Người xưa giảng rằng, làm người không có công thì không nhận lộc, nhất định phải thành thật, không được lười biếng mà dùng thủ đoạn để mưu lợi. Bởi vì, lấy của người thứ gì không phải do công sức mình bỏ ra thì cuối cùng cũng phải hoàn trả, “của Thiên trả Địa” thậm chí còn phải trả gấp nhiều lần.

Vào thời nhà Tống, ở Quảng An, Tứ Xuyên có một người thợ thủ công, mọi người quen gọi là Lỗ Ban, có người cũng gọi ông là Tống Lỗ Ban. Tống Lỗ Ban có một người đồ đệ tên là Triệu Tiểu Nhị. Lỗ Ban chân thật chăm chỉ bao nhiêu thì Tiểu Nhị lại trái ngược bấy nhiêu. Anh ta luôn dựa vào một chút khôn khéo, mánh lới, lanh lợi của mình để được nhàn thân và mưu lợi.

Thời bấy giờ, những người thợ thủ công đều có tâm kính ngưỡng Thần và phải thực sự coi trọng việc tu sửa tâm tính. Trong nghề thủ công có một cuốn sách truyền thống tên là “Thượng hạ sách” để chỉ đạo cho việc tu tâm tính này. Cuốn sách này khuyên con người làm người tốt đồng thời giúp con người tu sửa tâm tính của mình. Những người đã từng học qua cuốn sách này đều tương đối có bản sự, những người khác đều không dám mạo phạm, coi thường.

Những thợ thủ công khi làm nhà thì ngoài việc cân nhắc đến phong thủy ra, họ còn phải nghiêm túc và thật cẩn thận trong việc xem thời gian làm xà nhà, cất nóc nhà… Nếu chủ nhà nào mà có ý dám khinh thường thợ thủ công, những người thợ có tâm tính chưa tốt có thể dùng một chút tiểu thuật để trả thù, như khoét một lỗ nhỏ trong nhà và nhét vào đó một lá bùa. Như vậy thì gia đình đó sẽ làm ăn không thuận lợi, bệnh tật, bất hòa triền miên…

Tống Lỗ Ban là người lương thiện, nhưng đồ đệ của ông là Triệu Tiểu Nhị thì lại là người láu cá và thích giở thủ đoạn hơn là chăm chỉ, thật thà làm việc. Sau nhiều năm theo học, tay nghề của Tiểu Nhị cũng khá và có thể tự làm được mọi việc mà không cần thầy phải để ý từng chút một nữa.

Một hôm, Tiểu Nhị ngạo mạn muốn so tay nghề với sư phụ Lỗ Ban của mình. Anh ta nói: “Sư phụ! Con đã theo thầy học nghề nhiều năm, cũng coi như có chút thành quả rồi. Hôm nay thầy trò chúng ta so tài một chút, để con biết con đã học được bao nhiêu rồi, có được không?”

Tống Lỗ Ban không biết dụng ý của học trò liền hỏi lại: “Vậy con muốn so theo cách nào?”

Triệu Tiểu Nhị nói: “Chúng ta sẽ ở Hà Đông và Hà Tây, mỗi người tự xây một tòa tháp được không?”

Lỗ Ban trầm tư một lát rồi nói: “Được!”

Tiểu Nhị nói: “Con sẽ xây một tòa tháp ở Hà Đông, thầy sẽ xây một tòa tháp ở Hà Tây. Chúng ta nhất định phải làm xong vào sáng sớm ngày mai, ai mà xong sau thì sẽ thua. Sư phụ thấy có được không?”

Tống Lỗ Ban trong lòng có chút khó chịu, thầm nghĩ: “Thằng bé này còn non nớt thế mà đã cuồng vọng kiêu ngạo. Ta phải tranh thủ đợt này, dạy dỗ cho nó một bài học mới được!”

Đêm hôm ấy, hai thầy trò họ đều tự mình xây dựng tòa tháp như thỏa thuận. Tống Lỗ Ban đi vào trong thị trấn, dùng công năng xẻ đá, tạc hành những tảng đá vuông, sau đó đem những tảng đá này đến bên bờ sông xây dựng tòa tháp.

Trong khi đó, đồ đệ Tiểu Nhị của ông cũng dùng công năng vận chuyển những tảng đá cao đến hai, ba trượng về Hà Đông để xây tháp. Đây chính là lúc mà anh ta vận dụng chút khôn khéo của mình, anh ta không phải là xây dựng tòa tháp mà là chạm khắc tòa tháp. Do đó, chẳng mấy chốc, Tiểu Nhị đã chạm khắc những tảng đá to kia thành một tòa tháp nho nhỏ. Khi việc lớn đã thành, Tiểu Nhị dương dương tự đắc với “trí thông minh” của mình, đi đến chỗ sư phụ để xem ông xây dựng tòa tháp.

Vừa đến gần chỗ sư phụ, Triệu Tiểu Nhị kinh sợ trong lòng, thầm nghĩ: “Tòa tháp điều khắc của mình nhỏ bé xấu xí như vậy làm sao có thể so sánh với tòa tháp nguy nga đồ sộ, tỉ mỉ của sư phụ? Mình thua rồi, sau này còn mặt mũi nào gặp lại mọi người đây?”

Thế là, Tiểu Nhị nghĩ ra một kế: “Mình không thể để cho sư phụ hoàn thành tòa tháp theo đúng giờ đã thỏa thuận được.”

Vừa nghĩ như vậy, Triệu Tiểu Nhị liền lập tức đứng ở xa sư phụ của mình và học gáy. Tống Lỗ Ban vừa nghe thấy tiếng gà gáy thì trong lòng bất an, tòa tháp bằng đá đã hoàn thành xong tám, chín phần, chỉ còn thiếu cái đỉnh là hoàn thiện. Trời đã sáng, Lỗ Ban hoảng sợ vì không kịp xong, ông liền đem cỏ để lên đỉnh tháp để tạo thành một tòa tháp có đỉnh bằng cỏ.

Sau này khi biết chuyện, Tống Lỗ Ban đã khuyên bảo đồ đệ của mình: “Làm người nhất định phải thành thật, không thể lười biếng, nhàn hạ và mưu lợi được. Bởi vì người như thế, sớm muộn gì cũng sẽ gặp quả báo!”

Một ngày khác, Lỗ Ban gọi Tiểu Nhị đến gặp và nói: “Cây đèn thần này là vật bảo bối mà tổ tiên nhà ta truyền lại, nó gặp nước có thể mở đường thông, con hãy dùng nó để qua sông làm việc.”

Tiểu Nhị vô cùng mừng rỡ cầm bảo bối đến bờ sông, niệm câu thần chú mà sư phụ chỉ dạy, lập tức trên sông hiện ra một con đường, chạy dọc đến bờ bên kia. Tiểu Nhị cười lớn và nói: “Ta có chiếc đèn thân này rồi, ai có thể sánh bằng ta được?”

Khi đến giữa dòng sông, anh ta nảy sinh ý nghĩ: “Bảo bối này, ta tuyệt đối không thể trả lại cho Sư phụ được. Có nó, ta muốn làm quan thì sẽ được làm quan, muốn tiền tiêu thì có tiền tiêu thoải mái, nửa đời sau không cần phải lo gì cả.”

Đúng lúc anh ta vừa động niệm này, nước ở hai bên sông lập tức cuộn lại vào con đường mà Tiểu Nhị đang đi, nhấn chìm cả anh ta xuống đáy.

Triệu Tiểu Nhị vừa lười biếng, không chăm chỉ làm việc mà lại ham dùng tiểu thuật, thủ đoạn, một chút mánh lới để có được thành quả cho mình. Người như vậy đã là sai với đạo lý. Anh ta còn tham lam, nảy sinh ý nghĩ muốn chiếm đoạt thứ của người khác nên cuối cùng đã phải chịu quả báo mất mạng.

Người đời sau ở Quảng An đều lấy câu chuyện này để làm bài học giáo huấn con cháu mình.