Ngày này 85 năm trước, parking meter xuất hiện, thứ giải quyết hiệu quả bài toán đậu xe!

Một cỗ máy không thấy ở Việt Nam nhưng cực kỳ phổ biến tại những quốc gia phát triển. Ngày 16 tháng 7 năm 1935 là ngày đầu tiên máy tính giờ đậu xe (parking meter) được đưa vào sử dụng tại thành phố Oklahoma, tiểu bang Oklahoma và trở thành một thứ cực kỳ phổ biến trên thế giới hiện tại.

Quay ngược thời gian trở lại thời điểm những năm 1920 tại Mỹ – thời kỳ bùng nổ của xe hơi cá nhân nhờ những chính sách thúc đẩy của chính phủ chẳng hạn như Đạo luật Đường bộ Liên bang năm 1916 nhằm sử dụng nguồn tài trợ quốc gia để xây dựng và bảo trì đường bộ cũng như những chiếc xe hơi lúc đó có giá phải chăng hơn, điển hình như Model T – một mẫu xe cực kỳ thành công của Ford. Những chiếc xe Model T cũ được sang tay với giá rẻ, chính sách mua bán cũng tự do thành ra những người thu nhập thấp hay học sinh vẫn có thể mua. Tính đến năm 1929 có đến 23 triệu chiếc xe hơi lưu thông trên đường bộ tại Mỹ.

Philadelphia 1930.jpg
Sự bùng nổ của phương tiện giao thông cá nhân như xe hơi không chừa bất cứ thành phố nào, kể cả Oklahoma City. Ngựa và xe lôi sớm nhường chỗ cho hàng trăm chiếc xe hơi đến và đi mỗi ngày. Náo nhiệt hơn nhưng cũng chật chội hơn, chủ những cửa hàng bắt đầu than phiền về việc có quá nhiều xe đậu ven đường cả ngày. Hạ tầng giao thông lúc đó không phù hợp cho xe hơi thành ra những người mua hàng không có không gian để dừng xe. Vậy nên những cửa hàng gặp phải tình trạng trì trệ, khó mua bán. Đây là vấn đề chung của mọi thành phố trên khắp nước Mỹ nhưng Oklahoma đã nhanh chóng có sáng kiến.

Chicago 1930.jpg
Các chủ cửa hàng tìm đến luật sư kiêm nhà báo Carl C. Magee và cũng là chủ tịch ủy ban giao thông của Phòng thương mại thành phố Oklahoma để tìm giải pháp cho vấn đề đậu xe trước sự bùng nổ của xe hơi cá nhân (Oklahoma lúc đó có đến hơn 550 ngàn xe hơi được đăng ký).

Magee park-o-meter.jpg
Từ đây, Magee đưa ra ý tưởng về thiết bị có tên Park-o-Meter – một thiết bị đo thời gian vận hành bằng lo xo. Ông đã thảo ra thiết kế và thông số kỹ thuật vào cuối năm 1932 và nộp đơn xin cấp bằng sáng chế mà phải đến năm 1936 mới được cấp. Ông đã hợp tác cùng nhiều người trong đó có giáo sư kỹ thuật Holger G. Thuesen tại đại học Oklahoma để tài trợ một cuộc thi thiết kế máy tính giờ đậu xe. Tiêu chí đơn giản là phải nhỏ, hấp dẫn, có thể xoay núm lên dây cót để hẹn giờ và giá rẻ để sản xuất. Thế nhưng sau cùng không có bài dự thi nào chứng minh có thể dùng được và vào năm 1933, Thuesen đã gặp một sinh viên cũ của ông là Gerald A. Hale và cuối cùng phát triển thành công chiếc máy Black Maria – một thiết bị đếm giờ có thể lên dây cót dựa trên ý tưởng của Magee và đáp ứng các tiêu chí thiết kế ban đầu. Chiếc máy được chế tạo bởi Adolph Schillinger – một thợ máy sống ở Sand Springs, Oklahoma và năm 1933, Magee cũng đã xin cấp sáng chế cho Black Maria. Magee và sinh viên Hale sau đó thành lập công ty Magee-Hale Park-O-Meter và chiếc máy Black Maria được giới thiệu trước công chúng vào tháng 5 năm 1935.

Magee Parking Meter 1935.jpg
Cơ chế hoạt động của Black Maria đơn giản đó là bạn bỏ tiền xu vào thì mới có thể xoay núm, lên dây cót để thiết lập giờ đậu xe. Trên đồng hồ đếm ngược có vạch mốc và cây kim để biểu thị thời điểm hết hạn đậu xe. Khi cây kim trả về mức 0 tức hết giờ thì sẽ có một lá cờ đỏ phất lên trên mặt đồng hồ báo hết giờ và khi hết giờ mà kho. Cơ chế này được sử dụng trong suốt 40 năm sau đó, có khác chỉ là thay đổi bên ngoài chiếc máy khiến nó hiện đại hơn hay thiết kế 2 mặt để dùng cho 2 chỗ đậu xe đối nhau.

Khi ra mắt công chúng, người ta đã nhanh chóng đem ra mổ xẻ ưu nhược điểm của máy đếm giờ đậu xe. Những người chống đối phẫn nộ vì họ cho rằng việc phải trả tiền để đậu xe là phi Mỹ, chẳng khác nào buộc các tài xế phải trả tiền thuế cho chiếc xe của họ và quy kết đây là hành vi tước đoạt tiền mà không cần đến luật pháp.

Parking Meter 1930s.jpg
Năm 1935, Magee sáp nhập công ty với Dual Parking Meter Company và ông nắm ghế chủ tịch. Mặc cho những ý kiến chống đối, chiếc máy đầu tiên đã được Dual Parking Meter lắp đặt tại góc đông nam của đường First Street và đại lộ Robin Avenue vào ngày 16 tháng 7 năm 1935. Giá đậu xe là 1 nickel tức đồng xu 5 cent cho mỗi giờ và những chiếc máy này được đặt cách nhau 6 m dọc theo lề đường tương ứng với ô đậu xe được vẽ trên mặt đường.

Parking Meter now.jpg
Từ chiếc máy Black Maria, nhiều công ty đã tham gia vào thị trướng sản xuất máy tính giờ đậu xe, điển hình là Mark-Time và Duncan-Miller. Tính đến đầu những năm 40 của thế kỷ trước thì trên khắp nước Mỹ có hơn 140 ngàn chiếc máy tính giờ đậu xe được lắp đặt. Chiếc máy này nhiều người ghét nhưng chính quyền và những cửa hàng ven đường lại rất thích. Theo thống kê vào năm 1944, những chiếc máy tính giờ đậu xe tại các thành phố của Mỹ tạo ra nguồn thu lên đến 10 triệu đô mỗi năm. Nguồn thu này bao gồm tiền người ta bỏ ra để đậu xe cũng như tiền vé phạt cho những ai đậu xe trái phép hay lố giờ.

Meter Maids.jpg
Để ghi vé phạt cho người đỗ xe trái phép, lố giờ thì các thành phố tại Mỹ đã triển khai một lực lượng gọi là “meter maid”. Một lực lượng nữ chuyên đi ghi vé phạt, giờ gọi là nhân viên thực thi luật đậu xe (PEO). Mô hình này cũng được nhiều nước trên thế giới triển khai và thú vị nhất là ở Surfers Paradise – khu du lịch ngoại ô thành phố Gold Coast, Queensland, Úc, chính quyền đã thuê những “cô gái thân hình bốc lửa mặc bikini vàng” với mục tiêu là xóa đi hình ảnh tiêu cực khi lắp đặt những chiếc máy tính giờ đậu xe trên tuyến đường biển đầy khách du lịch. Nếu bạn từng nghe ca khúc Lovely Rita của The Beatles thì sẽ biết đến khái niệm meter-maid bởi bài hát bắt nguồn từ việc một nữ cảnh sát giao thông tên Meta Davies đã cho McCartney một vé phạt khi anh đậu xe trái phép ngoài Abbey Road Studioes. Thay vì tức giận thì McCartney đã bày tỏ cảm xúc của mình trong bài hát.

Parking Meter Yellowknife.jpg
Phải đến thập niên 80 thì những chiếc máy tính giờ đậu xe mới được cải tiến nhiều. Bên cạnh tiền xu thì chúng được bổ sung nhiều hình thức thanh toán hơn từ tiền giấy đến thẻ tín dụng, thẻ từ hay qua điện thoại. Dĩ nhiên là cơ chế tính giờ cũng được chuyển từ cơ sang đồng hồ điện tử, có thêm máy in hóa đơn. Đến năm 1995 thì những chiếc máy tính giờ này bắt đầu xài pin và hiện nay đã ứng dụng pin mặt trời. Năm 2006, những chiếc máy tính giờ đậu xe cơ học cuối cùng đã được thay thế bằng điện tử tại Mỹ. Hàng triệu chiếc máy tính giờ đậu xe đã được bán ra trên toàn thế giới nhưng trong tương lai, chúng có thể sẽ biến mất khi có giải pháp tốt hơn.

Tham khảo: HistoryBloombergĐại học Nebraska – Lincoln