Lớp học buổi tối từ bảy đến mười giờ. Người học thường là công chức, quân nhân hoặc học sinh muốn học thêm. Thành phần hỗn tạp. Trình độ cao thấp không biết được. Một bữa nọ, tôi nhận ra người ngồi ngay đầu bàn ở dãy cuối cùng, lại đúng là thầy Sử địa năm nào của tôi, đang ghi ghi chép chép.

Sự liên tục Lịch Sử trong nền Giáo dục của miền Nam thời trước năm 1975 |  Nghiên Cứu Lịch Sử

Tôi đọc được bài thơ nhìn lại người thầy cũ, của một cựu nữ sinh Gia Long, xin trích ra đây:

“Thầy ơi, thầy khổ đã bao lần?
Mái tóc sương pha đã mấy phần?
Có lắm chiều tà mưa phủ trắng
Thầy cười tha thứ kẻ vong ân” (1)

Sự tự trách cứ ở trên nói lên một tấm lòng còn chút tình… Ở đâu còn chút tình ấy, thì ở đấy tương lai con người còn được thắp sáng.

Phần tôi đã nhiều lần “phản bội” thầy như thế, nên tôi dễ chia sẻ với bốn câu thơ trên.

Một lần khi đang chạy xe Lambretta trên đường Phan Thanh Giản, lúc sắp quẹo vào Ngã Bảy, Lý Thái Tổ, chợt tôi thấy thầy dạy Pháp Văn trường học Sài Gòn dành cho học sinh di cư năm 1956 của tôi – áo vét trắng, quần trắng, mũ phớt, đang ì ạch đạp xe giữa buổi trưa nắng. Thầy tôi mặc áo vét trắng, mũ phớt, giầy tây mà đạp xe đạp – trông thế nào ấy! Nó cho người ta có cảm giác nhà giáo lỗi thời đến tội nghiệp trong tương phản ‘giấy rách vẫn giữ lấy lề’.

Lần ấy, tôi đã không đủ can đảm dừng xe lại chào thầy lấy một tiếng mà vội vã đi thẳng. Đáng lẽ tôi phải làm như người xưa, dừng xe lại và thưa, “Tôi là Carnot đây, thầy còn nhớ tôi không?”.

Tôi là Carnot đây, thầy còn nhớ tôi không?
(Quốc văn Giáo Khoa thư)

Đấy là bức tranh toàn cảnh phần lớn nghề thầy của miền Nam giai đoạn 1955-1960. Phần đông các thầy còn đi xe đạp, nhưng lại mặc áo vét. Chính cái áo vét này gây sự chú ý, tượng trưng cho một thời kỳ thoái trào giữa cũ và mới. Trong chuyến tàu chót đó, cái áo như một vật dư thừa cuối mùa, nhận đủ oan trái của lớp người mới. Có lẽ may ra chỉ có thầy Vũ Hoàng Chương là vẫn có phong thái ung dung ngồi xích lô đạp đến trường.

Một nghề được coi là cao quý nhất, được nhiều người quý mến nhất trên lý thuyết, sách vở, trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư, nhưng thực tế xem ra bị bạc đãi nhất. Từ thời lều chõng đến thời xe đạp. Thật bất nhẫn, tôi không dám tiết lộ hết những cái nghèo đó ra đây.

Khi vào trường đời, tôi cũng đã gặp khá nhiều đồng nghiệp chấp nhận một cuộc sống mà sự đạm bạc trở thành một thứ đạo đức nghề nghiệp.

Hình ảnh thầy dạy Pháp văn gợi nhớ đến một số thầy giáo khác như thầy Huy Kinh, thầy Nguyễn Phố. Thầy Huy Kinh, đầu chải tém ra đằng sau, mặt mũi khắc khổ. Thầy luôn luôn trịnh trọng thắng bộ vét trắng thắt nơ, thong thả gác chiếc xe đạp, khóa cẩn thận trước khi vào lớp. Mặc âu phục, đi xe đạp là nếp sống văn hóa Tây còn sót lại chăng? Vào lớp, thầy giảng Kiều thao thao bất tuyệt mà bọn học trò di cư ngỗ nghịch không nghe. Người ta có cảm tưởng dưới kia không phải học trò mà là một “bầy thú trước bảng đen”!

Sự khao khát truyền đạt kiến thức, thiện chí có dư của thầy, thầy giảng mà như thể đang diễn thuyết, sự ăn mặc trang trọng nghiêm chỉnh của thầy, như vang bóng một thời còn sót lại, đã không được học trò đón nhận… Giảng mà như một cuộc độc thoại, mình nói mình nghe! Có cái hoàn cảnh nào bạc bẽo hơn không? Rất may, cái cảnh này không phải là hoàn cảnh phổ biến.

Tuy nhiên, hình như có một thói quen giảng bài rất trái sư phạm của một số thầy lớn tuổi. Khi giảng các môn Việt văn và môn Sử địa – bị cuốn hút vào dòng tư tưởng, các thầy giảng như thể diễn thuyết. Người ta không thể diễn thuyết nhiều lần trong một ngày, trong cả năm. Đây là điều người ta gọi là bán cháo phổi. Dạy riết đến độ phổi nóng ran lên.

Theo tôi đây là là một đặc điểm rất nên ghi nhớ lại. Tôi còn hình dung ra được thầy dạy Việt văn trường Văn Lang của ông Ngô Duy Cầu hồi mới di cư vào Nam, cổ thắt cà vạt. Trời nóng, hơi người, lớp học mái tôn, quạt mát quạt hơi nóng, người thầy nhễ nhại mồ hôi. Bất chấp ngoại cảnh, thầy vẫn giảng oang oang như chỗ không người.

Nghĩ lại, các thầy của tôi những năm ấy sao gian truân thế! Vì cái gì nhỉ? Chẳng lẽ chỉ vì miếng cơm manh áo? Hay vì nhẫn nại chớ thời cho một vận may chính trị?

Trên thực tế, nghề thầy trong thời điểm đấy là nơi trú ẩn của nhiều điều: Chờ thời cũng có, ẩn náu giấu mình cũng có, dạy học qua ngày cũng có. Người chuẩn bị làm bác sỹ, dược sỹ, luật sư… cũng đi dạy. Chữ đúng nhất trong trường hợp này là vừa đi dạy, vừa đi học. Vừa cầm phấn vừa cầm bút. Hỏi ra ai cũng có lúc làm thầy.

Duyên Anh, Bàng Bá Lân, Trần Bích Lan, Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Trần Phong Vũ, Phạm Việt Tuyền, Chu Tử và nhiều người khác cũng có thời đi dạy… Ai đích thực là người thầy?

Thế thì có thể nào phân biệt được nghề thầy như một cái nghiệp và nghề thầy như một nơi tạm trú? Hay là chỉ có thầy dạy trường công mới là thầy? Dù là thầy loại nào, tôi vẫn thương các thầy, xót xa cho sự bạc bẽo của nghề dạy học. Vậy mà sau này tôi lại tình nguyện chui đầu vào như một kẻ đi lộn chuồng.

Thế nào là một ông thầy nhỉ? Tôi sẽ có câu trả lời ở phần sau.

Nhưng tôi có thể nói trước bây giờ là phần đông những đồng nghiệp của tôi, những người được đào luyện chính quy, họ xứng đáng là ông thầy, ít lắm là phần đông thấy họ hiền lành. Họ có cái phong cách là ông thầy, dù không biết bề trong thế nào. Và nay, nhìn lại hai mươi năm miền Nam, tôi vẫn thấy mình hãnh diện vì đã được học hành, được lớn lên, trưởng thành trong một môi trường giáo dục tốt đẹp.

Thiển nghĩ, nhiều học trò có món nợ ông thầy trả không hết, Không thầy đố mày làm nên. Ca dao chẳng nói đó sao:

Ngọc kia chẳng dũa chẳng mài
Cũng thành vô dụng, cũng hoài ngọc đi.

Kinh nghiệm thứ hai của tôi thì oái ăm hơn. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không biết phải đối xử thế nào cho phải.

Hồi mới di cư vào Nam, học một trường tư ở Chợ Lớn là trường Phong Châu, tôi nhớ là lớp 5ème. Tôi học một thầy sử địa, người Bắc. Cả trường chỉ có hai thầy trò lẻ loi là người Bắc. Phần còn lại cả trường đều gọi cảnh sát là ‘mã tà’ cả. Thầy trông hiền lành, nghiêm chỉnh, giảng bài bằng tiếng Pháp rất lưu loát. Tôi cứ nghĩ thầy phải giỏi lắm.

Là học trò di cư khổ lắm. Khổ hơn nữa là trong lớp chỉ có mình tôi như thế: theo đạo, di cư, học trễ. 18 tuổi đầu mới ngồi lớp tiếp liên với thầy Trần Văn Quới, cũng là thầy dạy tác giả Nguyễn Tấn Bi, học trước tôi năm bảy năm.

“…Hồi cách đây trên nửa thế kỷ, sau khi tốt nghiệp lớp năm, tức là đậu xong bằng Sơ Học Yếu Lược (Certificat d’Etudes Primaires Complémentaires Indochinoises), học sinh tỉnh Chợ Lớn bọn tôi có giỏi giang cách gì, cũng phải lên một lớp chóp bu của bậc tiểu học, bấy giờ gọi là lớp tiếp liên, nói nôm na là lớp dự bị trung học….

Thuở đó mà nghe nói tới dân premiere année hay deuxièmer année là ngon quá mạng giang hồ, vì con cái quan quyến, cha chú mới học tới đó chớ còn dân ngu khu đen như bọn tôi, là cả cái gì xa lạ lắm…

Thầy dạy duy nhất cho lớp nầy từ khi mở ra cho đến khi giải tán là thầy hiệu trưởng Trần Văn Quới, địa phương quen gọi là ông Đốc Quới… Thầy Quới dạy là phải biết. Tiếng Pháp học grammaire kỹ hơn trước. Sử địa cũng lạ hơn trước vì chỉ học lịch sử và địa lý của nước Pháp. Vẽ bản đồ các tỉnh thành của nước Pháp giống hình lục giác, tô màu từng tỉnh khác nhau. Nghĩ cũng tức cười, xứ sở mình bao nhiêu tỉnh cũng không biết hết, chỉ biết mang máng các tỉnh miền Nam…

Năm cuối cùng ở tiểu học, được học với thầy Đốc Quới, học trò cũng phải nhận thầy là nguời kinh nghiệm, nhiều bản lãnh, và nhất là cái lối giảng bài của thầy thì trời sầu đất thảm lẳm. Có nghĩa là thầy giảng và dịch thật rõ ràng để tránh cho học trò không lầm lẫn khi viết tiếng Tây” (2).

Vào khoảng sau 1970, tôi có dạy luyện thi môn triết tại trường Trường Sơn, đường Lê Văn Duyệt (bây giờ là đường Cách Mạng tháng 8), hiệu trưởng là nhà văn Nguyễn Sỹ Tế.

Lớp học buổi tối từ bảy đến mười giờ. Người học thường là công chức, quân nhân hoặc học sinh muốn học thêm. Thành phần hỗn tạp. Trình độ cao thấp không biết được. Một bữa nọ, tôi nhận ra người ngồi ngay đầu bàn ở dãy cuối cùng, lại đúng là thầy Sử địa năm nào của tôi, đang ghi ghi chép chép.

Tại sao thầy không kiếm một chỗ ngồi ở một góc khuất nào kín đáo hơn để tôi không nhận ra thầy? Tại sao thầy lại vô ý chọn ngồi đầu bàn ngay lối đi lên xuống của tôi?

Tại sao thế? Thầy đặt tôi vào một hoàn cảnh khó xử. Tôi hầu như không tin vào mắt mình. Nhưng nhìn kỹ lại đúng là thầy mình chứ không thể nhầm được. Tôi hơi choáng trong nghịch cảnh thế này. Nhưng thầy vẫn có vẻ thản nhiên ngồi chăm chú nghe tôi giảng. Giả dụ thầy nhận ra tôi, thầy có tiếp tục đi học nữa không?

Sau này, tôi nghĩ thầy lỡ thời bất đắc chí phải đi dạy nên nghĩ nay phải có thêm bằng tú tài II để vào đại học? Kiến thức thầy có thừa, tiếng Pháp của thầy đi chấm thi Tú tài II, ban C cũng dư (3). Vậy mà thầy ngồi kia. Thầy học tôi được cái gì? Ai dạy ai? Chắc chắn là thầy không nhận ra tôi. Nhưng chắc chắn là tôi nhận ra thầy.

Lần này thì tôi không thể nói, “Tôi là Carnot đây”. Tôi phải nói thế nào? Tôi chỉ thấy hoàn cảnh rất oan trái của một số thầy làm nghề dạy học.

Dáng đứng uẩn khuất của thầy dạy Sử địa của tôi không dễ mà thấy được. Cho đến bây giờ tôi vẫn tự hỏi Thầy là ai? Nhưng ít ra cũng là cái gương hiếu học đáng quý của người Việt Nam mà thầy tôi là một trong vô số những người ấy. Nếu được phép nói thì, “Thưa thầy, con vẫn kính trọng thầy”.


(1)Trích lại trong bài Từ trường học đi tới trường đời, Nguyễn Thị Thu Hương, cựu nữ sinh Gia Long, báo Đi Tới, số 37-38, trang 160, năm 2000).

(2) Nguyễn Tấn Bi, “Lớp tiếp liên (cours des certifiés) năm 1949”

(3) Học chế ở Miền Nam trước 1975, học sinh khi lên đệ nhị cấp (cấp III bây giờ), có thể chọn ban mà mình thấy thích hợp để học: Ban A (ban khoa học thực nghiệm), Ban B (khoa học toán), và Ban C (Văn chương- ngoại ngữ) – (SGTC)