Về lịch sử lỵ sở Hà Tiên, ta có nhiều chi tiết nên chú ý. Trước hết miền Hà Tiên là miền Chân Lạp, tức là Cao Miên bây giờ. Đất cao, giáp bờ biển, ở trong một cái vịnh sâu, ngoài khơi có một dãy cù lao bao bọc, địa thế Hà Tiên không những là đẹp mà còn hiểm yếu về phương diện quân sự và quan trọng về phương diện canh nông vì có đất cao và tốt.

Sau nữa, về phương diện dân cư, thật là nơi tứ chính quần cư, dân chúng rất phức tạp. Nguyên là hồi Minh mạt, Thanh sơ vào khoảng cuối thế kỷ thứ 17, đầu thế kỷ thứ 18, vì muốn trung thành với nhà Minh, một số đông người Tàu, phần nhiều thuộc miền Chiết Giang, Phúc Kiến, Triều Châu dùng thuyền, theo gió bấc thổi mà di cư vào Nam.

Đồng thời, từ miền Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định các đồng bào ta, cứ theo bờ biển mà di cư vào Nam. Ta dần dần khai phá và chiếm cứ miền Gia Định và Biên Hòa bây giờ. Còn người Tàu thời chiếm miền Hà Tiên. Dưới sự lãnh đạo của thủ lãnh Mạc Cửu, người Tàu đã lập ra một khu tự trị ở miền Hà Tiên. Trước, thần phục vua Cao Miên, sau thần phục chúa Nguyễn vì quân đội ta mạnh, sau khi ta đã tổ chức miền Tiền Giang.

Hà Tiên (tỉnh) – Wikipedia tiếng Việt

Người Tàu đã tới Hà Tiên vào khoảng suốt thế kỷ thứ 18. Vào đầu thế kỷ thứ 19, sử cho biết là số lượng họ đông. Nhưng họ đồng hóa với thổ dân là người Cao Miên. Còn có một số người mà sử ta gọi là người Đồ Bà, tức là người Mã Lai, một giống trong những giống mà nôm na ta gọi là Tây đen, ở Nam Dương quần đảo di cư sang miền Hà Tiên.

Vậy, ta nhận thấy là miền Hà Tiên, vào đầu thế kỷ thứ 19 là một miền mà dân cư phức tạp, sự cai trị khó. Sử cho biết chi tiết sau này:

“Tháng tám, năm Tân Vị (1811) tức là năm thứ mươi, triều vua Gia Long, ngài cho quản đạo Kiên Giang là Trương Phúc Giáo làm trấn thủ Hà Tiên, Định Tường, Ký lục Bùi Đức Mãn làm hiệp trấn”.

Ngài nghĩ cho rằng Hà Tiên là một chỗ quan yếu, hai người ấy biết rõ biên tình, cho nên ngài bổ qua trấn ấy. Bọn Trương Phúc Giáo đến trấn, chánh sự khoan giản, không làm phiền nhiễu. Chỉnh đốn trại quân, chiêu tập lưu dân lập trường học, khẩn ruộng hoang, sửa sang phố chợ. Phân biệt người Nam, người Tàu, người Cao Miên và người Đỏ Bà, người nước nào, thời ở chỗ nấy. Thành một nơi đô thị lớn trong Nam kỳ”.

Sử liệu dẫn trên đây trích trong bộ Quốc triều chính biên cho ta biết một chi tiết rất quý về lịch sử tỉnh lỵ Hà Tiên, vào đầu thế kỷ thứ 19, vào năm Tân Vị (1811).

Hà Tiên là một cửa biển quan trọng của ta, dân cư phức tạp, giáp giới biên thùy. Cao Miên và quân Xiêm muốn đổ bộ lúc nào cũng được. Hà Tiên là đất phải phòng bị, phải có đồn ải ở sau để tiếp ứng.

Sử cho biết là năm Bính Tý (1816) vào tháng giêng vua Gia Long cho đắp đồn Châu Đốc. Vào tháng chạp năm ấy, sử cho biết chi tiết sau này.

“Ngài xem địa đồ xứ Châu Đốc, truyền các quan thị thần rằng: Xứ này nếu mở đường thủy thông với Hà Tiên thời thương đều lợi cả. Ngày sau dân ở càng đông, đất mở càng rộng sẽ thành một trấn to”.

Vậy thành Châu Đốc là hậu thuẫn cho thành Hà Tiên. Sau vài năm sẽ có một con sông đào, từ Châu Đốc đến Hà Tiên, gọi là sông Vĩnh Tế. Con sông đào này là một công tác vĩ đại của ta, dưới sự thống đốc của tổng trấn Lê Văn Duyệt, vào cuối triều vua Gia Long (1820) và đầu triều vua Minh Mạng Hà Tiên được liên lạc với Châu Đốc một cách dễ dàng nông thương đều lợi, nhưng sự canh giữ biên phòng cũng được bảo đảm.

Để kết luận, chúng ta mơ tưởng tới lỵ sở Hà Tiên, trước đây trên một trăm năm mươi năm. Vua Gia Long phái quản đạo Kiên Giang là Trương Phúc Giáo làm trấn thủ Hà Tiên…

Trương Phúc Giáo đến trấn, chánh sự khoan giản, không làm phiền nhiễu. Chỉnh đốn trại quân, chiêu tập lưu dân, lập trường học, khấn ruộng hoang, sửa sang phố chợ. Phân biệt người Tàu, người Cao Miên và Đồ Bà. Người nước nào thời ở khu nấy, thành một đô hội lớn trong Nam kỳ. Lịch sử đã ghi rõ ràng công của trấn thủ Hà Tiên Trương Phúc Giáo, một vị trấn thủ đầu tiên của miền Việt Nam quan trọng này, cách đây một trăm năm mươi năm.