Bản nhạc bản nhạc Für Elise hay chúng ta vẫn biết với cái tên “Thư gửi Elise” của Beethoven là một trong những bản nhạc nổi tiếng nhất thế giới, đã mang lại nguồn cảm hứng kỳ diệu cho hàng triệu người.
“Thư gửi Elise” vang lên khắp nơi
Ngày nay chúng ta thường nghe thấy Thư gửi Elise (Für Elise) ở khắp mọi nơi như cho nhạc chuông điện thoại, còi ôtô, đồ chơi trẻ em.Nhiều ca sĩ, nhạc sĩ đã sử dụng Für Elise như là nguồn cảm hứng, như là chất liệu âm nhạc trong các tác phẩm của mình.Năm 2002, ca sĩ nhạc Rap Nas đã dùng Für Elise làm nhạc nền cho ca khúc rap “I Can” của mình. Trong album Whitney’s Greatist Hits của ca sĩ Whitney Houston và Deborah Cox, Für Elise đã xuất hiện ở bài “Same Script, Different Cast”.
Tinh tế, trong sáng và tràn đầy tình cảm
Như tất cả mọi trạng thái, cảm xúc muôn đời của tình yêu Thư gửi Elise dạt dào tình cảm, mang lại cho người nghe một sự cuốn hút khó kiềm chế. Bản nhạc không quá phức tạp về mặt kỹ thuật, thậm chí bạn có thể chơi nó bằng một tay trên phím dương cầm, nhưng để đạt được tình cảm dạt dào, sâu lắng, tinh tế và đặc biệt rất trong sáng của Beethoven thể hiện trong bản nhạc là điều không đơn giản.
Và như mọi thành tựu trong cuộc sống, để đạt đến sự giản dị và trong sáng luôn là điều rất khó khăn.Nhạc sĩ Beethoven đã sáng tác Thư gửi Elise khoảng năm 1810, khi ông đã 40 tuổi và đã được khẳng định là một trong những nhạc sĩ vĩ đại nhất của mọi thời đại. Trong khoảng thời gian này, Beethoven đã bị điếc rồi. Vậy thì Thư gửi Elise đã được sáng tác trong cái sự “yên tĩnh” của nhạc sĩ. Như ai đó đã từng nói “ Tình yêu có chiều sâu hơn khi người ta lớn tuổi”.
Thư gửi Elise mang lại sự sâu sắc vô cùng, như sự chiêm nghiệm của người đàn ông đã trải qua bao thăng trầm, cay đắng nhưng vẫn còn nguyên vẹn một tình yêu mãnh liệt và trong sáng trước một cô gái. Bản nhạc như một lời tỏ tình nhẹ nhàng du dương nhưng cháy bỏng. Tôi nghĩ rằng bạn không thể nghe nó một lần. Cũng giống như sự quyến rũ của tình yêu bạn cho phép mình được bay bổng và “phá cách” trong suy nghĩ và hành động để bày tỏ cảm xúc với người tình…Bạn có thể luyện kỹ thuật như: tốc độ cho đúng, hợp lý, âm thanh rõ ràng sau một thời gian tập luyện, nhưng một yêu cầu quan trọng khác không thấy được viết vào bản nhạc, đó là tinh thần,tư tưởng, tình cảm của cuộc đời của Beethoven.
Và chính vì vậy đã hàng ngàn nghệ sĩ piano biểu diễn Thư gửi Elise vẫn miệt mài tập luyện, vì muốn thể hiện bản nhạc một cách “toàn vẹn” cần rất nhiều thời gian hiểu biết, tích lũy, cảm nhận để làm sao thể hiện những dòng âm thanh trào dâng mà vẫn sâu lắng và đặc biệt là trong sáng một cách kỳ lạ của người đàn ông 40 tuổi trải qua quá nhiều vất vả, bi kịch trong cuộc đời mà vẫn đang yêu đắm say…
Elise là ai?
Thực sự ra, cái tên của tác phẩm là do các nhà nghiên cứu về Beethoven khẳng định đã thấy lời đề tặng “Für Elise” do tác giả viết trên bản thảo, nhưng bản thảo đó cũng thất lạc từ lâu. Ngoài ra, cũng có nguyên do đặc biệt khác để có cái tên “Elise”.Thực tế là Beethoven đã không lập gia đình. Trong khoảng thời gian sáng tác bản nhạc này thì nhạc sĩ đã yêu Therese Malfatti. Cô này là một trong những cô đã từ chối lời cầu hôn của Beethoven. Hơn thế nữa, nét chữ của tác giả cực kỳ nát.
Do vậy, một số học giả đã suy ra cái đầu đề của bản nhạc là do đọc nhầm từ chữ “Therese” thành “Elise”, họ còn cho rằng tác phẩm lúc đó đã được nhạc sĩ viết tặng cho một cô học sinh đang theo học, cô này tên là Theresa. Cứ như là một câu đố đầy bí ẩn vậy, sự giải thích này cũng không hẳn là duy nhất, tuy là chữ “Therese” và “Elise” khác nhau khá nhiều.Chúng ta cũng không có tài liệu, thư từ nào của những người cùng thời với Beethoven nhắc tới cái tên “Elise”, nhưng cũng không hẳn là không có cái tên này trong cuộc đời của nhạc sĩ. Với chứng bệnh điếc của mình, Beethoven đã dần dần tự mình rút lui ra khỏi đám đông, vì vậy nếu muốn tìm hiểu thông tin của nhạc sĩ qua tài liệu của những người thân của ông cách đây hơn 200 năm thì quả là một điều rất khó.
Tuy vậy, một số thư từ, tài liệu đã được tìm ra sau thời gian nhạc sĩ bị điếc, thì vào năm 1827 có bức thư cho “người tình bất hủ”. Mặc dù vậy, với rất nhiều nghiên cứu và phỏng đoán thì “người tình” này và Elise cũng chưa chưa chắc đã là một người. Và có thể cái tên Elise là một trong những điều bí hiểm ẩn còn phải nghiên cứu trong cuộc đời của Beethoven.
Thêm một sự tinh tế khác
Có một điều lý thú nữa là giai điệu bản nhạc được bắt đầu là E (mi) – D# (rê thăng) – E (mi), có thể tương tự là E (mi) – Eb (mi giáng) – E (mi). Ba nốt nhạc này ở tiếng Đức được ký hiệu là E – Es – E, và những chữ cái này có trong chữ ThErESE hoặc là EliSE.Nhưng cho dù cái tên “Elise” là do đọc sai, hay là một mối tình bí mật nào đó, hay là một người phụ nữ nào đó đã đem lại nguồn cảm hứng sáng tác cho Beethoven, mà cũng có thể họ chưa từng gặp mặt nhau. Thì điều bí mật này sẽ mãi mãi trong sự tưởng tượng của chúng ta.
Có điều chúng ta được biết rằng Beethoven đã viết đi viết lại bản nhạc này trong vòng mấy năm liền, nhưng khi ông còn sống, ông chưa từng cho xuất bản, và bản nhạc đã được tìm thấy dưới dạng là một bản thảo viết tay.
Một chút phân tích bản nhạc
“Für Elise” được viết ở giọng La thứ (A minor – a moll) và còn được goi là bản Bagatelle.Thế nào là giọng La thứ?Đi sâu vào lý thuyết âm nhạc thì hơi rắc rối. Nhưng để phân biệt sự khác nhau giữa các giọng, cơ bản người ta quy định ra 15 loại khác nhau. Đó là từ không có dấu gì ở đầu dòng nhạc đến 7 dấu thăng (#) hoặc dấu giáng (b) (tuy là có 3 cặp khác tên nhưng trùng âm thanh.)Ở đây, giọng La thứ là giọng không có dấu gì ở đầu dòng nhạc và gần như là giống với giọng Đô trưởng (C major – C dur), hay còn gọi là giọng Đô.Bản Bagatelle?Thường là tác phẩm ngắn và nội dung có thể là để thể hiện, mô tả những sự bất thường của thời tiết, sự thay đổi của thiên nhiên.Bắt đầu bản “Für Elise” là nét chuyển động nhẹ nhàng mềm mại.
Nhưng sau đó được chia ra làm 2 hướng phát triển khác lạ, không đoán trước được, mà đều bắt nguồn từ nét nhạc đầu tiên của bản nhạc. Và nét nhạc chính thì luôn luôn được vang lên trong toàn bộ tác phẩm.Hình thức (form) của tác phẩm được viết theo hình thức rondo. Một hình thức mà sau khi hết phần giai điệu đầu tiên (A) tiếp theo là phần phát triển (B), sau khi hết phần B thì phần A được nhắc lại, và sau đó là một phần phát triển khác (C), kết thúc là phần A được nhắc lại lần nữa. Có thể viết tắt là A B A C A. Đây là mẫu thường được dùng nhất, nhưng hình thức rondo cũng có thể có thêm nhiều các phần phát triển khác nữa (D, E, F …vân vân), còn tùy thuộc vào ý đồ tác giả.
Vài nét về Beethoven
Ludwig Van Beethoven (1770-1827), người Đức, một nhạc sĩ bị điếc.Beethoven được coi là một trong những nhạc sĩ vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Nhưng ông cũng nổi tiếng về tính cáu bẳn của mình, Và chúng ta thật khó mà hình dung nổi những đau khổ vất vả mà người nhạc sĩ vĩ đại này đã từng trải qua trong đời.
Tài năng biểu diễn âm nhạc của Beethoven đã bộc lộ rất sớm từ lúc còn nhỏ, và ông bị người cha ác nghiệt nghiện rượu đã tận dụng tài năng của đứa con để kiếm tiền. Kỹ thuật chơi đàn của Beethoven tiến bộ rất nhanh, nhưng tiền thì đã không kiếm được nhiều như mong muốn. Khi Beethoven 11 tuổi, ông đã có thể chơi đàn oóc trong cung đình thay cho thầy của mình. Khi Beethoven 17 tuổi, ông đến Vienna. Theo dự định thì ông sẽ học sáng tác với Mozart, nhưng Beethoven lại phải quay về nhà ngay tức thì vì bà mẹ hấp hối.
Thế rồi bà mẹ qua đời. Vài năm sau, Beethoven cũng trở lại Vienna, nhưng ông không còn cơ hội học sáng tác nữa, vì Mozart đã qua đời ở tuổi 35.Ông bố của nhạc sĩ cũng qua đời cùng năm Beethoven quay lại Vienna. Nhưng nỗi buồn này đã không làm thay đổi những bước đi mới trong sự nhiệp âm nhạc của nhạc sĩ. Lúc đó, ở độ tuổi hai mươi mấy, Beethoven đã theo học với một số nhạc sĩ nổi tiếng. Sau đó, những tác phẩm sáng tác của ông bắt đầu được chú ý tới với cả khen lẫn chê. Nhưng Beethoven đã khẳng định được mình là một trong những người chơi đàn ngẫu hứng siêu nhất thời đó. Người ta kể lại rằng tay đàn của ông đạt tới trình độ mà nhiều nghệ sĩ đàn piano mơ ước. Khoảng năm 1800, ông cho xuất bản 2 bản sonata, đó là bản Pathétique và bản Sonata Ánh trăng. Có thể coi cả 2 bản này đã là bước chuyển lớn từ thời kỳ cổ điển sang lãng mạn, cái thời mà các nhạc sĩ bắt đầu viết ra những cảm xúc riêng tư của mình mà không bị bó buộc vào việc sáng tác nhạc cho nhà thờ hoặc cho các cung điệnSự lạc quan đến lạ kỳNhưng những tai ương của Beethoven đâu có chấm dứt.
Trong tình trạng sức khỏe đau yếu thường xuyên, thì cũng khoảng 1800, ông bắt đầu cảm nhận khả năng nghe của mình càng ngày càng kém, và rồi ông bị điếc luôn. Rõ ràng thời kỳ này đã thực sự là một thời gian thật kinh khủng đối với nhạc sĩ. Ông đã viết di chúc và định tự tử, Nhưng ông đã vượt qua và tiếp tục sống, tiếp tục sự nghiệp âm nhạc vĩ đại của mình với một sự lạc quan đến diệu kỳ, ông đã viết như sau: “Linh hồn ta sẽ điều khiển cái thân thể yếu đuối của ta”. Với khả năng thật phi thường, kỹ thuật sáng tác của ông vẫn luôn tiếp tục phát triển, mặc dù ông bị điếc, và rồi một số lượng rất lớn tác phẩm của ông được viết ra trong khi ông không nghe được chút nào. Nhưng tinh thần, tư tưởng và sức sống mãnh liệt của ông thể hiện rất rõ trong từng tác phẩm.Dù ông quyết tâm theo đuổi con đường âm nhạc của mình và đã nổi tiếng khắp châu Âu, nhưng ông càng ngày càng xa lánh mọi người. Với bao lần đổ vỡ trong tình yêu, cộng với cái tính nóng như lửa của ông đã làm ông suy sụp.
Năm 1827, Beethoven qua đời. Ông đã để lại cho hậu thế những bản nhạc bất hủ. Những tác phẩm này vẫn tiếp tục được lưu truyền tới hàng trăm năm sau.. Nhạc sĩ cũng đã để lại bản di chúc cuối cùng và bức thư cho “người tình bất hủ” của mình, tuy là đã có rất nhiều giả thuyết và phỏng đoán, nhưng không ai có thể tìm ra được chính xác người đàn bà đó là ai. Beethoven chưa bao giờ lập gia đình và không có đứa con nào. Đã có hàng trăm người đưa đám tang ông, nhưng vẫn có thể cho rằng ông đã qua đời trong sự cô đơn, và chưa được người đời thông cảm hết.Người đời kể lại rằng khi bị điếc Beethoven đã thèm được nghe tiếng đàn piano đến nỗi ông nằm áp tai xuống sàn nhà, và với tay lên đánh mạnh xuống phím đàn, để hòng mong cảm nhận được sự rung động của âm thanh. Tuy tay đàn của ông vẫn hoàn hảo mỗi khi ông chơi đàn một mình, nhưng ông cũng đã không còn có thể biểu diễn cùng dàn nhạc được như trước nữa.
Cũng có thể nói, Beethoven là một nhạc sĩ không hề biết mệt mỏi, trong đời ông, ông đã thay đổi địa chỉ đến 50 lần. Ông sống chủ yếu ở Bonn (Đức), là nơi ông sinh ra, và ở Vienna (Áo), thủ đô âm nhạc của thế giới. Ở Bonn, người ta làm một bảo tàng về ông.Không ai biết ngày sinh sủa Beethoven. Nhưng có tài liệu nói là ông được làm lễ rửa tội vào ngày 17 tháng 12. Mà lễ rửa tội thường được làm sau khi ra đời một ngày, cho nên nhiều người cho rằng ông sinh ngày 16.
Bộ Tân ước của âm nhạc
Beethoven đã sáng tác rất nhiều trong đời. Cho tới ngày nay, những ý tưởng và hình tượng âm nhạc trong các bản giao hưởng của ông vẫn luôn là đề tài để thảo luận không ngừng. Người ta thường coi 32 bản Sonata cho piano của ông là bộ tân ước của âm nhạc, và toàn tập prelude và fuga cho đàn phím của nhạc sĩ Johann Sebastian Bach là cựu ước.
Một vài giai điệu rất nổi tiếng trên thế giới là do Beethoven sáng tác, nhưng khá nhiều người không biết là của ông. Nét giai điệu của bản giảo hưởng số 5 và số 9 thì là quá phổ biến.Tuy là bị điếc, nhưng ông lại có thể sáng tác tác phẩm cho cả dàn nhạc, mà hơn 200 năm sau, âm thanh của những bản giao hưởng vẫn mãi tuyệt vời.
Hiện nay, bản giao hưởng số 9 “hướng tới niềm vui” đang được sử dụng là quốc ca của khối cộng đồng châu Âu. Và giai điệu nổi tiếng nhất thế giới mà ai cũng biết, đó là đoạn mở đầu của bản giao hưởng số 5.
Những tác phẩm không thể bỏ qua của Beethoven:· 1. Piano Sonata số 8 “Pathétique”· 2. Piano Sonata số 12 (Chương hành khúc tang lễ)· 3. Piano Sonate số 14 “Sonate Ánh Trăng”· 4. Piano Sonate số 17 “Bão Tố”· 5. Piano Sonatina số 2 (Nhẹ nhàng nhí nhảnh)
Những tác phẩm gây chấn động:· 1. Bản giao hưởng (Symphony) số 5· 2. Bản giao hưởng số 7· 3. Bản giao hưởng số 9 “Hướng tới niềm vui” (với dàn hợp xương)
Beethoven nói: “Bạn hỏi tôi rằng tôi có được những ý tưởng từ đâu? Điều này tôi không thể nói một cách chính xác. Nhưng những điều đó đến một cách bất ngờ, đến trực tiếp hoặc đến gián tiếp. Tôi chớp ngay lấy chúng bằng đôi bàn tay này. Trong không gian, trong rừng, trong khi đi dạo, trong cái tĩnh lặng của ban đêm hay trong ánh hoàng hôn, tất cả những điều đó thì được nhà thơ chuyển tải thành lời, nhưng tôi chuyển chúng thành những âm thanh. Những âm thanh này giằng xé, gầm gào, bão tố trong tôi đến khi tôi viết chúng ra thành những nốt nhạc“.