Thợ nail thường xuyên “nhảy việc”, rời bỏ tiệm hay có những thái độ chống đối với chủ tiệm là do chưa hài lòng về thu nhập, thiếu động lực làm việc và cảm thấy bị tước đoạt nhiều quyền lợi chính đáng mà lẽ ra họ phải được hưởng.

Theo đuổi nghề làm nail hay kinh doanh tiệm nail thì các thợ và chủ tiệm đều gặp phải vô vàn những thăng trầm trong cuộc sống. Đó có thể là sự thâm hụt ngân sách, việc thợ “nhảy cóc” hay tồi tệ hơn là mâu thuẫn giữa chủ tiệm và thợ nail. Hầu hết chủ tiệm đều cho rằng thợ học việc mới bắt đầu đều không chuyên nghiệp, hoặc có những người chỉ tập trung vào kiếm tiền, tiệm nào trả nhiều tiền hơn thì thợ sẽ “nhảy”. Nói đi cũng phải nói lại, là một chủ tiệm nail, đôi khi bạn lại có những cư xử thiên vị, bóc lột thợ hay chỉ biết la mắng bắt thợ phải nghe theo lời mình là điều không đúng.

“Bạn phải làm điều người khác cần trước, rồi mới đến lượt họ làm cho bạn những điều bạn cần”. Không có gì là huyền bí cả, mọi việc đều rất sòng phẳng và trong quan hệ chủ – thợ cũng vậy. Không đủ thu nhập, thiếu động lực làm việc và điều thợ muốn mà bạn chưa đáp ứng được, nên thợ bỏ bạn mà đi. Hãy lưu ý những điều sau đây để giảm thiểu tình trạng thợ “nhảy cóc”, làm cho thợ hết lòng trung thành và tận tụy trong công việc với tiệm của bạn.

Chọn thợ khôn ngoan

Không phải lúc nào bạn cũng có thể tìm được đối tượng đúng cho tiệm của bạn, thế nên bạn đừng bỏ qua cơ hội tìm kiếm, nhận những người có tài năng, sự khéo léo để đảm nhận công việc trong tiệm. Hãy tận dụng nguồn nhân lực có sẵn trong tiệm một cách khôn ngoan trong khi tìm kiếm thêm những đối tượng chuyên nghiệp thực thụ.

Tạo cơ hội cho thợ phát triển

Có ai trong chúng ta không thích có cơ hội để phát triển, để tiến thân? Thợ nail cũng vậy, họ muốn được phát triển bản thân và muốn có điều kiện phát huy sở trường của mình. Tiệm nail thông thường chỉ có đa số những kỹ thuật viên làm nail nên bạn cần tạo ra nhiều chức vụ khác nhau trong tiệm để cho thợ có cơ hội đảm nhiệm vị trí và phát triển.

Tạo cơ hội cho thợ học hỏi thêm

Hãy tạo cơ hội để thợ có thể học hỏi thêm từ những người có tay nghề giỏi hơn trong tiệm, hoặc cho thợ học thêm những kiến thức, sản phẩm mới và cách sử dụng các trang thiết bị hiện đại của tiệm, cập nhật những xu hướng làm đẹp mới nhất trên thế giới.

Tạo cơ hội để thợ bình quân cuộc sống và việc làm

Việc làm quá căng thẳng, thời gian làm việc quá gắt cũng làm cho thợ mất đi sự tự do, mất đi sự bình quân trong cuộc sống và họ tìm cách thay đổi công việc. Mỗi người thợ đều có những lý do riêng để cảm thấy công việc không được cân bằng với sinh hoạt cuộc sống. Bạn nên giúp thợ quân bình giữa cuộc sống cá nhân và công việc bằng cách cho thợ thời khóa biểu làm việc thoáng hơn, chia phiên hợp lý để thợ có thể nghỉ việc vào ngày cuối tuần hay các dịp lễ quan trọng…

Cho thợ đóng góp ý kiến vào cách làm việc của tiệm

Nhiều chủ tiệm cho rằng thợ không có quyền góp ý kiến vào cách thức quản lý tiệm hay quy định việc làm mà chủ đã đề ra. Nhưng trên thực tế, các thợ nail chính là “quân bài” chủ lực của tiệm nên bạn cần phải lắng nghe ý kiến đóng góp từ họ, những nhận xét trong đường lối làm ăn của tiệm một cách thiết thực nhất vì họ là người luôn tiếp xúc với khách hàng nhiều nhất, nghe những câu chuyện từ khách hàng và am hiểu tâm lý khách hơn cả. Làm sao để thợ có thể góp ý kiến vì quyền lợi của tiệm mới chính là bí quyết mỗi chủ tiệm cần thực hiện.

Trả lương hấp dẫn, đảm bảo quyền lợi lâu dài

Đa số thợ nail đi làm đều ăn chia 6/4 và không có quyền lợi gì đi kèm nên thợ nail chẳng thiết tha đến tiệm. Một số tiệm có bao lương cho thợ nhưng cũng chỉ đủ để kéo thợ đến làm trong thời gian ngắn. Bạn hãy nghĩ đến tương lai xa hơn, cho thợ một số quyền lợi thiết thực về lâu dài để thợ luôn trung thành với bạn. Chịu trách nhiệm về khoản bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ, tiền hưu trí, tài trợ học bổng… là những cách hiệu quả mà các công ty khác đã dùng để giữ chân nhân viên của họ.

Ghi nhận thành tích và thưởng tiền

Nếu một ngày có quá đông khách, thợ đã làm việc cật lực thì bạn nên ghi nhận công sức của thợ, và đãi các thợ một bữa cơm hoặc bữa tiệc hoành tráng để tạo mối quan hệ thân thiện với thợ. Thợ lấy được lòng khách hàng và thu hút số lượng khách đông đảo đến tiệm thì bạn nên tuyên dương và thưởng cho thợ.

Tiệm có thể trích ra một phần tiền lời để làm tiền thưởng hàng quý, hàng năm cho thợ. Ví dụ chỉ tiêu lợi nhuận của tiệm là $10.000 mỗi tháng, nhưng tháng này tiệm lời được $12.000 thì bạn nên trích ra 10% hoặc 20% từ số tiền lời thêm (là $2000) để chia lại cho thợ. $200 – $400 chia ra mỗi thợ được vài chục, tuy là số tiền không quá lớn nhưng có thể làm thợ thấy vui hơn, tạo động lực khích lệ thợ cống hiến tâm sức cho công việc hơn.

Điều hành cửa tiệm nail một cách khoa học lại quản lý thợ thông minh theo những tuyệt chiêu trên sẽ phần nào giúp chủ tiệm thêm vững tâm trong việc kinh doanh nail salon. Có được số lượng thợ ổn định và trung thành cho tiệm cũng là cách bạn đảm bảo nguồn nhân lực chắc chắn để sẵn sàng phục vụ khách hàng.

Thepronails.com