Từ xưa tới nay, chê nghèo thích giàu, tham lợi quên nghĩa luôn là một vấn đề rất nổi cộm. Cổ kim đều có không ít những tác giả chính nghĩa từng vạch trần thói hư tật xấu này của con người…

Vương Phạm Chí, tên thật là Phạm Thiên, là nhà thơ Bạch Thoại trong thời kỳ đầu của nhà Đường, được gọi là “thi tăng”. Bởi vì hai cuốn “Đường Thư” (Tân và Cựu Đường Thư) không được lưu truyền, trong “Toàn Đường Thi” không có bất cứ một thi phẩm nào của ông, ngay cả ngày tháng năm sinh và năm mất của Vương Phạm Chí cũng đều không rõ, điều này khiến thơ của ông bị chôn vùi suốt một ngàn năm dài đằng đẵng, mãi cho đến khi bản thảo Đôn Hoàng được phát hiện, thơ của Vương Phạm Chí mới dần dần được mọi người biết đến.


Ảnh: Pixabay

Vào thời kỳ đầu của nhà Đường, thơ của Vương Phạm Chí từng được lưu truyền rộng rãi, nhưng vì ngôn ngữ trong thơ đơn giản dễ hiểu, không tránh sử dụng tiếng lóng nên sau này thơ ông bị một số văn sĩ chính thống xem là “văn chương dung tục”, không được tiếp tục truyền bá rộng rãi. Trong số các thơ ca của Vương Phạm Chí còn sót lại hiện nay, phần lớn đều là các châm ngôn đạo đức bằng thơ, nội dung chủ yếu là khuyên mọi người làm việc thiện và tránh xa cái ác, dẫn dắt lòng người đi vào chính đạo, trong đó cũng có không ít sáng tác có giá trị văn học, đọc lên giống như là một bức tranh nhân tình thế thái mang tính châm biếm và hài hước. Bài thơ “Ngô Phú Hữu Tiền Thời” chính là một trong số đó, dưới đây là nguyên văn thi phẩm:

Ngô Phú Hữu Tiền Thời

Ngô phú hữu tiền thời,  phụ nhi khán ngã hảo
Ngô nhược thoát y thường, dữ ngô điệp bào áo
Ngô xuất kinh cầu khứ, tống ngô tức thượng đạo
Tương tiền nhập xá lai, kiến ngô mãn diện tiếu
Nhiễu ngô bạch cáp toàn, kháp tự anh vũ điểu
Giải cầu tạm thời bần, khán ngô tức mạo tiêu
Nhân hữu thất bần thời, thất phú hoàn tướng báo
Đồ tà bất cố nhân, thư khán lai thời đạo.

Dịch nghĩa:

Khi ta có nhiều tiền, vợ con thấy ta tốt
Nếu ta cởi áo xuống, gấp gọn áo cho ta
Ta ra ngoài kinh doanh, tiễn ta đi lên đường
Đem tiền quay về nhà, thấy ta cười tít mắt
Như bồ câu vây quanh, lại như chim anh vũ
Không may nghèo tạm thời, thấy ta liền nhăn mặt
Người có lúc rất nghèo, vì vậy mà rất giàu
Tham tiền không lo người, chờ xem báo ứng đến.

Diễn nghĩa:

Khi tôi giàu có, nhiều tiền lắm của, vợ và con cái đều cảm thấy tôi rất tốt.
Nếu như tôi cởi bỏ chiếc áo trên người xuống, họ sẽ thay tôi gấp áo lại gọn gàng.
Nếu như tôi đi ra ngoài để làm ăn kinh doanh, họ sẽ tiễn tôi ra tận ngoài cửa.
Khi tôi mang theo nhiều tiền quay trở về nhà, họ vừa nhìn thấy tôi là nở nụ cười tươi trên mặt.
Giống như chim bồ câu trắng cứ bay quanh người tôi, và giống như chim anh vũ hót bên tai tôi những lời hài lòng dễ chịu.
Có khi không may nhất thời rơi vào hoàn cảnh khó khăn, họ vừa nhìn thấy tôi là sắc mặt liền không vui.
Con người có khi sẽ nghèo khó cùng cực, nhưng lại vì vậy mà được báo đáp bằng sự giàu có tột độ.
Nếu chỉ tham lam tiền tài mà không nghĩa đến tình người và lễ nghi, vậy thì cứ chờ báo ứng đến đi. – Tôi ở đây là muốn nói đến người đàn ông trụ cột trong gia đình, họ ở đây là muốn nói đến vợ và con cái.

Ngôn từ của bài thơ này rất nhẹ nhàng, hình tượng sinh động, giống như cách nói “trực tiếp”, không cần suy nghĩ nhiều, nghĩ sao nói vậy, lời lẽ đơn giản và dễ hiểu, ngôn từ không khiến người ta kinh ngạc, cũng không có câu cú gì sâu sắc. Tuy nhiên sự quan sát nhạy bén của tác giả đối với những chuyện diễn ra trong cuộc sống, miêu tả và nắm bắt chính xác những chi tiết sinh hoạt khiến cho người ta vừa đọc đã có thể cảm nhận ngay được sự sinh động chân thật, nhân vật trong bài thơ sinh động, những vấn đề đằng sau những chuyện nhỏ nhặt thường thấy trong cuộc sống đều được thể hiện ra hết.

Từ xưa tới nay, chê nghèo thích giàu, tham lợi quên nghĩa luôn là một vấn đề rất nổi cộm. Cổ kim đều có không ít những tác giả chính nghĩa từng vạch trần những thói xấu này của con người. Nhưng với sự không ngừng suy giảm đạo đức của con người ngày nay, những hiện tượng cuộc sống được miêu tả trong bài thơ này có lẽ đã là điều quá bình thường đối với nhiều người. Hành vi bất nghĩa mà con người ngày xưa cho rằng là xấu hổ và nhục nhã, thì ngày nay được rất nhiều người xem là điều chính đáng.

Tuy nhiên, những người chính trực và luôn xem trọng lễ nghĩa chưa bao giờ và sẽ không bao giờ ngừng xuất hiện. Khi họ đọc được bài thơ này chắc chắn trong lòng sẽ rất xúc động, cảm thấy thuần phong mỹ tục của thế gian ngày một đi xuống, vì vậy mà tự cảnh báo chính mình, thậm chí còn khuyên dạy người đời lánh dữ chọn lành, hồi thăng các giá trị đạo đức và văn hóa truyền thống tốt đẹp.

Theo Vision Times
Châu Yến biên dịch