Chiếc lá vàng cuối cùng đã rơi trên lối vắng. Hương tình thu đã vãn theo mùa đi xa lắc. Trời chuyển mình theo từng cơn gió bấc miên man. Nội thể thiên nhiên đã đổi thay. Còn tôi, tôi vẫn vậy, vẫn đến trường làng như bao ngày vẫn đến. Chỉ khác nỗi lòng bởi đã tháng mười một – đông sang. Triền đông đã sang nhưng cái rét chìm vào hơi ấm. Hơi ấm tình thầy đan quyện hơi ấm nghĩa trò ngoan. Tháng mười một có bao điều để nói. Như câu ca ngàn đời còn đọng lại trong tâm: “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Lòng tôi bao nỗi bâng khuâng, tâm tôi bao điều náo động. Ấy là vì tháng mười một có ngày dành riêng cho tôi, cho các bạn bè, đồng nghiệp của tôi: Ngày hiến chương các nhà giáo.

Lại trở về tháng mười một yêu thương
Lòng biết ơn rơi nghiêng vào nỗi nhớ
Dòng sông trôi vẫn bên bồi bên lở
Khách đò xưa ai trở lại bến này?

Đã hơn hai mươi năm buồn vui cùng bảng đen phấn trắng. Tiếng gọi thầy đầu tiên vẫn văng vẳng đâu đây. Bỡ ngỡ chưa qua vậy mà bao chuyến đò đã cập bến. Chẳng biết có bao nhiêu lời thơ, có bao nhiêu câu văn, có bao nhiêu nét chữ “làm người” theo chân các lữ khách đi về muôn phương. Chỉ biết rằng cứ cận kề ngày 20/11 hằng năm tôi lại nhận được vô vàn những lá thư, những dòng tin nhắn và cả những vật phẩm nho nhỏ từ phương xa gửi về. Tôi vui vì các trò xưa chẳng quên, tôi hạnh phúc vì được đời ghi nhận, tôi tự hào vì nghề tôi cao quý, tôi yêu đời vì văn tôi có ích .

Những lời chúc mừng đan trong những lời tâm sự tặng thầy giáo cũ có thể được gửi về từ trời Âu, từ đất Hàn, biển Nhật. Những lời tâm sự thấm đẫm lòng biết ơn, thấm đẫm niềm tin yêu hy vọng, thấm đẫm tình cảm của những tâm hồn biết sống đẹp, biết vươn lên bay cao, bay xa mang sức mạnh Việt Nam lan tỏa ra khắp năm châu bốn biển. Những lời chúc có khi được gửi từ nơi biên cương địa đầu tổ quốc hay từ những hòn đảo trên biển khơi đầy sóng, đầy gió. Cũng có khi được gửi về từ các nhà máy, các nông trường xa mãi tận các khu kinh tế ở miền Trung, miền Nam. Những lời tâm sự trải đầy niềm kính trọng thầy, trải đầy nỗi luyến nhớ trường xưa, trải đầy quyết tâm cố gắng, sẵn sàng vượt qua những gian lao thử thách để trở thành những tấm gương sáng cho đời. Xưa dạy đã tin nay xa càng yêu. Những cô cậu thiếu niên một thời học tôi đã, đang và sẽ thể hiện được năng lực của mình để làm thay đổi diện mạo đất nước này. Thật tuyệt vời biết bao mỗi dịp tháng mười một về ta lại được hân hoan đón nhận những thành quả nhỏ nhoi mà đầy ý nghĩa do nghề mình tạo ra.

“Ngày 20 tháng 11 đến gần
Em – một người “khách lạ” trong chuyến đò dạo ấy
Xin thành kính chúc thầy, người đưa đò vĩ đại
Còn cuộc sống là còn thầy mãi mãi
Người giáo viên của hôm nay và của cả mai sau.”

Ấy là những niềm vui tặng thầy của những trò cũ – những người xa xứ gửi tình về bến đò xưa. Còn các trò nhỏ thân yêu đang cùng thầy ngày đêm miệt mài bên những lời thơ, câu văn để hoàn thành chương trình cấp học thì sao? Tháng mười một vừa chớm cả trường lại rộn vang những hoạt động tri ân. Những bàn tay xinh lại dịu dàng nét bút, viết những vần thơ, tạo những bài văn, họa những tấm hình để dâng lên người cha, người mẹ thứ hai của mình. Hình cô, ảnh thầy lại sáng rực trên những trang bích báo. Lòng biết ơn sâu nặng lại ngập tràn trong những điệu múa lời ca. Những đóa hoa dâng thầy, tặng cô lại bung tỏa những hương thơm tinh khiết, lịm ngọt hương đời. Ngày chính lễ kỷ niệm, hoa tràn ngập sân trường, tràn ngập trên môi học trò, tràn ngập nỗi lòng tự hào trong tâm khảm thầy cô. Những món quà nhỏ thân thương là những chiếc bút, cuốn sổ lại có dịp về bên thầy để cùng những trang giáo án ngày mai viết tiếp giấc mơ “người đưa đò”.

Chủ tịch Quốc hội: Không nên lấy sự việc cụ thể phủ nhận kết quả, nỗ

Đã lâu lắm rồi, tôi chẳng nhớ nổi đó là tháng mười một năm nào. Khi ấy tôi dạy ở một trường THCS vùng đất bãi thuộc huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Ngày hiến chương năm đó có một trò nhỏ cứ thập thò ngoài cửa văn phòng và xin phép được gặp thầy giáo dạy văn. Cứ ngỡ trò cần giải quyết việc gì, tôi vội vàng ra gặp em ngay. Nào ngờ khi gặp tôi, trò đã bảo tôi ra một chỗ khuất rồi loanh quanh, lúng túng, rờ túi quần, lấy ra một chiếc bút bi mực đỏ, hai tay kính cẩn dâng lên: “Em kính tặng thầy…! Thầy ơi…! Các bạn có hoa tặng thầy nhưng em chẳng có tiền mua hoa…, mẹ em chỉ có đủ tiền mua chiếc bút này thôi…. Tặng thầy chiếc bút này để thầy chấm điểm, thầy khen những bài văn tốt, thầy phê những lời văn hay. Em mong thầy đừng chê…, thầy nhận thầy nhé…! Hư… hư…” Nói chưa hết điều muốn nói, tôi đã thấy tay trò run run, giọng trò mếu máo, mắt ầng ậng nước, trò muốn khóc và tôi cũng thế. Trái tim tôi xao động, nỗi lòng tôi tan chảy, tôi cũng chực rơi nước mắt. Nước mắt tôi chảy vào trong nỗi niềm thương cảm học trò. Tôi đã rụng rời chân tay và không thể cầm lòng được khi biết đó là đứa học trò thuộc hộ nghèo đặc biệt của trường và em là học sinh học giỏi nhất khối. Tôi đã khóc, khóc vì quá ngỡ ngàng, vì quá xúc động, vì quá thương trò. Sau này khi tĩnh tâm tôi đã viết một bài thơ cho em và cả cho tôi nữa. Trong bài thơ ấy có hai khổ:

…Lấy cây bút ra xem
Tôi cài lên ngực trái
Mực đỏ từ cây bút
Con tim tôi chấm bài.

Chiếc bút đỏ ngày mai
Theo tôi vào lớp học
Theo tôi vào bài giảng
Bài giảng của tương lai…

Đầu trần, chân đất, áo quần mặc lại của người khác, hiếm có bữa sáng đến trường nhưng vẫn có “quà” tặng thầy, tri ân thầy. Cầm chiếc bút đỏ trò tặng mà thấy buồn bởi đời còn hiện hữu cái nghèo, cái khổ nhưng vui biết bao khi thấy lòng người vẫn luôn trong sáng, vẫn luôn biết trân trọng, tôn quý và giữ vững đạo lý “Tôn sư trọng đạo”. Tin rằng trong xã hội còn bao tâm hồn lương thiện, bao tâm hồn luôn biết sống đẹp, “ giấy rách vẫn giữ được lề”, “đói vẫn sạch, rách vẫn thơm”. Có nhiều học trò như thế, có nhiều tấm gương hiểu lễ nghĩa như vậy chỉ chứng tỏ một điều: Nền giáo dục của ta đang đi đúng hướng, sự nghiệp cải cách giáo dục của đất nước ta chắc chắn sẽ thành công . Kỷ vật bút bi đỏ ngày ấy tôi vẫn giữ đến bây giờ và sẽ còn giữ cho đến khi rời bục giảng, để trên bước đường sự nghiệp trong tương lai thêm yêu, thêm tin, thêm kiêu hãnh với nghề mình.

“Có một nghề bụi phấn bám đầy tay
Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây vào đất
Mà mang lại cho Đời đầy trái ngọt hoa tươi”!
(Đinh Văn Nhã)

Ấy là chuyện xưa, chuyện về các trò nhỏ bên tôi. Nay cứ tháng mười một về, những người bạn phương xa, những người bạn ở gần, những người bạn giờ là phụ huynh… lại trang trọng gửi những lời chúc có cánh cho tôi, cho bục giảng thân yêu, cho những trang giáo án tinh khôi thơm mùi tri thức. Nào là: An vui, hạnh phúc, tươi trẻ, yêu đời, bình an, cao quý… nhiều, nhiều lắm. Chỉ trả lời cảm ơn thôi cũng thấy oải rồi. Ừ! Thì nghề mình được thế nên oải nhưng vẫn cực vui!

Quý người mang danh thầy, trọng người mang nghĩa bạn nên chẳng phải chỉ có những lời chúc qua thư điện tử, qua tin nhắn mà cả những lời chúc thiết thực trên các bàn tiệc. Cứ đến chiều 18 hoặc 19/11 thì nhóm bạn cũ thời học THPT thi “trượt sư phạm” ngày xưa (có năm người) lại tổ chức cho riêng tôi một buổi “vinh danh”. Sáu người chúng tôi gặp nhau và rất hồn nhiên: “Thầy thích gì tao chiều”, “Thầy muốn hoa gì tao tặng”, “Thầy định gặp ở nhà hàng nào”, “Thầy chọn hát bài gì”… Hay chưa nhỉ! Miệng bạn gọi “thầy” mà tâm bạn xưng “tao”. Rõ là mấy thằng thi “trượt sư phạm”! Vẫn biết các bạn thành danh hơn tôi, có điều kiện hơn tôi nhưng vẫn cực kỳ thân thiết với tôi. Họ không quên, không thờ ơ với tôi – Một “thầy giáo làng” chỉ có tâm hồn nhân văn, chỉ có bảng đen phấn trắng với những giấc mơ mang đến cho đời những nhân cách tốt đẹp, những con người biết sống cho lẽ phải, cho sự công bằng… Nghĩ về phía tích cực, tôi thấy các bạn tôi thực sự là những người hiểu biết và rất trân trọng những người làm giáo dục như tôi. Tôi trân quý điều ấy và thầm cảm ơn những người bạn tuyệt vời của mình.

Ngày mai tháng mười một sẽ qua đi nhưng dư âm mà nó để lại sẽ còn vang vọng mãi trong tâm khảm những người làm nghề “trồng người” như tôi. Ngày mai tôi lại lên lớp, lại trải lòng với những tiết dạy, với những bài học đầy ý nghĩa cùng các học trò thân yêu của mình. Tháng mười một qua đi sẽ mãi là hành trang diệu kỳ để mỗi trò hôm nay – công dân tốt mai sau nhớ mãi, thương mãi, yêu mãi hình bóng thầy cô giáo của mình. Tôi yêu học trò, yêu tháng mười một, yêu nghề của tôi.