Một trong những phim tình cảm hay nhứt trong giai đoạn phim đen trắng là phim La valse dans l’ombre, tên chuyển ngữ sang tiếng Pháp của phim Mỹ Waterloo Bridge do hảng phim Metro-Goldwyn-Mayer (thường được gọi tắt là MGM) sản xuất năm 1940, với hai tài tử nổi tiếng của thời đó là Robert Taylor và Vivien Leigh, và dàn dựng bởi nhà đạo diển lừng danh của giai đoạn đó là Mervyn LeRoy.

On The Waterfront, Aka Sur Les Quais Poster by Everett - Everett On Demand

Giai đoạm phim đen trắng

Phim tình cảm

Nội dung cuốn phim là câu chuyện tình rất lãng man và bi thảm giữa một sĩ quan quý tộc và một cô vũ nữ gặp nhau lần đầu trên chiếc cầu Waterloo ở Luân Đôn, dưa trên một kịch bản có cùng tên rất nổi tiếng của năm 1930. Cuốn phim này đã là một thành công lớn, được rất đông khán giả ưa thích, và đã được đề nghị 2 giải Oscar cho Best Music và Best Cinematography. Năm 1956 cuốn phim Gaby với 2 tài tử John Kerr và Leslie Caron chính là một phiên bản mới của cuốn phim này.[4]

Phim xã hội

Một trong những phim xã hội xuất sắc trong giai đoạn phim đen trắng là phim Sur les quais, tên chuyển ngữ tiếng Pháp của cuốn phim Mỹ có nhan đề là On the Waterfront, cuốn phim đánh dấu bước đầu phát triển sự nghiệp cua nam tài tử nổi tiếng Marlon Brando. Cuốn phim này do hảng phim Columbia phát hành năm 1954, dưa trên thiên phóng sự điều tra đã đoạt giải Pulitzer năm 1949 về chuyện bạo lực và tham nhũng trong nghiệp đoàn công nhân bến tàu tại thành phố Hoboken, tiểu bang New Jersey. Đạo diễn là Elia Kazan, với giàn diễn viên gạo cội gồm các nam tài tử Marlon Brando, Karl Malden, Lee J. Cobb, Rod Steiger, và nữ tài tử Eva Marie Saint. Phim được đề cử 12 giải Oscar của năm 1954 và đoạt được 8 giải trong đó có các Oscar cho:

  • Giải Oscar cho Phim Hay Nhứt (Academy Award for Best Picture)
  • Giải Oscar cho Đạo Diển Xuất Sắc Nhứt (Academy Award for Best Director cho Elia Kazan)
  • Giải Oscar cho Nam Diển Viên Chánh Xuất Sắc Nhứt (Academy Award for Best Actor cho Marlon Brando) Giải Oscar cho Nữ Diển Viên Phụ Xuất Sắc Nhứt (Academy Award for Best Supporting Actress cho Eva Marie Saint)[5].

Phim cao bồi

Một trong những phim cao bồi (tiếng Anh là phim Western) hay nhứt trong giai đoạn phim đen trắng là phim Le train sifflera trois fois, tên chuyển ngữ tiếng Pháp của phim Mỹ có tựa đề là High Noon, với tài tử nổi tiếng Gary Cooper trong vai chánh. Nội dung của cuốn phim là câu chuyện của một vị cảnh sát trưởng (sheriff) của một thị trấn nhỏ bị mọi người bỏ rơi, phải một mình đương đầu với một bọn côn đồ tìm đến trả thù. Cuốn phim này được hảng United Artists phát hành năm 1952, gây chấn động trong giới điện ảnh Hoa Kỳ, được đề nghị cho 7 giải Oscar của năm đó, và đã đoạt được tất cả 4 giải Golden Globe Awards và 4 giải Academy Awards (tức Oscar) như sau:

  • Giải Golden Globe cho Nam Diễn Viên Chánh (Golden Globe Award for Actor in a Leading Role cho Gary Cooper)
  • Giải Golden Globe cho Nữ Diễn Viên Phụ (Gloden Globe Award for Best Supporting Actress cho nữ tài tử Katy Jurado, nữ diễn viên gốc Mể Tây Cơ đầu tiên được trao giải này)
  • Giải Golden Globe cho Nhạc Nền của phim (Golden Globe Award for Music – Score cho Dimitri Tiomkin)
  • Giải Golden Globe cho Hình Ảnh Phim Đen Trắng (Golden Globe Award for Cinematographby – Black and White)
  • Giải Oscar cho Nam Diễn Viên Chánh (Academy Award for Best Actor cho Gary Cooper)
  • Giải Oscar cho Ráp Nối Phim (Academy Award for Film Editing cho Elmo Williams và Harry W. Gerstad)
  • Giải Oscar cho Nhạc Nền của Phim (Academy Award for Music – Score cho Dimitri Tiomkin) Giải Oscar cho Bản Nhạc Chánh của Phim (Academy Award for Music – Song cho Dimitri Tiomkin và Ned Washington, là 2 tác giả của bản nhạc “Do Not Forsake Me, My Darling”)

Có hai điều cần nói thêm về cuốn phim đen trắng xuất sắc này: 1) Người nữ diễn viên chánh trong phim này, đóng vai người vợ của viên cảnh sát trưởng, chính là nữ diễn viên Grace Kelly, về sau rất nổi tiếng, đã được Giải Oscar Cho Nữ Diễn Viên Chánh (Academy Award for Best Actress, 1955) trong phim The Country Girl cùng đóng chung với nam danh ca Bing Crosby, qua năm sau, 1956, Grace Kelly kết hôn với Ông Hoàng Rainier của Vương Quốc Monaco và trở thành Bà Hoàng Grace of Monaco; 2) Bản nhạc chánh của cuốn phim, Do Not Forsake Me, My Darling, sau đó được đưa vào đĩa hát với giọng ca của nam ca sĩ Frankie Laine và trở thành Top Hit của năm đó. Về sau, cặp bài trùng Dimitri Tiomkin – Frankie Laine sẽ được Hollywood sử dụng nhiều lần nữa trong các phim Western nổi tiếng khác như Gunfight at the OK Corral Last Train from Gun Hill.[6]

Giai đoạm phim màu

Phim lịch sử

Một trong những phim hay nhứt của thể loại lịch sử trong thời kỳ phim màu là phim Autant en emporte le vent, tên chuyển ngữ tiếng Pháp của phim Mỹ Gone With The Wind, dựa trên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng có cùng tên của tác giả Margaret Mitchell. Cuốn phim mô tả đời sống của người dân tại Miền Nam Hoa Kỳ, qua nhận vật nữ chính là Scarlett O’Hara, trong thời gian trước và sau Cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ (American Civil War, 1861-1865), với 2 nam nữ diễn viên chánh là Clark Gable và Vivien Leigh. Cuốn phim này do hảng phim MGM sản xuất vào năm 1939, và đạt được một thành công rực rỡ, được đề nghị tất cả 13 giải Oscar của năm đó và sau cùng đoạt được 8 giải như sau:

  • Giải Oscar cho Phim Hay Nhứt (Academy Award for Best Picture cho nhà sản xuất David O’Selznick)
  • Giải Oscar cho Đạo Diễn xuất Sắc Nhứt (Academy Award for Best Director cho Victor Fleming)
  • Giải Oscar cho Truyện Phim Dựa Trên Tiểu Thuyết Xuất Sắc Nhứt (Academy Award for Best Adapted Screenplay truy tặng cho Sidney Howard lúc đó đã qua đời)
  • Giải Oscar cho Nữ Diễn Viên Chánh Xuất Sắc Nhứt (Academy Award for Best Actress cho Vivien Leigh)
  • Giải Oscar cho Nữ Diễn Viên Phụ Xuất Sắc Nhứt (Academy Award for Best Supporting Actress cho Hattie McDaniel, nữ diễn viên da đen đầu tiên được trao tặng Oscar)
  • Giải Oscar cho Hình Ảnh Phim Màu (Academy Award for Best Cinematography – Color cho Ernest Haller và Ray Rennahan)
  • Giải Oscar cho Ráp Nối Phim (Academy Award for Film Editing cho Hal C. Kern và James E. Newcom)
  • Giải Oscar cho Dàn Cảnh Nghệ Thuật (Academy Award for Art Direction cho Lyle Wheeler)

Cuốn phim này về sau còn được phát hành thêm rất nhiều lần nữa vào các năm 1942, 1947, 1954, 1961, 1967, 1971, 1974, 1989, 1998 và gần đây nhứt là năm 2014. Theo sách Guinness World Records (về các kỷ lục thế giới), cuốn phim này, tính đến năm 2014, đã có số thu là 3, 44 tỷ đô la Mỹ, và trở thành cuốn phim thành công nhứt trong lịch sử điện ảnh.[7]

Phim chiến tranh

Một trong những phim về Đệ Nhị Thế Chiến làm khán giả say mê là cuốn phim Les canons de Navarone, tên chuyển ngữ tiếng Pháp của cuốn phim Mỹ có tựa đề là The Guns of Navarone, do 3 nam tài tử nổi danh thủ vai chánh là Gregory Peck, David Niven, và Anthony Quinn. Nội dung phim kể lại câu chuyện hào hùng của một toán biệt kích Đồng Minh thi hành một sứ mệnh vô cùng khó khăn là phá hủy một pháo đài gần như bất khả xâm phạm của quân Đức với những cổ đại pháo khổng lồ đe dọa nặng nề các chiến hạm của Đồng Minh trong vùng biển Aegean, là một biển nhỏ giữa Hy Lạp và Thổ Nhỉ Kỳ. Cuốn phim do hảng phim Columbia phát hành năm 1961, được đề nghị tất cả 7 giải Oscar của năm đó nhưng chỉ đoạt được một Oscar duy nhứt cho Xảo Thuật Xuất Sắc Nhứt (Academy Award for Best Special Effects cho Bill Warrington và Chris Greenham).[8]Tuy không đọat được nhiều Giải Oscar, cuốn phim này rất thành công về thương mại, chiếm hạng nhì về số thu của năm 1961. Một điều hiếm có là buổi chiếu ra mắt lần đầu tiên của phim (World premiere) vào ngày 27-4-1961 đã diễn ra tại Luân Đôn dưới sự chủ tọa của chính Nữ Hoàng Elizabeth II và Hoàng Tế Philip.

Phim trinh thám

Một trong những phim trinh thám xuất sắc của giai đoạn phim màu là phim Le crime était presque parfait, tên chuyển ngân tiếng Pháp của cuốn phim Mỹ có tựa đề là Dial M for Murder của đạo diễn lừng danh Alfred Hitchcock với hai diễn viên chánh, do hảng phim Warner Bros. phát hành năm 1954. Nội dung của cuốn phim là câu chuyện của một ông chồng ghen tức vì người vợ ngoại tình và quyết điịnh giết vợ. Kế hoạch giết vợ được tính toán và chuẩn bị rất kỹ lưởng, tỉ mỉ nhưng khi thực hiện thì sự việc không diễn ra được như đã được tính toán trước, và, sau cùng, hung thủ vẫn bị sa lưới do một sơ hở rất nhỏ. Cuốn phim là một thành công do tài đạo diễn của Hitchcock, một bực thầy của thể loại phim trinh thám, bí mật và cân nảo (mystery-thriller-suspense). Tuy không nhận được bất cứ một gỉai thưởng Oscar nào, cuốn phim đã được phần đông các nhà phê bình phim ảnh khen ngợi. Một trong tính cách tiêu biểu của Hitchcock là ông luôn luôn có đóng một vai thật phụ trong tất cả các phim do ông đạo diễn, và phim Dial M for Murder này cũng không đi ra ngoại cái lệ đó: sau khi cuốn phim bắt đầu được 13 phút, gương mặt ông xuất hiện trong một tấm ảnh đen trắng chụp tại một buổi họp mặt của một nhóm sinh viên và giáo sư. Năm 1998, phim A Perfect Murder, do hai diễn viên Michael Douglas (đóng vai người chồng) và Gwyneth Paltrow (đóng vai người vợ), là một phim quay lại (remake) của cuốn phim nổi tiếng này.

Phim gián điệp

Một trong những phim gián điệp hay nhứt trong giai đoạn phim màu là cuốn phim L’Homme qui n’a jamais existé, tên chuyển ngữ tiếng Pháp của cuốn phim Anh với tựa đề là The Man Who Never Was, do hảng phim 20th Century Fox phát hành vào năm 1956, với sự tham gia diễn xuất của các diễn viên nổi tiếng Clifton Webb và Gloria Graham. Nội dung truyện phim như sau: năm 1943, lực lượng Đồng Minh sắp sửa đổ bộ lên đảo Sicily ở phía Nam nước Ý; để đánh lừa quân Đức, tình báo Anh tạo ra một kế hoạch đặt tên là Operation Mincemeat nhằm khiến cho Đức phải tin là Đồng Minh sẽ đổ bộ lên Hy Lạp Để thực hiện kế hoạch này, tình báo Anh đã sử dụng một xác người chết vì sưng phổi, ngụy trang thành một vị Thiếu Tá Thủy Quân Lục Chiến Anh tên là William Martin, bị rớt máy bay trên biển Địa Trung Hài, xác trôi vào bờ biển của Tây Ban Nha tại một thị trấn mà tình báo Anh đã biết có sự hiện diện của một điệp viên giỏi của Đức. Xác chết của Thiếu Tá Martin có mang một cặp tài liệu về kế hoạch đổ bộ lên Hy Lạp của Đồng Minh. Kế hoạch thành công và Hitler đã ra lệnh cho các đơn vị đang trú đóng phòng thủ ở đảo Sicily phải di chuyển ngay sang Hy lạp. Nhờ vậy kế hoạch đổ bộ lên Sicily của Đồng Minh đã thành công dễ dàng. Cuốn phim dựa vào một chuyện có thật. Người tạo ra kế hoạch Mincemeat là Trung Tá Hải Quân Anh tên Ewen Montagu (do nam tài tử Clifton Webb thủ vai) đã viết lại câu chuyển này trong cuốn sách của ông có cùng tên xuất bản năm 1953, và chính Montagu cũng đã có đóng một vai nhỏ trong cuốn phim này.

Phim Nhật Bản

Cuốn phim Nhật Bản đầu tiên gây ấn tượng với khán giả khắp thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng là phim Bảy người hiệp sĩ (Seven Samurai), do Akira Kuroshawa đạo điễn và nam tài tử Toshiro Mifine đóng vai chánh, do hảng phim Toho phát hành năm 1954. Nội dung phim như sau: dân chúng trong một ngôi làng luôn bị một bọn cướp đe dọa đã quyết định tìm thuê một số hiệp sĩ lang thang (ronin) đến giúp họ bảo vệ làng. Có tất cả 7 hiệp sĩ đã đồng ý tham gia và họ đã giúp dân làng thắng và diệt được bọn cướp nhưng 4 người trong số họ đã hy sinh. Cặp bài trùng Akira Kuroshawa – Toshiro Mifune còn cộng tác trong một số phim khác, trong đó nổi tiếng nhứt là phim Rashomon (Địa Ngục Môn). Một điểm cần nói thêm là cả 2 phim Bảy người hiệp sĩ Rashomon về sau đều được Hollywood phóng tác thành phim theo thể loại cao bồi (Western). Phim Bảy người hiệp sĩ được phóng tác thành phim The Magnificent Seven (tên chuyển ngữ tiếng Pháp là Les sept mercenaires) do hảng phim United Artists sản xuất vào năm 1960 với một giàn tài tử gạo cội gồm Yul Brynner, Eli Wallach, Steve McQueen, Charles Bronson, Robert Vaughn, James Coburn, và diển viên người Đức Horst Buchholz. Mới đây, năm 2016, Hollywood lại làm lại phim The Magnificent Seven một lần nữa, do hảng phim MGM sản xuất, với vai chánh do nam tài tử da đen nổi tiếng (đã từng đoạt giải Oscar 2 lần) Denzel Washington đãm nhận, và có sự tham gia của nam tài tử Hàn Quốc nổi tiếng Lý Bỉnh Hiền (Lee Byung-hun). Phim Rashomon được phóng tác thành phim The Outrage, do hảng phim MGM sản xuất năm 1964 với các tài tử nổi tiếng Paul Newman, Laurence Harvey, Edward G. Robinson, William Shatner, và Claire Bloom.

Phim Hồng Kông

Cùng lúc với phim Nhật Bản, phim Hồng Kông cũng được chiếu ở các rạp xi-nê ở Sài Gòn. Phần lớn là phim võ thuật và kiếm hiệp. Những tài tử tên tuổi của Hồng Kông như Vương Vũ, Địch Long, Khương Đại Vệ, Trịnh Phối Phối trở nên quen thuộc với khán giả Sài Gòn. Một trong số những phim có số thu cao nhứt là phim Độc Thủ Đại Hiệp với Khương Đại Vệ đóng vai chánh. Sang đầu thập niên 1970, một loạt phim võ thuật với nam tài tử Lý Tiểu Long trong vai chánh đã làm say mê khán giả xi-nê Sài Gòn: Tinh Võ Môn, Đường Sơn đại huynh, Lonh tranh hổ đấu, vv. Cùng một lúc, khán giả xi-nê Sài Gòn lại bắt đầu được thưởng thức một loạt phim tình cảm, xã hội, dựa trên các tiểu thuyết đang ăn khách của nữ tác giả Quỳnh Dao, như Hải âu phi xứ, Mùa thu là bay với cặp tài tử Chân Trân và Đặng Quang Vinh. Tôi đã được xem các phim này tại rạp Lệ Thanh trong Chợ Lớn.

Phim Ấn Độ

Cuốn phim Ấn Độ đầu tiên được chiếu ở Sài Gòn, nếu tôi nhớ không lầm, là tại rạp Thanh Bình, là một phim màu, thuộc thể loại thần thoại. Điều đặc biệt nhứt khiến mọi người đều nhớ về phim Ấn Độ là phần âm nhạc của các phim, với âm điệu réo rắt, nhưng nghe rất nhàm chán vì gần như tất cả bài hát đều nghe giống hệt nhau. Sau đó, trong một thời gian, người Sài Gòn được xem cả một loạt phim xả hội cùng do cặp tài tử Ganeshan và Savitri đóng các vai chánh. Về sau chỉ còn một rạp duy nhứt tiếp tục chiếu phim Ấn Độ là rạp Long Phụng ở cuối đường Gia Long, gần Ngã Sáu Sài Gòn.

Thay Lời Kết

Xem xi-nê là một thú giải trí rất được ưa chuộng của gần như tất cả các tầng lớp người Sài Gòn trước 1975. Không phải như hiện nay với máy vi-tính và với kỹ thuật video, thời đó muốn xem phim mọi người phải đi đến các rạp xi-nê ở rải rác khắp thành phố, từ vùng Đakao – Tân Định, Bà Chiểu – Gia Định, ra đến trung tâm Sài Gòn, Chợ Cũ, và vào tận cả trong khu người Hoa ở Chợ Lớn. Phần lớn các rạp xi-nê đều chiếu theo xuất, chỉ có một số chiếu thường trực suốt ngày. Phim trình chiếu thì có đủ tất cả các thể loại: tình cảm, xã hội, lịch sử, cao bồi, trinh thám, gián điệp, vv. Phần lớn là phim Mỹ với chuyển âm tiếng Pháp, hay phụ đề tiếng Việt. Trong giai đoạn này, phần lớn các phim Mỹ đều có cốt truyện rất hay, với kỹ thuật sản xuất (dàn dựng, màu sắc, âm thanh, ráp nối phim, vv) có chất lượng cao và các nam nữ tài tử đều diễn xuất thật xuất sắc.

______________

Ghi Chú:


[1] Trần Đăng Chí. Rạp xi-nê Sài Gòn trước 1975, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: http://trandangchi.blogspot.com/2007/11/rap-xi-n-sai-gon-trc-1975.html Trong số khá nhiều tài liệu trực tuyến trên Internet về các rạp xi nê ở Sài Gòn trước 1975, tài liệu này có thể được xem là đầy đủ nhứt.

[2] Bùi Thanh Kiên. Phương ngữ Nam Bộ: ghi chép & chú giải. Tập 1: A – K. Hà Nội: Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2015. Tr. 286: Cọp: phó từ, tiếng lóng: khỏi phải trả tiền, thí dụ: coi hát cọp, hút thuốc cọp.

[3] Nhớ về rạp xi-nê Rex, rạp tối tân nhất Đông Nam Á trước 1975, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://www.cochinchine-saigon.com/nho-ve-rap-xi-ne-rex-rap-toi-tan-nhat-dong-nam-a-truoc-1975/

[4] Waterloo Bridge (1940 film), tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://en.wikipedia.org/wiki/Waterloo_Bridge_(1940_film)#Reception

[5] On the Waterfront, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://en.wikipedia.org/wiki/On_the_Waterfront

[6] High Noon, tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://en.wikipedia.org/wiki/High_Noon

[7] Gone with the Wind (film), tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://en.wikipedia.org/wiki/Gone_with_the_Wind_(film)

[8] The Guns of Navarone (film), tài liệu trực tuyến, có thể đọc toàn văn tại địa chỉ Internet sau đây: https://en.wikipedia.org/wiki/The_Guns_of_Navarone_(film)

Lâm Vĩnh Thế, 31-3-2019

(trích “Nhớ lại chuyện coi xi nê ở Sài Gòn trước 1975”)