s. Ca ngợi chén nước mắm trong bữa ăn của người Việt một cách quá đáng. Nay biết là ông viết theo nhu cầu chánh trị!