“Oai phong lẫm liệt” hay “uy phong lẫm liệt” là một câu thành ngữ gốc Hán, thường dùng để chỉ người có khí chất hiên ngang, mạnh mẽ, khiến kẻ khác phải kiêng dè, nể sợ. “Oai phong” thì phần nào chúng ta có thể hiểu được, còn “lẫm liệt” thì sao?

Thực tế, “lẫm liệt” vốn được viết từ hai chữ Hán 凛冽, trong đó cả “lẫm” (凛) và “liệt” (冽) đều có nghĩa là “lạnh giá”, “rất lạnh”, “lạnh tới tê cóng tay”. Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức cũng giảng: “Lẫm liệt: Lạnh dữ dội…”. Từ ý “lạnh buốt” ban đầu, người ta đã liên tưởng đến thái độ nghiêm nghị khiến xung quanh nể sợ và đưa nghĩa đó vào “lẫm liệt”.

Những giai thoại ly kỳ về Quan Vũ (Phần 1): Vì sao mặt đỏ phừng phừng?

Chữ “lẫm” (凛) rất có thể là “lẫm” trong “lạ lẫm” vì có sự tương quan về sắc thái nghĩa (người “lạ” thì thái độ thường “lạnh”). Tuy nhiên, “liệt” (冽) ở đây lại không liên quan gì đến “liệt” trong “liệt tay”, “liệt chân” cả. Chữ “liệt” sau được Huỳnh Tịnh Của chỉ ra là được viết bằng Nôm tự 劣, có nghĩa là “ốm yếu, bịnh hoạn, dở dang” (Đại Nam Quốc Âm Tự Vị).

Cũng nói thêm, “oai phong”, hay “uy phong” vốn viết bằng Hán tự là 威風, trong đó “uy” (威) có nghĩa là “dáng tôn nghiêm, đường bệ”, còn “phong” (風) có nghĩa đen là “gió” còn nghĩa bóng là “dáng vẻ”. Từ đây, “oai phong lẫm liệt” có thể dịch thuần là “làn gió dữ dội lạnh buốt” và dịch thoáng là “dáng vẻ đường bệ mà ai cũng nể sợ”.