Sức sáng tạo của con người là vô hạn, không loại trừ bất kỳ lĩnh vực nào, trong giới công nghệ chúng ta có thể thấy thiết kế của các thiết bị điện tử thay đổi không ngừng. Nếu bạn đã quen nhìn một chiếc laptop với hình dáng thân thuộc: gập như quyển sách, một màn hình, bàn phím và trackpad, dưới đây sẽ là 10 chiếc laptop có thiết kế độc đáo mà bạn có thể chưa từng biết đến.

IBM-ThinkPad-701.jpg
Đây là một chiếc laptop 10.4 inch với bàn phím cánh bướm độc nhất vô nhị. Nó là bàn phím cơ học gồm 3 phần, khi gập mở màn hình hai nửa bàn phím sẽ ghép lại với nhau tạo hiệu ứng thú vị.

IBM ThinkPad 701 đã rất nổi tiếng ở thời điểm nó ra mắt, thiết bị còn được góp mặt trong một số bộ phim ở thời điểm bấy giờ. Dù là bàn phím cơ học tuy nhiên trải nghiệm gõ văn bản trên thiết bị này rất khó khăn nên thiết kế này đã nhanh chóng biến mất sau một thời gian ngắn ra mắt. Hiện nay chiếc laptop này vẫn được trưng bày tại bảo tàng Nghệ thuật Đương đại ở New York (Mỹ)

HP-OmniBook-800CT_1.jpg
HP OmniBook 800CT là một chiếc máy tính nhẹ và di động, nhỏ nhất thời bấy giờ. Dòng OmniBook có bàn phím kích thước đầy đủ và màn hình hoàn toàn tương thích với VGA, nó đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lĩnh vực điện toán di động.

 

HP-OmniBook-800CT.jpg
Điểm khiến chiếc laptop này trở nên đặc biệt là một con chuột nhỏ được ẩn giấu bên trong máy. Nó được giấu trong một ngăn nhỏ ở phía bên phải của laptop, và sẽ bật ra khi nhấn nút.

Đây là tính năng rất độc đáo và khác biệt khi so sánh với các thiết bị trackball hoặc trackpoint thông thường được tìm thấy trong các sản phẩm cạnh tranh tại thời điểm nó ra mắt.

Via-NanoBook.jpg
NanoBook là mẫu máy tính xách tay siêu nhỏ có màn hình 7 inch cùng trọng lượng khiêm tốn chưa tới 1kg. Nó có bàn phím QWERTY đầy đủ. Kết nối đi kèm với WiFi, BlueTooth, 2 cổng USB, DVI và đầu đọc thẻ 4 trong 1

Một tính năng độc đáo của Nanobook sẽ là bảng điều khiển mở rộng mô-đun dựa trên USB được đặt bên cạnh màn hình. Mục đích là cho phép người dùng cắm các thiết bị ngoại vi khác nhau, chẳng hạn như các thiết bị WWAN, GPS và VoIP để chúng không nhô ra khỏi vỏ máy.

Laptop-3D.jpg
Máy tính xách tay 3D một thời đã từng là một cuộc đua trong làng công nghệ. Dell và Alienware là hai cái tên phổ biến trong thời điểm đó, tiếp theo đó là hàng loạt các ông lớn trong ngành cũng tiếp nối con đường phát triển như MSI, Sony, HP, Origin và Asus.

Tuy nhiên công nghệ 3D lúc đó khá hạn chế, hiệu ứng 3D cũng chưa được áp dụng nhiều trong các hình thức khác ngoài trò chơi và đĩa Blu-ray. Ngoài ra, để sử dụng laptop 3D, người dùng sẽ cần phải mua thêm một chiếc kính đeo để sử dụng được các tính năng 3D. Vừa cồng kềnh vừa tốn kém, những hạn chế này đã khiến laptop 3D nhanh chóng biến mất khỏi thị trường công nghệ.

Lenovo-ThinkPad-W700ds.jpg
Đây là chiếc laptop doanh nghiệp đầu tiên có thiết kế màn hình kép, Lenovo đã cố gắng nhét một chiếc màn hình phụ cỡ 10,6″ vào bên cạnh phải của màn hình trên W700ds. Màn hình phụ này có thể đẩy ra nhờ cơ chế lò xo.

Tại thời điểm đó W700ds chạy trên Windows Vista, nền tảng này hỗ trợ khá tốt đa màn hình. Dù màn hình nhỏ mang đến chất lượng hiển thị không cao nhưng nó cũng khá hữu ích với người dùng khi có thể mở rộng thêm không gian làm việc, mang lại trải nghiệm đa nhiệm cho người dùng.

Asus-Taichi.jpg
Chiếc laptop này có đến hai màn hình trong và ngoài. Màn hình bên trong 13.3 inch như một máy tính xách tay bình thường tuy nhiên nó sẽ trở thành một chiếc máy tính bảng với màn hình cảm ứng 11.6 bên ngoài. Hai màn hình có thể hoạt động động lập, người dùng có thể giải trí bằng màn hình ngoài và làm việc bằng màn hình chính bên trong.

Tuy nhiên ngoài lợi ích thì có khá nhiều khuyết điểm khiến thiết kế này nhanh chóng bị loại bỏ. Dung lượng pin là vấn đề lớn nhất, và thiết kế này thực sự chỉ mang đến niềm vui, còn sự tiện dụng vẫn chưa thấy rõ rệt bởi người dùng thường sẽ cần hai màn hình cùng lúc để làm việc thay vì hai màn hình quay lưng vào nhau.

Asus-ROG-GX700.jpg
Với mọi game thủ, bộ làm mát hoặc quạt tản nhiệt là một trong những yếu tố quan trọng để lựa chọn laptop. Để thoải lòng mong muốn của người dùng, nhiều năm trước Asus đã phát hành ROG GX700, một máy tính xách tay gắn bộ làm mát chất lỏng khổng lồ.

Hệ thống làm mát này sử dụng một van kín tuỳ chỉnh để bơm chất làm mát vào laptop và toả nhiệt bằng bộ tản nhiệt 92mm. Với tản nhiệt 500W, GX700 đã tăng 20% hiệu suất và giảm 30% nhiệt cho CPU và GPU. Nhưng nó thực sự cồng kềnh khi rất chiếm diện tích và khiến tổng trọng lượng của toàn bộ dàn máy lên tới hơn 4.5kg.

Acer-Iconia-6120-.jpg
Acer đã rất táo bạo khi tung ra chiếc laptop không có bàn phím vật lý và bàn di chuột. Ngoài màn hình 14 inch, phần thân gập còn lại của Acer Iconia 6120 là bàn phím cảm ứng, nó có khả năng nhập cả văn bản viết tay và có một số phím tắt nhanh để khởi chạy một số ứng dụng hoặc trang web yêu thích của người dùng.

Dù ý tưởng rất mới mẻ nhưng tất cả lại tạo nên một trải nghiệm không hữu ích với người dùng. Bàn phím có độ trễ nhất định, thao tác gõ văn bản rất tệ và laptop có hiệu suất kém.

Dell-XPS-12.jpg
Dell XPS 12 là chiếc máy đầu tiên trên thị trường có thiết kế xoay màn hình độc đáo, nó có thể chuyển đổi giữa laptop và máy tính bảng bằng khung viền màn hình không dính vào màn hình. Độ bền của khung được đánh giá khá cao khi thử nghiệm xoay liên tục 20.000 vòng vẫn chưa có dấu hiệu hư hỏng. Thiết kế này cũng giúp bảo vệ bàn phím khi người dùng chuyển sang chế độ máy tính bảng.

Tuy nhiên vì có khung viền nên thiết bị có độ nặng, khó khăn khi cầm bằng một tay. Và cho đến khi màn hình InfinityEdge được ra mắt, khung viền dành cho màn hình 2 trong 1 này cũng trở nên cồng kềnh và không còn hợp thời.

Asus-ROG-Mothership-GZ700.jpg
Đây là mẫu laptop chơi game 2 trong 1 với màn hình rất lớn lên tới 17.3 inch của nhà Asus. ROG Mothership GZ700 rất đa dụng khi vừa có thể là một chiếc laptop vừa có thể biến thành chiếc máy tính bảng, bàn phím kết nối bằng nam châm nhưng có thể tháo rời và sử dụng không dây. Và khi tháo rời bàn phím và kết nối nó với phần máy chính, nó lại trông như một chiếc PC thu nhỏ.

ROG Mothership GZ700 có ngoại hình to lớn cùng trọng lượng khá nặng so với 1 chiếc laptop thông thường (4,7 kg). Mẫu thiết kế này thực sự khá ấn tượng khi có khả năng hợp nhất máy tính xách tay và máy tính để bàn trong cùng một thiết bị. Tuy nhiên dù độc đáo nhưng số phận của ROG Mothership GZ700 trên thị trường vẫn rất ẩn dật.

Phần lớn những chiếc laptop bên trên đều không mấy thành công để được thương mại hoá tuy nhiên phần nào đó cũng thể hiện được sự sáng tạo và công sức của các nhà sản xuất trong việc nỗ lực để mang đến sản phẩm độc đáo cho người dùng.