Không chỉ là biểu tượng cho quyền lực của nhà Nguyễn, điện Thái Hòa còn được coi là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc cung đình Huế.

Nằm ở trung tâm của Hoàng Thành Huế, điện Thái Hòa được coi là biểu tượng cho quyền lực của nhà Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.

Cung điện có tầm quan trọng đặc biệt này là nơi đặt ngai vàng của nhà Nguyễn, đồng thời là chứng tích ghi dấu sự đăng quang của 13 vị vua triều Nguyễn, từ Gia Long đến Bảo Đại.

Là gương mặt của một đất nước, điện Thái Hòa được xây dựng với quy mô bề thế và tráng lệ, có diện tích 1360 m² trên nền cao 1 mét, trông ra một sân rộng gọi là sân Đại Triều Nghi. Đây là ngôi điện lớn nhất trong hàng chục cung điện ở khu vực Hoàng thành Huế.

Cung điện này được xây theo lối trùng thiềm điệp ốc, một lối kiến trúc điển hình ở kinh thành Huế. Đó là việc hợp nhất hai nhà trước sau trên một mặt bằng để tạo một không gian rộng lớn, liên hoàn. Hai khối nhà trước – sau của điện đều có 7 gian hai chái.

Nhà sau (chính điện) có mái cao hơn và lòng sâu hơn nhà trước (tiền điện). Từ trước đến sau có 7 bước cột (không kể cột hiên), trong đó có một bước cột chung giữa hai nhà.

Hệ thống vì kèo của nhà trước được làm kiểu “chồng rường – giả thủ”, nhà sau được làm theo kiểu “vì kèo cánh ác” đơn giản hơn. Ngoài việc có vai trò kết cấu đỡ toàn bộ hệ mái ngói thì hệ vì kèo này được chạm trổ rất tinh xảo, có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo nên giá trị thẩm mỹ của công trình

Mái điện Thái Hòa lợp ngói hoàng lưu ly, được chia làm ba tầng. Đó là một thủ pháp của những nhà kiến trúc thời Nguyễn nhằm làm giảm độ lớn, sự đồ sộ của phần mái, tạo nên yếu tố nhẹ nhàng và duyên dáng cho công trình.

Bờ nóc trên đỉnh mái và khoảng ngăn cách giữa mái thượng và mái hạ – gọi là dải cổ diêm được chia ra nhiều ô hộc trang trí những hình vẽ và thơ văn.

Cứ một ô hình vẽ lại có một ô đề thơ, đây là lối trang trí “nhất thi nhất họa” rất độc đáo của điện Thái Hòa.

Lối trang trí này cũng có trong nội thất điện, nhưng khác ở chỗ là thay vì các hình vẽ khác nhau giữa các ô đề thơ, là các hình trang trí hoa văn lặp lại.

Nội thất điện Thái Hòa rộng thênh thang, được sơn son thếp vàng lộng lẫy. 80 cột gỗ lim trong điện được sơn thếp và trang trí hình rồng vờn mây – một biểu tượng về sự gặp gỡ giữa hoàng đế và quần thần đúng như chức năng vốn có của ngôi điện.

Trung tâm của chính điện là ngai vàng của các vua nhà Nguyễn, được đặt trên bục gỗ ba tầng, chạm trổ hình rồng rất cầu kỳ.

Phía trên ngai vàng có bửu tán thếp vàng và pháp lam lộng lẫy. Phía sau ngai vàng là một hệ thống đố bản ngăn cách với phía sau, có các cửa đi ở giữa và hai bên.

Điện Thái Hòa là nơi thể hiện quyền uy của đấng thiên tử. Vì vậy hình tượng rồng – biểu tượng của đấng quân vương – là chủ đề chính trong các họa tiết trang trí ở cung điện này.

Hình rồng được thể hiện trên nhiều vị trí bằng nhiều chất liệu, với nhiều tư thế, hình dáng, nhiều góc độ. Từ bên sân Đại Triều Nghi cho tới thềm điện, rồng chầu được chạm khắc trên những lan can bậc đá, được chạm quấn xung quanh cột hiên.

Rồng cũng được cách điệu trên những con sơn gỗ của hệ kết cấu đỡ mái hiên.

Trên mái, rồng được đắp ở đỉnh mái, trên bờ nóc, bờ quyết của các tầng mái với nghệ thuật khảm sành sứ rất đặc trưng của kiến trúc cung đình Huế.

Các chi tiết trang trí rồng ở trên mái có tính nghệ thuật rất cao, thể hiện tài năng của những nhà thiết kế và nghệ nhân xây dựng công trình.

Giới nghiên cứu đánh giá, Điện Thái Hòa là một công trình tiêu biểu trong hệ thống kiến trúc cung đình Huế cũng như các kiến trúc cung điện nói riêng của Hoàng thành.

Ở đây hội tụ gần như tất cả những tinh hoa về nghệ thuật kiến trúc – trang trí, kỹ thuật xây dựng của thời Nguyễn, tạo nên một phong cách rất đặc trưng của Huế. Có thể nói cung điện này là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc cung đình Huế.

Dưới thời nhà Nguyễn, điện Thái Hòa cùng với sân Đại Triều Nghi là địa điểm được dùng cho các buổi triều nghi quan trọng của triều đình như lễ Đăng Quang, sinh nhật của vua, những buổi đón tiếp sứ thần chính thức. Hàng tháng, các buổi đại triều được tổ chức 2 lần vào ngày mồng 1 và 15 Âm lịch.

Vào những dịp này, nhà vua ngồi uy nghiêm trên ngai vàng. Chỉ các quan Tứ trụ và hoàng thân quốc thích được phép vào điện diện kiến. Các quan khác có mặt đông đủ và đứng xếp hàng ở sân Đại Triều Nghi theo cấp bậc và thứ hạng. Tất cả các vị trí đều được đánh dấu trên hai dãy đá đặt hai bên sân.

Quá trình xây dựng và trùng tu điện Thái Hòa được chia làm 3 thời kỳ chính, mỗi thời kỳ đều có những thay đổi lớn, cải tiến về kiến trúc và trang trí. Thời kỳ đầu tiên, vua Gia Long cho khởi công xây dựng điện vào ngày 21/2/1805 và hoàn thành vào tháng 10 cùng năm.

Năm 1833, vua Minh Mạng khi quy hoạch lại hệ thống kiến trúc cung đình ở Đại Nội đã cho dời điện về mé Nam và làm lại đồ sộ và lộng lẫy hơn. Năm 1923, điện Thái Hòa được “đại gia trùng kiến” dưới thời vua Khải Định để chuẩn bị cho lễ Tứ tuần Đại khánh tiết của nhà vua (mừng nhà vua tròn 40 tuổi) năm 1924.

Qua các đợt trùng tu lớn nói trên và nhiều lần trùng tu sửa chữa nhỏ khác dưới thời vua Thành Thái, Bảo Đại và thời gian gần đây (vào năm 1960, 1970, 1981, 1985 và 1992) điện Thái Hòa đã ít nhiều có thay đổi. Tuy nhiên, cốt cách cơ bản của điện vẫn được bảo lưu, nhất là về kết cấu kiến trúc và trang trí mỹ thuật.

Ngày nay, điện Thái Hòa là công trình có giá trị nổi bật trong quần thể di tích Cố đô Huế – Di sản văn hóa thế giới của Việt Nam. Đây là địa điểm mà bất cứ du khách nào cũng sẽ ghé thăm khi đặt chân tới Hoàng thành Huế.