Có những thành phố, khi nhắc đến tên, người ta nghĩ ngay đến nét đặc biệt của nó. Ví dụ, khi nói tới Sài Gòn, ta nghĩ ngay đến hoặc chợ Bến Thành hoặc nhà thờ Đức Bà. Người nào có máu văn nghệ chút chút thì nghĩ đến bài hát một thời Ghé bên Sài Gòn của Văn Phụng hay những câu vọng cổ ai oán, não lòng… Với Nha Trang, biển xanh sẽ hiện ra ngay sau âm vang vừa dứt.

Nha Trang năm 1965

Trước thế kỷ XX, Nha Trang là một làng đánh cá nhỏ, nằm trên tả ngạn sông Cái, lưng dựa vào dãy đồi chạy theo hướng Đông Tây ra tới biển. Bãi biển hình vòng cung dài trên năm cây số chạy từ cửa sông Cái đến Cầu Đá còn hoang vu, chưa có những villa quét vôi vàng nhạt như ta thấy trong những năm 50 của thế kỷ trước. Phủ lỵ nằm ở Thành, cách đó mười cây số về hướng Tây Nam. Đó là thành Diên Khánh trong sử sách. Theo Đại Nam nhất thống chí, cư dân cả tỉnh Khánh Hoà gồm khoảng chín ngàn dân đinh, đa số làm ruộng, sống gần chân núi. Số nhỏ còn lại chuyên nghề đánh cá ven bờ biển (1).

Năm 1885, Pháp đánh chiếm kinh đô Huế. Cũng năm này, Pháp đổ quân lên bờ biển Nha Trang, bắt đầu công cuộc chinh phục. Nghĩa quân của các ông Trịnh Phong, Trần Đường không chống cự nổi hoả lực chính xác và hữu hiệu của địch quân nên sau cũng phải tan rã (2).

Sau đó, người Pháp thiết lập bộ máy hành chánh gồm Chánh sứ, Phó sứ và Giám binh, đóng tại Nha Trang bên cạnh hệ thống cai trị sẵn có của triều đình Việt Nam hiện diện trong thành Diên Khánh. Nhân dân gọi cơ quan chỉ huy Pháp là Toà, cơ quan Nam triều là Tỉnh. Nha Trang từ ấy trở thành tỉnh lỵ tỉnh Khánh Hoà và lần lần mở mang thành thị trấn (3).

Gabrielle – M. Vassal, một phụ nữ Ăng Lê có dịp theo chồng làm việc tại Nha Trang vào những năm đầu thế kỷ XX, miêu tả nó như sau: “Nha Trang (tiếng An Nam là Nhà Trắng (?)), là một làng chài lưới khoảng ba ngàn dân. Đây là thủ phủ của người Âu ở tỉnh Khánh Hoà, mặc dù cư dân da trắng không quá hai mươi, ba mươi người, gồm ông Sứ, mấy viên chức làm việc trong tỉnh và viện Pasteur, một vài người bỏ đất Pháp sang làm ăn ở đây… Đó là tất cả. Cứ hai tuần một lần, chiếc tàu thơ liên tỉnh chạy đường Sài Gòn – Hải Phòng ghé lại, thả xuống những người Âu đáo nhậm, những viên chức của Nhà đoan hay Sở Lục lộ. Du khách khó kiếm cho ra một chỗ nghỉ đêm, cho dù hiện nay có một phòng ngủ kèm hàng ăn do một người Tàu làm chủ mà chỉ có tấm bảng hiệu là nét hấp dẫn nhất thôi” (4).

Người Âu – mà ta quen gọi là ông Tây hay bà đầm, sống trong các ngôi nhà xây bằng gạch, vách tô xi măng kiểu stucco  màu trắng, mái lợp ngói nâu, nằm dọc theo bờ biển. Ba nhà lầu duy nhất lúc bấy giờ là viện Pasteur, Nhà dây thép (bưu điện) và nhà của bác sĩ Yersin. Tất cả đều quay mặt ra biển.

Bên trong, phía sau các ngôi nhà kiểu thuộc địa này là khoảng không gian hoang sơ, đất cát khô cằn, rải rác những bụi hoa bồn bồn, bông giếng và ma dương đầy gai nhọn.

Con sông Cái khởi nguồn từ các dãy núi sâu phía trong, sau khi qua các ghềnh thác, lững lờ chảy qua Phú Lộc, Đại Điền, Ngọc Hội… đổ vào biển Đông. Người ta cho rằng hàng triệu năm trước, con sông này đã ra biển qua ngõ Thuỷ Triều nhưng sau đó đã đổi dòng, chảy về phía Bắc.  Lúc đó, sông chia làm ba nhánh, một nhánh chạy dọc theo núi Cầu Hin (Cầu Hùm) ra ngõ Cửa Bé, phường Vĩnh Nguyên – nay không còn dấu vết; hai nhánh kia mang tên sông Nha Trang, ôm bọc Ngọc Hội, Lư Cấm và nhập làm một, tạo ra một vùng lớn (lagune) trước khi ra biển.

Tên Nha Trang từ đâu mà có?

Người theo Tây học, quen đọc sách do người Pháp viết, cho rằng Nha Trang do chữ Nhà Trắng, viết theo cách Tây không có dấu. Người Pháp hay người ngoại quốc như bà đầm Gabrielle – M. Vassal dẫn trên thì lại cho rằng Nha Trang theo nghĩa tiếng An Nam là căn nhà màu trắng. Tại sao lại trắng mà không phải màu nâu hay vàng, vì nhà người dân sở tại cách đây một trăm năm đều là nhà nhỏ, thấp, mái lợp tranh? Có lẽ đó là vì nhìn từ ngoài khơi, dọc theo bãi biển, nhà lầu Yersin hoặc các villa quét vôi vàng sáng lên dưới ánh mặt trời vùng nhiệt đới…

Người Pháp có công thành lập và phát triển nhưng địa danh Nha Trang đã có rất lâu, từ trước khi họ đến. Tỉnh Khánh Hoà, trong đó có vùng đất mang tên gọi Nha Trang hiện nay, trước thế kỷ XVI là đất Chiêm Thành, có tên là Kaut-Hara. Đây là địa đầu của vương quốc Chiêm Thành, chạy dài từ núi Thạch Bi (Đèo Cả) cho đến Chân Lạp. Năm 1675, thời Chúa Nguyễn Phúc Tần, người Chiêm quấy phá biên giới, bị cai cơ Hùng Lộc Hầu đánh thua nên phải nhượng vùng đất từ sông Phan Rang trở ra (6). Lưu dân Việt đến lập nghiệp, khai khẩn đất dọc theo hai bờ sông, cho tới khi người Pháp đến.

Người xưa nói Ea Trang hay Jya Trang (còn viết là Yja Tran) có nghĩa là Sông cỏ lau (vi lô) (7) hay Sông tre lùm (8). Nhưng người có chữ Nho thì gọi nó là sông Cù. Chúng tôi trộm nghĩ tên Cù này mới thật sự miêu tả sự gắn bó của nó với di sản người Chàm/ Chiêm. Chúng ta có nào làng Cù Lao, xóm Cầu Đá, cửa Tiểu/ Đại Cù Huân, núi Cầu Hin/ Hùm…, cũng như trường hợp thành phố Quy Nhơn, vốn là tên phủ Quy Nhơn. Ở đây, người Pháp lấy tên con sông đặt thành tên thành phố, gọi nó là Nha Trang.

Dân cư sống bên bờ phải sông Cái và hai bên doi đất ngay cửa sông làm thành xóm Cù Lao và xóm Cồn. Người làm nghề chài lưới, người làm ruộng, trao đổi cá tươi, mắm… lấy gạo trên một khoảnh đất nằm cạnh một đầm nước lớn. Về sau, khoảng những năm 1900, nơi này được xây thành chợ, có tên là chợ Đầm.

Người Tây và ta sống cách xa nhau. Khu Tây bắt đầu từ Lầu ông Tư (tức bác sĩ Yersin) ở xóm Cồn chạy tít đến tận Chutt – Cầu Đá. Đó là những ngôi nhà biệt lập, mang tên mỹ miều như Villa Colette, nằm phía dưới đường Biệt Thự cũ. Khu người Việt, tập trung phía trước đồi Tháp Bà, tức Xóm Bóng ngày nay.

Tháp Poh Nagar là một trong những ngọn tháp đẹp nhất của kiến trúc Chàm, sau quần thể cổ tháp ở Mỹ Sơn (Quảng Nam). Thật ra, trên ngọn đồi cao 30 thước này có tất cả hai ngọn tháp lớn. Tháp chính bên trái có chiều dài 20 thước, rộng 14 thước, đỉnh cao 18 thước, dành thờ nữ thần Uma, vợ thần Siva. Lòng tháp rất chật, chỉ vừa chỗ cho năm, sáu người đứng. Chính giữa đặt tượng nữ thần Poh Nagar rất đẹp.  “Pho tượng lớn hơn người thật, có mười cánh tay, ngồi theo kiểu Ấn Độ (kiết già) trên một bệ thờ bằng đá. Ngực để trần, căng phồng một cách thái quá, chứng tỏ đã từng  cho con bú. Mười cánh tay đều có mang vòng khuyên. Năm cánh tay bên dưới đặt lên hai đầu gối, bàn tay mở rộng, lòng bàn tay quay ra phía trước. Các cánh tay bên phải có bàn tay nắm lại. Các cánh tay giữa và trên cầm những loại binh khí khác nhau: quả chuỳ, thanh gươm, giáo, tên, lưỡi thương và quả cầu… Đầu nữ thần đội vương miện, mình choàng một tấm sarong.

Cũng trong ngôi tháp này còn có một pho tượng khác, tạc hình một phụ nữ đang ngồi, vóc dáng nhỏ hơn, chạm khắc không đẹp bằng tượng thần Poh Nagar, có vẻ cùng một thời đại với nữ thần này. Theo dòng chữ chạm bằng tiếng Chàm sau lưng tượng, ta biết đây là tượng “Tiểu thần nữ” (10).

Ngọi tháp bên phải chỉ dài 10 thước, rộng 13 thước, bên trong thờ linga (11) đeo mấy xâu chuỗi chạm khắc hình ngọc trai, đặt trên bệ đá màu nâu nhạt. “Đây là ngôi tháp được gìn giữ tốt hơn hết và hình dáng cân đối hài hoà” (12). Kế cận còn có một số điện thờ linga hoặc các pho tượng nhỏ.

Từ không biết bao giờ, thần Poh Nagar đã được thờ như Bà chúa xứ. Xuân thu nhị kỳ, dân chúng làm vía kỵ vào tháng hai và tháng tám âm lịch, với những màn múa bóng cùng dàn nhạc bát âm khoan nhặt trang nghiêm.

Đứng từ điểm nhìn này, du khách có thể thấy những lùm dừa xanh thẫm mạn Ngọc Hội, Chợ Mới bên phải, những hôm trời quang mây tạnh còn có thể nhìn ra chiếc thuyền nan nhỏ với ngư ông ngồi ôm câu.

Phía tay trái, các ngọn đồi chạy từ Hốc Đá Chẻ ra tận biển. Trên các đỉnh đồi này, mãi về sau người ta mới thiết lập những cơ sở tu tập dành cho hai nhà dòng lớn: dòng Phăng-xi-cô và dòng La-san.

Mặt biển nước trong xanh với sóng trắng vỗ nhè nhẹ vào bãi cát hình cánh cung. Dưới ánh nắng trưa hè, gió nhẹ mang mùi ngai ngái của trăm thứ hải tảo từ khơi xa thổi về…

“Vào buổi hoàng hôn, toàn thể cảnh vật độc đáo này như khoác lên mình một tấm áo choàng tráng lệ. Trên những bậc cấp bước lên tháp, nơi mà hàng đoàn người đã cầu nguyện, thờ phượng… qua bao thế kỷ, tôi như thấy lại những cảnh rước kiệu huy hoàng và những lễ nghi lộng lẫy, nay không còn nữa.

Khi chưa có cây cầu nối liền hai bờ sông Cái, người ta qua lại bằng bến đò ngang nằm ngay cửa sông. Khách sang đò đa số là những người đàn bà sáng đi, chiều xế về, gánh cá tươi hoặc gạo thóc ra chợ, kẻ trước người sau nối đuôi, vừa đi vừa trò chuyện thật vui” (13).

Đến khi người Pháp bắt tay thực hiện đoạn đường sắt cuối cùng của tuyến xe lửa xuyên Đông Dương, nối liền Sài Gòn – Huế, và khi phân đoạn chót Sài Gòn – Nha Trang hoàn thành (khoảng 1913), thì công cuộc phát triển Nha Trang mới thực sự bắt đầu.

Nha Trang được thế giới biết đến trước tiên nhờ các cơ sở nghiên cứu khoa học như viện Pasteur, nằm ngay trên bờ biển, xây dựng vào 1904, Sở nghiên cứu hải dương học phục vụ nghề cá (Service Océanographique des Pêches) (14) vào 1922, đến 1930 được đổi thành Hải học viện (Institut Océanographique).

Được chọn làm địa điểm xây dựng là vì biển Nha Trang và các vùng lân cận rất phong phú về sinh tầng, vị trí kín gió, lại nằm gần trung tuyến của biển Đông. Các nhà khoa học nhiều nước thường đến nghiên cứu, nên viện đã xây dựng năm biệt thự cao tầng trên ngọn đồi sau viện. Một trong số đó sau này được dành cho vua Bảo Đại làm hành cung, tục gọi là Lầu Bảo Đại, hoặc gọi tắt là Biệt điện. Để dễ phân biệt, người ta lấy tên các loài hoa đặt cho mỗi biệt thự. Prancianier (Hoa sứ) là tên của Biệt điện. Bốn cái còn lại, một dùng làm tư thất Giám đốc, ba cái kia là cư xá vãng lai. Đến 1952, viện được chuyển giao cho Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam. Giám đốc người Việt đầu tiên là tiến sĩ Ngô Bá Thành.

Du khách thường đến thăm hồ cá ở tầng dưới của phòng thí nghiệm. Đây là nơi trưng bày các loài cá đẹp một cách kỳ lạ, cũng như là nơi tái tạo các bãi san hô muôn màu sắc. Ít ai ngờ rằng, họ đang đứng trong một bảo tàng nho nhỏ rất được các nhà nghiên cứu trân trọng. Theo ghi nhận của viện, có tất cả 40 ngàn mẫu sinh vật biển đã được ghi chép tỉ mỉ; trong số này có gần 10 ngàn mẫu có gốc ở biển Đông (15).

Trên bản đồ, Nha Trang từ hướng Đông lan dần sang Tây. Việc thiết lập đường sắt nối liền Nha Trang với Tourane (Đà Nẵng) đưa lại một đợt người mới tới. Họ là những viên chức có giọng nói “trọ trẹ” từ kinh đô Huế, làm việc trong các ty, sở toà sứ Pháp, những thương nhân Hoa kiều mấy đời buôn bán ở các làng chung quanh huyện Vĩnh Xương, những người phiêu bạt từ các vùng quê như Ninh Hoà, Tu Bông, Vạn Giã… Việc bán buôn ngày càng phát đạt, nhất là sau khi mấy cây cầu được bắc qua sông Cái như cầu Xóm Bóng, cầu Hà Ra và con đường cái quan chạy xuyên qua thành phố.

Lúc bấy giờ có một người Pháp gốc Bỉ, ông Van Breuseghem, đã cống hiến cho thành phố non trẻ hai công trình kiến trúc thật đẹp. Đó là rạp chiếu bóng Alhambra, gọi nôm na là rạp bà Mên vì vợ ông là người xứ Chùa Tháp và một quần thể kiến trúc toạ lạc ngay sát bờ biển, Hôtel de Beau Rivage. Tuy sau này Nha Trang có những khách sạn quy mô nhỏ hơn như Grand Hôtel, Hôtel La Frégate ở đầu đường Lê Lợi gần nhà Giây thép, Club Nautique góc đường Yersin và Duy Tân nhìn sang khi công chánh trước 1975, Hôtel de Beau Rivage vẫn giữ địa vị dẫn đầu trong ngày du lịch toàn cõi Đông Dương thời trước.

Công cuộc thiết kế đô thị được thực hiện theo tính toán của công sứ Pháp thời bấy giờ là ông Henri Bréda. Ông cho san bằng các ao hồ, gò đống, di chuyển những khu nhà tranh lộn xộn, tìm chỗ mới cho nghĩa trang người bản xứ… Rồi trên mặt bằng mới toàn cát đó, ông cho đắp một số thông lộ chật hẹp khiến sau này nhiều người kêu ca… Một trong những bất tiện là tình trạng một số đoạn đường thường bị ngập nước trong mùa mưa, vì hệ thống thoát nước kém cỏi của thành phố. Người ta nói rằng công sứ Bréda chắc mẩm nền cát dưới chân Nha Trang dư sức hút khô các trận mưa vào tháng 9, tháng 10 hàng năm, nhưng ông không ngờ có lúc sự việc lại đi ngược lại hoạch định.

Cũng trong thời gian này, nhằm khuyến khích việc phát triển, nhà đương quyền cho phép người dân được “cắm cọc” làm nhà thoải mái trên con đường sau này trở thành thông lộ chính của thị xã, rồi thành phố Nha Trang. Cụ Mai Văn Diệm, tục gọi là thầy Bảy Diệm, là một trong những người đáp lại lời mời gọi ấy. Cụ chiếm một vạt đất khá dài, chạy đụng ranh rạp Alhambra. Đất nhiều, tiền ít, chỉ đủ xây cất lên một căn phố nhỏ đặt làm tiệm thuốc Bắc tên gọi Nam Sanh Đường, chuyên chữa trị bệnh thời khí cho dân miệt Xóm Cồn. Phần đất dư đành phải bán lại cho người khác. Nhờ vậy, hai bên đường các hàng phố mở cửa buôn bán ngày càng đông. Đa số tiệm là do Hoa kiều làm chủ vì những các chú vừa có tiền, vừa chịu khó làm ăn và tinh khôn hơn người Việt ta. Có người nói, hai phần ba các chú  chủ tiệm trước đây cư ngụ trên Chợ Mới, cách Nha Trang không tới hai cây số về phía Tây.

Chung quanh hai ngọn đồi nhỏ có tên Núi Một, các ngôi nhà bằng vật liệu chắc chắn bắt đầu xuất hiện. Cha Vallet cai quản khu họ đạo Ngọc Hồi lâu nay tìm kiếm một địa điểm đắc thế để xây một cảnh nhà thờ xứng đáng với thành phố mới phát triển. Địa điểm đầu tiên cha chọn là ngọn núi nằm bên bờ một nhánh của sông Cái chạy bọc ngang chợ Mới, cách nhà thờ Ngọc Hồi không xa, trên có ngôi chùa cổ trước đây đã được nhà vua sắc phong. Nhưng liệu bề không xong, cha Vallet liền chiếu cố tới một vùng khác cũng khá đẹp: Núi Một. Đây là một ngọn đồi thấp, cao không tới 50 thước, đầu phía Tây cao hơn phía Đông (16).  Tại đầu cao này, ngôi nhà thờ được xây lên, hoàn toàn bằng đá xám, hình hộp. Tháp chuông cao, vuông khối, bốn mặt đều gắn đồng hồ, đứng xa một cây số có thể đọc thấy thời khắc trong ngày. Kiểu thức nhà thờ Nha Trang này, xem ra trước sau có một không hai. Người ta nói, đây là nhà thờ đẹp nhất miền Trung, chắc điều ấy cũng chẳng có gì sai.

Chợ Nha Trang, vì họp kế cận một cái đầm rộng, nên người ta gọi là chợ Đầm. Người có óc tưởng tượng không chịu cách giải thích “thô tục” này. Họ lý luận, Đầm là bà đầm, vợ các quan Tây, tay xách bóp đầm, tay dẫn chó, đi chợ mỗi buổi sáng, theo sau có các anh bồi lon ton xách giỏ. Cho nên chợ Đầm là chợ các bà này.

So với chợ Bến Thành ở Sài Gòn, chợ Nha Trang kiến trúc khá đơn giản. Chợ có hình chữ nhật, chạy theo hướng Bắc Nam, một đầu hướng về khu Đình Xương Huân và đầu nhìn ra bùng binh Trụ đèn bốn ngọn. Mái lợp ngói đỏ lâu ngày trở thành xanh đen. Muốn lên chợ, người ta phải đi hơn năm bậc cấp xi măng. Các tiệm bán hàng gọi là sạp: sạp vải, sạp đồ khô v.v… Mỗi hàng/sạp rộng không quá 5 thước vuông, nhóm theo từng khu. Khách mua sắm đi lại dễ dàng trên các lối vừa đủ rộng cho hai, ba người tránh nhau. Ánh sáng không đủ nên trông chợ có vẻ chật chội, nhất là vào mùa mưa. Khu hàng thịt được tổ chức khác hơn. Người bán đứng sau ghi-sê, sau vách chắn bằng nẹp gỗ xếp theo hình quả trám, sơn xanh.

Con đường Greffeuil chạy ngang hông trước lúc nào cũng nhộn nhịp người qua kẻ lại. Từ lề đường vào đến chợ là khoảng sân rộng trải dầu hắc. Hàng xén, hàng đồ gốm, cá mắm… bày bán dưới bóng mát các cây bàng trồng rải rác đó đây. Sau lưng chợ, dọc theo bờ suối và đầm nước tới cổng Đình, các hàng bán cua sống, gà vịt, cá đồng… ngồi kín không có lối đi. Xa hơn, về phía trái, dãy nhà lợp tôn lúp xúp chen nhau đứng thành một nhóm riêng là nơi bán cơm, nước đá chanh, xin sâm.

Năm 1924, vua Khải Định ra đạo dụ thành lập thị trấn Nha Trang gồm bốn làng: Xương Huân, Phương Câu, Phương Sài và Vạn Thạnh. Đến tháng 3 năm 1944, vua Bảo Đại lấy phần đất làng Phước Hải, vốn thuộc huyện Vĩnh Xương, nhập vào thị trấn Nha Trang. Lúc đó, đơn vị làng trước đây được đổi thành phường, và thị trấn được nâng lên thành thị xã. Thị xã Nha Trang như vậy có năm phường: phường Đệ nhất (Xương Huân), phường Đệ nhị (Phương Câu), phường Đệ tam (Vạn Thạnh), phường Đệ tứ (Phương Sài) và. phường Đệ ngũ (Phước Hải).

Xe cộ không nhiều nên đường xá không cần rộng, dài. Nhìn từ trên không, hệ thống đường xá như một mạng nhện căng dài, một đầu hẹp máng vào vách đá Mả Vòng ở phía Tây và đầu kia toả ra như năm ngón tay chạm bờ biển cát trắng. Nhưng khổ một nỗi, các mắt nhện này quá nhặt, nghĩa là rất nhiều các ngã tư, lái xe trong đó thật không dễ dàng.

Thế nhưng, nghĩ cho kỹ, tính cách đặc biệt này làm cho thành phố có vẻ như gần gũi, ấm áp và thân mật hơn.

(trích từ “Ba năm ở An Nam” của Garielle M. Vassal, bản dịch của Nguyễn Nam Huân, phụ bản do Nam Huân viết)

(1) Xem Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, q.IX, bản dịch Phạm Trọng Điềm, NXB Thuận Hoá, Huế 1997, tr. 87-123.

(2) Xem Quách Tấn, Xứ trầm hương, Lá Bối Sài Gòn 1959, bản in tại Hoa Kỳ (?) không thấy đề năm tái bản, tr. 22-23.

(3) Sđd.

(4) Xem Gabrielle M- Vassal, Mes trois Ans d’Annam, Librairie Hachette, 3è Edition, paris 1911, tr.36.

(5) Sđd.

(6) Đại Nam nhất thống chí, sđd, tr. 88.

(7) Quách Tấn, sđd, tr. 106.

(8) Cung Giũ Nguyên, Plage du Vietnam, Nhatrang, Tạp chí Indochine, Sud- Est Asiatique, số 24, Décembre 1953, tr.51.

(9) Cung Giũ Nguyên, bđđ

(10) Gabrielle M- Vassal, sđd.

(11) Sinh thực khí của đàn ông. Cái của phụ nữ gọi là Yoni.

(12) Sđd.

(13) Sđd.

(14) Nhiệm vụ của viện là thiết lập bản tổng kê các loài sinh-thực vật từ vùng vịnh Bắc Kỳ cho tới tận vịnh Thái Lan, cũng như nghiên cứu phương cách thực tiễn tạo sự lên men của nước mắm, dầu cá và bột cá.

(15) Xem Quatre-Vingt ans d’histoire de l’Institut Océanographique de Nhatrang (Vietnam) tại http://www.vista.gov.vn/VistaEnglish/VistaWeb/caccoquan/vhdhe.htm.

(16) Chi tiết này do cụ Trần Đình Hảo, nguyên bí thư Toà Hành chánh tỉnh Khánh Hoà, nay định cư tại Tulsa, Oklahomacung cấp.