Gần đây, chúng tôi có nhận được câu hỏi từ một độc giả, nội dung đại khái như sau: “Người miền Nam nói từ “vào” là “dào”, vậy học sinh lớp Một trong đó đánh vần từ “vào” kiểu gì? Miền Bắc đánh vần từ này là “vờ ao vao huyền vào”, chả lẽ miền Nam lại đánh vần là zờ ao dao huyền dào à?”.
Thật sự khi đọc xong, chúng tôi không muốn trả lời vì cảm thấy bản thân câu hỏi có rất nhiều vấn đề. Thứ nhất, khi nói về đánh vần, ta đang xét tổ hợp âm tạo thành từng tiếng chứ không xét mặt ngữ nghĩa, vì vậy chỉ có “đánh vần chữ “vào”” chứ không có “đánh vần từ “vào””. Thứ hai, không bao giờ có kiểu đánh vần “zờ ao dao huyền dào” một cách tréo ngoe như vậy, tệ nhất cũng là “dờ ao dao huyền dào”. Nhưng kể cả tạm bỏ qua những lỗi đó thì đây rõ ràng là một câu hỏi thiếu thiện chí. Đáng lý ra chỉ cần thắc mắc: “Vì sao người miền Nam lại có thói quen phát âm “v” thành “d”?”, nhưng ở đây tác giả lại cố tình đưa chi tiết học phát âm từ lớp Một vào để ngụ ý “người miền Nam không được dạy dỗ đàng hoàng”.

Dù sao thì mới đọc như vậy vẫn chưa đủ minh bạch để “kết tội” độc giả, nên chúng tôi cũng cố gắng trả lời như sau: “Miền Nam vẫn đánh vần “vờ ao vao huyền vào”, nhưng họ thích phát âm “v” thành “d” như một phương ngữ. Điều này cũng giống việc người miền Bắc phát âm “r” thành “gi”, dù khi học vẫn phân biệt rõ ràng”. Đến đây, “vị độc giả” tiếp tục “tấn công”: “Trẻ con nó nói được từ “vào” à? Toàn thấy nó nói “zào” mà. Miền Bắc nếu ai phát âm “r” thành “gi” là người đó nói ngọng. Còn miền Nam thấy cả miền ai cũng nói “zào”. Vậy là ngọng theo chuẩn của Bộ giáo dục. Với lại tại sao các ca sĩ miền Nam lại hát giọng Bắc? Sao lúc nói lại thích nói “dào”, lúc hát lại hát là “vào”? Khó hiểu ghê. Ví dụ từ “tiếng Việt” lại đọc là “tiếng Diệt”, thế có phải mất đi vẻ đẹp của tiếng Việt không? Thậm chí còn làm người nước ngoài học tiếng Việt cảm thấy khó hiểu”.

Đến đây, sự công kích đã quá rõ ràng, biết rằng có tranh luận cũng chẳng ích gì nên chúng tôi chỉ trả lời qua loa rồi kết thúc câu chuyện. Thế nhưng những điều tương tự vẫn cứ tiếp diễn, gây nên biết bao tranh cãi trên các diễn đàn ngôn ngữ học. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ tạo ra định kiến không tốt, làm chia rẽ các vùng miền với nhau. Vì vậy nên dù biết đây là chủ đề nhạy cảm nhưng với trách nhiệm của một chuyên trang về tiếng Việt, chúng tôi xin mạn phép trình bày quan điểm của mình, rất mong nhận được những góp ý khách quan, mang tính xây dựng từ quý độc giả.

Để dễ triển khai, chúng tôi xin dựa trên nội dung câu hỏi của độc giả ở đầu bài. Dễ dàng nhận thấy, vị độc giả này bên cạnh việc thích chỉ trích, đá xoáy vùng miền thì còn là người rất thiếu kiến thức về ngữ âm. Bằng chứng là vị này khẳng định người miền Nam phát âm là “zào”, trong khi tổ hợp này chưa từng tồn tại trong tiếng Việt. Kể cả những ngôn ngữ ghi nhận âm /z/ thì âm này cũng gần với “gi” hơn là “d” (dù có những vị ở miền Bắc sẽ cho rằng “gi” và “d” phát âm như nhau, điều mà người miền Nam (và có thể cả miền Trung) không công nhận). Như thế, “vào” của người miền Nam nếu cần chỉ có thể kí âm thành “dào” mà thôi.
Với một vị thiếu kiến thức về ngữ âm như thế, việc nói “miền Bắc nếu ai phát âm “r” thành “gi” thì người đó nói ngọng” chắc chắn là một kết luận hàm hồ.

Rõ ràng để phát âm phụ âm này, vị trí của đầu lưỡi cần cách xa răng cửa trên một khoảng nhất định và rung mạnh, điều này khác với cách phát âm của đa số người miền Bắc, tức để đầu lưỡi gần sát răng cửa trên rồi bật hơi ra. Dù có nhiều người Bắc vẫn cho rằng họ phát âm “r” và “gi” khác nhau, nhưng khác cỡ nào mà không tạo ra âm thanh như video đính kèm thì đó vẫn chưa phải là cách chuẩn. Bằng chứng là hầu hết người miền Nam và miền Trung khi nghe chữ “r” và “gi” của miền Bắc đều không thấy được sự khác biệt.

Ở đây chúng tôi chưa có điều kiện thu thập số liệu cụ thể, nhưng cứ quan sát cách phát âm của đa số phát thanh viên, biên tập viên, diễn viên, ca sĩ,… người miền Bắc sẽ thấy họ không phát âm “r” theo kiểu chuẩn, mà theo lối gần với “gi” hơn. Những người làm các ngành nghề trên đều cần đảm bảo cách nói và dùng từ chuẩn xác, có thể dùng làm đại diện cho cách phát âm của cả một vùng miền. Việc hầu như trong số họ phát âm “r” thành “gi” (hay gần với “gi”) phản ánh rằng đa số người miền Bắc đều như vậy. Nhưng điều đó cũng chẳng có gì là xấu để phải phản biện, vì ở đây không phải do người Bắc không phát âm được, mà là họ thích phát âm thế để thể hiện “chất vùng miền” của mình mà thôi. Khi cần thiết (như lúc dạy học, hay nói ngôn ngữ khác), họ vẫn có thể phát âm chuẩn phụ âm “r” như thường.

Tóm lại, luận điểm “ở miền Bắc chỉ người nói ngọng mới phát âm “r” thành “gi”” là điều sai lầm, xuất phát từ việc tác giả không hiểu âm “r” chuẩn được nói ra sao, hoặc biết mà vì bảo thủ nên cãi cố. Khi đứng ngoài những kì thị vùng miền và xét một cách khách quan thì chúng ta hoàn toàn có thể thừa nhận cách phát âm “r” của đa số người Bắc gần với “gi”, và đó được coi là một dạng phương ngữ để phù hợp với vùng miền, bởi người Bắc mà phát âm “r” chuẩn quá sẽ thiếu tự nhiên. Những phương ngữ kiểu này cũng đã được thừa nhận trong sách giáo khoa, điển hình như đoạn trích “Lao xao” (Sách giáo khoa Ngữ văn 6, tập 2, trang 110) được mở đầu bằng những câu như sau: “Giời chớm hè. Cây cối um tùm. Cả làng thơm”. Ở đây tác giả Duy Khán không dùng “trời” theo chuẩn chính tả, mà dùng “giời” như một phương ngữ, vì thế mới lột tả được chất vùng miền của bài viết.

Khi đã thừa nhận dạng phương ngữ này rồi thì cũng xin đừng công kích, kết tội người miền Nam về việc phát âm “v” thành “d”. Tương tự trường hợp của người Bắc, không phải người Nam không phát âm được “v”, mà họ thích đổi thành “d” vì với họ như vậy sẽ làm cách nói chuyện trở nên nhẹ nhàng, thậm chí ngọt ngào hơn. Trái lại, gần đây một số bạn nhỏ miền Nam được dạy phát âm quá chuẩn “v” và “gi” khiến nhiều người nghe thấy nặng nề, mất tự nhiên. Bởi vậy, hãy công nhận việc đổi “v” thành “d” của người miền Nam như một dạng phương ngữ để tô đậm thêm bản sắc vùng miền. Tin rằng những ai có hiểu biết, kể cả người nước ngoài sẽ thấy điều này làm tăng thêm tính đa dạng, phong phú của tiếng Việt chứ không phải làm tiếng Việt xấu đi.

Còn về việc tại sao người miền Nam khi hát lại vẫn phát âm đúng chữ “v” thì có thể giải thích như sau: Không chỉ người miền Nam mà cả miền Bắc lẫn miền Trung đều phải tùy theo ngữ cảnh để chọn phát âm cho phù hợp. Người Bắc khi dạy học vẫn phải phát âm chuẩn “r”, còn người Trung đôi lúc cần phải đổi cả chất giọng để truyền đạt điều muốn nói. Cũng vậy, đối với trường hợp cần phát âm chuẩn để truyền đạt đúng tinh thần bài hát, người miền Nam sẽ thích ứng theo. Thực tế với những bài dân ca Nam Bộ, họ vẫn giữ nguyên cách phát âm “v” thành “d” cho phù hợp. Điều này cũng tương tự việc người Việt Nam khi nói chuyện với nhau sẽ đọc “gmail” thành “gờ mêu”, RMIT thành “rờ mít”, “world cup” thành “guơ cấp”, vì như thế mới tự nhiên, phù hợp, nhưng khi giao tiếp với người nước ngoài vẫn bảo đảm phát âm chuẩn những từ này.

Ngoài ra trong hội thoại thông thường thì việc chọn phát âm theo vùng miền để tô đậm bản sắc và tránh mất tự nhiên là điều nên làm, miễn là đối phương có thể hiểu được. Điều này cũng giống như cách người Singapore tự gọi tiếng Anh của họ là Singlish để sánh với tiếng Anh u Mỹ. Do đó, không có lý do gì để người Bắc bắt bẻ phát âm của người Nam và ngược lại.