Trong ký ức của tôi vẫn lưu giữ hình ảnh một nàng dâu xứ Huế mặt hoa da phấn, xúng xính trong chiếc áo dài thêu hình loan phượng điểm xuyết những hạt kim sa long lánh, đậu đội chiếc khăn vành màu vàng đi qua ngõ nhà tôi để về làm dâu nhà bác Thục ở cuối xóm. Tôi hỏi mạ: “Con trai bác Thục bán đậu hũ mà cưới được công chúa phải không mạ?”. Mạ tôi cười: “Bữa ni làm chi còn vua chúa nữa hả con?”. Tôi thắc mắc: “Sao con thấy cô dâu ăn mặc như mấy bà hoàng hậu, công chúa trong ảnh chụp lúc xưa?”. Mạ tôi lại cười: “Vào những ngày trọng đại như ngày cưới, phụ nữ Huế mình thường mặc áo rộng và đội khăn vành để làm cho mình đẹp đẽ hơn, quý phái hơn. Việc đó xưa nay đã thành nếp rồi. Ai ai cũng theo cả”.

Lưu bản nháp tự động

Thế rồi, hình ảnh người phụ nữ Huế với chiếc khăn vành sang trọng đã trở nên quen thuộc với tôi khi tôi rời ngôi làng nhỏ ven đô để vô Huế học hành và lập nghiệp. Tôi bắt gặp những nét đẹp duyên dáng ẩn dưới những vành khăn quý phái ấy trong những dịp cưới hỏi, trong các kỳ lễ hội diễn ra gần như quanh năm ở Huế, nhất là trong dịp lễ vía Thánh Mẫu Thiên Y A Na ở điện Huệ Nam vào tháng 3 và tháng 7 hàng năm.

Một dịp tôi viếng thăm nhà lưu niệm Đức Từ Cung (Đoan Huy hoàng thái hậu, mẹ vua Bảo Đại) ở đường Phan Đình Phùng. Đây là nơi bà đã sinh sống trong gần 20 năm cuối đời, là nơi lưu giữ nhiều kỷ vật và hình ảnh của Đức Từ Cung, của vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương. Ngắm những chân dung của Đức Từ Cung và của hoàng hậu Nam Phương, tôi thấy chiếc khăn vành mà hai bà thường đội trông lớn hơn rất nhiều so với khăn vành của người khác. Tôi đem điều thắc mắc này hỏi cô Lê Thị Dinh, người đã có 30 năm chăm lo trang phục cho Đức Từ Cung. Cô Dinh cho biết: những chiếc khăn dành cho hoàng thái hậu và hoàng hậu triều Nguyễn sử dụng dài đến 12 m, vì thế khi vấn xong, kích thước chiếc khăn vành bao giờ cũng lớn hơn khăn vành của thường dân.

Theo lời cô Dinh, các bà hoàng triều Nguyễn thường vấn khăn vành trong các dịp triều hội hay các kỳ tế, hưởng. Còn ngày thường, họ chỉ vấn khăn chít. Khăn vành màu xanh, còn khăn chít màu vàng. Và các bà vấn khăn chứ không đội khăn. Khi nào cần thì mới vấn khăn chứ không phải là khăn vấn sẵn để đội lên đầu như cô dâu trong ngày cưới. Vải làm khăn là loại nhiễu cát mua từ xưởng dệt của đại thần Hoàng Trọng Phu ở Hà Đông. Ông Hoàng Trọng Phu được triều đình Khải Định và Bảo Đại giao trọng trách cung cấp các loại lụa, gấm, nhiễu… để phục vụ cho nhu cầu của hoàng gia. Mỗi năm ông nhập về kho Cẩm tú của Sở Nội vụ trong Hoàng Thành Huế hàng trăm súc vải lụa, trong đó có loại nhiễu cát chuyên dùng để vấn khăn. Theo lời cô Dinh, chỉ nhiễu cát mới có thể làm khăn để vấn, vì do bề mặt nhiễu cát nhám, nên khi vấn, khăn không bị tuột như vấn bằng lụa thường. Vấn một vành khăn phải mất 30 phút mới xong. Đầu tiên phải vấn một lớp khăn lót màu vàng, gọi là khăn chít. Sau đó, mới vấn khăn vành màu xanh lên bên ngoài. Điểm cuối của vành khăn bao giờ cũng nằm ở phía sau và được cố định bởi một chiếc kim băng làm bằng vàng. Cô Dinh cho hay: “Thường mỗi khi sắp có lễ lượt, Đức Từ Cung dậy rất sớm, tắm rửa, rồi trang điểm bằng phấn nụ truyền thống của Huế. Sau đó, bà ngồi trên chiếc kỷ để cho tôi vấn khăn. Đó là công việc không hề đơn giản. Phải vấn làm sao cho các lớp khăn luôn đều nếp và phải biết cách dấu chiếc kim băng cho khéo léo, không để lộ ra ngoài, thì bà mới hài lòng”.

Nét đẹp của khuôn mặt phụ nữ dưới chiếc khăn vành là nét đẹp quý phái, sang trọng, đúng hơn là nét đẹp của quyền uy. Nhưng có một người phụ nữ, dù đội khăn vành hay khăn chít, thì gương mặt của bà vẫn luôn toát ra một nét đẹp phúc hậu và thánh thiện. Đó là hoàng hậu Nam Phương. Cô Dinh cho biết, sau khi triều Nguyễn chấm dứt, Đức Từ Cung ở Huế, còn gia đình vua Bảo Đại ở trên Đà Lạt. Tuy nhiên, vào những dịp húy kỵ thì hoàng hậu Nam Phương đều trở về Huế và đều mặc lễ phục như thuở còn là hoàng hậu của triều Nguyễn. Có điều, lúc này bà không còn mang theo người hầu cận để vấn khăn cho mình như trước mà thửa sẳn một chiếc khăn vành cố định để đội cho tiện. Nhưng cho dù đội khăn hay vấn khăn và dù đó là khăn vành hay khăn chít, thì hoàng hậu Nam Phương vẫn luôn giữ được nét đẹp sang trọng và nền nã như xưa.

Sau khi Đức Từ Cung qua đời vào năm 1980, nhiều hiện vật trong nhà lưu niệm của bà được chuyển về trưng bày ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, trong đó có hai quả khăn vành màu xanh. Gọi là quả khăn vì hai chiếc khăn này được cất giữ trong hai quả hộp làm bằng gỗ, bọc đồi mồi và cẩn xà cừ. Khăn đã quý, nhưng hai chiếc hộp đựng khăn xem ra còn quý hơn, vì đó là những tác phẩm mỹ nghệ được hình thành từ những đôi bàn tay tài hoa bậc nhất ở kinh đô, xứng đáng là những trân bảo của nghệ thuật khảm cẩn ở Huế xưa.

Có lần, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Hoa Nữ thực hiện một bộ ảnh về trang phục cung đình triều Nguyễn. Chị và “người mẫu” Hồ Thị Hoàng Anh, nghệ nhân ẩm thực Huế nổi tiếng ở Sài Gòn, tìm đến Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế để nhờ tôi tư vấn. Bấy giờ tôi đang giữ chức quản thủ bảo tàng này nên tạo điều kiện cho Đào nghệ sĩ chụp những tấm hình đẹp nhất của Hồ nghệ nhân trong trang phục cung đình triều Nguyễn, tất nhiên, là không thể thiếu những chiếc khăn vành, khăn chít. Điều thú vị là chính cô Lê Thị Dinh, người vấn khăn cho Đức Từ Cung trong 30 năm, lại là người trực tiếp vấn khăn cho “người mẫu” Hoàng Anh hôm đó. Khi tôi bưng quả khăn màu xanh đựng trong chiếc hộp cẩn đồi mồi ra đặt trước mặt cô Dinh, tự dưng cô bật khóc. Gần 20 năm sau ngày Đức Từ Cung qua đời, cô Dinh mới có dịp nhìn lại chiếc khăn mà cô đã từng vấn cho bà hàng ngày. Sự xúc động đã khiến cô luống cuống, không thể vấn nổi những vành khăn mà cô đã làm thành thạo trong suốt mấy chục năm trời. Phải gần một giờ sau, chiếc khăn mới được vấn xong sau nhiều lần vấn đi, vấn lại.

Và trước mặt tôi, người phụ nữ đội khăn hôm đó dường như không phải là nghệ nhân ẩm thực Hoàng Anh, bởi tôi như thấy bóng dáng của Đức Từ Cung, của hoàng hậu Nam Phương thấp thoáng ẩn hiện đâu đó trong một buổi chiều tĩnh mịch giữa lòng Kinh Thành Huế rêu phong, cổ kính.

T.Đ.A.S.

Lưu bản nháp tự động

Chiếc khăn vành của Đức Từ Cung trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Ảnh: Hoàng Ngọc Sơn.

Lưu bản nháp tự động

Hoàng hậu Nam Phương đội khăn vành, mặc lễ phục. Ảnh tư liệu.

Lưu bản nháp tự động

Hoàng hậu Nam Phương đội khăn chít, mặc thường phục. Ảnh tư liệu.

Lưu bản nháp tự động

Nghệ nhân Hoàng Anh đội khăn vành, mặc trang phục hoàng thái hậu. Ảnh: Đào Hoa Nữ.

Lưu bản nháp tự động

Nghệ nhân Hoàng Anh đội khăn vành, mặc trang phục hoàng hậu. Ảnh: Đào Hoa Nữ

Lưu bản nháp tự động

Nghệ nhân Hoàng Anh đội khăn chít, mặc thường phục của các bà nội cung. Ảnh: Đào Hoa Nữ.

Lưu bản nháp tự động

Nghệ nhân Hoàng Anh và cô Lê Thị Dinh, người vấn khăn cho Đức Từ Cung trong suốt 30 năm. Ảnh: Đào Hoa Nữ.