Bồ câu là một kiểu từ ngữ khá hiếm gặp trong tiếng Việt, mà các nhà ngôn ngữ học thường gọi đó là “từ ngẫu hợp”. Đó là đơn vị mà ta không biết rõ được nghĩa của hai yếu tố cấu thành, mà chỉ kết hợp ngẫu nhiên với nhau, ở đây là “bồ” và “câu”. Trong khi thông thường thì các “tiếng” trong tiếng Việt đều có nghĩa.

Lê Văn Hòe cho rằng bồ câu là từ chữ ”bạch cáp” trong tiếng Hán mà ra. Tiếng Hán, ‘chim ‘bạch cáp” đọc là ”pồ cu”, khá giống với tiếng Việt.
Tuy nhiên, những nghiên cứu sau này của các nhà Việt ngữ học chỉ ra rằng ”bồ câu” là một từ vựng không phải gốc Hán, mà là gốc Nam Á. Các văn bản cổ tiếng Việt như ”Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa”, ”Từ điển Việt – Bồ Đào Nha – Latin”, ”Thiên Nam ngữ lục” đều ghi nhận từ ”bồ câu” này.

Chim Bồ Câu Nhà - Loài Vật

Quan trọng hơn, bồ câu là một chứng tích cho thấy rằng trước kia tiếng Việt không phải là một ngôn ngữ đơn tiết như hiện nay.

Bồ câu trong tiếng Việt hiện đại bắt nguồn từ một dạng thức cổ có dạng tổ hợp phụ âm đầu trong ngôn ngữ Proto Đồng Thủy là *pq. Trong proto Vietic, bồ câu có dạng thức là *t-kuː. Trong các ngôn ngữ có họ hàng gần gũi với tiếng Việt, dạng thức của bồ câu đã thấy xuất hiện. Chẳng hạn, trong tiếng Thà Vựng là paku:¹, trong tiếng Mã Liềng là təkuː¹

Theo dòng chảy lịch sử, quá trình đơn tiết hóa diễn ra mạnh mẽ trong tiếng Việt cùng với sự hình thành của các thanh điệu. Từ một ngôn ngữ đa tiết, tiếng Việt dần mang diện mạo của một ngôn ngữ đơn tiết như hiện nay.

Thế nhưng, việc rụng mất âm tiết trong từ vựng đó vẫn lưu lại những ”vết sẹo” trong tiếng Việt. Những từ ”ngẫu hợp” như bồ hóng, bồ hòn, bồ kết, bồ ngót, bù (bồ) nhìn, bồ nông, mồ hôi, cà chớn, cà khổ, cà kheo, cà tàng, ba láp, ba trợn… là những dấu vết chứng tỏ rằng tiếng Việt ta có một thời đã từng có các tổ hợp phụ âm kép và song tiết.

Và ‘con chim ”bồ câu” bé nhỏ’ cũng là một trường hợp như thế!