Hiện nay, hàng loạt tuyến đường huyết mạch, cũng như các nút giao thông lớn tại TP.HCM thường xuyên rơi vào tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn giao thông dẫn đến chậm phát triển kinh tế – xã hội, ảnh hưởng đến môi trường.
Nguyên nhân thứ nhất là ý thức chấp hành Luật Giao thông của người điều khiển xe cộ đi đường (cả phương tiện có động cơ và thô sơ) quá thấp.
Theo thống kê của Ban An toàn giao thông TP.HCM, có đến 90% tai nạn giao thông xảy ra do ý thức người dân còn kém, không chấp hành luật lệ gây hậu quả đáng tiếc. Tình trạng ùn tắc giao thông hiện nay xảy ra hầu hết các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, ở các nước đó khác với ta ở chỗ, khi có ùn tắc giao thông nhưng người điều khiển phương tiện vẫn chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông, không luồn lách, đi lên vỉa hè, rú còi inh ỏi, còn ở nước ta thì ngược lại mạnh ai nấy đi, “hở chỗ nào đi chỗ nấy”, không theo qui định nào cả.
Phần lớn người đi đường cố ý vượt đèn đỏ, leo lề, lấn làn… không chỉ gây ùn tắc, dễ xảy ra tai nạn, mà còn làm xấu xí bộ mặt giao thông đô thị tại Việt Nam. Trong khi đó, phần lớn người điều khiển xe cộ đều các lớp về Luật Giao thông đường bộ, được cấp giấy phép lái xe.
Nguyên nhân thứ hai là hạ tầng giao thông yếu kém, phương tiện cá nhân tham gia giao thông tăng cao.
Cho đến nay, hạ tầng giao thông TP.HCM chỉ đáp ứng được khoảng 30% so với quy hoạch phát triển giao thông của TP. Các công trình hạ tầng, đường xá, cầu cống chật hẹp, xuống cấp. Quá trình xây dựng chậm chạp, đình trệ.
Trong khi đó lượng dân cư tập trung đông, số phương tiện cá nhân ngày càng gia tăng đã trở thành “gánh nặng” cho hạ tầng giao thông.
Giải pháp mang tính quyết định, trước hết phải là cải tạo, mở rộng và xây dựng mới cơ sở hạ tầng, nhanh chóng mở rộng, xây dựng mới các đường trục chính, hoàn thành các tuyến vành đai, cải tạo các nút giao thông.
Đồng thời làm cầu vượt tại các nút giao thông trọng yếu, mở các tuyến cửa ngõ ra vào TP, nâng cấp và mở thêm đường ở các khu vực có tỷ lệ đất dành cho đường còn quá thấp, huy động vốn đầu tư để đền bù giải phóng mặt bằng làm mới các tuyến đường khu vực phía sau của các trục phố chính… Phải thực hiện một cách khẩn trương, nhanh chóng công việc này để giải thoát lưu lượng giao thông.
Nguyên nhân thứ ba bắt nguồn từ yếu kém của vận tải hành khách công cộng. TP.HCM muốn giảm ùn tắc giao thông, giảm xe cá nhân thì phải đặt mục tiêu phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng lên hàng đầu.
TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2020, thị phần vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) toàn TP đảm nhận 15-20% nhu cầu di chuyển của người dân. Đến năm 2025 đạt 20,5-26,6% và đến năm 2030, tỉ lệ này sẽ tăng lên 29,3-36,8%.
Tuy nhiên, đến nay, vận tải hành khách công cộng tại TP.HCM mới chỉ đáp ứng được khoảng 9% nhu cầu đi lại của người dân – khoảng cách khá xa mục tiêu đề ra. Xe buýt TP.HCM chỉ mới đáp ứng 9,5% nhu cầu đi lại của người dân trong năm 2018.
Đáng nói, thời gian qua TPHCM đã tập trung đầu tư khá nhiều cho xe buýt từ hạ tầng đến chính sách hỗ trợ lãi vay xe mới và trạm dừng nhà chờ… Nhưng qua các năm, lượng khách đi xe buýt có chiều hướng giảm.
So với cuối năm 2017, mạng lưới xe buýt tại TPHCM hiện giảm 7 tuyến (5 tuyến trợ giá gồm: 37, 40, 60, 95, 149 và hai tuyến không trợ giá, gồm 12 và 49).
Nguyên nhân thứ tư là việc phân luồng bất hợp lý, việc phân luồng, phân làn xe chạy, điều phối giao thông, đèn tín hiệu ở nút giao nhau chưa tốt.
Đa số đường phố ở nước ta đều hẹp nhưng lại được lưu thông hai chiều, có đường tuy đã qui định ôtô chỉ lưu thông một chiều nhưng lại cho phép xe buýt được phép hoạt động hai chiều, mà xe buýt có loại đến 45 chỗ ngồi, bến đỗ qui định cho loại xe này lại đối diện nhau, gần nơi đường phố giao nhau… nên gây ùn tắc giao thông.
Nguyên nhân thứ năm không kém phần quan trọng gây nên ùn tắc giao thông là việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để buôn bán, kinh doanh của một số đông người bán lẻ, chủ yếu là người bán hàng rong, hàng ăn uống.
Thực trạng này tồn tại ở hàng trăm tuyến đường tại TP.HCM, nhiều nhất ở các quận 1, 3, 5, Gò Vấp, Bình Thạnh…
Những tuyến đường bị hàng rong “chiếm đóng” thường hình thành những nút thắt dẫn đến kẹt xe, người dân đi lại khó khăn.
Theo đề xuất của Viện Chiến lược, ngưng hoạt động xe máy lưu thông trên một số tuyến đường vào giờ cao điểm sáng và chiều đường Nguyễn Thị Minh Khai đoạn từ giao lộ Cách Mạng Tháng Tám đến đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP.HCM.
Không chỉ vậy, người đi bộ vì bị chiếm hết toàn bộ lối đi lại buộc phải đi xuống lòng đường dễ xảy ra tai nạn giao thông.
Nguyên nhân thứ sáu là mức phạt chưa đủ răn đe, lực lượng chức năng xử lý chưa nghiêm, phạt thấp, chấp pháp chưa nghiêm, đa số cán bộ giao thông nhũng nhiễu – nhận hối lộ.
Mức phạt tiền vi phạm Luật Giao thông vẫn còn thấp, chưa đủ sức răn đe đối với người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông trên đường phố. Nhiều lỗi vi phạm nghiêm trọng như sử dụng rượu, bia vẫn lái xe, vượt đèn đỏ, chở quá tải… mức phạt chưa cao, tài xế vẫn cố ý tái phạm. Bên cạnh đó cán bộ giao thông lại lấy việc ùn ứ và vi phạm của người tham gia giao thông làm phương tiện để trục lợi mà không tập trung giải quyết vấn đề cốt lõi.
Là đô thị trung tâm của Nam Bộ, nhưng đường sá các cửa ngõ dẫn vào trung tâm TP HCM rất chật hẹp. Nhiều khu vực hạ tầng giao thông hàng chục năm không thay đổi, nếu có thì cũng không theo kịp sự phát triển của xã hội. Điều đáng nói, mặc dù đều có các dự án hạ tầng đưa ra để giải quyết tình trạng trên nhưng hầu hết đều chậm tiến độ, trong khi đó có dự án đã ngừng thi công thời gian dài.
Không có giải pháp khả thi nào được thực hiện
Việc kẹt xe ở TPHCM không phải là vấn đề mới nổi mà đã là chuyện của hàng thập kỷ qua, nhưng chính sự vận hành-thiết kế giao thông bất hợp lý đi cùng với việc tạo dựng những nhóm lợi ích và yếu kém trong giải pháp của những người đứng đầu đã dẫn đến một tình hình giao thông tệ ngày một tệ hơn. Vẫn bỏ ngỏ đó những câu trả lời.
Người dân đã sống với nạn kẹt xe mệt mỏi hàng thập kỷ qua và chắc chắn một điều là mọi việc sẽ còn tiếp diễn trong những năm tháng tới mà không có một lối thoát nào cho những vấn nạn đau đầu trên.