Có cậu bé nọ, thành tích học tập rất tốt, nhưng vì quá quan tâm đến việc học và bỏ bê các bạn cùng lớp. Cũng bởi vì điểm số của cậu ta quá tốt, nên thường bị các bạn cùng lớp ghen tị và hiềm khích…

Cậu bé cảm thấy mình lạc lõng và bị mọi người xa lánh. Hễ mỗi lần cậu thử trò chuyện gần gũi với các bạn, thì tình huống càng khiến cậu trở nên xấu hổ thêm.

Cậu bé cảm thấy thật oan ức, cho rằng bản thân mình chưa bao giờ làm tổn thương ai, tại sao người khác lại đối xử với mình như thế. Cậu bèn viết một lá thư cho hiệu trưởng để bày tỏ nỗi buồn này. Vị hiệu trưởng không nói gì nhiều, chỉ chỉ cho cậu bé một “chiêu”: Mỗi ngày hãy làm một việc nhỏ giúp các bạn cùng lớp.

Cậu bé vừa hoài nghi vừa tìm kiếm cơ hội để làm theo chỉ dẫn của hiệu trưởng:

Vào ngày đầu tiên, nhận thấy cây bút của cậu bạn ngồi cùng bàn đã biến mất, cậu bé nhanh nhảu đưa cho cậu bạn mượn một chiếc bút. Cậu bạn cùng bàn đã nói lời cảm ơn.

Ngày hôm sau, khi người bạn cùng lớp bị mệt không thể làm trực nhật, cậu bé đã chủ động trao đổi phiên trực nhật để mình làm thay bạn.

Vào ngày thứ ba, một cục tẩy của cô bạn ngồi bàn bên cạnh bị rơi xuống nền nhà, cậu bé đã nhanh nhẹn nhặt nó cho đưa cho cô bạn với một nụ cười.

Vào ngày thứ tư, cậu bé an ủi một người bạn cùng lớp bị giáo viên phê bình, người bạn này sau lần đó thường xuyên nói chuyện với cậu.

Vào ngày thứ năm, khi thấy một người bạn cùng lớp vội chạy vào lớp nên bị ngã, cậu bước tới đỡ bạn đứng dậy.

Vào ngày thứ sáu, trời mưa, cậu bé đã cho một người bạn cùng lớp nhà ở xa mượn chiếc ô của mình, với lý do nhà cậu gần hơn, và cậu về nhà dưới trời mưa.

Vào ngày thứ bảy, cậu bé đã chủ động giúp các bạn cùng lớp giải các bài toán khó, mọi người đã rất biết ơn vì sự thông minh của cậu.

Vào ngày thứ tám, cậu bé đã mua một gói ăn sáng cho một bạn học sinh nghèo trong lớp, người bạn này đã xúc động và bật khóc.

Vào ngày thứ chín, khi bài kiểm tra trên lớp của cậu được giáo viên khen ngợi, lần đầu tiên cả lớp ào ào vỗ tay tán dương cậu.

Vào ngày thứ mười, trong các hoạt động tập thể của lớp, lần đầu tiên cậu bé chơi cùng các bạn cùng lớp rất vui vẻ.

Vào ngày thứ mười một, có ai đó trong lớp đã lặng lẽ đưa cho cậu một chai nước mía…

Biết cách cho đi, bạn sẽ nhận được càng nhiều

Một thanh niên nọ có ý định mở cửa hàng. Trong quá trình chuẩn bị, anh đã nhờ cha mình là một người đàn ông giàu có cho lời khuyên. Thật bất ngờ, cha anh không đưa ra bất kỳ kinh nghiệm nào, ví như lựa chọn địa điểm, cách quảng cáo hay phục vụ tốt hơn.

Ông chỉ nói với anh:

“Khi con chọn địa chỉ để mở cửa hàng, trước tiên con phải ở khu vực đó, mỗi ngày quét đường, chào hỏi những người xung quanh, thăm hỏi những người già, giúp đỡ những người bệnh và tàn tật, quan tâm trẻ em lang thang nghèo khó… Nửa năm sau thì mới có thể mở cửa hàng”.

Người thanh niên trẻ không hiểu lời khuyên của cha mình, cho rằng những điều này thật chẳng liên quan gì đến việc kinh doanh của mình! Nhưng vì tôn trọng cha mình, chàng trai trẻ vẫn làm theo những gì cha anh chỉ dẫn. Nửa năm sau, khi cửa hàng mở cửa, anh thật sự bất ngờ. Khách đến đông như hội, vì ai cũng nghĩ anh là người tốt, nên chất lượng sản phẩm của cửa hàng chắc hẳn sẽ được yên tâm.

Làm cha mẹ, nên nói điều này với trẻ em: Biết cách cho đi, con sẽ nhận được nhiều hơn thế!

Là cha mẹ, xin vui lòng thường xuyên nói với con của chúng ta rằng:

Nếu con muốn ăn, con phải giúp cha mẹ chuẩn bị và nấu các món ăn trước, và con sẽ cảm thấy ngon miệng hơn khi ăn;

Nếu con muốn ngủ, con phải trải giường và kê gối trước, và sau một ngày làm việc chăm chỉ con sẽ ngủ sâu hơn;

Nếu con muốn mặc quần áo, con phải giặt quần áo trước, con sẽ biết trân trọng sự sạch sẽ của quần áo;

Nếu con muốn ăn đồ ăn nhẹ, con phải giúp cha mẹ rửa chén đĩa trước, cần hiểu được đạo lý muốn có thu hoạch cần phải lao động.  

Nếu con muốn lăn trên sàn, con phải quét và lau sàn trước, con sẽ cảm thấy thoải mái hơn;

Nếu con muốn có được tình cảm của bạn bè, con phải dành thời gian để chơi với chúng bạn trước, sau đó con sẽ có được tình bạn chân thành;

Nếu con muốn thu hoạch trái cây, trước tiên con phải biết cách gieo, tưới nước, bắt côn trùng và bón phân, quả sẽ càng có hương vị thơm ngon hơn;

Nếu bạn muốn được yêu, thì hãy biết cho đi trước …

Chúng ta làm cha mẹ, thường phải vì con cái mà phải bỏ công vất vả thật nhiều, nhưng lại bỏ quên rằng đứa trẻ cũng cần học cách yêu thương, quan tâm và chăm sóc người khác.

Nếu cha mẹ chỉ luôn đơn phương dành tình cảm cho con cái, mà không cho chúng cơ hội thể hiện tình yêu của mình, đứa trẻ sẽ coi đó là điều hiển nhiên, và sẽ trở thành một người vô tâm, chỉ muốn được mà không muốn mất.

Nếu cha mẹ không sẵn lòng để con cái mình phải nỗ lực và ‘trả giá’, đứa trẻ sẽ trở nên “yêu” một cách mù quáng. Ví như có học sinh ở một trường nội trú nọ, khi nhắn tin cho cha mẹ để xin tiền, nội dung chỉ có ba từ: “Mẹ: Tiền. Con”. Làm cha mẹ, liệu bạn có buồn khi đọc tin nhắn ấy?

Cuối cùng, chúng ta phải nói với con rằng không có gì là hiển nhiên, giống như con nhường chỗ ngồi cho người khác trên xe buýt, nhưng khi con bị bệnh, cũng không nhất định có người nhường ghế cho con.

Là cha mẹ, chúng ta phải duy trì một tâm trí bình hòa để đối xử với mọi thứ xung quanh, lấy đó làm tấm gương mẫu mực cho con gái. Dần dần bạn sẽ dưỡng thành được một đứa trẻ lương thiện và khoan dung.

Theo kannewyork.com