Các bộ phận bên trong cơ thể gấu nước phát sáng rực rỡ dưới kính hiển vi nhờ màu nhuộm huỳnh quang.
Gấu nước với phần bụng đầy thức ăn dưới kính hiển vi.
Gấu nước với phần bụng đầy thức ăn dưới kính hiển vi. (Ảnh: Tagide deCarvalho).
Bức ảnh chụp một con gấu nước với các cơ quan trong cơ thể được chụp bởi Tagide deCarvalho, quản lý Cơ sở chụp ảnh Keith Porter thuộc Đại học Maryland, Mỹ. Trong ảnh chụp dưới kính hiển vi, cấu tạo cơ thể của gấu nước trở nên nổi bật nhờ màu nhuộm huỳnh quang. Bức ảnh giúp deCarvalho lọt vào danh sách những người đoạt giải của cuộc thi nhiếp ảnh Olympus Image of the Year.
“Ngay khi quan sát mẫu vật rực rỡ này, tôi đã biết đó sẽ là bức ảnh đặc biệt. Tôi muốn chia sẻ những điều thú vị tôi trông thấy qua kính hiển vi với mọi người”, deCarvalho chia sẻ.
Khi theo dõi gấu nước qua kính hiển vi, chúng ta không thể thấy nhiều màu sắc bởi sinh vật nhỏ bé này gần như trong suốt. Tuy nhiên, màu nhuộm huỳnh quang cho phép deCarvalho đánh dấu vị trí đường tiêu hóa của gấu nước, bao gồm phần miệng và bụng đầy thức ăn.
Gấu nước hay còn gọi là tardigade được cho là động vật bất tử trên thế giới. Sinh vật 8 chân này có chiều dài chưa đến một milimet, thường sống dưới nước. Chúng có thể tồn tại đến 30 năm mà không cần ăn, dù bị đóng băng, đun sôi, nghiền nát dưới sức ép lớn, thậm chí tiếp xúc với môi trường chân không và tia vũ trụ mà không hề hấn. Gấu nước sống sót trong dải nhiệt độ từ -271 tới 180 độ C, chịu đựng được bức xạ ở mức 5.700 grays, trong khi 10-20 grays là đủ để gây tử vong ở con người và hầu hết các loài động vật khác.