Học thuyết âm dương là học thuyết nổi tiếng, cũng là học thuyết quan trọng bậc nhất trong kho tàng triết học của văn hóa Á Đông. Vấn đề nguồn gốc của học thuyết âm dương đã được tìm hiểu từ lâu bởi các nhà nghiên cứu Trung Quốc, quốc tế và Việt Nam, các nhà nghiên cứu Trung Quốc và quốc tế thiên về hướng cho rằng âm dương là di sản sáng tạo của văn minh Trung Hoa, nhưng cũng không ít nhà nghiên cứu cũng tỏ ý nghi ngờ về những ghi chép không rõ ràng về nguồn gốc của âm dương hay rộng hơn là Kinh Dịch trong lịch sử của người Trung Quốc. Bên cạnh giả thuyết về nguồn gốc từ văn minh Trung Hoa của âm dương, thì cũng có một số nhà nghiên cứu Việt Nam đã đề xuất học thuyết âm dương là do người Việt phương Nam đã tạo nên, sau đó người Trung Hoa đã tiếp nhận và biến thành của mình. Nhìn chung thì nguồn gốc của âm dương vẫn là một vấn đề gây ra những tranh cãi nhất định, chưa đủ cơ sở và dữ liệu để kết luận chính xác về nguồn gốc của âm dương.

Nhưng các tư liệu khảo cổ chúng tôi đã tìm được đã cho thấy nguồn gốc và tiến trình phát triển khá cơ bản của âm dương trong các nền văn hóa cổ, có sự kế thừa và phát triển qua các văn hóa, có thể nói, âm dương có một tiến trình phát triển hầu như là liên tục và không ngắt quãng trong khoảng hơn 4000 năm, từ văn hóa Đông Á tới các nền văn hóa tộc Việt.

Cơ sở cốt lõi để tìm hiểu về nguồn gốc của âm dương, đó là cần phải dựa trên các nghiên cứu khoa học có cơ sở vững chắc, là di truyền và khảo cổ học, trong đó di truyền giúp định hình khung không gian, các dòng di cư và tiến trình phát triển của các văn hóa, từ đó kết nối các tài liệu khảo cổ tại các văn hóa để xác định sự kế thừa của âm dương qua các giai đoạn.

Đây sẽ là phương pháp tiếp cận cơ bản của chúng tôi để tìm hiểu về nguồn gốc của âm dương trong văn hóa Đông Á cổ và văn hóa tộc Việt, từ đó sẽ xác định được chính xác về nguồn gốc của âm dương, xác định được ý nghĩa thực sự của các hoa văn đặc trưng của các văn hóa Phùng Nguyên và văn hóa Đông Sơn, góp phần làm rõ về vai trò và những biểu hiện của âm dương trong các nền văn hóa cổ của người Việt và tiền thân của cộng đồng tộc Việt.

I. Cơ sở xác định về nguồn gốc của âm dương:

Để xác định được nguồn gốc của âm dương, chúng ta cần xác định được cơ sở tương tác và hình thành văn hóa của các văn hóa Đông Á cổ đại thông qua các nghiên cứu di truyền và nhân chủng học. Các tài liệu tại các văn hóa Đông Á cổ đại sẽ là cơ sở chính để chúng tôi tìm hiểu về nguồn gốc của âm dương, từ đó đối chiếu với các tài liệu khảo cổ tại Việt Nam để tìm kiếm về sự kế thừa.

Theo các nghiên cứu về di truyền, thì các nền văn hóa Đông Á cổ đại được hình thành từ hai luồng di cư: từ Đông Nam Á di cư lên và từ Bắc Á di cư xuống. Trong đó cơ cấu dân số ở phía Bắc là người Bắc Á đông hơn, cơ cấu dân số phía Nam là người Đông Nam Á đông hơn, nhưng hai vùng: đồng bằng Dương Tử và đồng bằng Hoàng Hà đã có sự di cư và hòa huyết liên tục với nhau, cùng nhau xây dựng nên các nền văn hóa lớn trong vùng Dương Tử và vùng bắc Đông Á. [1] Tiến trình phát triển có thể khái quát lại như bản đồ sau.

Bản đồ minh họa nguồn gốc và tiến trình phát triển của các văn hóa cổ Đông Á của người cổ Đông Nam Á, người tiền Việt và tộc Việt. Bản đồ thể hiện vị trí và phân bố tương đối của các văn hóa lớn thời Đá mới tại vùng bắc Đông Á và nam Đông Á. (Dựa theo Liu Li và Chen Xingcan (2012) trong The Archaeology of China: From the Late Paleolithic to the Early Bronze Age.)

Các nghiên cứu di truyền, khảo cổ, nhân chủng cũng cho chúng ta thấy được cơ sở thực tế của sự liên hệ giữa các văn hóa Đông Á cổ đại, với các dòng di cư của cư dân vùng Dương Tử lên vùng phía Bắc, và của cư dân phía Bắc xuống vùng Dương Tử.

Theo nghiên cứu truyền của Wang et al. 2021 [2], thì cư dân Tây Liêu cổ đại (3800 BP) trong vùng Đông Bắc Trung Quốc (nơi xuất hiện văn hoá Hồng Sơn) có khoảng 33% gen của cư dân Dương Tử, cho thấy đã có những cuộc di cư của cư dân vùng Dương Tử lên phía Bắc, có thể ngay từ thời văn hoá Hồng Sơn, và cuộc di cư này cũng có thành phần cư dân Nam Á dừng chân lại tại văn hoá Đại Vấn Khẩu, nghiên cứu của Fuller et al. 2011 cũng cho thấy sự truyền bá của lúa nước vào khoảng 6000 năm trước từ vùng Dương Tử vào văn hóa Đại Vấn Khẩu [3]. Nghiên cứu của Chao Ning et al. 2020 cũng cho thấy cuộc di cư của cư dân vùng Dương Tử lên văn hóa Ngưỡng Thiều đồng thời với sự gia tăng trồng lúa của văn hóa này [4].

Theo nghiên cứu nhân chủng học sọ người của văn hóa Hà Mẫu Độ [5], thì sọ người được tìm thấy trong văn hóa Hà Mẫu Độ có những đặc trưng pha trộn giữa cư dân Australoid da đen gốc Đông Nam Á và cư dân Bắc Á, hộp sọ của văn hóa Hemudu cho thấy hiện tượng có xương gò má phát triển hơn và má rộng, mặt trên phẳng hơn, chiều cao khuôn mặt và chiều cao hộp sọ tăng lên, bên cạnh đó, thì hộp sọ dài hẹp, quỹ đạo thấp và xương mũi rộng và thấp có thể đã thừa hưởng các đặc tính của tổ tiên thời đồ đá cũ.

Hai hộp sọ của văn hóa Hà Mẫu Độ. [5]

Các văn hóa cổ: Ngưỡng Thiều, Đại Vấn Khẩu là các văn hóa tiền thân của cộng đồng tộc Việt, thời điểm này, thì tộc người Hoa Hạ chưa hình thành, theo các nghiên cứu di truyền, thì họ mới chỉ hình thành từ cuộc di cư của người Khương phía thượng lưu sông Hoàng Hà vào vùng đồng bằng sông Hoàng Hà vào khoảng 5000-6000 năm trước [6][7], dựa vào sự thay đổi của các văn hóa, thì thời điểm xâm nhập của người Khương vào văn hóa Ngưỡng Thiều nhiều khả năng diễn ra vào khoảng hơn 5000 năm trước. Vì vậy, các văn hóa Ngưỡng Thiều, Đại Vấn Khẩu không phải do người Hoa Hạ trực tiếp kiến tạo nên. Các nghiên cứu cũng cho thấy văn hóa Mã Gia Diêu có nguồn gốc trực tiếp từ văn hóa Ngưỡng Thiều, là một bộ phận của văn hóa này [8][9]. Do đó, nguồn gốc của âm dương trong các văn hóa này không phải là “từ Trung Quốc” như cách hiểu thường thấy khi nhận định về nguồn gốc của các văn hóa.

Đây chính là các nghiên cứu hình thành cơ sở để có thể tìm hiểu về nguồn gốc của thuyết âm dương, dựa trên tiến trình phát triển và hình thành văn hóa. Các văn hóa trong vùng Dương Tử: Khuất Gia Lĩnh và Thạch Gia Hà có nguồn gốc từ văn hóa Đông Á cổ. Các văn hóa tại Việt Nam: Phùng Nguyên và Đông Sơn có nguồn gốc từ các văn hóa trong vùng Dương Tử [10][11], qua sự đối chiếu so sánh, chúng ta sẽ thấy được sự kế thừa của các văn hóa tại Việt Nam từ các văn hóa cổ trong vùng Đông Á.

II. Nguồn gốc của âm dương và các cách thức biểu hiện của nó trong văn hóa Đông Á:

Nghiên cứu của Jiansheng Hu [12] đã tổng hợp và phân tích rất chi tiết về nguồn gốc của âm dương trên các hiện vật gốm màu của văn hóa Đông Á cổ trong vùng bắc Đông Á và vùng Dương Tử, cho thấy được rất rõ ràng các hình thức thể hiện của âm dương trên các hoa văn gốm của các văn hóa. Đó sẽ là cơ sở để chúng tôi tìm hiểu và xác định về các hình thức thể hiện của âm dương trong các nền văn hóa tại Việt Nam.

1. Nguồn gốc của âm dương từ thời đá cũ:

Xét về nguồn gốc sớm nhất, thì âm dương đã có từ rất lâu đời, với di vật bằng ngà voi ma mút tìm thấy tại vùng Siberia được khắc những chấm tròn dạng hoa văn xoắn ốc và hoa văn hình chữ S, là những biểu tượng đại diện cho âm dương, mảnh ngà voi này có niên đại vào khoảng 24.000 năm trước.

Hoa văn xoắn ốc và hoa văn âm dương dạng chữ S được khai quật tại Di tích Malta, Siberia. [13]

Vì vậy, nhận thức về âm dương có thể đã xuất hiện từ rất sớm, trong các dòng di cư rời khỏi châu Phi vào khoảng 60.000-30.000 năm trước, đây là nguyên nhân mà âm dương đã xuất hiện rất rộng trong nhiều nền văn hóa cổ trên khắp thế giới. Nhưng trong thực tế, thì từ hình ảnh âm dương đơn thuần phát triển thành một học thuyết thì chỉ có tại văn hóa Đông Á.

2. Nguồn gốc của âm dương trong văn hóa Đông Á cổ:

Các văn hóa Đông Á cổ đại cũng đã tìm thấy những hiện vật thể hiện biểu tượng âm dương, với nhiều hiện vật bằng gốm đã được tìm thấy trong các nền văn hóa của Đông Á như Ngưỡng Thiều, Đại Vấn Khẩu và nền văn hóa có nguồn gốc từ Ngưỡng Thiều là văn hóa Mã Gia Diêu.

Biểu tượng âm dương sớm nhất được tìm thấy tại văn hóa Ngưỡng Thiều, với niên đại khoảng 4500 TCN, thuộc vào giai đoạn Miếu Để Câu, với hình hai bộ phận sinh dục đực xoay ngược chiều nhau theo hình xoáy tròn.

Mô hình âm dương sớm nhất tại văn hóa Ngưỡng Thiều. [12]

Hình tượng âm dương được phát triển theo một hình thức mới trong văn hóa Mã Gia Diêu, thuộc về giai đoạn cuối của văn hóa Ngưỡng Thiều, có niên đại vào khoảng 4000 năm TCN, với mô hình xoáy dạng tiếp tuyến nối liền giữa hai vòng tròn âm dương, thành dạng chữ S, chữ S cũng chính là một biểu hiện của âm dương, như vậy thì mô hình tiếp tuyến này là biểu hiện kép của âm dương.

Thuyết nhị nguyên âm dương trên đồ gốm văn hóa Mã Gia Diêu. [12]

Mô hình âm dương trên đồ gốm văn hóa Mã Gia Diêu tiếp tục phát triển theo hình thức tương tự như hoa văn ở đồ gốm trên, tuy nhiên, thì hình âm dương ở trung tâm không còn rõ nét, mà đã biến chuyển thành hình tròn.

Bình gốm của văn hóa Mã Gia Diêu có niên đại khoảng 2050 – 3300 năm TCN. [12]

Hình tròn trung tâm của hoa văn âm dương dạng tiếp tuyến có sự biến đổi thành các hoa văn dạng vòng tròn đồng tâm, với một lỗ trung tâm hoặc có nhiều vòng bên ngoài, nhưng hình thức hoa văn âm dương dạng chữ S tiếp tục được kế thừa giống như hoa văn tiền thân của nó. Từ đây thì chúng ta có thể thấy được hoa văn đồng tâm cũng là một biểu hiện của âm dương.

Âm dương dạng chữ S bao quanh vòng tròn đồng tâm được tìm thấy sớm nhất trong các văn hóa Đại Vấn Khẩu (2600-4100 TCN) và Mã Gia Diêu (~ 3000 TCN).

Hình âm dương và vòng tròn đồng tâm trên đồ gốm của văn hóa Đại Vấn Khẩu. [12]

Hoa văn âm dương bao lấy (các) vòng tròn đồng tâm của văn hóa Mã Gia Diêu. [12]

Dạng âm dương chữ S có thể được loại trừ hẳn vòng tròn ở giữa để tạo thành những lớp chữ S chồng lên nhau tương tự như trên đồ gốm của văn hóa Đại Vấn Khẩu, thể hiện hình ảnh âm dương có thể biến đổi theo hướng chữ S độc lập với hình tròn.

Hoa văn xoáy của văn hóa Đại Vấn Khẩu có niên đại khoảng 4100-2600 TCN). [12]

Hoa văn âm dương tách biệt thành hình chữ S đã xuất hiện từ rất sớm trong đồ gốm của văn hóa Thang Gia Cương (Tangjiagang) trong vùng trung lưu Dương Tử có niên đại vào khoảng 5050 – 4450 TCN.

Hoa văn âm dương chữ S, ngôi sao tám cánh và đường lượn sóng trên đồ gốm văn hóa Thang Gia Cương vùng trung lưu Dương Tử. [Nguồn]

2. Nguồn gốc của khí:

Khí chính là nguồn gốc của âm dương, khi “Khí động tĩnh mà sinh ra Âm Dương”, bởi vậy các vòng xoáy được thể hiện trên các đồ gồm của văn hóa Đông Á cổ là một phần đại diện cho khí.

Hoa văn xoáy trên đồ gốm của văn hóa Mã Gia Diêu có niên đại khoảng 2050 – 2300 TCN. [12]

Biểu đồ vòng xoáy vũ trụ của khí được vẽ bởi các thầy cúng phương Bắc [12] đã cho chúng ta thấy được hình xoắn ốc chính là đại diện cho vòng xoáy của khí.

Biểu đồ vòng xoáy vũ trụ của khí được thực hiện bởi các thầy cúng phương Bắc. [12]

III. Âm dương trong các nền văn hóa tộc Việt:

Từ cơ sở nghiên cứu về âm dương trong văn hóa Đông Á cổ, chúng tôi sẽ từng bước tìm hiểu về các yếu tố âm dương trong các văn hóa của tộc Việt, bao gồm các văn hóa trong vùng Dương Tử là Khuất Gia Lĩnh, Thạch Gia Hà và các văn hóa tại Việt Nam là Phùng Nguyên và Đông Sơn.

1. Đồ hình âm dương trong các văn hóa Khuất Gia Lĩnh – Thạch Gia Hà:

Các văn hóa Khuất Gia Lĩnh và Thạch Gia Hà là các văn hóa của cộng đồng tộc Việt trong vùng Dương Tử, tại các văn hóa này, đã tìm thấy nhiều bánh xe quay gốm màu thể hiện đồ hình âm dương sớm nhất trong vùng Đông Á. Mô hình này đã có yếu tố trung tâm của biểu đồ Thái Cực sau này và phát triển chế độ cấu trúc âm – dương của trung tâm nhất thể được bao quanh bởi một cạnh bên ngoài kép, đây là một ý tưởng tương đối thuần thục. [12]

Mô hình âm dương của văn hóa Khuất Gia Lĩnh. [12]

Các cách biểu hiện âm dương rất đa dạng trên dọi xe sợi của văn hóa Khuất Gia Lĩnh. [Nguồn]

Từ hình ảnh các lỗ trung tâm trên dọi xe sợi gốm của văn hóa Khuất Gia Lĩnh và Thạch Gia Hà, thì nhiều khả năng, hoa văn vòng tròn đồng tâm chính là đại diện cho lỗ trung tâm biểu hiện cho nhất thể.

1-2: Hình âm dương trên dọi se chỉ văn hóa Khuất Gia Lĩnh. 3: Hình âm dương trên dọi se chỉ Thạch Gia Hà. [14][15][16]

Đồ hình âm dương của văn hóa Khuất Gia Lĩnh và Thạch Gia Hà được hình thành từ việc đo bóng nắng. Biểu tượng âm dương được kết nối chặt chẽ với chu kỳ hàng năm của trái đất xung quanh mặt trời, và bốn mùa là kết quả của nó. Để khảo sát chu kỳ này, cư dân cổ đại đã sử dụng một cây cực mà họ đặt trực giao với mặt đất, như thể hiện trong hình dưới. [17]

Mô hình bóng nắng. [17]

Với cách thiết lập này, cư dân cổ đại đã có thể ghi lại chính xác vị trí của bóng mặt trời và chia năm thành các phần khác nhau. Họ nhận thấy độ dài của một năm là khoảng 365,25 ngày. Hơn nữa, họ chia vòng tròn của năm thành các phân đoạn, bao gồm điểm xuân phân, điểm thu đông, điểm hạ chí và điểm đông chí. Ngoài ra, họ đã sử dụng các vòng tròn đồng tâm xung quanh cực, giúp họ ghi lại độ dài bóng của mặt trời mỗi ngày. Kết quả là họ đo được bóng ngắn nhất trong ngày hạ chí và đo bóng dài nhất trong ngày đông chí. Sau khi kết nối các điểm đo được và làm mờ phần đạt từ hạ chí đến đông chí (Âm), họ đến một biểu đồ như trong hình dưới. [17]

Đồ hình âm dương là kết quả của mô hình đo bóng nắng. [17]

2. Các biểu hiện của âm dương trong các văn hóa tại Việt Nam:

Trong các văn hóa tại Việt Nam, các yếu tố liên quan tới âm dương có thể nói là cốt lõi trong các văn hóa từ Phùng Nguyên tới Đông Sơn. Hoa văn âm dương dạng chữ S là đặc trưng quan trọng nhất của văn hóa Phùng Nguyên, các hoa văn quan trọng nhất của văn hóa Đông Sơn cũng đại diện cho âm dương, được kế thừa trực tiếp từ văn hóa Phùng Nguyên.

2.1. Văn hóa Phùng Nguyên:

Trong văn hóa Phùng Nguyên, thì âm dương được biểu hiện dưới rất nhiều hình thức, từ ý tưởng âm dương ban đầu những người thợ Phùng Nguyên cũng đã có sự biến đổi linh hoạt trong hình dáng của các hoa văn âm dương, có thể nói, sự sáng tạo các hoa văn gốm dựa trên âm dương là cốt lõi của văn hóa Phùng Nguyên.

Trên gốm của văn hóa Phùng Nguyên đã thể hiện một hình ảnh rất giống với đồ gốm của văn hóa Ngưỡng Thiều, với hai vật thể tạo thành một hình xoáy tròn đại diện rất rõ ràng cho âm và dương.

Âm dương trên đồ gốm của văn hóa Phùng Nguyên. [18]

Trên các đồ gốm của văn hóa Phùng Nguyên cũng thể hiện những hình âm dương dạng trong một băng dải, cách thể hiện này là nguồn gốc trong thiết kế của văn hóa Đông Sơn.

Đồ hình biểu hiện cho âm dương và khí của văn hóa Phùng Nguyên. [19]

Hoa văn âm dương dạng chữ S của văn hóa Đông Á được thể hiện trực tiếp trên các đồ gốm trên văn hóa Phùng Nguyên, với cả hai dạng cơ bản, đó là dạng xoáy và dạng vòng tròn đồng tâm.

Hoa văn âm dương dạng vòng tròn đồng tâm và dạng xoáy của văn hóa Phùng Nguyên. [19]

Từ ý tưởng cơ bản này về âm dương, thì người thợ gốm Phùng Nguyên đã sáng tạo nên rất nhiều những hoa văn đa dạng khác cũng thể hiện hình ảnh của âm dương, cách thể hiện tự do nhưng không làm mờ nhạt đi ý nghĩa gốc của âm dương.

Hoa văn âm dương dạng tiếp tuyến được biến thể thành rất nhiều hình dáng khác nhau một cách rất sáng tạo và không bị giới hạn về ý tưởng. [19]

Hoa văn âm dương chữ S cũng có những biến đổi cực kỳ sáng tạo và không bị bó hẹp trong khuôn khổ của hoa văn gốc.

Hoa văn văn hóa Phùng Nguyên. [19]

Các dạng hoa văn biến thể chữ S âm dương trên các đồ đồng Đông Sơn. [19]

Các dạng hoa văn biến thể chữ S âm dương trên các đồ đồng Đông Sơn. [19]

Hoa văn âm dương gốc cũng được người thợ Phùng Nguyên tách hẳn thành một hoa văn riêng, với dạng hoa văn mình chữ S gần như độc lập.

Âm dương dạng chữ S trên đồ gồm văn hóa Phùng Nguyên. [19]

Từ dạng thức chữ S cơ bản đó, thì cư dân văn hóa Phùng Nguyên đã phát triển thành rất nhiều dạng thức hoa văn chữ S biểu hiện cho âm dương trên các đồ gốm của mình, trở thành một đặc trưng vô cùng quan trọng của văn hóa này.

Hoa văn âm dương được tách hẳn thành hình chữ S trên các đồ gốm của văn hóa Phùng Nguyên. [19]

2.2. Sự kế thừa từ Phùng Nguyên tới Đông Sơn:

Văn hóa Đông Sơn là hậu duệ trực tiếp của văn hóa Phùng Nguyên, các hoa văn của văn hóa Đông Sơn có cốt lõi chính là các hoa văn âm dương được kế thừa từ văn hóa Phùng Nguyên và xa hơn là từ các văn hóa Đông Á cổ, với xu hướng đa dạng hóa, cách điệu hóa các hoa văn âm dương cổ, trở thành các hoa văn có tính nghệ thuật và hoàn thiện rất cao.

a. Hoa văn vòng tròn đồng tâm, vòng xoáy và hoa văn âm dương dạng chữ S:

Như các hiện vật được chúng tôi dẫn ở các phần trên đã thể hiện, thì dạng thức chữ S chính là một biểu hiện của âm dương. Các dạng vòng tròn đồng tâm, vòng xoắn ốc được phát triển từ hoa văn âm dương gốc được thể hiện trong vòng tròn. Trong văn hóa Phùng Nguyên và Đông Sơn, thì các hoa văn âm dương dạng chữ S và các hoa văn vòng tròn đồng tâm, hoa văn xoắn ốc đóng vai trò cốt lõi của văn hóa Việt.

Hoa văn đồng tâm và hoa văn âm dương dạng chữ S của văn hóa Phùng Nguyên (trái) và văn hóa Đông Sơn (phải). [20]

Sự kế thừa hoa văn âm dương dạng chữ S trên các cổ vật các văn hóa tại Việt Nam. [21]

Các dạng hoa văn âm dương biến thể trên cổ vật các văn hóa tại Việt Nam. [21]

Phần lớn các hoa văn hình dáng giống chữ S đều là hoa văn cách điệu hóa từ hình ảnh âm dương trong các nền văn hóa cổ tiền thân của văn hóa tộc Việt. Từ ý tưởng đơn giản ban đầu, người Việt thời kỳ Phùng Nguyên tới Đông Sơn đã phát triển nên rất nhiều những hình dáng hoa văn đẹp và độc đáo, đều thể hiện cùng một ý nghĩa biểu trưng cho âm dương.

Hoa văn vòng tròn đồng tâm trong các văn hóa tại Việt Nam, chú thích hình theo thứ tự từ trên xuống dưới, từ trái qua phải. [21]

Hoa văn vòng tròn đồng tâm trên các trống đồng văn hóa Đông Sơn. [22]

Các dạng hoa văn biến thể của âm dương và vòng tròn đồng tâm. [22]

Các hiện vật có hoa văn chữ S và vòng tròn đồng tâm trong văn hóa Đông Sơn. [Nguồn cổ vật: Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Barbier-Mueller, BST Phạm Lan Hương, Tạp chí Asia Art.]

b. Hoa văn xoắn ốc:

Hoa văn xoắn ốc đại diện cho Khí, nguồn gốc của âm dương như chúng tôi đã phân tích ở trên. Hoa văn xoắn ốc hiện diện khá thường xuyên trên các cổ vật của các nền văn hóa tại Việt Nam.

Hoa văn xoắn ốc trong các văn hóa tại Việt Nam. [21]

Hoa văn xoắn ốc kép trên các hiện vật văn hóa Đông Sơn. [Nguồn cổ vật: BST Kiều Quang Chẩn, Bảo tàng Barbier-Mueller.]

3. Rồng đôi là một hình thức thể hiện của âm dương:

Bên cạnh những biểu hiện trực tiếp của âm dương trên các hoa văn dạng chữ S, hoa văn xoắn ốc và vòng tròn đồng tâm, thì trong văn hóa Đông Sơn, hình tượng Rồng thường xuyên được thể hiện qua hình ảnh Rồng sánh đôi trên các đồ đồng, dựa trên các văn hóa Đông Á cổ, cùng với hình ảnh sánh đôi của hai vật giống nhau, cùng với đuôi được thể hiện theo hình xoắn ốc, thì nhiều khả năng, đây cũng chính là một biểu hiện của âm dương, cũng đồng thời đại diện cho văn hóa vật Tổ của tộc Việt.

Hình Rồng đôi trên các rìu đồng văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Martin Doustar]

Hình tượng Rồng đôi và các dạng hoa văn âm dương trên trống đồng Kính Hoa. [Nguồn]

Các hình Rồng đôi trên đồ đồng văn hóa Đông Sơn.

Hình ảnh sánh đôi của Rồng cũng xuất hiện trong đồ hình âm dương của người Yi tại Trung Quốc, hay người Lô Lô tại Việt Nam. Bên cạnh đó, thì hình vẽ Phục Hy và Nữ Oa cũng là một biểu hiện cho âm dương. Các hình ảnh này là cơ sở củng cố cho nhận định rằng hình ảnh Rồng đôi trong văn hóa Đông Sơn là hình ảnh đại diện cho âm dương.

Hoa văn Rồng tạo thành âm dương và tranh vẽ Nữ Oa, Phục Hy thời Đường. [12]

4. Tiểu kết:

Qua sự khảo cứu của chúng tôi, có thể thấy được sự kế thừa và phát triển ý thức văn hóa tộc Việt và văn hóa Đông Á cổ trong các văn hóa Phùng Nguyên và Đông Sơn, cũng từ đó, chúng ta biết được ý nghĩa thực sự của các hoa văn của các văn hóa này và tầm quan trọng của âm dương trong các nền văn hóa của cộng đồng tộc Việt.

IV. Nguồn gốc Rồng Tiên của tộc Việt hay là sự hòa hợp của âm dương:

Cộng đồng tộc Việt hình thành trong vùng Dương Tử [1] dựa trên các nghiên cứu di truyền, khảo cổ học, với các văn hóa Lương Chử, Khuất Gia Lĩnh và Thạch Gia Hà, nó cũng tương ứng với những ghi chép trong truyện họ Hồng Bàng, với sự hình thành của cội nguồn Rồng – Tiên và âm dương.

Truyện họ Hồng Bàng chép: “Long Quân bảo: – Ta là loài rồng, sinh trưởng ở thủy tộc; nàng là giống tiên, người ở trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng khí âm dương hợp lại mà có con nhưng phương viên bất đồng, thủy hỏa tương khắc, khó mà ở cùng nhau trường cửu.” [23]

Trong thực tế khảo cổ học, thì Rồng Tiên, hay đại diện cho dương và âm cũng đã tìm thấy những dấu tích trong văn hóa Thạch Gia Hà, với ngọc chim Tiên và ngọc Rồng được tìm thấy tại văn hóa này.

Ngọc chim Tiên (Phượng Hoàng) và Rồng thời văn hóa Thạch Gia Hà. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, dẫn]

Tới thời văn hóa Đông Sơn, người Việt vẫn tiếp tục kế thừa ý thức Rồng – Tiên với nhiều cổ vật thể hiện hình ảnh chim Tiên và Rồng hòa hợp, sánh đôi.

Hình tượng Rồng và chim Tiên trên mũi lao đồng của văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam]

Rồng và chim Tiên trên trống đồng Phú Xuyên. [22]

Thuyền Rồng và hình ảnh chim Tiên bay vào đầu thuyền Rồng của văn hóa Đông Sơn. [22]

Bên cạnh đó, thì người Việt đội mũ lông chim, xăm mình hình Rồng chính là một hình thức biểu trưng cho văn hóa Tiên – Rồng hay cũng chính là đại diện âm dương trong nền văn hóa của cộng đồng tộc Việt.

Từ đó, chúng ta có thể thấy được văn hóa Tiên Rồng hay cũng chính là âm dương đóng một vai trò quan trọng tới như thế nào trong nền văn hóa của cộng đồng tộc Việt.

V. Kết luận:

Như vậy, nếu xét về nguồn gốc gần nhất, thì âm dương có nguồn gốc từ văn hóa Đông Á cổ đại, các đồ hình âm dương của các văn hóa Khuất Gia Lĩnh, Thạch Gia Hà là biểu hiện rõ nét nhất của học thuyết âm dương. Thực tế, thì âm dương không nhất thiết xuất phát từ văn hóa Đông Á cổ, bởi di tích văn hóa thời đá cũ tại Siberia đã cho thấy quan niệm về âm dương đã có từ rất sớm, nhiều khả năng đã có từ sau những chuyến di cư rời khỏi châu Phi của các cư dân cổ. Nhưng âm dương được phát triển thành một thuyết hoàn thiện chỉ có trong văn hóa Đông Á và văn hóa tộc Việt.

Các biểu hiện của âm dương trong các hoa văn cũng đã cho chúng ta thấy được ý nghĩa thực sự của các hoa văn của các văn hóa Phùng Nguyên, Đông Sơn mà trước kia chúng ta cho rằng đấy đơn thuần chỉ là hoa văn trang trí, không có ý nghĩa nào cụ thể đi cùng chúng. Nó cũng cho thấy sự hiện diện và vai trò quan trọng đặc biệt của âm dương trong các văn hóa của cộng đồng tộc Việt, nền văn hóa được tạo nên từ hai yếu tố âm và dương, với nguồn gốc lưỡng hợp Tiên – Rồng, trong đó Tiên đại diện cho âm, và Rồng đại diện cho dương. Văn hóa âm dương hay Tiên Rồng, từ đó, chính là cốt lõi của của nền văn hóa tộc Việt trong xuyên suốt chiều dài lịch sử của cộng đồng này.


Tài liệu tham khảo:

[1] Lang Linh (2021), Bức tranh di truyền về nguồn gốc của người Việt.
https://luocsutocviet.com/2021/08/19/550-buc-tranh-di-truyen-ve-nguon-goc-cua-nguoi-viet/

[2] Wang, CC., Yeh, HY., Popov, A.N. et al. Genomic insights into the formation of human populations in East Asia. Nature 591, 413–419 (2021). https://doi.org/10.1038/s41586-021-03336-2

[3] Fuller, D.Q. Pathways to Asian Civilizations: Tracing the Origins and Spread of Rice and Rice Cultures. Rice 4, 78–92 (2011). https://doi.org/10.1007/s12284-011-9078-7

[4] Ning, C., Li, T., Wang, K. et al. Ancient genomes from northern China suggest links between subsistence changes and human migration. Nat Commun 11, 2700 (2020). https://doi.org/10.1038/s41467-020-16557-2

[5] Chen P, Wu J, Luo L, et al. Population Genetic Analysis of Modern and Ancient DNA Variations Yields New Insights Into the Formation, Genetic Structure, and Phylogenetic Relationship of Northern Han Chinese. Front Genet. 2019;10:1045. Published 2019 Oct 30. doi:10.3389/fgene.2019.01045

[6] Zhao YB, Li HJ, Li SN, Yu CC, Gao SZ, Xu Z, Jin L, Zhu H, Zhou H. Ancient DNA evidence supports the contribution of Di-Qiang people to the han Chinese gene pool. Am J Phys Anthropol. 2011 Feb;144(2):258-68. doi: 10.1002/ajpa.21399. Epub 2010 Sep 24. PMID: 20872743.

[7] Wang, C. C., Wang, L. X., Shrestha, R., Zhang, M., Huang, X. Y., Hu, K., Jin, L., & Li, H. (2014). Genetic structure of Qiangic populations residing in the western Sichuan corridor. PloS one, 9(8), e103772. https://doi.org/10.1371/journal.pone.0103772

[8] Liu, Li; Chen, Xingcan (2012), The Archaeology of China: From the Late Paleolithic to the Early Bronze Age, Cambridge University Press, ISBN 978-0-521-64310-8.

[9] Andersson, Johan Gunnar (1943). Researches into the prehistory of the Chinese. Bulletin of the Museum of Far Eastern Antiquities. 15.

[10] McColl H, Racimo F, Vinner L, Demeter F, Gakuhari T, Moreno-Mayar JV, Van Driem G, Wilken UG, Seguin-Orlando A, De la Fuente Castro C, Wasef S (2018). The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science. 361(6397):88-92.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/88

[11] Lipson M, Cheronet O, Mallick S, Rohland N, Oxenham M, Pietrusewsky M, Pryce TO, Willis A, Matsumura H, Buckley H, Domett K, Nguyen GH, Trinh HH, Kyaw AA, Win TT, Pradier B, Broomandkhoshbacht N, Candilio F, Changmai P, Fernandes D, Ferry M, Gamarra B, Harney E, Kampuansai J, Kutanan W, Michel M, Novak M, Oppenheimer J, Sirak K, Stewardson K, Zhang Z, Flegontov P, Pinhasi R, Reich D. Ancient genomes document multiple waves of migration in Southeast Asian prehistory. Science. 2018 Jul 6;361(6397):92-95. doi: 10.1126/science.aat3188. Epub 2018 May 17. PMID: 29773666; PMCID: PMC6476732.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/92

[12] Hu J. (2020) Origin of Humanity: Images on Prehistoric Colored Pottery and Chinese Spirituality. In: Big Tradition and Chinese Mythological Studies. Springer, Singapore. https://doi.org/10.1007/978-981-15-4634-1_7

[13] Marija Gimbutas. The Language of the Goddess: Unearthing the Hidden Symbols of Western Civilization. Thames & Hudson, 2001

[14] Jean M Green (1993). Unraveling the Enigma of the bi: The Spindle Whorl as the Model of the Ritual Disk. Asian Perspectives:105-24

[15] Chu Điềm 关喜艳、周恬 Quang Hỉ Diễn. Tiến bộ mới trong khu khảo cổ thứ tư của khu vực Khuất Gia Lĩnh ở Kinh Môn, tỉnh Hồ Bắc. Một số di tích quan trọng đã được phát hiện. 湖北荆门屈家岭遗址第四次考古取得新进展 一批重要遗物被发掘: Nhân dân hàng ngày (Trung Quốc); 2004.

[16] Trương Bằng Xuyên 张朋川 (2005). Đồ gốm vẽ Trung Quốc 中国彩陶图谱: NXB Di sản văn hóa 文物出版社.

[17] Jaeger, Stefan. (2012). A Geomedical Approach to Chinese Medicine: The Origin of the Yin-Yang Symbol. 10.5772/27241.

[18] Hà Văn Tấn. Một số vấn đề về Văn hoá Phùng Nguyên. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 112, 1968.

[19] Hà Văn Tấn. Theo dấu các văn hoá cổ: Từ gốm Phùng Nguyên đến trống đồng. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội 1997, 851 trang.

[20] Lê Xuân Diệm, Các giai đoạn phát triển văn hóa thời Hùng Vương. Kỷ yếu của hội nghị nghiên cứu thời kỳ hùng vương lần thứ 4 (Hùng vương dựng nước Tập IV). 1974.

[21] Nguyễn Du Chi, Hoa văn Việt Nam – Từ thời tiền sử đến nửa đầu thời kỳ phong kiến, Nhà xuất bản Hồng Đức, 2003.

[22] Nguyễn Văn Huyên, Vinh Hoàng (1975). Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam. Hà Nội.

[23] Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái 嶺南摭怪, bản dịch Lê Hữu Mục, nhà sách Khai Trí (1960).