Vâng, mồng tơi ở đây đúng là một loại dây leo mà người ta dùng để nấu canh, tên khoa học là Basella rubra L., mà Việt-Nam tự-điển của Lê Văn Đức đã giới thiệu và miêu tả như sau: “Cũng gọi Mùng-tơi, Tầm-tơi hay Lạc-quy, sách thuốc gọi Chung-quý hay Yên-chi-thái, loại dây leo quấn, lá dày hình tim mọc xen, trong có nhiều mủ nhớt (cũng nói và viết dớt hoặc rớt – AC), gié hoa không cộng màu đỏ, trái chín màu đỏ sậm thuộc loại phì-quả; lá dùng nấu canh ăn nhuận- trường, trái trị đau mắt; lá đâm nát để chút muối trị được chứng sưng ngón tay”.

Về thành ngữ “nghèo rớt mồng tơi”, sách Kể chuyện thành ngữ tục ngữ của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Văn Hành chủ biên (Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1994) đã giải thích như sau:

“Đến nay hầu hết mọi người đều cho rằng mồng tơi (hay mùng tơi) trong thành ngữ này chính là rau mồng tơi hàng ngày vẫn ăn đó thôi. Với cách hiểu này, người ta dễ dàng cho rớt trong rớt mồng tơi chính là cách đọc chệch của từ dứt, nhớt theo mối tương ứng ngữ âm có quy luật trong tiếng Việt: D – R – NH (rỏ – dỏ – nhỏ; ruộm – duộm – nhuộm,…) và rớt mồng tơi có nghĩa là nhớt (dớt) mồng tơi. Cho nên, chúng ta không lấy làm ngạc nhiên khi thấy trong các từ điển tiếng Việt, thành ngữ này được viết theo nhiều lối khác nhau: nghèo rớt mồng tơi, nghèo nhớt mồng tơi, nghèo dớt mồng tơi. Điều khó nghĩ ở đây là nhớt mồng tơi có liên quan gì đến sự nghèo khổ của con người? Nhiều người biện minh rằng nhớt mồng tơi là một chất nhờn dễ trượt, thành ra nói nghèo rớt mồng tơi là nói việc tiền bạc vào tay người khó chẳng giữ được bao lâu, cứ trôi tuồn tuột như nước chảy (Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống). Cách hiểu này tỏ ra gượng ép khó chấp nhận được” (Sđd, tr. 244 – 245).

Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với tác giả của KCTNTN rằng cách hiểu trên đây “tỏ ra gượng ép khó chấp nhận được”. Duy có một điều là lý do phụ mà các tác giả này đưa ra thì chúng tôi không đồng ý. Các vị này đã viết như sau: “Hơn nữa, cách hiểu này vẫn chưa có thể giải thích được biến thể của thành ngữ này là xác mồng tơi. Ở đây chẳng có nhớt mà cũng chẳng quan hệ đến sự tuồn tuột của đồng tiền ra đi từ tay người nghèo khó. Vậy mà xác mồng tơi vẫn hoàn toàn đồng nghĩa với nghèo rớt mồng tơi. Thí dụ: Nhà em kiết “xác mồng tơi”, ai còn dám rời hoa tai cho mượn (Văn học 12, tập hai, tr. 47)” (Sđd, tr. 245). Về ý kiến và thí dụ này của các tác giả KCTNTN, chúng tôi muốn nêu lên ba điều nhận xét sau đây. Thứ nhất, việc tách riêng, in nghiêng và đặt trong ngoặc kép ba tiếng “xác mồng tơi” trong câu thí dụ trên đây là một việc làm hoàn toàn không đúng vì thành ngữ đầy đủ mà tác giả của câu đó dùng (tác giả này là Ngô Tất Tố) lại là “Kiết xác mồng tơi”. Vậy hoàn toàn đồng nghĩa với “nghèo rớt mồng tơi” ở đây chính là “kiết xác mồng tơi” chứ không phải chỉ là “xác mồng tơi” như các tác giả của KCTNTN đã khẳng định. Thứ hai, “kiết xác mồng tơi” thực chất là một lối nói không chuẩn và thực sự không thông dụng – dù cho người sử dụng nó là Ngô Tất Tố – nên cũng không thể lấy nó làm căn cứ có giá trị để biện luận được. Thứ ba, nếu đây có là một lối nói chuẩn và thực sự thông dụng thì đó cũng chẳng phải là căn cứ để nói rằng “nhớt (dớt, rớt)” không có liên quan gì đến “mồng tơi. Lý do: ở đây đã xảy ra một hiện tượng mà Pierre Guiraud gọi là “sự cố ngôn ngữ” (accident linguistique). Sự cố ngôn ngữ cụ thể ở đây là một sự đan xen của hai thành ngữ “nghèo kiết xác” và “nghèo rớt mồng tơi” thành “kiết xác mồng tơi” do một sự phối hợp không chuẩn và không chỉnh mà thành chứ không phải vì “xác” có thể có liên hệ ngữ nghĩa với “mồng tơi.

Về thành ngữ đang xét, các tác giả của KCTNTN còn giới thiệu thêm cách hiểu dưới đây:

“Có người mách rằng, rớt trong nghèo rớt mồng tơi là một từ địa phương ở vùng Nghệ Tĩnh, Quảng Bình có nghĩa là rơi, rụng. Tới là áo tơi, loại đồ dùng kết bằng thứ lá giống như lá cọ dùng che mưa, che nắng (nói che mưa, chống rét thì đúng hơn là che mưa, che nắng – AC), gặp rất phổ biến ở bà con nông dân các tỉnh từ Thanh Hoá đến Quảng Bình. Còn mùng tơi là phần trên của tơi. Phần này được kết dày và bằng các dọc lá tốt, bền, lâu bị rụng (rơi). Thông thường, khi áo tơi hỏng, rách nát, không được dùng nữa thì phần trên cùng của áo, tức là mùng tơi vẫn còn nguyên. Nhà khá giả sẽ mua lá chằm (kết) áo tơi mới. Nhà nghèo túng thì chưa kết áo tơi mới ngay được, mà cứ dùng cái áo tơi rách cũ, chân áo và thân áo rơi rụng gần hết, chỉ còn lại phần vai áo, tức mùng tơi ngắn cũn cỡn. Đã thế, có nhà vì nghèo quá, cứ phải mang mãi cái mùng tơi ấy cho đến khi rớt (rơi rụng) gần hết dọc lá vẫn mang. Không bao giờ kiếm được chiếc áo tơi mới lành!” (Sđd, tr. 245 – 246). Lối giải thích này cũng không có sức thuyết phục.

Trong khẩu ngữ của tiếng Việt có một số thành ngữ ra đời trên cơ sở của những từ tổ gồm có hai từ đơn tiết (như: ngay đơ, dốt đặc, v.v.) mà thành tố thứ hai (đơ, đặc), có tác dụng miêu tả thành tố thứ nhất và/hoặc nêu lên mức độ tuyệt đối tối cao (superlatif absolu) của nó, lại được thêm nghĩa bằng một danh từ (hoặc một danh tổ) song tiết có tác dụng miêu tả một cách đùa tếu (như: đơ cán cuốc, đặc cán mai, vv.). Danh từ (hoặc danh tổ) dùng để miêu tả này chỉ thích hợp về ngữ nghĩa với thành tố thứ hai của từ tổ gốc chứ không thích hợp với thành tổ thứ nhất của từ tổ hoặc với toàn bộ từ tổ đó. Tính chất đùa tểu nói trên chính là hệ quả của sự không thích hợp đó, sự không thích hợp này thậm chí có khi còn trở nên kỳ quặc nữa và hễ tính chất kỳ quặc càng cao thì tính chất đùa tểu càng tăng. Thí dụ: say quắt cần cậu. Say quắt là một từ tổ tính từ mà mức độ tuyệt đối tối cao được biểu hiện bằng tính từ quắt. Quắt là một biến thể ngữ âm của quặt, mà nghĩa gốc là “cong lại”. Say quắt là say đến quằn người lại còn quắt cần câu là cong như cần câu bị cá đớp mồi mà kéo xuống. Xét riêng biệt thì hai từ tổ trên đây vẫn hợp lý về ngữ nghĩa nhưng phối hợp chúng với nhau mà nói say quắt cần câu thì rõ ràng là đã làm phát sinh vấn đề về mặt luận lý và người ta cứ phải đặt câu hỏi: say quắt cần câu là say như thế nào? Đó là một thí dụ. Sau đây là một thí dụ khác: già cúp (hoặc cóp) bình thiếc. Già cúp là một từ tổ tính từ mà mức độ tuyệt đối tối cao được biểu hiện bằng động từ cúp. Già cúp có nghĩa là già đến cụp lưng xuống; từ tổ này cũng bị nói trại thành già cóp. Còn cóp bình thiếc là móp như cái bình thiếc bẹp. Xét riêng biệt thì hai từ tổ già cúp (cóp) và cóp bình thiếc đều hợp lý và dễ hiểu về mặt ngữ nghĩa nhưng phối hợp chúng với nhau mà tạo nên thành ngữ già cúp (cóp) bình thiếc thì thật là oái oăm! Nhưng chính sự oái oăm này mới tạo ra sắc thái đùa tếu cần thiết cho thành ngữ đang xét – mà từ lâu nhiều người đã nói thành “già cúp thùng thiếc”. Cũng vậy với những khó lụn xương sườn, ngay đơ cán cuốc, dốt đặc cán mai, mê tít thò lò, nói thẳng ruột ngựa, say tít cung thang, nói toạc móng khướt (hoặc lử) cò bợ, chết ngoẻo (hoặc ngủm) co đeo, chết ngoẻo củ từ, mút chỉ cà tha, v.v..

Khi tạo ra các thành ngữ trên đây, người ta không phải không biết rằng cái cán mai chẳng có liên quan gì đến sự dốt nát, cái móng heo chẳng có liên quan gì đến sự nói thẳng, cũng như con cò bợ chẳng có liên quan gì đến sự say xỉn, v.v.. Cũng như ngày nay, ai lại không biết rằng tiếng trị trong chính trị, mà phương ngữ miền Bắc phát âm thành chị, đâu có liên quan gì đến tiếng chị trong anh chị hoặc chị em. Nhưng người ta vẫn nói một cách bình thường và tự nhiên: chính trị chính em để tạo ra sắc thái đùa tếu. Người Nam bộ không phải không biết tiếng nhưng trong nhưng mà đâu có liên quan gì đến tiếng nhưn trong nhưn bánh mà họ cũng phát âm thành “nhưng” Nhưng họ vẫn sẵn sàng ghép kết từ (từ nối) này với danh từ nhị (= nhuỵ) mà nói “không nhưng nhị gì cả” hoặc “không nhưng không nhị gì cả”. Hoặc nữa, người ta làm sao chẳng biết con cú mèo chẳng có liên quan gì đến sự tuyệt diệu, tuyệt hảo. Đó là còn chưa nói thêm rằng trong tâm thức của dân gian Việt Nam thì cú mèo là một giống chim mang đến điềm xui xẻo. Nhưng người ta vẫn nói một cách bình thường và tự nhiên: tuyệt cú mèo! (tất nhiên là để khen). Ở đây, người ta đã thao tác bằng cách xem từ tổ danh từ “tuyệt cú” trong tiếng Hán như là một cấu trúc đồng nghĩa tuyệt đối của tính từ tuyệt trong tiếng Việt rồi, không cần biết cú có nghĩa là câu, người ta cứ thêm mèo vào sau (thành “cú mèo”) để khẳng định rằng đó là một giống chim mà tạo ra sắc thái đùa tếu. Xin nhấn mạnh rằng thao tác này chỉ tạo ra sắc thái đùa tếu chứ không có tác dụng làm cho xấu nghĩa (péjoratif).

Nghèo rớt mồng tơi vốn cũng là một thành ngữ mang thái đùa tếu tạo ra theo kiểu đó. Rớt ở đây chính là nhớt, và có nghĩa là trơn. Và nghèo nhớt (rớt) là nghèo đến mức không có một chút của cải gì (Xin so sánh với: hết nhẵn, hết sạch, hết trơn, hết trọi (trụi), sạch trơn, sạch nhẵn, v.v.). Sự tồn tại của từ tố cố định nghèo nhớt (rớt) được chứng thực bằng một hình thức mở rộng của nó là nghèo rớt ra như đã được ghi nhận trong Từ điển tiếng Việt 1992. Vậy ta có thể yên tâm rằng đó không phải là kết quả của một sự suy diễn thuần tuý. Còn nhớt (rớt) mồng tơi thì chính là cái chất nhờn ở trong lá của thứ cây Basella rubra L. mà chúng tôi đã giới thiệu ngay từ đầu của câu trả lời này. Vậy, xét riêng ra, thì hai từ tổ nghèo nhớt (rớt) và nhớt (rớt) mồng tơi hiển nhiên là hoàn toàn hợp lý và dễ hiểu về mặt ngữ nghĩa. Chỉ có hình thức phối hợp của chúng thành nghèo rớt (nhớt) mùng tơi thì mới là oái oăm mà thôi.

Nhưng nếu không oái oăm như thế thì làm sao tạo ra được sắc thái đùa tếu? Có điều là sắc thái này trong thành ngữ đang xét đã bị bào mòn dần với thời gian nên người ta mới càng ngày càng khó nhận ra nó và cũng chính vì vậy nên người ta mới cố công đi tìm xem cái chất nhờn trong lá mồng tơi, hoặc cái phần trên của chiếc áo tơi thì có liên quan như thế nào với sự nghèo túng! Và vì không thấy được lối tạo thành ngữ độc đáo này trong tiếng Việt – vẫn còn rõ nét trong khẩu ngữ của tiếng Việt ở miền Nam – nên có người đã từng giảng rằng cậu ấm sứt vòi là “cậu ấm sứt b…” (vì b… đã bị nói trại thành vòi), rằng cậu ấm sở dĩ bị sứt… cái đó là vì đã chơi bời quá lêu lổng, bê tha.