Với tư cách là chủ tiệm nail, bạn cho rằng mình đã “cống hiến” hết mình để phát triển nguồn tài chính của salon – tuy nhiên, có rất nhiều sai lầm không ngờ tới khiến tiền của bạn cứ ngày một bị “rút cạn”!
Trong khi cố gắng làm việc thật chăm chỉ ở salon là để “làm đẹp” cho các khách hàng của mình thì chúng ta còn làm việc để nuôi sống bản thân và gia đình của mình. Tuy nhiên, việc trở thành chủ một tiệm nail thành công không hề đơn giản và đôi khi bạn phải đối mặt với nhiều vấn đề về tài chính, ảnh hưởng rất lớn đến sự tồn tại của salon. Và để tránh những rắc rối đó thì việc hạn chế những thất thoát về tiền bạc chính là biện pháp bảo vệ salon của bạn hiệu quả nhất, theo các chuyên gia tư vấn tài chính trong ngành, có 10 vấn đề mà các salon vẫn thường hay mắc phải nhất khi quản lý tiệm nail!
1. Không tăng giá hay không tăng “định kỳ”
Nếu như bạn không chịu tăng giá các dịch vụ của mình để trang trải cho các khoản chi phí điện, nước, tiền thuê nhà… đang tăng lên từng ngày thì đây sẽ là sai lầm lớn của bạn. Các chi phí kinh doanh và cá nhân cũng không ngoại lệ. Điều này nghĩa là bạn không thể làm gì khác là phải tăng giá dịch vụ hàng năm hay hai lần một một năm để “bắt kịp” với mức sống của xã hội. Nếu thấy “ngại” với khách hàng về chuyện tăng giá thì bạn sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp hơn khi lợi nhuận ngày càng giảm sút và chuyện đóng cửa salon chỉ còn là vấn đề thời gian.
2. “Free extra” quá nhiều
Nếu bạn phải dành rất nhiều thời gian và chi phí cho các dịch vụ bổ sung như nail art thì bạn phải cân nhắc thật kỹ trước khi “định giá” cho các dịch vụ đó. Đừng để dịch vụ “vẽ móng nghệ thuật” chiếm lấy quá nhiều thời gian quý báu của bạn cũng như tiêu tốn quá nhiều cho việc mua các sản phẩm đắt tiền để “phục vụ” cho nó. Bằng việc định giá phù hợp cho từng dịch vụ – chỉ nên lấy thêm một chút phí hay phải cộng luôn vào giá chính thức của dịch vụ – hãy cẩn trọng đánh giá vấn đề này để bảo đảm sự ổn định tài chính của salon.
“Tính toán” cẩn thận khi vẽ móng miễn phí!
Hãy thử tưởng tượng rằng bạn sẽ có khoảng 50 khách hàng một tuần, một nửa trong số họ muốn được vẽ móng miễn phí và bạn không hề thu tiền cho những dịch vụ này. Còn bây giờ hãy làm một phép tính đơn giản: nếu bạn lấy khoảng 5 USD cho mỗi lần vẽ móng để bù cho thời gian và tiền mua sản phẩm cho những mẫu vẽ đơn giản “chỉ có 5 phút” đó và 10 USD cho những mẫu phức tạp hơn và tốn của bạn hết “10 phút” thì bạn sẽ bị mất hết bao nhiêu tiền một tuần nếu chỉ làm “free”?
Trong số 25 khách hàng muốn có “free art” thì có khoảng 12 người trong số đó sẵn sàng chi tiền mà thôi. Vậy thì nếu một nửa trong số 12 khách đó chọn vẽ móng cơ bản với giá 5 USD (6 khách x 5 USD) và số còn lại chọn vẽ móng với giá 10 USD (6 khách x 10 USD) thì bạn sẽ thu được thêm 90 USD/tuần! Một con số không hề nhỏ nếu được cộng dồn theo từng quý hay trong một năm kinh doanh.
3. Để nhiều sản phẩm “đóng bụi” trong kho
Có thể bạn đã mua rất nhiều sản phẩm nhưng chúng lại không được lòng khách hàng, hay bạn đã mua được hàng với giá ưu đãi “cực khủng” nhưng cuối cùng lại không dùng thường xuyên hay không thể kết hợp vào các dịch vụ của salon. Rồi còn các mặt hàng bán lẻ vẫn nằm im trên các kệ hàng mà khách vẫn không buồn động tới? Bất cứ khi nào bạn “khám phá” ra những sản phẩm vẫn còn tồn đọng trong kho hàng của mình, hãy cố gắng dành một chút thời gian để đánh giá lại tại sao nó vẫn chưa được sử dụng và bạn nên làm gì để “giải quyết” chúng.
Với những mặt hàng bán lẻ, hãy thử bày trí chúng trở nên bắt mắt hơn hay “gộp” chung với những sản phẩm khác để có thể bán chạy hơn, bạn cũng có thể “tận dụng” khi biến chúng thành các loại quà miễn phí nhân dịp sinh nhật khách hay quà tặng nhân các ngày lễ đặc biệt trong năm.
4. Để hàng tồn kho hết hạn
Hầu hết các sản phẩm làm đẹp đều có thời hạn sử dụng nhất định – thường là từ một đến ba năm. Điều này có nghĩa là các salon nhỏ với số lượng khách hàng có hạn sẽ dễ bị mất nhiều tiền hơn nếu “tham lam” mà mua sản phẩm với số lượng lớn. Bạn phải dự đoán được mình có thể thực hiện bao nhiêu dịch vụ với một thùng sản phẩm như vậy để có thể đặt hàng khôn ngoan hơn. Dù mua hàng với giá sĩ khá hấp dẫn nhưng nếu tính toán kỹ, bạn sẽ chọn tiết kiệm được hơn 10 USD cho một thùng hàng “spa scrub” (chất tẩy bào chết) nhưng chỉ dùng một nửa thùng thì đã hết hạn hay chỉ mua đủ dùng với giá cao hơn một chút rồi đặt tiếp khi hết hàng?
5. Chia nhỏ các sản phẩm sẽ dùng
Đừng lấy quá nhiều scrub hay lotion cho mỗi dịch vụ khi chỉ cần một muỗng nhỏ là đã đủ dùng. Một cách tuyệt vời để tiết kiệm tiền cho các sản phẩm spa đắt đỏ là chia nhỏ từng loại cần phải dùng vào cái khay trước khi bắt đầu dịch vụ. Điều này không chỉ giúp các thợ nail ước lượng được những sản phẩm mà mình sẽ dùng mà việc “trưng bày” trên khay còn khiến khách cảm thấy hấp dẫn hơn vì màu sắc và những mùi hương dễ chịu từ chúng. Tương tự như vậy, bạn cũng có thể tiết kiệm tiền với các loại sơn gel và sơn thường của mình. Việc dùng quá nhiều nước sơn không chỉ khiến bạn phải mua hàng thường xuyên hơn mà còn khiến các tác phẩm móng dễ bị hỏng hơn, vậy là bạn phải tốn thời gian để “repair” hay thậm chí là để mất khách hàng.
6. Chỉ mua sản phẩm mà không trang bị kiến thức cần thiết
Việc đầu tư vào các sản phẩm gel có thể mang đến cho bạn nhiều khách hàng hơn; tuy nhiên, nếu bạn không hiểu rõ những đặc điểm của các loại sản phẩm này, bạn có thể gặp phải nhiều rắc rối. Mỗi loại gel cần phải được sơn theo những cách riêng biệt trong khi một số khác lại cần có các bước chuẩn bị trước. Bạn không nên cho rằng, tất cả các sản phẩm lúc nào cũng sử dụng như nhau. Cách hiệu quả nhất để tiết kiệm thời gian và tiền bạc là dành thời gian để tìm hiểu về sản phẩm cũng như đọc các hướng dẫn sử dụng chúng thật cặn kẽ. Đừng nên đổ lỗi cho sản phẩm nếu một trong những dịch vụ của bạn bị hỏng chỉ vì “thiếu kiến thức” về nó. Khi đã nắm rõ về từng loại sản phẩm và thực hiện bài bản từng bước một khi thực hiện dịch vụ, bạn sẽ giải quyết các lỗi phát sinh một cách nhanh chóng cũng như tạo được sự tin tưởng ở khách hàng nhiều hơn.
7. Dành quá nhiều thời gian để “sửa” dịch vụ
Không ai muốn phải liên tục sửa chữa hay phải làm lại toàn bộ dịch vụ, nhất là khi các thợ nail đều kín lịch hẹn. Chính vì vậy, bạn phải hiểu rõ các thao tác cần thiết của mỗi loại sản phẩm khi thực hiện dịch vụ. Ngoài ra, các thợ nail cũng đừng quên “cố vấn” cho các khách hàng để họ có thể chăm sóc và bảo vệ móng của mình tốt hơn khi về nhà. Việc sở hữu những bộ móng hoàn hảo cần phải có “sự hợp tác” của cả thợ nail và khách hàng; thợ nail hoàn thành công việc của mình ở salon và khách hàng nhận trách nhiệm “bảo vệ” cho các tác phẩm đó.
Nếu hơn 15% khách hàng của salon của bạn liên tục gặp phải một vấn đề giống nhau thì đã đến lúc bạn phải thực hiện dịch vụ đó theo một cách khác thích hợp hơn. Không phải móng tay của khách hàng nào cũng sẽ bị “hở” hay dễ bị tróc. Nói tóm lại, nếu trong một ngày kinh doanh có từ 1-3 khách hàng cần phải “repair” vậy thì bạn phải nghĩ đến khả năng là, những khách hàng này đã không có phương pháp chăm sóc móng cẩn thận khi về nhà hơn là lo lắng về kỹ thuật làm móng của bạn.
8. Luôn miễn phí cho gia đình và bạn bè
Bạn không phải là “đại gia” và vẫn phải trang trải rất nhiều chi phí để duy trì công việc kinh doanh của mình. Việc làm nail cho gia đình và bạn bè cũng sẽ tốn thời gian và tiền bạc như với bất kỳ vị khách nào khác. Nếu như là vì “trao đổi” – chẳng hạn như bạn sẽ làm nail cho chị của mình hôm nay và cô ấy sẽ làm “babysister” cho bạn vào ngày mai thì đó lại là chuyện khác. Tuy nhiên, đối với những người hay đòi hỏi, chỉ muốn được làm miễn phí hay giảm giá và bạn không bao giờ từ chối các yêu cầu này vậy thì chính bạn là người đã làm “cạn kiệt” nguồn thu của salon. Bạn làm nail là để kiếm sống, không phải để “tặng quà” cho mọi người.
Hãy thực tế! Không phải vì bạn tính toán hay ích kỷ mà là vì “kinh doanh là kinh doanh”. Quan trọng là, nếu thật sự là những người quan tâm đến bạn và công việc của bạn, họ sẽ vui vẻ trả tiền và trân trọng công việc của bạn thay vì chỉ chăm chăm vào “sự thân thiết” để được làm nail miễn phí bất cứ khi nào đến tiệm.
9. Để tình trạng đến trễ và “no-show” diễn ra thường xuyên
Tình trạng này sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập của salon theo nhiều cách khác nhau. Nếu khách hàng đến trễ, những cuộc hẹn tiếp theo cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nếu cứ để khách phải thường xuyên chờ đợi thì khách sẽ cảm thấy khó chịu vì bạn đang làm lãng phí khoảng thời gian quý báu của họ. Chính vì vậy, bạn nên xây dựng những quy định riêng của salon như: nếu khách đến trễ 15 phút thì dịch vụ của họ sẽ bị “giản lược” bớt một số bước – như massage hay vẽ móng. Khi khách trễ hơn 15 phút, thì cuộc hẹn cần phải được xếp lại và bạn nên “phạt tiền” vì khách đã bị nhỡ cuộc hẹn với salon.
10. Có những nhân viên như “zombie” hay “không thành thật”
Sự có mặt của những nhân viên không có động lực làm việc, không có sức sống hay thường xuyên nói dối cũng được xem là nguyên nhân “rút cạn” nguồn tài chính của salon. Nếu bạn đang nghi ngờ ai đó hay “táy máy tay chân” hay liên tục nói dối thì đây chính là vấn đề nghiêm trọng. Hãy bình tĩnh tìm hiểu và “thu thập” chứng cứ sau đó có một buổi nói chuyện riêng với nhân viên này để quyết định có nên giữ lại hay phải sa thải người này để họ không làm ảnh hưởng đến hình ảnh của salon. Bạn nên nhớ rằng, nếu cứ “mềm lòng” thì rất có thể một lượng lớn sản phẩm hay tiền mặt của bạn sẽ “không cánh mà bay”!
Đối với những nhân viên như “xác sống” chỉ làm việc để kiếm tiền mà không có động lực làm việc thì cách xử lý sẽ dễ dàng hơn một chút. Bạn có thể mang đến “sức sống mới” cho họ bằng việc ủng hộ tham gia các lớp học nâng cao kỹ năng, các lớp truyền cảm hứng hoặc có một buổi nói chuyện riêng để cùng nhau tìm ra nguyên nhân và giải pháp để thay đổi tình trạng chán nản của họ.
Công việc quản lý tiệm nail vốn dĩ vô cùng phức tạp nhưng cũng không phải là chuyện quá sức nếu bạn thật sự tâm huyết với nó. Hãy thử những cách khác nhau để nâng cao tinh thần của nhân viên và mang đến một hình ảnh hoàn hảo nhất cho salon của mình!