Chúng ta thường dùng câu “kỳ đà cản mũi” để chỉ ai đó cản công việc, không để cho mọi chuyện suôn sẻ. Tuy nhiên khi quan sát đời sống và tập tính của loài kì đà, ta không thấy chúng có thói quen “cản mũi”. Vậy nguồn gốc của câu thành ngữ này là từ đâu?

Một giả thuyết cho rằng câu này  bắt nguồn từ nghề sơn tràng (nghề tìm kiếm sản vật rừng núi). Theo quan niệm của những người làm nghề này, khi không muốn họ tiếp tục khai thác, thần rừng sẽ sai một con kỳ đà xuất hiện giữa đường để cảnh báo, ai chẳng tuân theo mà vẫn tiếp tục thì liền gặp tai hoạ. Do đó trước mỗi chuyến đi, cánh sơn tràng làm lễ cầu khấn thần rừng, thần núi, nếu chẳng may gặp kì đà thì họ dừng lại, quay về.

Con Kỳ Đà ăn gì? Kỹ thuật nuôi? Làm món gì ngon? Giá bao nhiêu tiền

Giả thuyết trên giải thích được về “kỳ đà” nhưng không nói gì đến “cản mũi”. Cứ như câu chuyện về thần rừng thì rõ ràng phải là “kỳ đà cản đường” mới đúng. Trong “Kể chuyện các đời vua chúa nhà Nguyễn”, Trần Quỳnh Cư và Trần Việt Quỳnh có đưa ra một giả thuyết khác, theo đó câu “kỳ đà cản mũi” xuất hiện trong cuộc chiến giữa nhà Nguyễn và Tây Sơn.

Truyện kể có lần Nguyễn Ánh định ra khơi, bỗng có con kì đà lội qua sông ngăn không cho thuyền rời bến, ông thấy vậy thì hoãn lại. Sau mới hay lúc đó quân Tây Sơn đã phục kích ngoài biển, nếu đi sẽ bị chặn bắt.

Nếu tích trên là đúng thì “mũi” trong “cản mũi” chính là mũi thuyền. Và “kỳ đà cản mũi” ban đầu có nghĩa tích cực chứ không phải như cách hiểu hiện nay.