Đều được đánh giá là có tiềm năng lớn nhưng 8 công nghệ trên đều có điểm chung là không tìm được chỗ đứng của mình trên thị trường ô tô toàn cầu.
Kính chắn gió ảo: Jaguar Land Rover
JLR đã ra mắt tận 2 phiên bản kính chắn gió ảo trong vòng 5 năm qua nhưng không lần nào đưa vào ứng dụng thực tiễn. Lần giới thiệu đầu tiên mang tới một công nghệ mà về cơ bản là màn hình HUD cực lớn đủ sức hiển thị toàn bộ thông tin cần thiết cùng một lúc đồng thời có những ứng dụng đặc biệt trên đường đua chẳng hạn như tính toán khoảng cách cần phanh để vào cua (hiển thị ra trên màn hình) hay thậm chí là chính chiếc xe bạn đang ngồi ở vòng đua trước dưới dạng giả lập để so sánh thời gian hoàn thành mỗi chặng.
Lần tiếp theo JLR giới thiệu công nghệ kính chắn gió ảo là để hỗ trợ khả năng off-road trên các dòng xe SUV. Bằng cách tích hợp một camera tại mũi xe để quay lại không gian dưới đầu xe mà mắt thường không thể nhìn thấy, màn hình sẽ hiển thị toàn bộ không gian phía trước bằng cách đan xen hình ảnh thực lẫn hình ảnh mà camera thu được nhờ giấu đi đầu xe một cách khéo léo.
Đèn pha điều khiển bằng ánh mắt: Opel
Đúng như tên gọi của mình, hệ thống của Opel sử dụng camera tích hợp trong nội thất quay lại cử chỉ người dùng để điều chỉnh hướng chiếu của đèn pha phía trước.
Kính chắn gió rung: McLaren
Mục đích của hệ thống kỳ lạ mà McLaren dự định phát triển này là loại bỏ hoàn toàn hệ thống cần gạt mưa trên kính trước – một ý tưởng được ứng dụng trên máy bay quân sự. Bằng cách rung lắc nhẹ theo một tần số âm thanh nhất định ở tốc độ cực nhanh, nước bám trên kính trước sẽ không thể bám vững và nhanh chóng bị đẩy dần ra rìa.
Hệ thống treo điện từ: Bose
Vào giai đoạn thập niên 80 của thế kỷ trước, Bose – thương hiệu được biết đến với các dàn loa cao cấp trang bị trên xe sang, đã giới thiệu một hệ thống treo điện từ có khả năng tự thích ứng với bề mặt đường nhằm giúp xe vận hành trên đường núi gồ ghề không khác gì đường bằng. Vào thời điểm đó công nghệ này quá đắt đỏ và nặng nề do đó ý tưởng này đã nhanh chóng bị gạt bỏ, tuy nhiên hiện nay không ít thương hiệu công nghệ đang nghiên cứu để cho ra một hệ thống tương tự rẻ hơn, hiệu quả hơn, chẳng hạn như ClearMotion.
Tấm thân xe sợi carbon tích hợp ắc quy: Volvo
Vào năm 2013, thương hiệu Thụy Điển đã giới thiệu hệ thống tấm chế tạo thân xe làm bằng sợi carbon tổng hợp có khả năng lưu trữ năng lượng giống ắc quy. Theo Volvo, ắc quy là thành phần nặng nhất của một dòng xe điện và việc tích hợp khả năng lưu trữ năng lượng lên thân xe sẽ giúp giải phóng sự lệ thuộc vào chi tiết này. Họ thậm chí còn chế tạo một phiên bản thử nghiệm của dòng S80 trang bị chất liệu trên trên nắp ca pô, cốp, cửa xe và tấm trần xe.
Dù vậy, cho tới nay đã hơn 5 năm trôi qua nhưng công nghệ của Volvo vẫn chưa thể trở thành hiện thực có lẽ bởi độ rủi ro gây cháy cao khi gặp va chạm của chất liệu nói trên (do tích trữ năng lượng).
Lốp tạo điện: Goodyear
Bằng một chất liệu tổng hợp đặc biệt, Goodyear cho biết có thể chế tạo ra một loại lốp mà trên lý thuyết có khả năng sinh điện khi ô tô vận hành – giúp sạc đầy lại ắc quy mà không cần đưa xe vào trạm. Thậm chí chất liệu này cũng có khả năng hấp thụ ánh sáng mặt trời để sản sinh thêm năng lượng ngoài. Chỉ tiếc là cuối cùng thương hiệu lốp danh tiếng đã cho biết không thể đưa ý tưởng này vào thực tế.
Hốc đựng điện thoại ngắt sóng: Nissan
Sử dụng điện thoại khi lái xe là nguyên nhân gây ra hàng chục ngàn vụ tai nạn giao thông hàng năm và Nissan từng giới thiệu một ý tưởng công nghệ có tên Signal Shield vào năm 2017 để hạn chế hành động này. Bằng cách lắp đặt một hệ thống ngăn sóng dưới tựa tay trung tâm, tất cả sóng điện thoại ở phạm vi quanh đó (chủ yếu nhắm đến hốc đựng điện thoại trung tâm) sẽ bị ngắt hoàn toàn, đảm bảo không ai có thể làm người lái phân tâm.
Xe biến hình: BMW
Concept Vision Next 100 (2016) thể hiện ý tưởng về một dòng xe biến hình của BMW – vốn đã nhen nhóm từ concept GINA Light Visionary (2008). Với khung gầm vũ trụ vững chãi đi kèm lớp thân xe làm bằng chất liệu tổng hợp linh hoạt biến đổi điện tử, dòng concept của BMW có thể thay đổi hình dạng vật lý vốn có của mình. Thậm chí đèn pha cũng được bảo vệ bởi một cơ chế tương tự như mắt con người vậy: đóng vào khi không hoạt động và mở ra khi cần thiết. Dù vậy, mục đích chủ yếu của việc thay đổi hình dáng thân xe là để tối ưu hóa khả năng khí động học trong các trường hợp cần thiết.