Thời xưa, việc một người con gái được tuyển vào cung vua là một vấn đề to tát. Gia đình người con gái sẽ được triều đình cấp cho một số tiền khá lớn và cuộc đời nàng coi như đã được bán đứt. Nàng sống chết, sướng khổ thế nào gia đình không còn quyền can thiệp tới. Đó cũng là ý nghĩa xót xa thấm thía của câu thành ngữ “đưa con vô nội” vậy. Tuy thế, nếu gặp vận may, người con gái mà trở thành vương phi, hoàng hậu thì dòng họ của nàng lại được nhờ lớn. Cha, anh em, bà con của cô gái có thể trở thành những vị quan to của triều đình. Vài trường hợp đại phát, dòng họ của cô gái có thể đoạt được ngai vàng như trường hợp Trần Cảnh, Hồ Quí Ly…

Theo lý thuyết, những cô gái được tuyển vào cung bao giờ cũng phải được các vị nữ quan hoặc các viên thái giám dạy dỗ qua một hai khóa về lễ nghi để biết phép tắc cư xử trong cung, để ôn lại bổn phận người đàn bà v.v… Một phụ nữ từ dân dã được tuyển vào cung, dần leo lên tới địa vị quốc mẫu lẽ nào lại không trải qua những khóa giáo dục đó? Khi đã được giáo dục mà không chịu theo phép tắc, hành động vượt lễ nghi đến nỗi gây tai tiếng trong dân gian thì khó ai chấp nhận được. Những động lực thúc đẩy mấy người “đàn bà yếu đuối” ấy dám đạp đổ cả lễ nghi của triều đình thường là tình yêu, tình dục, lòng tham… Liệt kê những phụ nữ này vào hạng “bê bối” chắc hẳn không oan!

duongvannga

Thái Hậu Cù Thị đời nhà Triệu

Cuối đời Tần nước Tàu bị đại loạn, viên quan Úy quận Nam Hải (Quảng Đông ngày nay) là Triệu Đà đã thừa cơ cát cứ tự lập. Trước tiên Triệu Đà đem quân đánh chiếm quận Quế Lâm (Quí Châu và Bắc Quảng Tây ngày nay) và Tượng Quận (Vân Nam ngày nay) để mở rộng lãnh thổ. Tất cả các quan chức do nhà Tần bổ nhiệm đều bị ông giết sạch. Sau đó ông lại đánh bại An Dương Vương, chiếm luôn nước Âu Lạc, lập nên nước Nam Việt (207 trước Tây lịch). Triệu Đà tự xưng là Triệu Vũ đế, đóng đô tại Phiên Ngung. Lúc bấy giờ dân Nam Việt đa số vẫn còn mang nặng tính chất giống Bách Việt, chưa thuần Hán hóa, nên Triệu Vũ đế đã triệt để khai thác đặc điểm này để chống lại nhà Hán. Ông không hề kỳ thị hay coi thường dân Âu Lạc mà còn rất ưu đãi nhân tài Âu Lạc. Vì thế mà sau này nhiều vua chúa và sử gia nước ta vẫn coi nhà Triệu như một triều đại chính thống của nước Việt.

Đến khi nhà Hán ổn định xong trung nguyên, sứ Hán là Lục Giả mới sang Nam Việt thuyết phục Triệu Đà bỏ đế hiệu, trở thành Triệu Vũ Vương và chịu thông hiếu với nhà Hán.

Triệu Đà làm vua tới 71 năm, năm 136 trước Tây lịch ông mới qua đời. Người cháu nội ông là Triệu Hồ (con của Trọng Thủy) đã 40 tuổi, lên kế vị tức Triệu Văn Vương.

Để lấy lòng tin với nhà Hán, Triệu Văn Vương cho Thế Tử là Anh Tề sang Trường An – kinh đô Tàu – làm con tin. Anh Tề vốn đã có một vợ người Việt và một con trai tên Triệu Kiến Đức. Khi sang Tàu, ông lại cưới thêm một bà vợ người Hàm Đan, đó chính là Cù Thị. Cù Thị cũng sinh cho ông một con trai tên là Triệu Hưng. Có một điều Anh Tề không biết là trước khi lấy ông, Cù Thị đã là tình nhân thắm thiết của một người Hán tên An Quốc Thiếu Quí.

Khi Triệu Văn Vương mất, thế tử Anh Tề về nước kế vị tức Triệu Minh Vương. Cù Thị trẻ đẹp hơn bà vợ Việt nhiều nên cũng được Minh vương cưng chiều hơn. Với lợi thế trên, Cù Thị đã thuyết phục được Minh Vương lập Triệu Hưng làm Thế Tử.

Đến năm 113 trước Tây lịch, Minh Vương mất, Triệu Hưng được đưa lên kế vị tức Triệu Ai Vương. Cù Thị đương nhiên trở thành Thái Hậu. Vua còn nhỏ nên trong các buổi chầu, Cù Thái Hậu luôn ở sau lưng vua để hướng dẫn vua xử trí công việc. Rất ít khi bà chịu nghe lời bàn bạc của các quan. Ngoài Tể Tướng Lữ Gia bà còn nể mặt một tí, các vị khác bà chỉ coi như tay chân để sai khiến. Mọi việc trong triều gần như chỉ do một mình Cù Thái Hậu định đoạt. Vì vậy các quan ai cũng chán ngán.

Tể Tướng Lữ Gia người huyện Lôi Dương, quận Cửu Chân (huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa ngày nay). Ông là người ngay thẳng, cứng rắn, làm quan từ triều Văn Vương, tuổi đã ngoài bảy mươi, uy tín rất lớn. Họ hàng của ông có tới 70 người đang làm trưởng lại trong nước. Người em của ông là Lữ Hùng đang chỉ huy đội quân trấn giữ kinh thành. Cù Thái Hậu vẫn muốn cho ông về vườn nhưng chưa tìm ra cớ.

Nghe tin triều đình Nam Việt đang gặp chuyện lủng củng, nhà Hán đã không bỏ lỡ dịp may. Vua Hán liền triệu tập quần thần để bàn kế hoạch thu phục nhà Triệu. Sau đó một sứ đoàn được thành lập để đi Nam Việt thi hành nhiệm vụ.

Lệ thường, trước khi sứ giả lên đường, hai kỵ sĩ được phái chạy ngựa trạm mang thư báo cho triều đình Nam Việt biết trước để chuẩn bị đón tiếp sứ đoàn. Khi thư báo được dâng lên, vua xem xong rồi trao cho Thái Hậu. Vừa nhìn vào thư báo mắt bà đã sáng rực lên, bà kêu:

– Trời đất! An Quốc Thiếu Quí!

Vua ngạc nhiên nhìn Thái Hậu hỏi:

– Có chuyện gì thế mẹ?

Cù Thái Hậu hơi giật mình. Có lẽ biết thái độ vui mừng bất ngờ của mình không qua mắt được Ai vương và các quan, bà nói:

– Không có gì đâu hoàng nhi. Chẳng qua là mẹ có người anh họ tên An Quốc Thiếu Quí, nay thấy sứ giả cũng tên như thế, biết đâu đó chẳng phải là người anh của mẹ? Nhưng dù ai đi nữa, đây là sứ đoàn của thượng quốc, hoàng nhi phải xuống chiếu cho dọn dẹp ngay một ngôi nhà riêng biệt, rộng rãi, thuận lợi mọi mặt để sứ đoàn trú ngụ trong thời gian lo công việc. Nếu không sẵn nhà, có thể cho xây dựng một ngôi nhà mới càng hay.

Chiều ý mẹ, Triệu Ai Vương đã hạ chiếu dựng gấp một dinh thự gần cung điện vua. Chỉ trong vòng bốn mươi ngày ngôi dinh thự đã được hoàn tất. Dinh thự vừa khánh thành xong thì sứ đoàn nhà Hán cũng vừa đến Phiên Ngung như dự tính. Vị chánh sứ An Quốc Thiếu Quí cũng quả là ông anh họ của Cù Thái Hậu như bà đã nói. Sau khi thông qua mọi thủ tục, lễ nghi ngoại giao, sứ đoàn được mời đến trú ngụ ở ngôi dinh thự ấy.

Theo lệ, khi có sứ nước ngoài đến giao hảo, trong triều thường đặt hai buổi yến để thết đãi sứ giả. Buổi thứ nhất tổ chức tại triều, khoản phí tổn do triều đình đài thọ, vua, sứ giả và các quan đều cùng dự để tạo sự thân mật với nhau gọi là công yến. Buổi thứ hai tổ chức tại cung vua, khoản phí tổn này do vua chịu, gọi là tư yến. Những buổi tư yến đãi sứ giả thường chỉ có một số trọng thần được vua mời dự. Đương nhiên trong buổi tư yến đó Tể Tướng Lữ Gia cũng có mặt.

Trong buổi công yến, vua cho các quan biết sơ về vị sứ giả cũng là người thân thích của Thái Hậu. Nhiều vị quan văn võ đã lên tiếng chúc mừng cuộc tái ngộ thú vị đó. Buổi yến đã diễn ra trong bầu không khí nồng thắm, vui vẻ.

Tới buổi tư yến thì gần như chính Thái Hậu là người chủ trì. Khi hơi men đã ngấm ít nhiều, và có lẽ cũng do xuân tình đang bốc, Cù Thái Hậu quên cả lễ nghi phải giữ, tự mình bà đã mời mọc, săn sóc vị sứ giả thân mật quá đáng khiến nhiều người phải nghĩ ngợi. An Quốc Thiếu Quí thấy vậy cũng thù tạc đáp ứng rất nồng nàn. Lữ Gia và mấy vị quan được mời dự thấy khó chịu nên cũng lần lượt cáo say xin về nghỉ.

Từ đó, với cái cớ là anh em họ hàng, Thái Hậu cùng sứ giả tư công nhập nhằng, qua lại với nhau chẳng cần giữ gìn thể thống gì nữa. Việc đó diễn ra thường xuyên đã khiến quan dân Nam Việt thấy chướng mắt quá đến sinh lòng bất mãn.

Khi Cù Thái Hậu chính thức khuyên vua và triều thần nên chấp nhận nội phụ với nhà Hán trước triều thì Tể Tướng Lữ Gia lên tiếng:

– Tâu bệ hạ, tâu Thái Hậu, từ khi Nam Việt lập quốc đến nay đã gần một trăm năm. Các vị tiên vương ta đều chỉ thông hiếu với Hán triều chứ chưa bao giờ chịu nội phụ cả. Thỉnh thoảng vua ta cũng cho sứ giả hoặc con tin đi lại với Hán triều, chỉ dâng một số cống phẩm tượng trưng để củng cố niềm tin cậy lẫn nhau thôi. Việc này đã quen lệ. Nay bỗng dưng Thái Hậu lại khuyên bệ hạ và chúng thần tự nguyện đem giang sơn gấm vóc do các đấng tiên vương đã khó nhọc mở mang, giữ gìn chịu nội phụ Hán triều, chúng thần thấy mang lỗi quá lớn với các đấng tiên vương. Đã là nội phụ như các chư hầu ở trung nguyên thì cứ 3 năm vua ta lại phải thân hành về chầu thiên tử và nộp cống của cải, sản vật một lần. Từ đây đến Trường An quá xa xôi, đường sá lại khó khăn, nguy hiểm, như vậy dân ta sẽ chịu thiệt thòi, tốn kém biết bao nhiêu! Kính xin bệ hạ và Thái Hậu xét lại thật kỹ vấn đề này để khỏi ân hận về sau.

Thấy vua và các quan đều có vẻ bối rối trước ý kiến phản bác của Tể tướng Lữ Gia, Cù Thái Hậu tìm cách trì hoãn:

– Được rồi, vấn đề này sẽ tùy hoàng thượng suy xét lại rồi quyết định sau.

Thế rồi vua truyền bãi chầu.

Hôm sau Lữ Gia lại vào chầu vua. Ông cố khuyên vua đừng chịu nội phụ. Vua lấy làm khó nghĩ nên vẫn chưa quyết định.

Khi Lữ Gia đã lui ra, Thái Hậu nói với vua:

– Bàn chuyện với tên giặc già ấy chỉ mất công! Bệ hạ hãy tự làm sớ cũng xong! Chúng ta tự nguyện nội phụ với Hán triều, tự nguyện phá bỏ các thành ải phòng thủ ở biên giới hai nước, tự nguyện cứ 3 năm về chầu thiên tử một lần. Sứ giả sẽ dâng sớ của ta lên thiên tử. Khi thiên tử đã xuống chiếu rồi, chẳng lẽ bọn Lữ Gia còn dám không vâng? Nếu bọn lão đó vẫn còn ngoan cố ta sẽ tìm cách khử đi là yên.

Triệu Ai vương bèn làm sớ theo ý mẹ. Sớ soạn xong, Cù Thái Hậu liền mời An Quốc Thiếu Quí đến trao tận tay và nói:

– Chàng đến Nam Việt lo việc cũng đã nhiều ngày rồi. Ngặt cái lão Lữ Gia đó cứ lôi thôi như thế biết bao giờ việc xong? Do đó mẹ con thiếp đành phải tự quyết định vậy! Đây là lá sớ của mẹ con thiếp mới soạn xong, bọn nó không hay biết gì đâu. Chàng hãy đọc thử xem. Nếu không có gì trở ngại, mong chàng thân hành mang nó dâng lên Hán đế cùng nói phụ giúp mẹ con thiếp một lời. Nếu Hán đế chuẩn y mà rộng ban chức tước, ban ấn tín cho mọi người, đặt chúng trước “chuyện đã rồi” chúng đâu còn dám không tuân mệnh?

An Quốc Thiếu Quí xem xong gật đầu:

– Soạn như vậy là được lắm. Chắc hẳn Hán đế chuẩn y thôi. Nhưng ta chưa cần về nước đâu. Ta về nước thì biết bao giờ mới gặp lại được nàng? Đã có người đi thay ta.

– Nhưng giao việc này cho người khác làm sao mẹ con thiếp được yên lòng? Lỡ bọn Lữ Gia nó xét càn lộ chuyện ra sợ chúng làm liều thì nguy hiểm lắm! Hơn nữa chàng ở đây lâu chúng sẽ sinh nghi. Vả lại, chỉ có chàng mới dễ dàng báo cáo tình hình nước Nam Việt với Hán đế và khuyên Hán đế làm thế nào cho tiện…

– Khỏi lo! Ta đã chuẩn bị bản báo cáo tình hình nước Nam Việt và sắp cho người chạy ngựa trạm mang về nước. Giờ mang luôn cả sớ xin nội phụ của vua Nam Việt lại càng tiện. Chạy ngựa trạm cả đi lẫn về cộng với thời gian gặp bề trên hay đợi giấy tờ cao tay chỉ mất chừng một tháng chứ nếu ta thân đi sẽ lâu hơn rất nhiều. Lính chạy ngựa trạm thường đủ bản lãnh, lại có thẻ bài đặc biệt không kẻ nào dám xâm phạm đâu! Nàng cứ yên chí.

Nghe Thiếu Quí giải thích như vậy Cù Thái Hậu cũng tạm yên lòng. Bà vẫn âm thầm tìm mưu triệt hạ Lữ Gia. Lữ Gia cũng biết việc đó nên rất dè dặt đề phòng.

Đúng như Thiếu Quí đã liệu, chỉ hơn hai tháng sau Hán đế đã cử một vị sứ giả khác mang chiếu chỉ sang, nội dung đại khái: Nước Nam Việt được chấp thuận nội phụ thiên triều. Vua Nam Việt cứ 3 năm sang chầu thiên tử và dâng cống phẩm một lần. Các cửa quan ngăn cách hai nước phải triệt bỏ hết. Triệu Ai vương và Tể Tướng Lữ Gia được ban ấn bằng bạc cùng các ấn nội sử, trung úy, thái phó. Các chức tước khác được tự đặt lấy theo nhu cầu. Dùng pháp luật Hán triều, bãi bỏ các hình phạt cũ. Các sứ giả đều ở lại để trấn giữ, vỗ về.

Nhận được chiếu của Hán đế, Cù Thái Hậu mừng lắm. Bà thúc giục Triệu Ai vương sửa soạn những lễ vật quí giá để về chầu thiên tử. Trước tình thế đó, Lữ Gia hết sức bối rối. Ông cáo ốm không chịu tiếp sứ nhà Hán để nhận sắc phong.

Cù Thái Hậu thấy vậy bèn bàn với sứ giả, một mặt cho người về Trường An xin tiếp ứng, một mặt tìm kế giết Lữ Gia. Bà cho đặt một cuộc tiệc trong cung vua để đãi sứ giả cùng một số trọng thần. Lữ Gia bất đắc dĩ phải đến dự. Để phòng chuyện bất trắc, ông bảo người em là Lữ Hùng đem quân đóng quanh cung vua. Các sứ giả và các quan ngồi đối diện nhau.

Vừa vào tiệc Cù Thái Hậu liền hỏi Lữ Gia:

– Nam Việt nội thuộc thiên quốc là điều lợi cho nước ta, thế mà tướng quân lại cho là bất tiện nghĩa là sao?

Hỏi câu này ý Cù Thái Hậu muốn khích cho các sứ giả nổi giận để triệt hạ Lữ Gia. Nhưng các sứ giả chưa kịp phản ứng thì Lữ Gia đã đứng dậy bước ra ngoài. Cù Thái Hậu định rút gươm của vua để giết ông nhưng vua ngăn lại. Lữ Hùng thấy ông ra liền cho quân đưa ông về nhà.

Biết không còn cách nào ngăn được ý định nội thuộc của mẹ con vua, Lữ Gia bèn chuẩn bị làm một cuộc đảo chánh.

Khi Hán đế nhận được tin Lữ Gia không chịu nhận sắc phong và quyết chống lại ý định nội thuộc của vua và Thái Hậu, ông gọi tướng Trang Sâm đến nói:

– Hiện nay ở Nam Việt Lữ Gia đã không chịu tuân mệnh nội thuộc. Vua và Thái Hậu thì bị cô lập không khống chế Gia được. Các sứ giả của ta thì nhút nhát không quyết đoán được gì. Chắc phải nhờ khanh ra tay một chuyến mới xong. Ta nghĩ vua và Thái Hậu Nam Việt đã chịu nội thuộc, chỉ có một mình Lữ Gia chống đối thì ta đâu cần phải dùng nhiều quân? Ta cho khanh 2 ngàn người sang sứ được không?

Trang Sâm tâu:

– Lấy sự hòa hiếu mà sang thì vài người cũng đủ. Lấy vũ lực mà sang thì 2 ngàn người không làm gì được. Hạ thần không dám tuân mệnh.

Hán đế nổi giận bãi chức Trang Sâm. Tướng Tế Bắc là Hàn Thiên Thu thấy thế tâu:

– Một nước Nam Việt cỏn con, lại có vua và Thái Hậu nội ứng, chỉ có một mình Tể Tướng Lữ Gia làm loạn thì có gì mà ngại? Xin cấp cho thần 300 dũng sĩ, thế nào thần cũng chém được đầu Lữ Gia đem về.

Hán đế vui mừng cấp cho Hàn Thiên Thu và em Cù Thái Hậu là Cù Lạc 2 ngàn quân tiến vào Nam Việt.

Trong khi vua và Thái Hậu sắm sửa xong lễ vật đế về chầu thiên tử thì một tờ hịch do Lữ Gia soạn cũng được truyền đi khắp nước đại khái: “Vua còn nhỏ tuổi, Thái Hậu vốn là người Hán, lại cùng với sứ giả nhà Hán dâm loạn, chuyên ý muốn nội phụ với nhà Hán, đem hết đồ châu báu của Tiên vương dâng cho nhà Hán để nịnh bợ, đem nhiều người đến Trường An rồi bắt bán cho người ta làm đày tớ, chỉ nghĩ mối lợi một thời, không đoái gì đến xã tắc họ Triệu và lo kế muôn đời” (ĐVSKTT).

Thế rồi Lữ Gia cho đem quân đánh, giết vua và Thái Hậu cùng tất cả bọn sứ giả. Tiếp đó, ông lập người con trưởng của Minh Vương là Thuật Dương hầu Triệu Kiến Đức lên làm vua tức Thuật Dương Vương.

Khi ấy đội quân của Hàn Thiên Thu đã vào cõi chỉ cách Phiên Ngung 40 dặm. Lữ Gia lại đem quân đánh một trận giết luôn cả Hàn Thiên Thu lẫn Cù Lạc. Lữ Gia lại chia quân ra trấn giữ các nơi hiêm yếu.

Hán đế nghe tin Lữ Gia đã đảo chánh, lại giết luôn cả Hàn Thiên Thu vô cùng tức giận. Ông liền sai Lỗ Bác Đức, Dương Bộc và nhiều tướng giỏi khác đem hơn 10 vạn quân chia làm nhiều ngả tiến đánh Nam Việt.

Lữ Gia quân ít thế yếu chống không lại. Cuối cùng Thuật Dương Vương lẫn Tể Tướng Lữ Gia đều bị giặc bắt giết. Từ đó dân tộc Việt bị rơi vào ách cai trị của nhà Hán (111 trước Tây lịch).

Thái Hậu Dương Vân Nga đời nhà Đinh

Dương Vân Nga là con gái của cựu vương Dương Tam Kha. Ông là em vợ của vua Ngô Quyền, vị anh hùng đã chấm dứt được cuộc Bắc thuộc kéo dài ngót một ngàn năm, giành lại quyền tự chủ cho dân tộc Việt. Khi Ngô Quyền sắp mất, ngài ủy thác cho ông lập người con trưởng của ngài là Ngô Xương Ngập lên kế vị. Nhưng vì lòng tham lam ích kỷ, ông đã không thực hiện theo di chiếu của vua mà lại mưu toan làm hại Xương Ngập để cướp quyền. Xương Ngập biết được âm mưu ấy nên phải trốn biệt. Tam Kha bèn tự lên ngôi vua xưng hiệu là Bình Vương. Nhiều người trong nước rất bất mãn việc soán ngôi này nên mầm loạn cũng bắt đầu phát sinh. Bình Vương làm vua được 6 năm thì bị người em của Xương Ngập là Ngô Xương Văn hạ bệ để giành lại ngôi vua. Trước tình thế đó, Dương Tam Kha phải hạ mình lạy lục Xương Văn để xin được toàn mạng. Nghĩ tình cậu cháu, Xương Văn không giết Tam Kha mà chỉ giáng làm Chương Dương Công, một hư tước không có quyền hành gì. Tuy giành lại được ngôi báu nhưng qua cuộc cướp ngôi của Tam Kha, lòng người đã ly tán, nhà Ngô suy yếu dần.

Sau khi được Ngô Xương Văn tha chết, Tam Kha về châu Ái (Thanh Hóa) lập trang Đông Lỗ ở miệt Thiệu Yên để sinh sống. Dương Vân Nga được sinh và lớn lên ở nơi này. Mới mười hai mười ba tuổi Vân Nga đã trở thành một thiếu nữ sắc nước hương trời, tánh tình rất tinh nghịch, lém lỉnh. Càng lớn Vân Nga càng đẹp và càng ngông nghênh táo bạo hơn. Có lúc ả còn xưng mình là “lệnh bà”, “hoàng hậu” nữa. Dương Tam Kha cho đó là một điềm lành. Ông đâm ra tin con gái mình có số “sang cả”, sẽ có ngày rửa được mối hận của ông.

Từ khi bị hạ bệ, Tam Kha thay đổi tính tình rất nhiều. Trước kia ông hay nói cười, đùa cợt, giờ ông trở thành một con người trầm mặc, lạnh lùng. Bình thường ông chỉ quanh quẩn trong trang trại. Rất ít khi thấy ông giao tiếp với ai. Có lẽ ông không muốn bị nghi ngờ lôi thôi.

Khi xảy ra cuộc loạn 12 sứ quân ông mừng lắm. Ông nghĩ đây là cơ hội có thế đẩy nhà Ngô đến chỗ sụp đổ. Thấy Sứ Quân Đinh Bộ Lĩnh là người có triển vọng làm nên đại sự nhất, ông liền tìm cách gả Vân Nga cho Bộ Lĩnh. Ông bịa chuyện trước kia ông với Đinh Công Trứ – thân phụ của Bộ Lĩnh – đã từng ước hẹn gả con cho nhau. Nay ông muốn giữ tròn lời hứa với cố nhân. Ông đã cậy một người thân tín là Lê Mật mang bức thư nhắc lại ước hẹn cũ với Đinh Công Trứ tìm trao cho Bộ Lĩnh.

Đinh Bộ Lĩnh vốn là người có bản lãnh, ham lập sự nghiệp mà ít quan tâm đến chuyện đàn bà. Trước cảnh loạn lạc lúc bấy giờ, Bộ Lĩnh cho rằng muốn thống nhất thiên hạ, yếu tố quan trọng nhất là phải kết cấu được lòng người. Ông đã không ngần ngại khi cưới Ca-Ông, một thiếu nữ người Mường không mấy đẹp làm vợ chỉ vì cô này là con gái của một vị tộc trưởng Mường có uy tín. Nay nhận được bức thư ân cần “cầu thân” của một vị cựu vương, ông rất mừng. Chẳng cần biết ước hẹn cũ vị này nói đến có thật hay không, chẳng cần biết tiểu thư Vân Nga đẹp xấu ra sao, ông vui vẻ phúc đáp nhận lời ngay.

Tới kỳ hẹn rước Vân Nga về Hoa Lư thì Đinh Bộ Lĩnh lại bận rộn công việc ở Bố Hải Khẩu (Thái Bình). Sứ quân Trần Minh Công vừa bàn giao lãnh địa này cho Bộ Lĩnh cai quản, ông phải lo chỉnh đốn, phủ dụ quân dân tại địa phương. Thế là ông sai viên tướng trẻ Lê Hoàn thay mình đi rước Vân Nga về Hoa Lư. Dịp gặp gỡ này đã khiến Vân Nga quen biết và có thiện cảm với viên tướng trẻ Lê Hoàn.

Hơn một năm sau thì Bộ Lĩnh dẹp được 12 sứ quân và lên ngôi vua. Ngài lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng, đổi tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Ngài lập một loạt 5 vị Hoàng Hậu trong đó có Ca-Ông và Dương Vân Nga.

Lúc bấy giờ nhà Tống cũng vừa thống nhất được nước Tàu. Lượng sức mình còn yếu, Đinh Tiên Hoàng cho sứ sang Tống xin thần phục, chịu triều cống theo định kỳ. Nhà Tống chấp thuận, phong cho ngài làm Giao Chỉ Quận vương, về sau lại gia phong Nam Bình vương. Ngài cũng phong người con trưởng là Đinh Liễn làm Nam Việt vương.

Là một vị vua siêng năng cần mẫn chăm lo việc nước, lại có đến 5 bà vợ chính thức, chưa nói đến hàng cung nữ, tất nhiên Đinh Tiên Hoàng không thể nào làm vui lòng được một người đàn bà trẻ tràn đầy sức sống như Dương hậu. Vấn đề này đã đưa đến việc Dương hậu liều lĩnh tư tình với tướng Lê Hoàn.

Rồi chuyện không may liên tiếp lại xảy ra cho nhà Đinh. Năm 978, không rõ Đinh Liễn phạm lỗi gì đó đã khiến Đinh Tiên Hoàng không vừa ý. Ngài không lập Đinh Liễn là con trưởng có công nhiều trong việc thống nhất giang sơn mà lại lập người con thứ là Hạng Lang làm Thái Tử. Vì quá uất ức, đầu xuân năm 979, Đinh Liễn đã cho người ám sát Hạng Lang. Tấn thảm kịch gia đình này đã làm Đinh Tiên Hoàng vô cùng ân hận. Ngài tự biết mình đã vấp một lầm lỗi lớn. Từ đó ngài hay uống rượu để giải sầu.

Tám tháng sau cùng năm, sau một cuộc rượu ở sân cung đình, hai cha con Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Đinh Liễn đều say mèm nằm nghỉ tại chỗ. Viên Chi hậu nội nhân Đỗ Thích không rõ vì lý do gì, đã nhân dịp này ra tay sát hại cả hai. (Có sách chép Đỗ Thích ngủ mơ thấy một vì sao rơi vào mồm khiến y sinh ảo tưởng số y sẽ được làm vua, lạnhân có rượu trợ hứng, y đã có hành động điên rồ ấy).

Sau khi xử tội tên Đỗ Thích, triều đình lập người con cuối cùng của Tiên Hoàng là Vệ Vương Đinh Toàn, còn gọi là Đinh Tuệ, mới 6 tuổi, con của Dương Hậu, lên làm vua. Dương hậu trở thành vị Thái Hậu phụ giúp ấu vương trị nước.

Trong bước đầu có nhiều vị đại thần như Ngoại Giáp Đinh Điền, Định Quốc Công Nguyễn Bặc, Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn cùng giúp vua và Dương Thái Hậu lo việc nước. Nhưng về sau Dương Thái Hậu chỉ chịu nghe ý kiến Lê Hoàn, bỏ ngoài tai tất cả những ý kiến khác. Thế là hằng ngày chỉ còn một mình Lê Hoàn ra vào cung vua để bàn việc với Thái Hậu. Quyền chính trong nước dần lọt hẳn vào tay Lê Hoàn. Ông tự xưng là “Phó Vương”, một mình điều hành cả việc trong lẫn việc ngoài.

Thấy sự thể như vậy, nhiều vị trung thần đâm ra lo ngại cho số phận nhà Đinh. Cuối cùng các đại thần Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Phạm Hạp đã khởi binh để diệt trừ Lê Hoàn. Nhưng cả ba người đều bị thất bại và bị Lê Hoàn giết chết.

Diệt xong các đối thủ đáng gờm, Lê Hoàn một mặt triệt để khai thác tình yêu mê đắm của Dương Thái Hậu, mặt khác, mua chuộc các tướng lãnh, chuẩn bị thực hiện một cuộc chính biến. Ông đã phong cho viên tướng lãnh thân tín là Phạm Cự Lượng làm Đại Tướng Quân.

Thói thường, hai nước ở cạnh nhau, nước lớn lúc nào cũng chực nuốt chửng nước nhỏ. Hễ thấy nước nhỏ gặp biến là nước lớn không bỏ lỡ cơ hội. Hiểu được chuyện đó, Lê Hoàn đã khôn khéo vừa động binh đề phòng nhà Tống xâm lăng, vừa mượn việc động binh này để ra tay.

Vào tháng 8 năm 980, một hôm, khi Phó Vương Lê Hoàn đang bàn việc chống nhà Tống với các quan ở triều thì Đại Tướng Quân Phạm Cự Lượng dẫn các tướng và nhiều quân sĩ mặc đồ trận đi thẳng vào nội phủ làm ai nấy đều kinh hoảng. Phạm Cự Lượng nói lớn giữa triều:

– “Thưởng người có công, giết người trái lệnh là phép sáng để thi hành việc quân. Nay chúa thượng còn trẻ thơ, chúng ta dẫu hết sức liều chết để chặn giặc ngoài, may có chút công lao thì có ai biết cho? Chi bằng trước hết hãy tôn ông Thập đạo làm Thiên tử, sau đó sẽ xuất quân thì hơn”.

Quân sĩ nghe đồng loạt hô lớnVạn tuế”!

Dương Thái Hậu bèn mời Lê Hoàn ngồi lên ngai vàng, lấy áo long cổn khoác lên người ông rồi tung hô vạn tuế. Thế là các quan và quân sĩ cũng đồng loạt quì xuống sụp lạy tân quân cùng tung hô vạn tuế. Cuộc đảo chánh cung đình này không tốn một giọt máu.

Lê Hoàn lên ngôi lấy hiệu Lê Đại Hành, đổi niên hiệu là Thiên Phúc nguyên niên.

Đinh Toàn bị giáng xuống làm Vệ Vương, tục gọi là Phế đế. Vua Lê cũng bắt chước vua Đinh, lập 5 người vợ làm Hoàng Hậu. Cựu Thái Hậu Dương Vân Nga được tái phong làm “Đại Thắng Minh Hoàng Hậu” đứng đầu 5 vị Hoàng Hậu ấy. Sau đó Đinh Toàn lại được vua Đại Hành nhận làm con nuôi.

Thực sự khi nghe tin nước Đại Cồ Việt có biến, nhà Tống cũng rục rịch động binh chuẩn bị ra tay. Nhưng chưa rõ thực lực quân sự của Đại Cồ Việt ra sao, họ dùng phương cách tiên lễ hậu binh để tránh bớt đổ máu. Tháng 9 năm 980, tức là sau khi vua Đại Hành lên ngôi hơn một tháng, viên sứ giả Lư Đa Tốn mang thư vua Tống sang Hoa Lư. Bức thư này khá dài, vừa phân tích sự hơn kém, vừa trách vừa dọa khuyên vua Đại Cồ Việt hàng phục.

Tháng 11 vua Đại Hành sai nha hiệu Giang Cự Vọng, Vương Thiên Tộ đưa thư sang Tống, giả làm thư của Vệ vương Đinh Toàn thỉnh cầu nối ngôi cha, xin ban mệnh lệnh chính thức. Dụng ý của vua Lê gởi thư này là cốt làm cho nhà Tống hoãn binh.

Vua Tống sai Trương Tông Quyền đưa thư trả lời:

– “Họ Đinh truyền nối ba đời, trẫm muốn cho Toàn làm thống soái, khanh làm phó. Nếu Toàn tướng tài chẳng có, vẫn còn trẻ con, thì nên bảo cả mẹ con cùng thân thuộc sang qui phụ. Đợi khi bọn họ vào chầu ắt sẽ có điển lễ ưu đãi và sẽ trao cờ tiết cho khanh. Nay có hai đường, khanh nên chọn một”.

Vua Đại Hành không chịu nghe đường nào cả.

Tháng 4 năm 981, vua Tống cho các tướng Hầu Nhân Bảo, Lưu Trừng, Trần Khâm Tộ chia quân ba hướng tiến đánh Đại Cồ Việt. Nhưng nhờ mưu lược hơn người của vua Đại Hành, tướng Hầu Nhân Bảo bị giết, nhiều tướng và quân sĩ nhà Tống bị bắt. Hai đạo quân của Lưu Trừng và Trần Khâm Tộ cũng đều thua tan, phải chạy trốn về Tàu để chịu tội.

Cuộc chiến thắng oanh liệt này đã khiến vua Tống nể mặt, chịu hòa.

Vua Đại Hành có tới 11 người con trai nhưng đều tầm thường cả. Ngược lại, người con nuôi Đinh Toàn lại càng lớn càng lộ vẻ thông minh mẫn tiệp hơn người. Điều đó đã khiến nhà vua đâm ra lo nghĩ. Thái úy Phạm Cự Lượng thấy vậy khuyên vua giết Đinh Toàn để tránh hậu hoạn. Vua không phản đối ý của Cự Lượng nhưng lại ngại làm việc đó sẽ khiến Dương hậu đau lòng. Ngài muốn tìm một giải pháp khéo léo hơn.

Một lần Thái sư Hồng Hiến ghé chơi nhà Cự Lượng, trong khi uống rượu, Cự Lượng lại đem vụ Đinh Toàn ra nói. Thái sư Hồng Hiến cũng tán thành ý kiến của Cự Lượng. Không ngờ ả nữ tì hầu rượu lại là người từng chịu ơn của Dương hậu. Biết được chuyện quan trọng này ả liền tìm cách báo lại với bà.

Dương hậu nghe được tin ấy vô cùng kinh hãi. Bà lập tức yết kiến vua Đại Hành lạy lục năn nỉ xin ngài che chở cho Vệ vương. Vua đã tìm lời trấn an bà, hứa chắc sẽ không để xảy ra chuyện như thế. Tuy đã được vua hứa nhưng bà vẫn chưa yên tâm. Bà đem việc này hỏi ý vị giáo sư thân tín của Vệ vương thì ông này đáp: Hoàng hậu đã tin cậy mà hỏi thần, thần cũng xin nói hết suy nghĩ của mình: Đức kim thượng không bao giờ thật tình che chở cho Vệ vương đâu! Chẳng có ai muốn làm cái việc “Dưỡng hổ di họa” cả! Sở dĩ đức kim thượng còn dung dưỡng Vệ vương tới lúc này chẳng qua chỉ vì nể mặt hoàng hậu thôi. Nếu một mai hoàng hậu trăm tuổi rồi, Vệ vương e khó thoát! Dù đức kim thượng có ý châm chước đi nữa, những thủ túc của ngài và các hoàng tử cũng chẳng để Vệ vương sống yên! Cái thế nó phải như vậy đó!

Câu nói ấy đã in sâu vào tâm não của Dương hậu. Bà bèn cho tìm người giỏi về hầu hạ Vệ vương để phòng chuyện bất trắc. Đinh Toàn vốn đã sẵn tính thông minh, hiếu động, thể chất lại mạnh khỏe, nên khi được những người tài năng hầu hạ, chàng càng dễ dàng phát triển bản lãnh.

Vừa đến tuổi trăng tròn Đinh Toàn đã trở thành một dũng tướng. Gặp hồi trong nước hay xảy ra giặc giã, chàng đã nhiều phen theo vua đi đánh dẹp. Giữa trận mạc lúc nào chàng tỏ ra dũng cảm, can trường ít ai sánh kịp. Vì thế, chàng luôn luôn đoạt được thắng lợi. Nhưng ưu điểm ấy lại làm cho Dương hậu càng không yên tâm.

Thấy con càng tỏ ra tài ba, Dương hậu càng lo sợ. Bà đã ý thức được với hoàn cảnh riêng biệt của con bà, càng tỏ ra tài ba, càng dễ rước lấy tai họa. Bà đâm ra tiếc hận chuyện cũ. Cái thời mê đắm trong tình yêu nồng cháy của bà đã qua. Vua Đại Hành bây giờ cũng chẳng khác gì vua Tiên Hoàng ngày trước. Tuổi tác và công việc ngập đầu đã giới hạn ngài rất nhiều trong việc chăn gối. Xa mặt cách lòng, cái gì rồi cũng dần nguội lạnh cả. Giờ nhìn lại bản thân, bà thấy mình chẳng còn lại gì ngoài Đinh Toàn, một đứa con tài ba nhưng vô phước. Việc bảo vệ sự an toàn của nó đã nằm ngoài tầm tay của bà. Trong triều thì một số trọng thần đang rình rập đoạt mạng nó, ngoài chiến trường thì mũi tên hòn đạn vô tình không nể nang ai. Mạng sống của nó lúc nào cũng như ngọn đèn dầu trước gió. Nguyên nhân nào đã khiến đứa con thân yêu của bà lâm vào tình trạng này? Chỉ bởi mối tình bất chính, nông nỗi của bà mà ra cả!

Những nỗi lo sợ, nỗi ân hận dằn vặt mãi đã khiến bà lâm bệnh. Trong cơn bệnh, bà đã nhiều lần mộng thấy những người bị chết oan như chồng cũ của bà là vua Tiên Hoàng, Nam Việt Vương Đinh Liễn, Đinh Điền, Nguyễn Bặc và cả Hạng Lang nữa hiện về. Lần nào bà cũng gặp họ trong một bầu không khí thê lương đáng sợ.

Sau cơn bệnh đó, Dương hậu không còn phục hồi được những niềm vui trong cuộc sống nữa. Tâm tư bà cứ bị dày vò triền miên khiến bà ngày càng khô héo.

Đến năm 1000 thì Dương hậu qua đời. Năm sau, năm 1001, Vệ Vương đã tử trận một cách lãng nhách trong một trận giặc mà quân triều đình đang đại thắng. Lời tiên đoán của vị giáo sư dạy Vệ Vương quả chính xác vô cùng!

(Muốn theo dõi chuyện này để rõ hơn, xin mời đọc cuốn tiểu thuyết lịch sử “Dương Vân Nga: Non Cao và Vực Thẳm” cùng tác giả).

Thái Hậu Lê Thị đời nhà Lý

Vua Lý Thần Tông mất sớm (1138), con trưởng là Lý Thiên Tộ mới 3 tuổi lên kế vị tức Lý Anh Tông. Mẹ vua là Lê Thị được tôn phong Hoàng Thái Hậu. Vua còn quá nhỏ nên Lê thái hậu phải luôn ở cạnh vua để giúp vua quyết định các việc.

Hai năm sau, Lê thái hậu trao chức Cung điện lệnh tri nội ngoại sự cho Đỗ Anh Vũ. Anh Vũ là em Đỗ thái hậu, mẹ vua Thần Tông, nhạc mẫu của Lê thái hậu. Từ 8 tuổi đã được tuyển vào đội ca múa trong vườn của vua. Năm 16 tuổi Anh Vũ được vua cho vào hầu hạ nơi màn trướng. Vốn được trời phú một dung mạo đẹp đẽ, đẫy đà, múa khéo hát hay, Anh Vũ rất được vua yêu chuộng. Lê thái hậu cũng sẵn có cảm tình với Anh Vũ nên đã trao cho ông ta chức vụ trên. Từ đó, Đỗ Anh Vũ được tham gia ý kiến sắp xếp công việc trong triều. Gần gũkhông bao lâu thì Lê thái hậu phải lòng Anh Vũ. Năm sau Đỗ Anh Vũ được thăng chức thái úy. Thế là mọi việc lớn nhỏ trong triều đều do một tay Đỗ Anh Vũ giải quyết.

Khi đã trở thành vị đại thần có quyền hành nhất trong triều, Đỗ Anh Vũ ngày càng trở nên kiêu ngạo, càn rỡ. Ngay giữa triều Anh Vũ vẫn nghênh ngang khoát tay, lừ mắt để ra hiệu lệnh sai bảo các quan. Y lại luôn để ý từng ly từng tí lỗi lầm của các quan để chỉ trích, khiển phạt. Các quan đều sợ quyền thế của y, chỉ còn biết ngầm than thở với nhau.

Không thể chịu nổi sự hống hách của Đỗ Anh Vũ, một nhóm quan lại đã cấu kết với nhau âm mưu diệt trừ y. Khởi đầu nhóm đã liên kết được: Điện tiền đô chỉ huy sứ Vũ Đái, Hỏa đầu đô Quảng Vũ là Lương Thượng Cá, Hỏa đầu đô Ngọc Giai là Đồng Lợi, Nội thị Đỗ Ất cùng đám tôn thất Trí Minh vương, Bảo Ninh hầu, Phò mã lang Dương Tự Minh.

Mấy ngày sau họ đã bí mật gặp nhau ở nhà Bảo Ninh hầu. Sau khi chào mừng mọi người, Bảo Ninh hầu nói:

– Tên gian thần Đỗ Anh Vũ ngày càng lăng loàn không ai chịu được. Hôm nay chúng ta gặp nhau ở đây cũng chính là để lo vụ đó. Có phải chúng ta sẽ cùng nhau soạn một tờ sớ hạch tội Đỗ Anh Vũ rồi cùng ký tên để dâng lên vua không?

Nội thị Đỗ Ất lắc đầu nói:

– Trước đây đã có nhiều vị dâng sớ vạch tội y nhưng đều bị Lê thái hậu dìm hết. Thái hậu lại còn trao các sớ vạch tội ấy cho Anh Vũ xem nữa. Vì vậy các vị vạch tội y đã lần lượt bị Anh Vũ làm hại sạch. Tôi nghĩ chúng ta phải làm cách gì khác chứ việc dâng sớ thì chắc khó kết quả mà rất nguy hiểm.

Điện tiền đô chỉ huy sứ Vũ Đái nói:

– Việc dâng sớ hạch tội quả thật rất khó kết quả. Ký sớ mà dâng lên nào khác chuyện đem thịt nộp cho cọp? Vua tức là Lê thái hậu mà Lê thái hậu tức là Đỗ Anh Vũ, đó là nỗi khổ của bọn ta. Chúng ta phải tìm cách nào ly gián được ba người ấy tách khỏi nhau mới hi vọng thành việc. Mong quí vị suy nghĩ xem có mưu kế nào có thể làm được không?

Hỏa đầu đô Tả Hưng Thánh là Nguyễn Dương nói:

– Dâng sớ thì không thể tới vua. Quyết định tối hậu thì không thể qua Lê thái hậu. Như vậy thì bao giờ chúng ta mới diệt trừ được tên gian thần ấy? Mà không diệt được y thì y lại tỉa lần chúng ta hết. Bất nhập hổ huyệt an đắc hổ tử, ta phải làm bạo mới xong. Phải nhân lúc bất ngờ đưa quân đến cửa Việt Thành áp lực khiến vua hạ chiếu bắt Anh Vũ mới được. Ngoài cách này không còn cách nào khác.

Mọi người đều tán thành ý kiến đó.

Thế rồi họ đem quân đến vây ngoài cửa Việt Thành, Vũ Đái hô lớn cho vua nghe:

– Anh Vũ ra vào cấm đình làm nhiều điều ô uế, tiếng xấu đồn ra ngoài, không tội gì to bằng. Bọn thần xin trừ đi để khỏi mối lo về sau.

Vua Anh Tông sợ hãi, bèn hạ chiếu sai cấm quân đến bắt Đỗ Anh Vũ trói giam ở hành lang Tả Hưng Thánh, giao cho Đình úy tra xét.

Lê thái hậu thấy Anh Vũ bị bắt giam không dám công khai can thiệp. Bà sai người cứ đúng bữa mang cơm đến cho Anh Vũ dùng. Hôm sau Anh Vũ cậy một người lính ngục đến thưa với quan Điền tiền Vũ Đái xin cho y được gặp mặt để bày tỏ một việc. Vũ Đái liền nạt:

– Bày tỏ cái gì nữa? Cứ ở đó đợi Đình úy tra xét.

– Bẩm, ông ta có gởi cho tướng quân một phong thư, tiểu tốt xin dâng ngài.

Tên lính lấy phong thư ra dâng Vũ Đái. Đọc thư xong Vũ Đái bảo:

– Ngươi về bảo y cứ đợi đấy.

Hôm sau Vũ Đái cùng Lương Thượng Cá, Nguyễn Dương đến kiểm tra chỗ giam Anh Vũ. Thấy Anh Vũ được giam riêng ở một phòng khá sạch sẽ, không bị gông xiềng trói buộc gì cả, Nguyễn Dương nói với viên quản ngục:

– Ở tù mà thoải mái vậy sao? Anh phải xiềng nó lại và cho canh giữ thật kỹ. Nó mà thoát được thì anh mang họa đấy.

Vũ Đái nói:

– Nó chưa có án mà. Dù sao trước đây nó cũng là một vị quan của triều đình. Ta cũng nên châm chước cho nó một tí.

Thấy Vũ Đái tỏ vẻ nhẹ tay với Anh Vũ, Nguyễn Dương cũng hơi bực mình. Khi Nguyễn Dương trở về nhà thì gặp một tên lính ngục cũng vừa đến. Dương hỏi:

– Ngươi đến đây có việc gì?

– Bẩm, ông Anh Vũ nhờ tiểu tốt dâng quan một phong thư.

– Về đi. Không thư từ gì hết.

Thấy tên lính ngần ngại chưa chịu đi, Nguyễn Dương nạt:

– Ta bảo về đi, ngươi nghe không?

Tên lính dùng dằng giây lát lại thưa:

– Bẩm, ông ấy cậy con mang cho quan một chút quà để quan uống trà…

Tên lính vừa nói vừa lo le cái hộp nhỏ ra. Nguyễn Dương nổi giận quát:

– Anh Vũ ở trong ngục làm gì có thứ ấy? Ngươi là lính ngục mà dám đến nhà tội nhân lấy của hối lộ hả? Vàng bạc ấy ở đâu ra thế? Dám lấy vàng bạc để mua chuộc ta hả? Người đâu! Hãy bắt giữ tên này cho ta!

Tên lính hoảng sợ vội sụp xuống lạy:

– Xin quan lớn tha thứ. Tiểu tốt đâu dám đến nhà tội nhân. Số vàng bạc tội nhân có được là do người mang cơm để trong giỏ cơm đưa vào.

Nguyễn Dương nghe tên lính ngục nói vậy mặt giận hầm hầm kêu lên:

– Thế này thì chết hết cả đám rồi! Hèn gì mà từ quan đến lính mặt nào mặt nấy đều tỏ vẻ độ lượng với thằng tù ấy. Ta phải trở lại ngục ngay để tự giải quyết chuyện này mới xong.

Khi trở lại nhà ngục Nguyễn Dương gặp nhiều bạn đồng liêu cũng đang ở đó. Ông nói lớn:

– Nếu các ông tham của đút, tôi với các ông tất không thoát khỏi tay Anh Vũ đâu! Chi bằng cứ giết nó trước đi cho khỏi tai họa về sau.

Nguyễn Dương cầm cây giáo xăm xăm định vào giết Anh Vũ. Đô Tả Hưng là Đàm Dĩ Mông vội ôm Dương, giật lấy cây giáo, ngăn rằng:

– Điện tiền bảo Anh Vũ đáng tội chết, nhưng phải đợi mệnh lệnh của vua, không nên tự tiện.

Nguyễn Dương không thực hiện được ý định nổi giận chửi:

– Điện tiền Vũ Cứt chứ không phải Vũ Đái! Sao lại tham của đút mà không tiếc mạng mình? Rồi các ông sẽ được chứng kiến cảnh Anh Vũ nó trả thù như thế nào.

Nói xong tự biết mình không khỏi chết, Nguyễn Dương nhảy xuống một cái giếng tự tử.

*

Khi vua xét án vụ án trên, nhờ có Lê thái hậu che chở, Anh Vũ không bị giết mà chỉ bị đày làm Cảo điền nhi tức phu làm ruộng cho nhà nước. Thái hậu vẫn lo buồn, lại cố nghĩ cách để cứu Anh Vũ. Bà bày kế mở những hội lớn để giảm án cho tội nhân. Sau mấy lần giảm án, Anh Vũ được tha. Không bao lâu sau Anh Vũ lại được phục hồi chức Thái úy phụ chính như trước.

Trở lại nắm quyền hành, Anh Vũ chuẩn bị cuộc trả thù rất chu đáo. Sợ khi sai quan quân đi bắt bớ phần nhiều không được như ý, Anh Vũ dâng hơn một trăm thủ hạ để làm đô Phụng quốc vệ. Người nào phạm tội đều giao cho đô Phụng quốc vệ đi bắt.

Tháng 10 năm 1140, Anh Vũ mật tâu với vua:

– Trước kia bọn Vũ Đái tự tiện đem cấm quân xông vào cung đình, tội ấy không gì to bằng. Nếu không sớm trừng trị, sợ một ngày kia sẽ sinh biến, hậu quả không thể lường được.

Vua chẳng biết gì cả nên chuẩn tâu. Thế là Anh Vũ sai đô Phụng quốc vệ đi bắt bọn Vũ Đái giam vào ngục để trị tội. Vua lại hạ chiếu giáng Trí Minh vương xuống tước hầu, Bảo Ninh hầu xuống tước minh tự, Bảo Thắng hầu xuống tước phụng chức. Bọn Nội thị Đỗ Ất gồm 5 người bị xử “thượng mộc mã”, tức là bị đóng đinh lên tấm ván, đưa đi bêu chợ rồi đem ra pháp trường tùng xẻo. Bọn Hỏa đầu đô Ngọc Giai là Đồng Lợi gồm 8 người bị đem chém ở chợ Tây Giai. Bọn Điện tiền đô chỉ huy sứ Vũ Đái gồm 20 người bị chém bêu đầu ở các bến sông. Bọn Phò mã lang Dương Tự Minh gồm 30 người bị tội đày đi vùng độc địa xa xôi. Những người dự mưu khác đều bị đồ làm điền hoành, khao giáp (làm lao dịch trong quân đội).

Hạ thủ xong đám người thù cũ, Đỗ Anh Vũ càng tha hồ thao túng triều đình. Biết mình không được lòng người, để đề phòng một vụ Vũ Đái thứ hai, Anh Vũ xúi vua hạ chiếu:

– Cấm các quan không được tự tiện vào trong cung, ai phạm phải sẽ bị xử tử. Người canh giữ không cẩn thận để người khác vào trong cung cũng bị tội như thế.

– Cấm các quan trong triều không được đi lại nhà các vương hầu. Ở trong cung cấm không được hội họp nhau năm ba người để bàn luận, chê bai, ai phạm bị trị tội. Kẻ nào phạm việc qua lại bên ngoài phía đầu hành lang chứa khí giới của đô Phụng quốc vệ bị xử 80 trượng, tội đồ. Nếu vào trong hành lang ấy sẽ bị xử tử. Lính Phụng quốc vệ ở trong hành lang ấy có chiếu chỉ mới được cầm khí giới, không có chiếu chỉ mà tự tiện mang khí giới đi quá xa ra ngoài phía đầu hành lang cũng bị xử tử.

Tháng 3 năm 1158, quan Tả ty Nguyễn Quốc Dĩ đi sứ nước Tống về tâu với vua:

– Thần sang nước Tống thấy ở giữa sân vua có đặt cái hòm bằng đồng để nhận các chương tấu của bốn phương, thần xin bắt chước mà làm như thế để bề trên rõ được tình người dưới.

Vua chuẩn y, cho đặt cái hòm giữa sân để ai muốn trình bày việc gì thì bỏ thư vào hòm ấy.

Bấy giờ có người bỏ thư nặc danh nói Anh Vũ làm loạn. Tìm xét không biết tác giả bức thư là ai, Anh Vũ bèn vu cho Nguyễn Quốc Dĩ làm, đày Quốc Dĩ lên trại Qui Hóa. Không bao lâu vua hối hận gọi Quốc Dĩ về. Anh Vũ sợ vua tha Quốc Dĩ sẽ bất lợi cho mình bèn đưa cho Quốc Dĩ một hũ rượu có thuốc độc. Quốc Dĩ tự biết không khỏi bị hại, bèn uống rượu độc chết.

Cũng may cho triều đình nhà Lý, chỉ nửa năm sau vụ đó Anh Vũ lâm bệnh mà mất.

Cái chết của Anh Vũ đã làm cho Lê thái hậu mất hết mọi sinh thú. Có lẽ bà dần nhận biết mình đã giúp Anh Vũ gây tội lỗi với triều đình quá nhiều, lại xấu hổ chuyện mình đã vướng vào một mối tình bất chính, bà đã âm thầm rút vào bóng tối. Từ đó không thấy sử sách nhắc nhở thêm gì về bà nữa.

Vương Phi Đặng Thị Huệ đời Lê Trịnh

Đặng Thị Huệ người làng Phù Đổng, con gái của một ông đồ nghèo. Mẹ mất sớm, mới lên mười Thị Huệ đã phải đi hái chè mướn để giúp đỡ gia đình. Mới 15 tuổi Thị Huệ đã lộ dần một tấm nhan sắc hơn người. Vốn tính thông minh, ưa học hỏi, tìm hiểu, lại nhờ cha hôm sớm dạy bảo, Thị Huệ cũng thu thập được ít nhiều kiến thức về cuộc đời. Điều làm Thị Huệ lo âu nhất là nàng có một đứa em trai tên Mậu Lân tánh tình rất hung dữ, ngỗ ngược. Càng lớn Mậu Lân càng ham chơi, hoang đàng chẳng chịu học hành, cũng chẳng chịu tập tành làm ăn. Gia đình ông đồ rất khốn đốn vì đứa con bất trị này.

Bấy giờ là đời Lê Hiển Tông, chúa Trịnh Sâm đang cầm quyền chính. Khi còn là thế tử, chúa đã ăn nằm với một cung tần tên Dương Ngọc Hoan. Cung tần này đã sinh cho thế tử một con trai đặt tên Trịnh Tông (1763). Nhưng vì không yêu Dương Ngọc Hoan nên thế tử vẫn để trống ngôi vợ cả. Sau nầ̀y, khi đã lên ngôi chúa (1767), chúa vẫn chẳng quan tâm gì tới mẹ con Ngọc Hoan. Mấy năm sau chúa mê đắm Trần Thị Vịnh, phong bà này làm tiệp dư. Bà tiệp dư này mắc chứng ít ham muốn, sống với chúa gần hai năm mà chẳng con cái gì nên bà cũng chẳng hi vọng gì ở ngôi chính phi. Hơn nữa, chúa là người đàn ông cuồng yêu mà lại chỉ chuyên yêu một mình bà nên bà cũng hơi ngán. Nhân một lần về thăm quê, tình cờ Thị Vịnh gặp được cô hái chè Đặng Thị Huệ. Thấy Thị Huệ xinh đẹp hơn người, bà tiệp dư dụ nàng về cung để hầu hạ bà. Vốn đã ngán ngẩm cuộc sống vất vả thiếu hụt triền miên, Thị Huệ vẫn đang mong một cơ hội đổi đời. Nay nghe bà tiệp dư ngọt ngào khuyên nhủ, nàng đồng ý ngay. Cha nàng không bằng lòng nhưng thấy con cương quyết quá ông đành buông xuôi. Dĩ nhiên là từ đó cuộc sống của gia đình ông cũng khá hơn.

Chỉ ở với bà tiệp dư Thị Vịnh một thời gian ngắn, Thị Huệ đã hiểu nhiều về các lễ nghi khuôn phép trong cung.

Một hôm, bà tiệp dư sai Thị Huệ mang dâng chúa một khay hoa đẹp. Vừa thấy mặt người dâng hoa chúa đã sững sờ nhìn không chớp mắt. Thế là chúa cho giữ Thị Huệ ở lại phủ luôn. Tiệp dư Thị Vịnh thấy vậy cũng hài lòng vì bà vừa đỡ chịu gánh nặng vừa có ơn với cả chúa lẫn Thị Huệ. Chúa đã ở chung với Thị Huệ một nhà như kiểu vợ chồng dân dã. Xe cộ, áo quần, của Thị Huệ đều được phép sắm sửa sang trọng không kém gì của chúa cả. Thị Huệ nói gì chúa cũng nghe, khi quyết định việc gì chúa cũng hỏi ý nàng. Càng được chúa cưng chiều Thị Huệ càng lộng hành. Hễ có chuyện không vừa ý là Thị Huệ làm mày làm mặt ngay khiến chúa nhiều phen phải xuống nước dỗ dành.

Nguyên chúa có một viên ngọc dạ quang vẫn xâu ở trên đầu khăn làm đồ trang sức. Một lần Thị Huệ cầm lấy viên ngọc ấy mân mê, chúa nói:

– Nhẹ tay một chút kẻo nó xây xát mất.

Thị Huệ nổi giận ném viên ngọc xuống đất khóc:

– Làm gì với hạt ngọc này! Bất quá vào Quảng Nam kiếm hạt khác giả chúa là cùng. Sao chúa nỡ trọng của khinh người đến thế?

Rồi nàng tự ý bỏ ra ở cung khác. Chúa phải một phen vất vả dỗ dành nàng mới chịu làm lành trở lại.

Khi Thị Huệ có thai, chúa sai người đi lễ khắp trăm thần để cầu con thánh. Sau đó Thị Huệ sinh được một con trai (1777). Chúa thích ý quá, lấy ngay tên thuở nhỏ của chính mình mà đặt tên cho con: Trịnh Cán. Trịnh Cán càng lớn lại càng tỏ ra thông minh dĩnh ngộ nên chúa càng yêu quí. Thấy chúa quá lạnh nhạt với mẹ con thái phi Dương Ngọc Hoan, Thị Huệ lại nẩy sinh tư tưởng giành ngôi thế tử cho con mình. Từ đó Thị Huệ cố mua chuộc cảm tình của một số quan lại trong triều để làm hậu thuẫn. Mặt khác, bà cố tìm các tì vết của mẹ con cung tần Ngọc Hoan rồi thủ thỉ lại với chúa.

Trước đây chúa vốn có người em cùng cha khác mẹ là Trịnh Lệ đã mưu cướp ngôi chúa nhưng không thành. Mẹ của Trịnh Lệ họ Dương, quê ở làng Long Phúc, huyện Thạch Hà lại là chị của cung tần Dương Ngọc Hoan. Đó là nguyên nhân đã khiến chúa ghét bỏ mẹ con Ngọc Hoan. Theo lệ cũ, đáng lẽ khi vương tử Trịnh Tông lên 12 thì phải cho ra ở Đông cung. Nhưng khi các quan nhắc với chúa việc ấy, chúa đã không cho mà bắt vương tử phải ra ở nhà riêng của quan a bảo Nguyễn Đĩnh. Như vậy là ngôi đông cung vẫn bỏ trống. Khi Trịnh Cán lên bốn thì Trịnh Tông đã mười tám. Đa số các quan theo phép xưa, đều có vẻ nghiêng về Trịnh Tông. Thị Huệ biết vậy nên hết sức lo lắng. Cuối cùng bà quyết định phải mua chuộc cho được một viên quan có danh vọng nhất đương thời để làm nơi nương dựa: Huy quận công Hoàng Đình Bảo (gọi tắt là Quận Huy).

Quận Huy nguyên là một danh tướng văn võ toàn tài. Chúa Trịnh Doanh (thân phụ chúa Trịnh Sâmthương mến nên đã gả quận chúa Ngọc Vi cho Quận Huy. Lúc bấy giờ Quận Huy đang được cử làm trấn thủ Nghệ An. Sau đó vì những người ghen ghét bịa chuyện đồn đại Quận Huy có ý làm phản nên chúa cũng sinh lòng nghi ngờ. Thế là chúa bàn với hai viên quan thân tín là Nguyễn Khản và Nguyễn Đĩnh tìm cách loại trừ Quận Huy. Không ngờ chuyện bí mật này lại lọt vào tai Đặng Thị Huệ. Nhân dịp quận chúa Ngọc Vi – vợ của Đình Bảo về cung thăm thánh mẫu (mẹ chúa Trịnh Sâm), Thị Huệ đã tiết lộ việc này với bà. Quận chúa nghe sợ quá vội trở về Nghệ An báo cho chồng hay. Quận Huy biết chuyện cũng sợ hãi, liền nghĩ mưu để tự cứu. Sau cùng ông nghĩ chỉ có cách rời bỏ binh quyền mới hi vọng thoát được lòng nghi kỵ của chúa. Quả nhiên, khi ông dâng thư xin trở về triều chúa chấp thuận ngay. Là người suy nghĩ chín chắn, ông biết lòng người hầu hết đang hướng về Trịnh Tông. Thị Huệ tuy được chúa yêu nhưng Trịnh Cán còn nhỏ quá, thiếu hậu thuẫn, khó làm nên việc. Chắc nhất là phải tìm được sự che chở của Trịnh Tông may ra được an toàn trong lúc này. Thế rồi Quận Huy cho đem vàng bạc đút lót cho các tay chân của Trịnh Tông để lấy lòng. Sau đó Quận Huy lại đem 100 lạng vàng và 10 tấm lụa Nam Kinh để làm lễ xin ra mắt Trịnh Tông. Nhưng Trịnh Tông sai trả đồ lễ lại và không tiếp. Vương tử lại nói với các thuộc hạ:

– Thằng giặc ấy sao không ở trấn làm phản mà lại vội về triều? Rồi đây ta sẽ tịch thu hết cả gia sản nhà nó, cần gì đồ lễ của nó bây giờ!

Quận Huy biết Trịnh Tông không dung mình bèn quyết ý phò Trịnh Cán. Ông đem ngôi nhà cũ của Hoàng Ngũ Phúc cho Trịnh Cán làm dinh thự. Từ đó trước mặt chúa Thị Huệ luôn luôn nói tốt cho Quận Huy. Thế là chúa không còn nghi ngờ Quận Huy nữa mà còn tín nhiệm đưa Quận Huy vào chính phủ (phủ chúa). Quận Huy được mở dinh Trung Nhuệ, coi việc trong phủ và kiêm lãnh chức trấn thủ Sơn Nam. Từ đó Quận Huy và Thị Huệ trong ngoài liên kết với nhau, thế lực nghiêng cả thiên hạ.

Từ khi Trịnh Cán ra đời, Trịnh Tông lúc nào cũng lo lắng không yên. Ông cứ sợ ngôi chúa sẽ lọt về tay Trịnh Cán. Vì thế, ông luôn thúc giục các thuộc hạ như Thế Thọ, Thẩm Thọ, Đàm Xuân Thụ, Vĩnh Vũ tìm mưu kế để ngăn chận chuyện ấy.

Rồi bất ngờ chúa lâm bệnh, tình trạng ngày càng nguy kịch. Một hôm Trịnh Tông ngủ mơ thấy mình mặc áo chầu chàm, đội mũ chữ đinh, đứng ở phủ đường. Sáng dậy ông hoảng hốt nói với các thuộc hạ:

– Ta mơ như vậy chắc là điềm có tang rồi. Nay mai chắc trong cung sẽ có biến. Ta phải sớm lo liệu trước mới được.

Bọn thuộc hạ liền khuyên Trịnh Tông ngầm chiêu mộ dũng sĩ, sắm sửa binh khí sẵn. Nếu trong cung xảy việc chẳng lành thì cứ việc đóng chặt cổng thành, giết Quận Huy, bắt giữ mẹ con Thị Huệ là xong. Mặt khác lại thông báo với Nguyễn Khản, trấn thủ Sơn Tây và Nguyễn Khắc Tuân, trấn thủ Kinh Bắc đưa quân hai trấn về ép các quan phù lập Trịnh Tông lên làm chúa.

Trịnh Tông nghe lời, lo chuẩn bị sẵn mọi việc để chờ thực hiện mưu kế đã định. Không ngờ có tên Nguyễn Huy Bá phát giác được việc đó bèn báo với Thị Huệ. Nhằm lúc ấy chúa cũng vừa khỏi bệnh. Chúa giận quá định sai người đi trị tội tức khắc nhưng Quận Huy can:

-Vương tử Tông quả có lỗi nhưng vương tử dám làm chuyện to lớn như vậy là do hai viên trấn thủ Sơn Tây và Kinh Bắc chủ mưu. Nay hai viên ấy còn cầm quyền chỉ huy ở ngoài, nếu vội vã trừng trị vương tử e sẽ có biến khác. Chẳng bằng trước hết triệu hai viên ấy về triều bắt giam trước rồi tuyên bố tội trạng để trừng trị một thể.

Chúa nghe lời làm theo ý Quận Huy. Kết quả nhiều quan chức thuộc phe cánh Trịnh Tông kẻ phải uống thuốc độc, người bị xử tử. Trong số đó bị xử oan ức cũng không ít. Riêng vương tử Trịnh Tông bị giáng làm con út. Thánh mẫu thấy Trịnh Tông đã trưởng thành trong khi Trịnh Cán còn quá nhỏ, lại bệnh hoạn èo uột đâm lo lắng nói với chúa:

– Với ta thì Tông hay Cán cũng là cháu cả. Ta mong chúa hãy nghĩ đến tôn miếu xã tắc, tạm dành ngôi đông cung lại đó, may ra Tông nó hối hận thì tốt, còn không, đợi Cán khôn lớn hãy lập trưởng cũng được.

Chúa đáp:

– Tông với Cán đối với mẹ là cháu chưa bắng đối với tôi là con. Biết con chẳng ai bằng cha. Nếu không sớm định người truyền ngôi bọn tiểu nhân sẽ sinh dòm ngó. Nếu bệnh Cán không khỏi, thà lập Quể quận công Trịnh Bồng, trả lại ngôi cho dòng chính chứ không thể giao cho thằng con bất hiếu để nó làm hỏng cơ nghiệp của tổ tiên.

Để tuyệt lòng người hướng về Trịnh Tông, chúa chính thức lập Trịnh Cán làm thế tử. Vì bất bình với vụ phế Tông lập Cán này, trong dân chúng lại lan truyền câu ca dao:

Đục cùn phải giữ lấy tông,
Đục long, cán gãy còn mong nỗi gì?”

Từ đó phe cánh của Thị Huệ càng ngày càng mạnh.

Nguyên Thị Huệ có một người em trai tên Đặng Mậu Lân bản tánh rất hung bạo. Từ khi Thị Huệ được chúa mê đắm, Mậu Lân dựa thế chị, lập bè lập đảng ngang ngược giết người, cướp đất, hiếp dâm bất cứ phụ nữ nào hắn muốn, coi phép nước không ra gì cả. Ai cũng sợ hắn như sợ cọp. Vì sợ oai Thị Huệ, quan quân cũng chẳng ai dám ra tay trừng trị. Thị Huệ lại còn xin chúa gả quận chúa Ngọc Lan cho hắn. Ngọc Lan là con gái thứ hai của chúa, thanh cảnh, yếu đuối, chúa rất yêu chiều. Các quan hàng công thần, quí tộc nhiều người đã tới cầu hôn nhưng chúa chưa hứa gả cho ai. Nay Thị Huệ cầu hôn cho em trai, chúa sợ mất lòng, bất đắc dĩ phải gượng nhận lời.

Chúa hứa gả con nhưng rất áy náy vì biết Ngọc Lan yếu đuối, mảnh khảnh khó mà chịu nổi một tên đàn ông cường bạo như thế. Khi đưa quận chúa về nhà Mậu Lân, lấy cớ quận chúa chưa lên đậu lên sởi, chưa cho phép Mậu Lân được gần gũi. Ngoài việc sai viên quan a bảo cùng nhiều thị tì theo hầu quận chúa, chúa còn sai Sử Trung hầu theo để làm giám chế.

Lần nào muốn đến với quận chúa Mậu Lân cũng bị Sử Trung ngăn cản. Một lần hắn nổi khùng lên nói với Sử Trung:

– Chúa bảo con gái chúa là tiên dưới trần, nhưng ta coi ra, thật không bằng con bé xách giày nhà ta, quí hóa gì. Ta chẳng ham gì nhan sắc của nó, nhưng tốn kém hết bao nhiêu tiền mới lấy được một con vợ. Nếu không ra hồn thì cũng phải vần cho nó một trận cho nẫu nhừ ra bùn để đền đắp lại phí tổn rồi sẽ tống cổ nó đi. Còn mày nếu muốn sống hãy tìm nẻo mà cút. Nếu không, đừng trách ta không báo trước.

– Đó là mật chỉ của chúa thượng, không phải tôi dám làm như vậy.

– Mày thử hỏi chúa, nếu chúa ở vào địa vị tao chúa có nhịn được không?

– Quan lớn không nên quá lời như vậy. Nhà chúa không thể so sánh với người thường.

– À, mày đem chúa để dọa tao hả? Chúa là cái quái gì?

Dứt lời, Mậu Lân tuốt gươm chém Sử Trung chết tại chỗ. Hắn lại truyền đóng chặt cửa dinh không cho ai ra vào, định ngầm thủ tiêu cái thây Sử Trung.

Quận chúa biết chuyện sợ quá, sai một thị tì lén chui qua một lỗ hổng chạy về phủ chúa báo tin. Chúa nổi giận sai quan hầu dẫn một toán quân đến bắt Mậu Lân. Hắn cầm gươm lăm lăm đứng trước cửa dinh dọa:

-Đứa nào muốn chết cứ tới đây!

Chúa phải sai Quận Huy đi bắt Mậu Lân. Thấy em mình khó thoát tội chết, Tuyên Phi khóc lóc lạy lục chúa xin cho mình được chết thế. Bất đắc dĩ, chúa chỉ đày Mậu Lân đi châu xa.

Năm 1782 chúa lâm bệnh nặng, một mình Thị Huệ luôn ở cạnh săn sóc cho chúa. Khi bệnh đã đến hồi kịch liệt, Thị Huệ nói với chúa:

– Thiếp thờ chúa thượng, nhờ ơn được chúa quá thương yêu thành ra nhiều kẻ thù ghét. Không biết rồi đây mẹ con thiếp sẽ gởi thân vào đâu?

Chúa an ủi:

– Thế tử đã được lên ngôi đông cung, nước là nước của nó. Rồi đây khanh sẽ làm mẹ cả thiên hạ, còn ai thay đổi được?

– Sợ không dự định trước, đến lúc tình thế khẩn cấp người khác có thể cướp mất.

Lúc ấy cũng có Quận Huy ở đó, chúa nói với Quận Huy:

– Sau này ngươi cần hết sức giúp đỡ chính cung và thế tử cho ta yên lòng.

Quận Huy thưa:

– Tôi đâu dám chẳng hết lòng vì chuyện này. Nhưng lúc này chúa còn tỉnh táo, xin hãy kịp thời truyền mệnh lệnh cho thế tử Cán nối ngôi và lập chính cung làm vương phi cùng coi việc nước để cho có mệnh lệnh sẵn sàng.

– Phải đấy! Khanh cần làm phụ chính cho vương tử.

Quận Huy xin chúa triệu thêm 6 vị trọng thần có uy tín cùng nhận cố mệnh của chúa để cùng nhau gánh vác việc triều chính. Chúa bằng lòng. Quan thiêm sai Nhữ Công Điền được cử soạn thảo sắc phong Thị Huệ làm Tuyên phi. Chúa gởi gắm con côi Trịnh Cán cho 7 vị đại thần xong thì qua đời, thọ 44 tuổi. Quận Huy một mặt cắt đặt các quan lo việc tang lễ, một mặt sai Thùy Trung hầu sao lấy mấy bản thư cố mệnh và từ sách phong Tuyên phi đưa ra chính phủ để dâng lên vua Lê.

Ngay hôm đó, vua Lê hạ sắc dụ lập thế tử Trịnh Cán làm Điện Đô vương.

Trịnh Cán giữ ngôi chúa đương nhiên Tuyên phi trở thành người chủ cán trong phủ. Trong 7 viên đại thần chịu cố mệnh Tuyên phi lại tín nhiệm Quận Huy hơn ai hết. Mọi việc Tuyên phi thường chỉ bàn với Quận Huy rồi quyết định. Dần dần việc này gây nên mối nghi ngờ trong thiên hạ. Người ta hay tụm năm tụm ba trạo vấn đề như chúa còn nhỏ lại hay ốm đau e trong cung sắp có biến. Hoặc Tuyên phi sắp dâng cơ nghiệp họ Trịnh cho Quận Huy… Những câu ca dao khích động lòng người cũng được lan truyền như:

Sáu quan cố mệnh ngẩn ngơ,
Để cho Huy Quận vào rờ chính cung” hoặc
Ba quân có mắt như mờ,
Để cho Huy Quận vào rờ chính cung” .

Quận Huy nghe chuyện như vậy liền sai quan đề lĩnh quân vụ dùng biện pháp mạnh để trị những kẻ phao tin nhảm làm dân chúng càng xôn xao. Nhóm tay chân cũ của Trịnh Tông thấy lòng dân hoang mang như vậy đã không bỏ lỡ cơ hội, xúi giục Trịnh Tông âm mưu đảo chánh. Trịnh Tông sai một bộ thuộc tên Dự Vũ làm một bữa cơm rượu mời bọn biện lại trong đám thân quân đến đánh chén rồi nói:

– Vương tử Tông vốn chẳng có tội gì nhưng bị mụ đàn bà họ Đặng ác nghiệt mê hoặc tiên chúa vu tội hãm hại để cướp ngôi. Quận Huy có lòng phản nghịch lại hùa với mụ gây ra việc bỏ người này lập người kia để hắn làm phụ chính cho tiện việc cướp nước. Nay tân chúa bị bệnh nặng, sự nguy biến chỉ trong sớm tối. Không biết rồi đây cơ nghiệp nhà chúa sẽ do ai làm chủ? Ba quân đều là người ở đất “thang mộc” (Thanh, Nghệ), ai cũng sẵn lòng trung nghĩa. Nếu anh em còn nghĩ tới cái ơn của nhà chúa nuôi nấng trong hai trăm năm, hãy một lòng giúp đỡ nhà chúa.

Bọn biện lại đồng loạt nói:

– Chúng tôi vẫn sẵn có bụng ấy nhưng còn ngại vương tử không chịu. Nay đã là ý của vương tử thì việc đó đâu khó gì.

Thế rồi họ ngầm đi báo cho nhau hẹn họp nhau ở chùa Khán Sơn để bàn chuyện. Mọi người đều đồng lòng nhưng chưa biết khởi sự như thế nào cho ổn. Viên biện lại Bằng Vũ tình nguyện sẽ nhân lúc cúng cơm sáng cho chúa, y sẽ đánh một hồi trống trong phủ làm hiệu rồi tất cả ập vào giết Quận Huy. Ý kiến của Bằng Vũ rất được chúng quân hoan nghênh. Viên thiêm tri binh phiên Trần Hữu Cầu lại soạn một tờ hịch “Ba quân phù chính” đem dán khắp nơi. Cuối cùng họ đã thực hiện ý kiến của Bằng Vũ. Kết quả là Quận Huy bị giết trước sân phủ chúa.

Giết Quận Huy xong quân sĩ reo hò kéo đến nhà Tả Xuyên rước vương tử Trịnh Tông phò lên phủ đường rồi tôn lên ngôi chúa, lấy hiệu là Đoan Nam vương. Thế là Cung tần họ Dương, mẹ Trịnh Tông trở thành thái phi.

Sau cuộc lễ mừng tân chúa các quan mới đem đạo sắc của vua Lê và tờ chỉ của thánh mẫu dụ ba quân về việc phò lập chúa tới dán ở các cửa. Những tờ ấy đều là tạm thời thảo ra nhưng được gọi là những mệnh lệnh định sẵn.

Khi biết cuộc biến loạn xảy ra, Tuyên phi khiếp quá, bèn thay áo quần núp ở hậu cung. Các gia thần của chúa Cán đều chạy trốn tứ tán. Quận Diễm Trần Xuân Huy cũng bồng chúa Cán lánh vào một nơi. Đến tối thánh mẫu mới cho người đi tìm Tuyên phi và chúa Cán về cung cho thay quần áo và ăn uống. Chúa Cán vì quá sợ hãi không ăn uống gì được nên bệnh càng nặng. Đoan Nam vương bèn treo giải thưởng ai chữa khỏi cho chúa Cán sẽ được thưởng 100 lạng vàng và phong tước hầu. Thế nhưng chẳng có ai nhận chữa cả.

Sau đó chúa Cán bị giáng làm Cung quốc công. Chẳng bao lâu Cung quốc công Cán mất.

Bọn quân sĩ sau khi giết Quận Huy để lập Đoan Nam vương xong thì ỷ công luông tuồng hống hách không coi ai ra gì cả. Chúng phá nát dinh thự của Quận Huy xong lại phá nát nhà các vị quan mà chúng thù ghét. Ai ngăn trở hành động của chúng đều bị giết hết. Bất kể quan dân gì hễ thấy chúng đều phải lo lánh mặt. Ngay cả các vị quan xử án cũng phải xử theo ý chúng, nếu không nghe thì tánh mạng hay nhà cửa quan án cũng tiêu vong. Dân chúng ở trong vùng chúng đóng cũng bị chúng nhũng nhiễu ức hiếp mọi bề. Đoan Nam vương đành bất lực trước tình trạng ấy. Người đương thời gọi cuộc loạn này là “loạn kiêu binh”.

Khi chúa Cán đã bị truất, Dương thái phi sai bắt Thị Huệ đến trước mặt mình mắng nhiếc, kể tội, buộc Thị Huệ phải quì lạy nhận lỗi. Thị Huệ đã nhất định không chịu. Thái phi bèn sai hai thị nữ đứng kèm hai bên, níu tóc Thị Huệ rập đầu xuống đất. Nhưng Thị Huệ vẫn không chịu lạy và cũng chẳng mở miệng kêu một lời. Dương thái phi giận quá, nhổ nước miếng vào mặt, vào đầu Thị Huệ, đánh đập rất tàn nhẫn. Hành hạ xong bà cho nhốt Thị Huệ vào nhà Hộ tăng ở vườn sau. Ở đây Thị Huệ vẫn bị tiếp tục hành hạ cực kỳ khổ sở. Không chịu nổi, Thị Huệ đã lén trốn một lần nhưng không lọt. Từ đó càng bị giam giữ kỹ hơn.

Năm sau, trong nhà thờ ở lăng Thịnh vương xảy ra một hiện tượng lạ. Người giữ lăng báo liền báo sự thể về cung. Dương thái phi liền mời một bà đồng vào hỏi ý. Bà đồng nói việc này hẳn do Tiên vương có điều gì đó không vừa ý. Nếu không sớm lo, còn có nhiều việc xấu sẽ xảy ra. Chúa và thái phi đâm ra lo sợ, bèn sai dâng lễ tạ tội và cho Thị Huệ phục hồi chức cung tần, đưa ra ở lăng Tiên vương để sớm tối lo việc khói hương.

Đến ngày giỗ Đại tường, triều đình đã sắp xếp sẵn vị trí nhất định cho những người sẽ cúng lạy Tiên vương tùy địa vị của họ. Thị Huệ được sắp chỗ quì ở chiếu dành cho các cung tần. Nhưng tới gần giờ cúng vẫn chưa thấy Thị Huệ ra chiếu. Bất ngờ Thị Huệ xuất hiện nhưng không vào chiếu cung tần mà lại bước hẳn vào chiếu chính phi mà quì làm các quan lo việc lễ nghi lúng túng không biết làm sao. Vị trưởng lễ đến giải thích và mời Thị Huệ về chiếu cung tần nhưng bà không chịu nghe. Hai cung nhân được lệnh vào dìu Thị Huệ đi nhưng bà đã đổ gục xuống, miệng ói máu ra chiếu. Thì ra Thị Huệ đã uống thuốc độc để chết theo chúa.

Lúc bấy giờ Nguyễn Hữu Chỉnh đã theo Tây Sơn, nghe được tin này Chỉnh khen:

– Chết được lắm! Trước đây ta vẫn tưởng Tuyên phi chỉ có nhan sắc, không ngờ bà ta cũng còn là một người có khí tiết!

(Muốn theo dõi chuyện này để rõ hơn xin đọc cuốn tiểu thuyết lịch sử Hoàng Lê Nhất Thống Chí của Ngô Gia Văn Phái và cuốn lịch sử ký sự Bà Chúa Chè của Nguyễn Triệu Luật).