Để đảm báo sự công bằng cho các kỳ thi tuyển chọn nhân tài ra giúp nước, triều đình nhà Nguyễn đã có nhiều biện pháp giám sát các kỳ thi như thi Hương, thi Hội và cả thi Đình. Riêng với các quan trường thi, triều đình có những quy định rất chặt chẽ.

Những viên chức được cử đảm trách công việc thi cử đều là có phẩm hàm và cấp bậc cao trong triều đình, được triều đình bổ nhiệm thông qua đề xuất của bộ Lại và bộ Hình. Quan lại trong các kỳ thi được phân thành hai ban gọi là Nội liêmNgoại liêm:

– Quan Nội liêm lại được phân thành hai là quan Nội trường và quan Ngoại trường. Nội trường gồm quan Sơ khảo có nhiệm vụ chấm quyển thi lần thứ nhất. Quan Phúc khảo có nhiệm vụ chấm thi lần thứ hai đối với những quyển thi mà quan Sơ khảo đã chấm. Quan Giám khảo có nhiệm vụ chấm bài sau cùng, thường xét lại những quyển thi đã được quan Sơ khảoPhúc khảo chấm.

Ngoại trường gồm quan Phân khảo có nhiệm vụ xem xét những quyển thi bị hỏng ở Nội trường, nếu thấy quyển nào đáng đỗ thì trình lên quan Chủ khảo . Quan Phó chủ khảo có nhiệm vụ trợ giúp cho quan Chánh chủ khảo xét duyệt những quyển thi đã được chọn đỗ ở Nội trường hoặc chấm lại những quyển thi mà quan Phân khảo chọn lựa từ những quyển thi bị đánh hỏng ở Nội trường nhưng xét được đáng đỗ. Chánh chủ khảo là viên quan lớn nhất trong trường thi, có toàn quyền trong việc xét duyệt để định hỏng hay đỗ cho thí sinh và chịu trách nhiệm trực tiếp với triều đình.

– Quan Ngoại liêm có phận sự nhận và đóng dấu vào quyển thi bao gồm đội Thể sát, đội Mật sát, quan Khoa đạo, Lại điển, Đề điệu…Đội Thể sát, đội Mật sát bao gồm những người trong quân đội có nhiệm vụ khám xét các thí sinh tại các vi, trông coi việc thi cử ở Ngoại trường, giúp đỡ công việc cho quan Nội trường.

Quan Khoa đạo là những người thuộc Viện Đô sát được triều đình cử đến trông coi trường thi. Tuy không dự vào việc chấm quyển thi, nhưng mọi việc trong trường thi có điều gì không hợp lẽ thì có nhiệm vụ làm sớ tâu lên triều đình. Lại điển là những nhân viên ghi chép tại trường thi, trợ giúp các quan trường thi. Đề điệu trông coi mọi việc giấy tờ trong trường thi, đặc biệt là quyển thi của thí sinh.

Số lượng quan lại có sự thay đổi tùy theo số lượng thí sinh dự thi và số lượng trường thi. Mỗi viên quan trường thi đều có nhiệm vụ khác nhau và được phân công cụ thể tùy theo phẩm hàm, chức vụ. Quan lại phụ trách trường thi là những người thực thi quyền lực nhà nước nên chịu sự giám sát chặt chẽ nhằm tránh sự lộng quyền và nhũng nhiễu. Giám sát cao nhất là nhà vua; thông qua việc ra đề thi, đến thăm các trường thi, hay qua lời hặc tấu của quan lại, vua có thể giám sát quan lại và chỉnh lý lại nội dung thi, thời gian thi cho phù hợp. Chính sử có chép, trong một lần viếng thăm trường thi, vua Minh Mạng thấy “lộn xộn, văn thể đề mục tầm thường, sáo mòn” đã lệnh cho đại thần Lục bộ, Đô sát viện sửa đổi quy trình thi, định ra 3 kỳ thi – kỳ nhất thi Kinh nghĩa, kỳ nhì thi Thơ phú, kỳ ba thi Văn sách và được áp dụng chính thức từ kỳ thi Hương năm 1834. Hoặc vua có thể giám sát thông qua việc nhắc nhở các bộ về việc tuyển dụng, yêu cầu các bộ đưa ra các quy đinh xử lý những hành vi vi phạm trường thi. Một điều lệ do bộ Lại đặt từ thời Minh Mạng thứ 15 (1834) quy định việc xử lý những viên chức có sai sót trong việc tuyển lựa quan viên như sau: quan trường cùng với các sĩ tử thông đồng gởi gắm thì quan trường bị giáng hoặc cách, sĩ tử nếu phạm thì bị phạt trượng và tội đồ.

Ngoài ra, hoạt động của các quan trường thi còn chịu sự giám sát của Đô sát viện. Tuy không dự vào việc chấm quyển thi nhưng mọi việc trong trường thi có gì không hợp lẽ thì quan Khoa đạo có nhiệm vụ là sớ tình lên triều đình. Điều lệ thi Hương năm 1833 quy định: “chọn các viên Khoa đạo sung làm giám sát các công việc trường thi, mỗi trường 2 viên, chuyên kiểm sát các việc Nội trường và Ngoại trường, nếu thấy những việc gian lận thì cứ thực chỉ tên mà hặc.” (Thực lục T4, sđd, tr. 118).

Chính sử có chép: “Nguyễn Ngọc là quan giám khảo cùng với sơ viện Nguyễn Bá Cung câu kết với nhau sửa đổi văn tự trong bài thi của thí sinh người Nhân Mục, đốt cháy quyển thi của thí sinh người Phúc Lâm bị quan Ngự sử vạch tội và giáng cấp.” (Quốc sử di biên, tr. 526).

Mặt khác triều đình cũng quy định cụ thể đồ dùng được mang theo và việc đi lại của quan trường thi . Sách Đại Nam thực lục có chép về điều lệ kỳ thi Hương năm 1807: “Các quan Nội trường không được mang theo thoi mực và giấy có chữ. Quan Nội trường và quan Ngoại trường không phải vì việc công thì không được gặp riêng nhau. Thể sát, Mật sát, Lại phòng mà làm bậy đều bị tội đồ.” (Thực lục T1, sđd, tr. 702).

Điều lệ thi Hương năm 1834 bổ sung : “ Các quan Nội trường và Ngoại trường không được tự tiện ra vào, viên Sơ khảo và viên Phúc khảo không được tự tiện đi lại với nhau. Nếu không vì việc công mà vì cá nhân đến thăm nhau, đánh bạc hay chơi đùa đều có tội. Quan trường cùng với sĩ tử thông đồng gửi gắm thì quan trường bị giáng hoặc cách, sĩ tử nếu phạm thì phạt trượng và tội đồ.” (Thực lục T4, sđd, tr. 119-120).

Để tăng thêm tính nghiêm túc trong các kỳ thi, triều đình quy định quan lại có quyền giám sát nhau, và thông qua các bản hặc tấu để báo về triều đình. Đạo dụ năm 1821 của vua Minh Mạng quy định:

Phàm bầy tôi các ngươi được dự tuyển vào trường thi thì phải chí công, chí minh, không được thiên tư mảy may mà chuốc mối lo. Đề điệu và Giám thí phạm lỗi mà Giám khảo và Sơ khảo, Phúc khảo biết nêu lên thì có thưởng; Giám khảo và Sơ, Phúc khảo phạm lỗi mà Đề điệu và Giám thí biết nêu lên để hặc thì được miễn nghị. Mọi người phải cố gắng cho xứng đáng thịnh ý của Trẫm kén chọn người tài”. (Thực lục T2, tr. 142).

Quốc sử quán cũng chép vào năm  1876, Phúc khảo trường Nghệ An là Đặng Huy Hoán mang hộp đen vào trường bị phát giác, phạt 100 trượng, cách chức đuổi về quê .Các Giám sát, Giám khảo tâu hặc, thưởng kỷ lục mỗi người một thứ. Quy định này đã hạn chế tình trạng làm bài hộ cho thí sinh, cũng như những gian dối trong trường thi.

Bên cạnh đó để phòng các trường hợp gian lận khác, triều đình đã  áp dụng rất chặt chẽ luật Hồi tỵ; những quan trường có người thân thuộc đi thi hoặc sung làm quan trường cùng một chỗ, dù là thân thích bên thông gia cũng trình rõ để xin Hồi tỵ.

Riêng đối với thí sinh, triều đình cũng tổ chức những kỳ thi sát hạch trước các kỳ thi với mục đích loại bỏ những người không có thực tài và tư cách đạo đức. Thí sinh phải khai báo trung thực lý lịch của mình, nếu gian dối sẽ bị trị tội. Sử chép: “Con trai Văn Hà người Khắc Niệm là Tri huyện Thanh Oai, tên là Thành đỗ Tiến sĩ trong kỳ thi Hội bị các quan ở Bộ phát giác do không khai hết tội nên bị đánh trượt, làm tội đồ ở Hà Tĩnh”. (Quốc sử di biên, sđd, tr. 440).

Việc giám sát thí sinh tại trường thi được thực hiện thông qua các quan trường thi và cơ quan giám sát chung là Đô sát viện. Sự giám sát này được diễn ra từ khi thí sinh bắt đầu thi cho đến khi chấm bài. Thí sinh cũng không được nói chuyện ồn ào, đi lại lộn xộn, không trao đổi ý kiến, chép bài hoặc làm hộ bài cho nhau. Ở một số trường thi có cắm thẻ ghi tên thí sinh để họ cắm lều tại đó, tránh lộn xộn và tránh việc thí sinh cố ý cắm lều gần những người giỏi để hỏi bài, hoặc gà bài cho người khác. Tội này nếu bị phát giác sẽ bị đóng gông giam trước trường, phạt đánh 100 trượng. Người vi phạm không những bị tội mà còn truy đến Đốc học, Giáo thụ, Huấn đạo tại địa phương cư trú. Mặt khác, để tránh gian lận trong quyển thi, quan trường thi đã đánh dấu nơi tổ chức kỳ thi, kỳ thi thứ nhất, nhì, ba hay tư. Quyển thi của thí sinh sẽ được đóng hai loại dấu, đó là dấu Giáp phùng (dấu giữa hai tờ kế tiếp nhau) và dấu Nhật trung (dấu đóng vào trang quyển thi) để tránh xé hoặc đóng thêm vào.

Ngoài ra thí sinh phải tự giám sát nhau. Cơ chế này tạo nên sự công bằng cho các thí sinh dự thi. Trong quá trình thi, thí sinh không được mang tài liệu vào trường thi, nếu bị phát hiện sẽ bị quy vào tội “hoài hiệp văn tự” (mang văn tự trong áo). Theo quy định này, ai vi phạm sẽ bị đóng gông một tháng, đánh 100 trượng, bị tước bỏ học vị cử nhân hoặc tú tài nếu đã có trước đó. Người phát hiện sẽ được thưởng 3 lạng bạc.

Bằng việc đưa ra những quy định rõ ràng về điều lệ trường thi, thời gian thi, đối tượng dự thi, nội dung bài thi, chế độ Hồi tỵ…, triều đình nhà Nguyễn đã thiết lập được một cơ chế giám sát khá hoàn bị, đảm bảo công việc trường thi hiệu quả và thông suốt. Những hiện tượng làm náo loạn trường thi, gà bài, tráo đổi bài thi, nhận hối lộ …bị phát giác và xử lý kịp thời một cách công khai.

Có thể nói rằng cơ chế giám sát quá trình tuyển chọn nhân tài dưới triều nhà Nguyễn đã có những giá trị thiết thực, hạn chế sự lạm quyền, tham nhũng của quan lại và đảm bảo đào tạo cho bộ máy nhà nước những người có đức và có tài. Đây là những vấn đề mà hiện nay ngành giáo dục rất cần tham khảo để rút ra những bài học mà trong thời gian qua, việc thi cử ở nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng hết sức sai trái xuất phát từ các lãnh đạo địa phương và của ngành giáo dục…

———

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

– Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Nxb Giáo Dục, 2007.

– Phan Thúc Trực, Quốc sử di biên, Nxb KHXH, 2010.